QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI. TUỔI THANH NIÊN

Cập nhật lần cuối vào 02/06/2021

Ba mươi tuổi trở đi,

Mới biết trời cao đất dày!

Ngạn ngữ Trung Quốc

Giai đoạn thanh niên thường kết hợp sự trưởng thành về sinh học và khả năng hoạt động tối đa, cũng như sự thay đổi, phát triển về tâm lý- nhận thức -xã hội và cả đạo đức, tâm linh.

Những đặc điểm trên có liên hệ với nhau và các hành vi của các cá nhân phụ thuộc vào tương tác giữa bản chất của nhiệm vụ, các điều kiện của môi trường và các đặc điểm cá nhân (Mô hình PEO).

Mô hình PEO đầy đủ

Xem lại bài viết: Quá trình phát triển con người: Tuổi Vị thành niên

Mục lục

CÁC THAY ĐỔI SINH LÝ

Trên thực tế, không phân biệt một người có hoạt động hay tĩnh tại, sự suy giảm vẫn xảy ra sau tuổi 30. Một người hoạt động chỉ có thể giữ khả năng hoạt động ở một mức cao hơn mà thôi. Gabbard (2004) cho rằng chức năng sinh lý tối đa ở tuổi 25-30 và nữ trưởng thành sớm hơn (22-25) so với nam (28-30).

Thay đổi về xương

  • Các xương dài có thể tiếp tục phát triển cho đến tuổi 25
  • Cột sống có thể tiếp tục phát triển cho đến tuổi 30
  • Xương sọ tiếp tục phát triển đến quanh tuổi 40
  • Sự tăng trưởng tiếp theo trung bình có thể đạt 0,5 -1cm

Sức mạnh cơ:

  • Tiết diện cắt ngang của cơ đạt đỉnh vào lứa tuổi 20-30, cùng với lúc khả năng hoạt động cơ lực mạnh nhất. Điều này phù hợp với công tối đa vào khoảng tuổi 28.

Sự tiêu thụ oxy

  • Khả năng hoạt động tối đa ở nam và nữ về tiêu thụ oxy xảy ra ở tuổi (hai) ba mươi, giá trị đỉnh thưởng giữa 35 và 29.

Sinh lý thần kinh

  • Thời gian phản ứng và thời gian vận động đạt tối đa vào tuổi 20 cũng như sự chú ý, tốc độ nhớ.

Những thay đổi sinh lý khác:

  • Bao gồm tóc bắt đầu bạc, da giảm ẩm và bắt đầu nhăn… Khả năng sinh sản ở nữ giảm ở những năm 30.

KHẢ NĂNG THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG

Trong khi khả năng thực hiện thường được cho là suy giảm trong thời kỳ trưởng thành, trong giai đoạn thanh niên thường có sự cải thiện về khả năng thực hiện. Khả năng thực hiện nhiệm vụ thường tốt dần ở giai đoạn đầu do quá trình thuần thục của học vận động (xem bài học vận động), tuy nhiên giai đoạn sau có sự suy giảm do những thay đổi về sinh lý khi bước qua tuổi trung niên.

Những thay đổi trong khả năng vận động có thể do sự phối hợp của:

  • Sự thay đổi về sinh lý
  • Các yếu tố tâm lý
  •  Các điều kiện môi trường
  • Các đòi hỏi nhiệm vụ
  • Lối sống

Phụ thuộc vào ba nguyên tắc chính:

  • Chuyên biệt nhiệm vụ:
    • Sự chuyên biệt của nhiệm vụ: nhiệm vụ có đòi hỏi tốc độ, sức mạnh, sức bền, mềm dẻo, hay trí nhớ? 
  • Biến (tính thay đổi) giữa các cá nhân) (Interindividual variability)
    • Di truyền và lối sống ảnh hưởng nhiều đến tốc độ hoạt động và tuổi tác của cá nhân đó
  • Biến (tính thay đổi) trong từng cá nhân (Intraindividual variability)
    • Không phải tất cả các hệ thống sinh học (cơ quan) thay đổi với cùng một tốc độ do đó các đòi hỏi của nhiệm vụ thường xác định mức độ giảm của khả năng hoạt động. Senescence là quá trình thoái giáng sinh học dần xảy ra tự nhiên theo thời gian không kể bệnh lý, với tốc độ 1-3 % mỗi năm từ tuổi 30-70 không kể ảnh hưởng của bệnh lý.

