TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: HIỂU RÕ NHỮNG CHỌN LỰA CỦA BẠN

Cập nhật lần cuối vào 28/10/2021

NecessityThou Mother of the World!”

Nhu cầu! Người là mẹ của thế giới.

Percy Bysshe Shelley

Chúng ta thường thấy có những người luôn luôn đi tìm những thử thách cực kỳ nguy hiểm, không bao giờ thỏa mãn với cái đều đặn tẻ ngắt. Chúng ta cũng lại thấy có những người mà niềm vui thú của họ đến từ ăn một bữa tối ngon lành ở nhà hay ngồi đọc báo trên một chiếc ghế êm ả. Để hiểu được điều gì đã khiến cho mọi người chọn lựa những cách sống hoàn toàn khác nhau như vậy, chúng ta cần khảo sát khái niệm động cơ. Động cơ liên quan đến những yếu tố khởi động, hướng dẫn và duy trì hành vi để đạt những mục đích nào đó, những yếu tố này gọi là những yếu tố thúc đẩy. Những yếu tố thúc đẩy này có thể là sơ cấp, cơ bản như ăn, ngủ, hay cao cấp hơn như tình bạn, tình yêu. 

Nghiên cứu về động cơ là một nhiệm vụ hết sức phức tạp và khó khăn. Chính vì thế mà các nhà tâm lý học đã đưa ra rất nhiều khái niệm nhằm giải thích nguyên nhân đằng sau hành vi. Có lẽ khái niệm cơ bản nhất là xung năng (drive), nghĩa là một sức căng hay kích thích thúc đẩy đem lại năng lượng cho một hành vi để thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Các xung năng cơ bản, bao gồm đói, khát, tình dục và ngủ, thỏa mãn các chức năng sinh vật thiết yếu của cơ thể. Những người đi tìm một chỗ ấm áp để khỏi bị lạnh là của sự thúc đẩy của một xung năng cơ bản.

Nhiều hành vi, ví dụ như kiếm nhiều tiền, học chăm chỉ…, khó có thể giải thích trên cơ sở các nhu cầu sinh vật thiết yếu. Chúng chịu tác động của các xung năng gọi là thứ cấp, là những xung năng được học hỏi ghi nhận trong quá trình sống.

Các xung năng cơ bản thường được được thỏa mãn một cách trực tiếp, rõ ràng, dễ hiểu. Nếu ta đói, ta đi tìm thức ăn, nếu ta khát, ta đi tìm nước uống, và nếu mệt mỏi, ta đi tìm một chỗ nào đó để nghỉ ngơi. Những xung năng như thế hoạt động gần như tự động, theo một nguyên tắc gọi là ổn định nội môi. Ổn định nội môi là quá trình qua đó cơ thể chúng ta cố gắng duy trì sự hoạt động của các chức năng sinh học bên trong ở mức tối ưu.

Theo nguyên lý này, mỗi khi trong cơ thể có một sự mất cân bằng nào đó, nó sẽ thúc đẩy ta tìm cách bù đắp sự chênh lệch này để trở về trạng thái cân bằng ban đầu. Chẳng hạn, nếu bạn ăn quá ít, không cung cấp đủ năng lượng để cho cơ thể hoạt động, một xung năng sẽ làm bạn đi tìm thức ăn. Như thế, khi bạn nhịn ăn được một khoảng thời gian, cơn đói cồn cào có thể được xem như là cố gắng của cơ thể bạn nhằm duy trì sự ổn định nội môi.

Mặc dù khái niệm ổn định nội môi có thể dễ dàng giải thích sự hoạt động của các xung năng cơ bản như đói khát…, nó không thể giải thích đầy đủ những xung năng thứ cấp. Thật khó mà xác định mức độ nào là đủ, là cân bằng của hành vi kiếm tiền, hay thu thập kiến thức.

