LOẠN SẢN KHỚP HÁNG Ở TRẺ SƠ SINH

Cập nhật lần cuối vào 27/09/2023

Mục lục

Đại cương

Loạn sản phát triển Khớp háng (Đúng hơn là Loạn sản Khớp Háng trong quá trình phát triển (Developmental Dysplasia of the Hip = DDH) trước đây thường được gọi là trật khớp háng bẩm sinh là một dị tật khá thường gặp ở trẻ nhỏ mới sinh.

Nếu không được sàng lọc và phát hiện can thiệp kịp thời có thể dẫn đến biến dạng khó điều chỉnh, ảnh hưởng lớn đến chức năng đi đứng, chạy nhảy của trẻ về sau. 

Lúc sinh: chỏm xương đùi (Femoral Head, FH) và ổ cối (Acetabulum, A) vẫn là sụn. Sau sinh: ổ cối tiếp tục phát triển và sâu hơn do sự tăng trưởng của sụn viền. Quá trình hoàn thiện khớp háng tiếp tục khi trẻ nằm, bò, ngồi và đứng đi đến 2-3 tuổi.

DDH là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng trong đó chỏm xương đùi có mối quan hệ bất thường với ổ cối. Tình trạng này có thể xảy ra trong tử cung, chu sinh và trẻ nhỏ

Khớp háng bình thường, bán trật và trật

DDH bao gồm một phổ rộng các bất thường của khớp háng, từ nhẹ (khớp háng không vững, không ổn định) cho đến bán trật khớp, trật khớp thật sự hoặc biến dạng ổ cối.

Nguyên nhân:

  • Thường gặp ở trẻ gái (6/1)
  • Bên trái nhiều hơn (60%),
  • Tiền sử gia đình
  • Sinh con so
  • Lỏng dây chằng
    • Do nội tiết tố của người mẹ (relaxin)
    • Trình trạng lỏng dây chằng trong gia đình
  • Tư thế thai nhi trong tử cung (ngôi mông, đặc biệt là với các trường hợp bàn chân đưa lên đến vai)
  • Nước ối ít
  • Sau sinh bao bọc trẻ quá mức (đặc biệt ở một số vùng có phong tục bọc trẻ) kết hợp với lỏng lẻo dây chằng
Giữ trẻ ở tư thế khép háng (a) sẽ làm tăng nguy cơ trật khớp háng so với để tự nhiên (b)

Triệu chứng

Nhiều trường hợp trẻ sinh ra trật khớp háng mà không có dấu hiệu rõ rệt bên ngoài. Do đó cần khám sàng lọc sau sinh thường quy, nhất là với trẻ gái.

Với trẻ nhỏ (<3 tháng), chẩn đoán lâm sàng chủ yếu dựa vào phát hiện sự mất vững dựa vào các nghiệm pháp Barlow (khép và duỗi háng) và Ortolani (gập và dạng háng, là nghiệm pháp chỉnh trật). Người khám nghe hoặc sờ thấy một tiếng “cục” do chỏm xương đùi trật ra (trong nghiệm pháp Barlow) hoặc vào lại (trong nghiệm pháp Ortolani) ổ cối. Các nghiệm pháp này ít khi dương tính sau 3 tháng tuổi vì sự co rút mô mềm quanh khớp háng.

Với trẻ lớn hơn (>3 tháng đến 1 năm), hạn chế dạng háng là test nhạy nhất do sự co rút bắt đầu xảy ra. Tình trạng bất đối xứng thể hiện rõ hơn, với sự chênh lệch chiều dài hai chân, các nếp nhăn đùi, mông không đối xứng.

Nghiệm pháp thường sử dụng để đánh giá chênh lệch chiều dài chi là Galeazzi (Allis). Đặt hai chân trẻ ở tư thế háng gấp và gối gấp 90 độ, hai bàn chân đặt lên bàn. Khớp gối bên trật khớp háng sẽ thấp hơn.

Nghiệm pháp Barlow (trái) và Ortolani (phải)
Galeazzi test

Ở trẻ lớn hơn (> 1 tuổi – tuổi tập đi). Bố mẹ thường phát hiện trẻ có dáng đi bất thường, chịu lực vào một chân, chênh lệch chiều dài chân. Trẻ có dáng đi bó chân do hạn chế dạng háng và co rút cơ khép háng.