SỰ PHÁT TRIỂN TÂM LÝ XÃ HỘI

Các lĩnh vực thể chất và vận động ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực tâm lý xã hội

Thuyết của Erik Erikson:

Thuyết của Erik Erikson về phát triển tâm lý xã hội sử dụng “các trạng thái khủng hoảng” để giải thích các thay đổi tâm lý xã hội.

“Các trạng thái khủng hoảng” cho rằng cá nhân sẽ đạt đến một điểm khủng hoảng mà cần phải được giải quyết trước khi người đó có thể di chuyển sang giai đoạn chuyển tiếp tiếp theo và nếu giải quyết không trọn vẹn giai đoạn có thể cản trở sự phát triển.

  • Trạng thái khủng hoảng ở tuổi thanh niên là thân mật hay là cô lập (intimacy versus isolation)
    • Thân mật vs cô lập xuất hiện vào khoảng 18-25 tuổi và là thời gian hình thành những mối quan hệ người lớn cũng như mối quan hệ mật thiết với người khác giới.
    • Nếu cá nhân không thể tạo nên những mối quan hệ gần gũi này thì họ có cảm giác cô lập.
  • Trạng thái này theo sau bởi trạng thái đại chúng vs đình trệ
    • Giai đoạn đại chúng/đình trệ được hình thành vào tuổi 25/40-65.
    • Đại chúng nghĩa là nói đến sự hữu ích mà cá nhân đem lại cho bản thân và cộng đồng. Đạt được đại chúng đem lại cho cá nhân một cảm giác thành đạt– giai đoạn này phụ thuộc nhiều vào cảm nhận của cá nhân về giá trị của họ.
    • Nếu họ không cảm thấy thành đạt thì họ bị đình trệ và thường có cảm giác chán nản và có thể xuất hiện khủng hoảng tuổi trung niên

Thuyết của Levinson: 

Giải thích các thay đổi dưới khái niệm “cấu trúc cuộc sống” (life structure) và bao gồm 4 thời kỳ  (tiền trưởng thành, thanh niên, trung niên, già) (Gallahue & Ozmun, 2006, p. 410). Các mặt quan trọng nhất của cấu trúc cuộc sống là xung quanh hôn nhân và gia đình, lựa chọn nghề nghiệp

Vào cuối thời kỳ thứ nhất là thời gian khi cá nhân tăng dần sự độc lập của họ và các trách nhiệm trong cuộc sống

Mối liên hệ giữa các thành viên gia đình và bạn bè thay đổi và cá nhân hình thành một cảm giác về chủ nghĩa cá nhân và mong muốn tìm ra mục đích sống trong cuộc đời

Lúc bắt đầu của thời kỳ thứ hai cá nhân theo đuổi các tham vọng, lập gia đình và chọn lựa nghề nghiệp.

Các yếu tố tâm lý

Cảm giác thoải mái, hình ảnh cơ thể, điểm kiểm soát và trầm cảm ảnh hưởng giai đoạn này.

Locus of control (điểm kiểm soát) muốn nói đến cảm nhận của cá nhân về mức ảnh hưởng của họ lên các sự kiện.

Những người có điểm kiểm soát bên trong cảm nhận rằng họ có thể ảnh hưởng các sự kiện trong khi những người có điểm kiểm soát bên ngoài cảm nhận rằng các sự kiện không chịu sự ảnh hưởng của họ và xảy đến một cách tình cờ.

Tập luyện và hoạt động thể lực có tác động tích cực. Những người hoạt động tích cực dễ có các cảm giác thoải mái, ít trầm cảm hơn và có cảm nhận tốt hơn về hình ảnh bản thân.

Các yếu tố xã hội

Hai thuyết chính đã được đưa ra:

  • Thuyết hoạt động (Activity theory) cho rằng khi người ta lớn lên họ đòi hỏi tương tác với người khác và tiếp tục hoạt động để có hạnh phúc
  • Thuyết không tham dự (Disengagement theory) cho rằng khi người ta lớn lên, họ mất thích thú trong các mối quan hệ, bỏ các mối quan tâm trước đó và rút lui xã hội

Thuyết hoạt động mô tả tốt hơn thuyết không tham dự về thời kỳ thanh niên nhưng không có nghĩa là thuyết không tham dự là không đúng.

SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

Tư duy hậu hình thức

Sự phát triển trong tuổi vị thành niên được Piaget gọi là tư duy hình thức (formal thought) cho phép cá nhân phát triển giả thuyết và trả lời các câu hỏi và các lý thuyết mà họ không nhất thiết phải trải qua kinh nghiệm.

Một số tác giả hiện nay đề xuất những giai đoạn sau đó được gọi là tư duy hậu hình thức. Các gợi ý cho thấy rằng khi có nhiều kinh nghiệm sống hơn thì tiếp tục có sự phát triển nhận thức và suy luận.

