Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023
MỤC TIÊU HỌC TẬP
Người đọc sẽ có thể:
1. Định nghĩa thuật ngữ “vẹo cột sống” và xác định cách phân loại các đường cong xuất hiện trong cột sống.
2. Nhận biết các sai lệch tư thế thường gặp xảy ra với vẹo cột sống vô căn.
3. Trình bày các nguyên tắc điều trị thông thường được áp dụng với bệnh nhân bị vẹo cột sống vô căn.
4. Xác định vai trò của VLTL trong điều trị vẹo cột sống vô căn.
Mục lục
Thăm khám
BỆNH SỬ
Bệnh nhân là một trẻ gái da trắng 12 tuổi, được bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình giới thiệu đến vật lý trị liệu với chẩn đoán vẹo cột sống vô căn. Bác sĩ giới thiệu yêu cầu thiết lập một chương trình tập luyện kết hợp với điều trị chỉnh hình đường cong cột sống. Trước đó, bác sĩ nhi khoa của bệnh nhân đã phát hiện ra vẹo cột sống trong một cuộc khám sức khỏe hàng năm. Các đường cong hiện tại đo trên X quang là một đường cong ngực phải (T5-11) 33 độ và một đường cong thắt lưng trái (T11-L4) 30 độ. Bệnh nhân được đeo nẹp Boston 2 tuần trước khi khám vật lý trị liệu lần đầu và được khuyến cáo nên đeo nẹp 23 giờ mỗi ngày. Bệnh nhân cho biết có một số khó khăn khi làm quen với nẹp, do cảm giác khó chịu ban đầu khi đeo và thường cảm thấy tự ti khi mang nẹp; tuy nhiên, cháu cũng cho biết “không đau” ở lưng sau khi đeo nẹp trong 2 tuần.
Bệnh nhi đang học lớp 7 và tham gia tập thể dục tại trường nhưng không thực hiện các hoạt động ngoại khóa khác. Cháu nhìn chung khỏe mạnh, không có tiền sử chấn thương cơ xương khớp. Vào thời điểm thăm khám cháu chưa bắt đầu có kinh nguyệt.
ĐÁNH GIÁ HỆ THỐNG
Da lông. Không có dấu hiệu nào đáng chú ý ngoại trừ hai vùng da nhỏ hơi ửng đỏ được ghi nhận trên hai mào chậu sau khi tháo nẹp. Các vết đỏ này mất đi trong vòng 10 phút sau khi tháo nẹp.
Hệ thống cơ xương
Nhìn. Không phát hiện chênh lệch nào về chiều dài chân. Quan sát từ phía sau cho thấy một đường cong cột sống ngực lồi sang bên phải và một đường cong thắt lưng với lồi sang trái. Độ cong nhìn chung đã bù trừ tốt, nhưng bệnh nhân có biểu hiện nghiêng đầu sang bên phải, vai trái hạ thấp xuống và nếp gấp ở eo bên trái cao hơn. Xương sườn bên phải của cháu gù về phía sau khi gập người về phía trước, và cơ dựng gai bên phải nổi rõ hơn. Xương bả vai cũng nổ rõ cả hai bên. Quan sát từ phía trước cho thấy thành ngực nổi rõ hơn ở bên trái.
Sờ. Không sờ thấy sự co thắt cơ nào ở cả hai bên của cột sống.
Tầm vận động. Tầm vận động (ROM) ở chi dưới nằm trong giới hạn bình thường, ngoại trừ căng các cơ hamstring, làm cho góc khoeo 145 độ ở cả hai bên. ROM chủ động đối với thân cho thấy gập ra trước giảm 50% (tức là các đầu ngón tay chỉ chạm tới giữa đùi), nghiêng sang bên phải giảm 30% (tức là các đầu ngón tay chỉ chạm đến đầu gối), và xoay sang bên trái giảm 30% khi so với hướng ngược lại.
Sức mạnh cơ. Nhìn chung, sức mạnh của bệnh nhân từ khá đến tốt, với các kết quả sau: điểm chung cho cơ chi trên và chi dưới 4/5, cơ thẳng bụng 4/5 và cơ chéo bụng, duỗi thân và bả vai 3/5.
Các khớp khác. Bệnh nhân không đau các khớp háng hoặc gối, và ROM đủ tầm không đau, ngoại trừ các dấu hiệu và triệu chứng cụ thể đã được xác định trước đó.
Các nghiệm pháp đặc biệt. Cả thử nghiệm Thomas và thử nghiệm Ober đều dương tính hai bên, mặc dù không đo lường khách quan nào được thực hiện. Bệnh nhân độc lập với mặc quần áo và mọi hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Cháu cần một ít hỗ trợ để đeo nẹp nhưng độc lập khi tháo nẹp. Cháu có thể đi bộ 10 phút trên máy chạy bộ với tốc độ 2,5 dặm / giờ trên bề mặt bằng. Khó thở khi giao tiếp xuất hiện sau 7 phút với bệnh nhi báo mệt. Giá trị nhịp tim và nhịp thở được trình bày ở Bảng 6-1.