Để bù đắp nhược điểm của khái niệm ổn định nội môi, một số nhà tâm lý học cho rằng nên hiểu các xung năng thứ cấp như là quá trình tìm kiếm một mức độ kích thích và hoạt động tối ưu. Họ cho rằng con người chúng ta luôn luôn cố gắng duy trì một mức kích thích nhất định. Nếu chúng ta bị kích thích thái quá, thì ta sẽ cố giảm tình trạng kích thích đó bằng cách không tham gia một số hoạt động nào đó. Ngược lại, nếu ta sống với một mức độ kích thích hay hoạt động quá thấp, ta có thể tìm cách làm tăng tính kích thích bằng cách tìm những tình huống tạo nên sự kích thích cao hơn.

Mục lục

MÔ HÌNH ĐẨY VÀ KÉO

Chúng ta được những “nội lực” thúc đẩy để thỏa mãn những nhu cầu bên trong? Hay là môi trường bên ngoài lôi kéo ta về một kích thích nào đó?

Những câu hỏi này mô tả hai thái độ rất khác nhau về động cơ của con người, được gọi là mô hình “đẩy” và “kéo”.

Mô hình đẩy cho rằng chúng ta hành động là do sự thúc đẩy của các nhu cầu và ước muốn bên trong, và chính những nội lực (tức xung năng) đã hướng dẫn hành vi của chúng ta để tìm ra các tình huống và kích thích sẽ thỏa mãn các nhu cầu bên trong đó. Chẳng hạn, mô hình đẩy cho rằng ước muốn ăn chủ yếu là do sức đẩy bên trong của cái đói.

Ngược lại, mô hình kéo cho rằng chính bản chất của những yếu tố kích thích bên ngoài, gọi là yếu tố khích lệ, có tác dụng lôi kéo hấp dẫn chúng ta. Một miếng bánh thơm ngon có thể “kéo” bạn- dù rằng bạn vừa mới ăn xong và không còn cảm giác đói. Cũng như thế, nhìn thấy một mẩu bánh bị mốc chua có thể làm bay đi bất cứ ý nghĩ nào về ăn uống. Vì thế, mô hình kéo cho rằng yếu tố quyết định cho hành vi chính là sức mạnh và bản chất của các kích thích ở môi trường.

Thật ra, hành vi của con người rất phức tạp và dường như đòi hỏi cả hai quá trình kéo và đẩy đồng thời tham gia. Những lực bên trong và bên ngoài tác động qua lại để tạo nên hành vi của chúng ta. Chúng ta làm một số điều gì đó là do những lực đẩy ở bên trong, trong khi những điều khác được thực hiện chủ yếu là do bản chất của những khuyến khích, yêu cầu, hay đòi hỏi từ môi trường bên ngoài. Nhưng trong cả hai trường hợp không một yếu tố đẩy hay kéo nào là yếu tố duy nhất hướng dẫn hành vi chúng ta. Thay vào đó, các xung động bên trong tương tác với các kích thích bên ngoài trong những mối liên hệ hết sức phức tạp.

HỆ PHÂN CẤP CÁC NHU CẦU CỦA MASLOW

“A musician must make music, an artist must paint, a poet must write, if he is to be ultimately happy.”

-Abraham Maslow-

Maslow (1908-1970) cho rằng chúng ta có thể phân biệt hai dạng động cơ cơ bản: động cơ thiếu hụt và động cơ phát triển. Trong động cơ thiếu hụt, con người tìm cách để duy trì một trạng thái cân bằng bình thường về sinh lý lẫn tâm lý. Ngược lại, trong động cơ phát triển, họ cố vươn lên vượt qua những điều họ đã đạt được trong quá khứ và tìm kiếm sự thỏa mãn lớn hơn trong cuộc sống. Động cơ thiếu hụt thỏa mãn những đòi hỏi về sinh vật cơ bản cho sự tồn tại của con người. Động cơ phát triển thúc đẩy con người vươn đến những thành tựu có ý nghĩa hơn, độc nhất cho mỗi người – những thành tựu bộc lộ mọi tiềm năng của họ.