  • Nhận biết rằng kiến thức là tương đối và không phải tuyệt đối, người ta có thể chấp nhận những điều trái ngược.
  • Cân nhắc nhiều so sánh, tình huống hoàn cảnh khác nhau, cản trở có thể đưa đến các kết quả khác nhau
  • Người ta có thể xem xét kinh nghiệm sống và có thể tìm vấn đề không để chỉ giải quyết vấn đề.

Các giai đoạn Schaies về tư duy 

Các giai đoạn Schaies về tư duy người trưởng thành cho rằng lứa tuổi thanh niên liên quan đến giai đoạn thành đạt cá nhân và giai đoạn trách nhiệm (achieving and responsible stage)

  • Giai đoạn thành đạt cá nhân: họ hướng mục tiêu và tập trung sự chú ý của họ vào thực hiện các mục tiêu này. Họ cân nhắc cả bối cảnh và kết quả của những quyết định của họ mà chủ yếu tập trung vào nghề nghiệp và lập gia đình
  • Giai đoạn trách nhiệm: cân nhắc nhiều hơn mối quan hệ với những người khác thay vì đạt các mục tiêu bản thân. Xem xét các quyết định của họ có ảnh hưởng đến người khác trong cuộc sống như gia đình, bạn bè, và cộng đồng

Một người có thể ở giai đoạn nào trong hai giai đoạn đoạn đầu trưởng thành. Nếu họ lập gia đình sớm thì họ có thể đi qua giai đoạn trách nhiệm rồi sau đó giai đoạn thành đạt. Nếu họ chú ý đến nghề nghiệp trước tiên thì ngược lại. Họ cũng có thể ở trong các giai đoạn khác nhau với các nhiệm vụ khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh của bản thân họ.

CÁC SỰ KIỆN Ở TUỔI TRƯỞNG THÀNH

Yêu đương: thời chuyển tiếp tuổi thanh niên

Tình yêu lứa đôi và sự phát triển tâm lý được nối với nhau bởi sự thay đổi dần và trạng thái phát triển của mỗi người yêu

Điều kiện tiên quyết

  • Sự độc lập cảm xúc với bố mẹ
  • Giải quyết được khủng hoảng bản sắc (tôi là ai?)
  • Kinh nghiệm hẹn hò hoặc mối quan hệ trai-gái
  • Hiểu về thụ thai, sinh đẻ và an toàn giới tính

Các nhiệm vụ phát triển của yêu đương

  • Hình thành sự tin tưởng lẫn nhau và vai trò chia xẻ việc nhà
  • Phát triển cam kết tiếp tục mối quan hệ
  • Chia xẻ dần bạn bè, tài chính, mục đích, thời gian, và kế hoạch gia đình
  • Học các kỹ năng giải quyết xung đột và phát triển hiểu biết lẫn nhau

Tình yêu người trẻ thường liên quan đến ba thành tố cảm xúc và nhận thức riêng biệt: đam mê, cam kết và thân mật

  • Đam mê- sự hấp dẫn tình dục về sinh lý, xung động giới tính và kích thích sinh lý
  • Cam kết- mức độ đầu tư trong mối quan hệ và sự tin tưởng về kế hoạch của họ với tương lai
  • Thân mật- mức độ tình cảm lẫn nhau, tin tưởng và gần gũi cảm xúc

Từ tốt nghiệp đến có việc làm hoặc thất nghiệp

Tầm quan trọng của có việc làm như là một dấu mốc của trạng thái trưởng thành bắt đầu được nhấn mạnh trong thời thiếu niên và vị thành niên. Cuối thời gian học phổ thông, hầu hết trẻ có ý tưởng về chúng sẽ làm nghề gì tương lai

Việc làm là một yếu tố chính góp phần vào sự chuyển tiếp nhận thức từ vị thành niên thành người lớn. Làm việc giúp cắt bỏ sự phụ thuộc kinh tế và tình cảm lên bố mẹ.