Bảng 6.1: Nhịp tim đích: 156 đến 169
Lúc nghỉ | Đỉnh | Làm nguội | |
Nhịp tim | 78 | 168 | 84 |
Nhịp thở | 18 | 36 | 24 |
Bệnh nhân bù trừ tốt, với đường cong lồi sang phải ở ngực và lồi sang trái ở thắt lưng. Những dấu hiệu mất cân đối nào được xác định đã được mong đợi cho bệnh nhân này?
Các điểm bất cân xứng sau được mong đợi:
- Vai bên lõm của đường cong ngực hạ thấp
- Xương bả vai cách xa cột sống hơn ở phía lõm của đường cong ngực.
- Các nếp gấp ở eo hông cao hơn ở mặt lõm của đường cong thắt lưng.
- Mào chậu ở phía lõm của đường cong thắt lưng cao hơn
- Khối gù xương sườn ở mặt lồi của đường cong ngực.
- Cơ dựng sống nổi rõ hơn ở phía lồi của đường cong ngực.
- Thành ngực bên mặt lõm của đường cong ngực nổi rõ hơn
Chẩn đoán
Các mẫu thực hành KTV Vật lý trị liệu 4A: Dự phòng sơ cấp / Làm giảm nguy cơ mất khoáng hoá cho xương, và 4B: Khiếm khuyết về tư thế.
Tiên lượng (bao gồm cả kế hoạch chăm sóc)
Việc đeo nẹp và một chương trình tập luyện tại nhà tích cực trong một khoảng thời gian hy vọng sẽ làm cho cột sống sẽ thẳng một cách bình thường hơn mà không có biến chứng đáng kể. Số lần thăm khám điều trị dự kiến là từ tám đến mười hai lần. Ban đầu, bệnh nhân được hẹn gặp từ 5 đến 6 lần để được hướng dẫn chương trình tập luyện tại nhà, nhằm cải thiện độ mềm dẻo và sức mạnh cũng như thiết lập một chương trình sức bền aerobic. Bệnh nhi và bố mẹ cùng lập một bảng kiểm để ghi lại sự tuân thủ với chương trình tập luyện và đeo nẹp. Bệnh nhân được theo dõi mỗi 3 đến 4 tháng để đánh giá lại và cập nhật chương trình tập luyện khi cần thiết trong suốt những năm trưởng thành.
CÁC MỤC TIÊU NGẮN HẠN
Bệnh nhân sẽ:
1. Làm quen hơn với việc mang nẹp và thực hiện tốt hơn trong việc đeo và tháo nẹp một cách độc lập trong tuần đầu tiên sau khi nẹp được chỉ định.
2. Thực hiện một chương trình tập thể dục tại nhà để phòng ngừa teo cơ do không sử dụng do đeo nẹp bắt đầu trong tuần thứ hai của điều trị và tiếp tục trong khi cháu tham gia trị liệu.
3. Hoạt động thể chất nhiều hơn khi đeo nẹp để phát triển và cải thiện tư thế cột sống.
MỤC TIÊU DÀI HẠN
Bệnh nhân sẽ:
1. Gia tăng sức mạnh các cơ ở thân mình và tiếp tục cải thiện tư thế tĩnh vào cuối tuần thứ tám.
2. Tăng tính mềm dẻo, sức mạnh và sức bền cơ của thân mình liên quan đến teo cơ do không sử dụng vào cuối tuần thứ mười.
3. Phát triển đủ sức mạnh để đảm bảo rằng những cải thiện trong tư thế tĩnh được duy trì trong quá trình hoạt động liên tục từ giai đoạn đầu của quá trình điều trị cho đến cuối tuần thứ mười hai.
4. Giảm dần sự phụ thuộc vào nẹp và trở nên độc lập hơn, duy trì độ cong bình thường của cột sống bắt đầu từ tuần thứ mười và dần dần hướng tới sự độc lập mà không cần nẹp vào tuần thứ mười lăm.