Hình ảnh học

  • Siêu âm khớp háng (trẻ <4 tháng tuổi): là xét nghiệm hình ảnh học quan trọng giúp chẩn đoán trật khớp háng, và là xét nghiệm sàng lọc ở những trẻ có nguy cơ cao (thường được làm lúc 4-6 tuần tuổi ở trẻ có tiền sử gia đình hoặc ngôi mông).
  • X quang khớp háng (trẻ >4 tháng tuổi, khi chỏm xương đùi bắt đầu cốt hoá): phát hiện chỏm xương đùi nằm lệch vị trí (lên trên và ra ngoài). Một số dấu chỉ điểm là:
    • Đường Hilgenrêiner nằm ngang đi qua đáy ổ cối (Bình thường chỏm nằm dưới đường này).
    • Đường Perkin/Ombredanne đứng dọc, vuông góc với đường Hilgenrêiner và đi qua điểm ngoài cùng của ổ cối (Bình thường chỏm nằm phía trong đường này).
    • Chỉ số góc ổ cối (Acebabular Index), trung bình 27.5 độ ở trẻ sơ sinh, 23.5 độ ở trẻ 6 tháng. Trong loạn sản khớp háng góc này mở lớn hơn 30 độ.
    • Cung bịt (đường Shenton), liên tục với bời trong xương đùi.
X quang trật khớp háng trái

Điều trị

Khi DDH được phát hiện sớm sau sinh, nó thường có thể chỉnh sửa được bằng đai hoặc nẹp. Nếu khớp háng không bị trật khi mới sinh, có thể không phát hiện được tình trạng này cho đến khi trẻ bắt đầu biết đi. Lúc này, việc điều trị sẽ phức tạp hơn, và kết quả khó lường trước được.

Điều trị bảo tồn

Phương pháp điều trị phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và mức độ biến dạng.

Trẻ sơ sinh – 6 tháng tuổi. Khớp háng bị DDH được giữ ở tư thế đúng (gập, dạng) bằng nẹp hoặc đai. Phổ biến là đai Pavlik, thường được đeo toàn thời gian trong ít nhất 6 tuần, và sau đó bán thời gian thêm 6 tuần.

Nếu không giữ được tư thế đúng bằng đai, có thể sử dụng một loại nẹp khác bằng vật liệu cứng hơn (nhựa).

Nẹp dạng háng Rhino
Bột spica

6 tháng đến 2 tuổi. Những trẻ lớn hơn cũng được điều trị bằng phương pháp nắn chỉnh và bó bột. Trong hầu hết các trường hợp, có thể sử dụng lực kéo liên tục lên xương đùi qua da trong vài tuần trước khi nắn chỉnh. Lực kéo qua da chuẩn bị cho các mô mềm xung quanh khớp háng để tạo điều kiện thuận lợi cho nắn chỉnh.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là traction-2.jpeg
Kéo liên tục

Phẫu thuật

6 tháng đến 2 tuổi. Nếu kỹ thuật nắn chỉnh không thành công, cần phải phẫu thuật mở để đưa chỏm xương đùi vào ổ khớp. Sau đó, trẻ được bó bột spica để duy trì vị trí hông thích hợp.

Trên 2 tuổi. Trẻ ở lứa tuổi này khó có thể điều trị bảo tồn thành công. Phẫu thuật ở lứa tuổi càng lớn tiên lượng kết quả càng kém.

  • Chỉ định phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ từ 1-3 tuổi là tốt nhất
  • 3-5 tuổi đặt lại khớp háng được nhưng kết quả không cao
  • 5-8 tuổi đặt lại khớp háng khó và ít thành công, kỹ thuật phức tạp.
  • Sau 8 tuổi không phẫu thuật

Sau phẫu thuật trẻ cần được bó bột cố định một thời gian 2 -3 tháng, tập phục hồi chức năng để lấy lại tầm vận động, cơ lực hai chân và khả năng đứng, đi lại.

Cần đánh giá lại trẻ định kỳ qua khám lâm sàng và chụp X quang/CT hoặc cộng hưởng từ.

Phẫu thuật chỉnh hình

Bó bột sau phẫu thuật

GIữ tư thế dạng chân

Tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật:

Tập ngồi, quỳ
Tập đứng, đi

XEM VIDEO: 

Tiên lượng

Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị thành công, trẻ có thể phát triển khớp háng bình thường và không bị hạn chế về chức năng. Nếu không được điều trị, DDH có thể dẫn đến đau và thoái hoá khớp sớm, chệnh lệch chiều dài chi, ảnh hưởng khả năng đứng đi chạy nhảy bình thường.

Ngay cả khi được điều trị thích hợp, biến dạng khớp háng và thoái hoá khớp có thể phát triển sau này trong cuộc sống, nhất là ở những trẻ được điều trị muộn.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

1 bình luận về “LOẠN SẢN KHỚP HÁNG Ở TRẺ SƠ SINH”

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này