Thất nghiệp là một rào cản sự chuyển tiếp sang trạng thái người lớn

Lập kế hoạch và phát triển nghề nghiệp 

Khi xã hội có ít công việc xung quanh, việc lập kế hoạch nghề nghiệp bị hạn chế. Bạn có thể lập kế hoạch làm việc mà bạn thích, nhưng nếu trong lĩnh vực đó không có việc làm thì kế hoạch của bạn vô ích

Học thêm và thay đổi nghề hiện nay càng lúc càng trở nên phổ biến

Kế hoạch nghề nghiệp điển hình ở nam là đào tạo chính quy, có việc làm và sau đó cưới vợ

Ba vấn đề phát triển chính đã được xác định: mục tiêu nghề nghiệp,  bản sắc của nghề và chọn nghề

  • Mục tiêu nghề nghiệp (Career goals) – cá nhân phải nhận thấy một giá trị trong công việc lớn hơn động cơ tiền bạc ban đầu và họ phải có các mục tiêu lý tưởng và các trạng thái cuối cùng mà họ yêu quý (cả cụ thể và trừu tượng)
  • Bản sắc nghề nghiệp (Career identity) – Liên quan đến người đó muốn trở thành con người như thế nào, không phải là điều họ muốn làm
  • Chọn lựa nghề nghiệp (Career choice) – thường được đánh giá trước đó qua học tập và công việc bán thời gian tuy nhiên hiện nay người ta thay đổi nghề thường xuyên hơn trước kia. Chọn lựa nghề nghiệp là tìm nghề phù hợp với ham muốn, mối quan tâm và kỹ năng cá nhân

Vào nghề đòi hỏi thay đổi tận gốc lối sống:

  • Mối quan hệ xã hội mới với những người đồng nghiệp
  • Tuân theo các cấp bậc lãnh đạo
  • Thay đổi mối quan hệ với bố mẹ, bạn bè, người  và vợ/chồng
  • Tự do về kinh tế
  • Giảm thời gian rỗi và năng lượng

Triển vọng nghề nghiệp

  • Dẫm chân tại chỗ (Personal stagnation) – thiếu cơ hội để phát triển và mở rộng nghề nghiệp
  • Không thành công (Thwarting of achievement) – thiếu cơ hội để hoàn thành một điều gì đó có ý nghĩa, đáng giá
  • Những nghề ban đầu thường hướng đến tiền lương trong khi điều này không luôn luôn mang lại sự thỏa mãn nghề nghiệp

Hôn nhân

Lý do hôn nhân:

Những lý do lập gia đình chịu ảnh hưởng nhiều bởi nền văn hóa

  • Một số hôn nhân dựa trên tình yêu
  • Một số hôn nhân dựa trên nền tảng thực tế và kinh tế… Ở một số nền văn hóa, hôn nhân được định trước, đôi lúc ngay khi sinh. Một số hôn nhân nhắm đến cải thiện trạng thái xã hội (danh dự) của người kết hôn…

Dù nguyên nhân gì thì hầu hết đều lập gia đình vào một thời điểm nào đó, đa số vào tuổi ba mươi. Ngay cả nếu hôn nhân không truyền thống, sự cam kết lâu dài được cho là như nhau- sống với một người khác.

Hôn nhân có ý nghĩa quan trọng trong phát triển nhận thức vì các xung đột và niềm vui mà nó mang lại. Hôn nhân đòi hỏi thay đổi thói quen cá nhân để dung nạp người khác khi cùng sống chung một nhà.

Sự phân chia các bổn phận gia đình là một thách thức lớn trong thời kỳ này

  • Tiếp cận truyền thống– nam và nữ có các lĩnh vực ảnh hưởng và trách nhiệm khác nhau: Chồng chịu trách nhiệm kiếm tiền và ra những quyết định lớn đặc biệt về tài chính trong khi vợ chịu trách nhiệm nội trợ và chăm sóc trẻ 
  • Tiếp cận bình đẳng– mỗi thành viên có thể và tham gia tất cả các quyền và trách nhiệm và thường họ có thể thay đổi nhiệm vụ cho nhau trong nhà. Các nhiệm vụ được chia sẻ nhưng không phải cùng một lúc. Họ có thể chuyển đổi bổn phận cho nhau sau một thời gian.
  • Tiếp cận chung sức– là một sự hợp tác giữa hai người- các vai trò được lựa chọn trên cơ sở các quan tâm riêng và khả năng của mỗi người- ví dụ chồng có thế nấu ăn nếu anh ta thích nó trong khi người vợ có thể làm nhiều việc tay chân hơn

Trong khi tiếp cận bình đẳng và chung sức ngày càng trở nên phổ biến, những tiếp cận này  tạo nhiều gánh nặng hơn lên mối quan hệ trong giai đoạn này. Trước đây cả hai người hiểu vai trò của họ trong một mối quan hệ trong khi bây giờ khó tìm thấy sự cân bằng với hai người. Trong lúc phụ nữ ngày càng đi làm nhiều hơn, các việc trong nhà vẫn chiếm ưu thế theo quan niệm truyền thống.