Can thiệp
Điều trị ban đầu bao gồm vận động thụ động các đoạn cột sống ngực và cột sống thắt lưng để đánh giá khả năng làm giảm vẹo cột sống và đưa cột sống trở lại sự thẳng hàng thích hợp hơn. Một khi đường cong được đánh giá là hoàn toàn có thể đảo ngược được, bệnh nhân và cha mẹ của cháu đã được hướng dẫn về thế nào là một tư thế cột sống “bình thường”. Trẻ được thiết lập mục tiêu của chương trình điều trị, và được cung cấp một chương trình tập luyện cụ thể để hỗ trợ đạt mục tiêu này. Các bài tập được thiết kế sao cho các cơ ở mặt lồi của đường cong co lại để thúc đẩy làm thẳng phần lõm ở phía đối diện của cột sống trong khi các cơ ở mặt lõm của đường cong được kéo căng để cho phép vận động thích hợp. Có một số bài tập được thực hiện độc lập bởi bệnh nhân và một số bài tập được thực hiện bởi bệnh nhân với sự hỗ trợ của cha mẹ cháu. Kích thích điện đã được sử dụng trên mặt lồi của đường cong (vào ban đêm) để thay đổi hướng của biến dạng, giảm lực ép ở mặt lõm và cho phép cột sống phát triển bình thường hơn.
Kết quả
Ban đầu, bệnh nhân tương đối không tuân thủ với cả đeo nẹp và thực hiện chương trình tập luyện của mình. Sau một vài thảo luận, bệnh nhi thừa nhận rằng cháu cảm thấy rất tự ti khi mang nẹp và đã bị trêu chọc ở trường khi đeo nó.
Những bước nào đã được thực hiện để khuyến khích bệnh nhi tiếp tục đeo nẹp và thực hiện chương trình tập luyện?
Giải pháp thay thế đeo nẹp là can thiệp phẫu thuật đã được thảo luận với cả bệnh nhân và cha mẹ của cháu. Họ đồng ý thử sử dụng nẹp trong ít nhất 6 tháng để tránh phẫu thuật.
Sau khi đeo nẹp và thực hiện các bài tập của mình trong 3 tuần, bệnh nhân cho biết là cảm thấy khó chịu khi kéo dãn các cơ ở phần lõm của đường cong và cảm giác khó chịu tương tự khi kéo giãn cơ hamstring. KTV đã xem lại kỹ thuật kéo dãn của bệnh nhân và xác định rằng bệnh nhân thực hiện đúng động tác, nhưng quá mạnh. Tại thời điểm này, tất cả các bài tập làm mạnh cơ trong chương trình bệnh nhân cũng đã được xem xét lại và mọi vấn đề đã được điều chỉnh.
Kiểm tra lại
Khi khám lại sau 6 tuần, bệnh nhi chỉ phàn nàn bị khó chịu nhẹ khi kéo dãn và thỉnh thoảng khó chịu khi mang nẹp. Về bất thường tư thế, đầu của trẻ không còn nghiêng về bên phải, vai trái của cháu vẫn hơi thấp hơn và nếp gấp eo bên trái của cháu bây giờ bằng với nếp gấp eo bên phải. Khối gù của xương sườn bên phải khi cúi người về phía trước vẫn còn. Cơ dựng sống bên phải cũng còn nổi rõ. Mào chậu không còn đỏ da; tuy nhiên, có dấu hiệu của vết sẹo phồng rộp cũ.
ROM chủ động vẫn trong giới hạn bình thường và cơ hamstring giảm căng một phần, với góc khoeo đo được 170 độ cả hai chân. Test Thomas và Ober vẫn dương tính nhẹ hai bên. ROM của thân mình đã được cải thiện với độ gập ra trước từ mức giảm 50% xuống còn 25%; độ nghiêng sang bên phải của cải thiện từ mức giảm 30% xuống còn 15%; và xoay sang trái cải thiện từ mức giảm 30% xuống còn 15%. Đánh giá cơ lực cho thấy rõ ràng có một ít cải thiện, nhưng không phải ở tất cả các vùng. Cơ chéo bụng, cơ duỗi thân và các cơ bả vai đều cải thiện đến bậc 4/5, trong khi cơ chi trên, chi dưới và cơ thẳng bụng vẫn là bậc 4/5.
Bệnh nhi hiện đã độc lập với việc mặc quần áo và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, bao gồm cả việc đeo và tháo nẹp độc lập. Sức bền của cháu tăng lên 20 phút trên máy chạy bộ với tốc độ 2,5 dặm / giờ trên mặt bằng. Khó thở khi giao tiếp bắt đầu sau 12 phút khi bệnh nhi báo mệt. Không có thay đổi đáng kể nào về nhịp tim hoặc nhịp thở.
Tuyên bố xuất viện
Xuất viện vật lý trị liệu đã không chính thức diễn ra; tuy nhiên, sau 6 tuần điều trị, chương trình tập luyện tại nhà của bệnh nhân đã được chỉnh sửa và bệnh nhân được hẹn khám lại sau 6 tháng. Bệnh nhân được khuyến cáo tuân thủ chương trình tập luyện của mình và liên hệ với KTV nếu có bất cứ điều gì bất thường xảy ra
Minhdatrehab, dịch từ CLINICAL CASES IN PHYSICAL THERAPY, 2ND EDITION, 2004, Elsevier Science (USA)
Xem thêm Bài một số bài tập dành cho bệnh nhân Vẹo cột sống