Thời kỳ làm bố mẹ

Tác động của làm bố mẹ chịu ảnh hưởng của kế hoạch và mong đợi (cách suy nghĩ) của người lớn

  • Nếu xem sự kiện này có tầm quan trọng lớn thì có thể dẫn đến khó điều chỉnh
  • Nếu suy nghĩ  làm bố mẹ là khó thì bị nhiều stress hơn suy nghĩ làm bố mẹ là dễ
  • Bản chất của đưa trẻ cũng có thể ảnh hưởng

Thời kỳ làm bố mẹ: có thể

  • Phá vỡ trạng thái thoải mái của mỗi bố/mẹ
  • Dẫn đến rối loạn trong mối quan hệ hôn nhân
  • Thường thì nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam

Điều may mắn là giai đoạn khủng hoảng của kỳ làm bố mẹ thưởng chỉ kéo dài một vài tháng

Hầu hết khó khăn trong thời kỳ làm bố mẹ có thể quy cho thiếu chuẩn bị

  • Thời gian cho các bà mẹ làm việc nhà có thể  tăng gấp đôi trong khi chuyện trò vợ-chồng giảm một nửa
  • Vì hiện nay hầu hết không có nhiều thời gian chăm sóc các thành viên nhỏ tuổi hơn (em, cháu) nên họ không có kinh nghiệm nuôi trẻ
  • Hầu hết giáo dục chú trọng vào thai kỳ, sinh nở và nằm viện, mà không chú trọng vào chăm sóc trẻ 24/7 trong cuộc sống hàng ngày

SỨC KHOẺ Ở TUỔI THANH NIÊN

Ngay cả với các hành vi sức khỏe không tốt, tuổi thanh niên thường có sức khỏe tốt (Ví dụ như hút thuốc, uống rượu bia và dinh dưỡng kém chưa gây nên bệnh lý nặng ở tuổi này). Điều này là do nhiều bệnh lý đang phát triển nhưng chưa ảnh hưởng đến cuộc sống và chức năng hàng ngày. Sức khỏe kém thường là do bệnh lý.

Trong thời gian này tình trạng kinh tế-xã hội góp phần lớn vào sức khỏe.

Hành vi sức khỏe chính có hậu quả lâu dài gồm dinh dưỡng, tập luyện và kiểm soát cân nặng.

  • Dinh dưỡng: Thức ăn được chọn lựa ảnh hưởng tỷ lệ bệnh tim mạch, ung thư, bệnh mạch vành, béo phì và đái tháo đường. Khả năng thay đổi một chế độ dinh dưỡng chủ yếu liên quan đến cảm nhận cá nhân rằng họ có thể thay đổi và nhận biết của họ cần thay đổi điều gì và thay đổi như thế nào 
  • Tập luyện: Hoạt động của người lớn là cao nhất trong 10 năm đầu của trưởng thành và sau đó dần dần giảm đi. Điều này xảy ra mặc dù kiến thức  về sức khỏe liên quan đến ích lợi của tập luyện. Bằng chứng cho thấy rằng người nào tập luyện ở lứa tuổi này cũng ít có khả năng thực hiện các hành vi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
  • Kiểm soát cân nặng: Béo phì có liên hệ đến giảm sút tự trọng, hình ảnh bản thân và sức khỏe tâm thần nói chung. Những người béo phì thường cảm thấy không được tốt, do đó mong muốn được giảm cân.

Các hành vi ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Là các hoạt động mà cá nhân tham gia làm tăng nguy cơ xấu đến sức khỏe

Hành vi ảnh hưởng xấu sức khỏe có thể vượt quá hành vi sức khỏe và bao gồm:

  • Hút thuốc
  • Uống bia rượu
  • Thuốc phiện và nghiện thuốc
  • Tình dục không an toàn
  • Các rối loạn ăn uống

Cũng như các hành vi sức khỏe, các lựa chọn không luôn luôn dựa trên các nguy cơ rõ rệt tức thì. Cũng như tuổi vị thành niên, hầu hết các chọn lựa và hành vi (chấp nhận nguy cơ) có thể xem xét bằng mô hình niềm tin sức khỏe (health beliefs model) liên hệ đến tính dễ bị ảnh hưởng, mức trầm trọng và các rào cản liên hệ với hành vi và các hành vi thay thế.

Xem tiếp: Quá trình phát triển con người: Tuổi Trung niên

Minhdatrehab tổng hợp từ bài giảng của TS Liz Pridham, 2011, có sửa đổi, bổ sung.

(Ghi chú: Sự phát triển đạo đức đã được đề cập ở giai đoạn trước: Tuổi vị thành niên)

 

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này