Abraham Harold Maslow

Theo Maslow, những người mà cuộc sống bị chi phối bởi những động cơ thiếu hụt thì thường không hạnh phúc và không thích nghi tốt về tâm lý. Thay vì tìm cách tạo nên sự phát triển quan trọng và có ý nghĩa hơn trong cuộc sống, họ có xu hướng tự mãn hay chán sống.

Ngược lại, những người đã vượt qua động cơ thiếu hụt và chú trọng vào động cơ phát triển có đầu óc cởi mở hơn, dễ chấp nhận những người khác hơn, và hiểu rõ hơn về chính họ cũng như vị trí của họ trong xã hội. 

Maslow tin rằng những nhu cầu khác nhau được sắp xếp theo một trật tự nhất định, hay là hệ phân cấp các nhu cầu, trong đó những nhu cầu cơ bản, thiết yếu phải được thỏa mãn trước khi những nhu cầu cao hơn, tinh tế hơn, và theo Maslow, có ý nghĩa hơn, có thể được đáp ứng. Các nhu cầu được xếp theo hình tháp, trong đó các nhu cầu cơ bản được xếp ở phần đáy và các nhu cầu cao hơn được xếp ở phần đỉnh.

Hình: Hệ phân cấp hoặc tháp các nhu cầu của Maslow

Các nhu cầu cơ bản nhất là những hoạt động sinh lý thiết yếu như ăn, uống, và ngủ. Nếu những nhu cầu này chưa được thỏa mãn thì những nhu ý cầu khác sẽ ít thúc ép hơn. Ngược lại, khi những nhu cầu sinh lý này đã được thỏa mãn, người ta sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiếp theo mà theo Maslow là các nhu cầu an toàn, bao gồm sự an toàn của một môi trường an ninh và tương đối yên tĩnh. Các nhu cầu sinh lý và an toàn được xem là những nhu cầu cấp thấp.

Một khi đã thỏa mãn những nhu cầu cấp thấp, người ta có thể đi lên các cấp cao hơn, bao gồm nhu cầu yêu và được phụ thuộc, nhu cầu được tôn trọng, nhu cầu tự khẳng định và nhu cầu xuyên thế hệ. Yêu và được phụ thuộc gồm nhu cầu được người khác chấp nhận, được cho và nhận tình cảm và lòng yêu mến, và được tham gia vào một nhóm hay cộng đồng. Nhu cầu được tôn trọng gồm nhu cầu có được một cảm giác mình là một người có giá trị, có năng lực và kiến thức, và biết rằng người khác biết giá trị của mình.

Không những là những nhu cầu ở bậc cao nhất, khó thực hiện nhất, các nhu cầu tự khẳng định và truyền xuyên thế hệ cũng là những khái niệm trừu tượng nhất trong hệ phân cấp. Tự khẳng định là một trạng thái khi mà những nhu cầu khác đã được thỏa mãn, con người chú tâm vào phát triển hoàn thiện cá nhân và đạt đến những khả năng cao nhất của mình. Không bị đè nặng bởi các lo toan của những nhu cầu hàng ngày, người đạt đến giai đoạn tự khẳng định không tìm cách thoả mãn hơn nữa những nhu cầu này mà thay vì thế cảm thấy hài lòng mãn nguyện về những gì họ đang làm. Họ xem mình là những người đóng góp đầy đủ cho thế giới, chuyên tâm dùi mài những kỹ năng riêng, mà đã đạt đến khả năng cao nhất của họ.

Tuy nhiên, còn có một bậc khác trong hệ phân cấp, được Maslow nhận ra trong các bài viết sau này. Trong nhu cầu truyền xuyên thế hệ (self-transcendence), con người nhìn mình qua một ánh sáng tinh thần trong một mối hòa đồng với thiên nhiên, thế giới, và vũ trụ. Theo một cách hiểu nào đó, các nhu cầu hiện tại, trần tục đã được thỏa mãn, và họ bắt đầu xem xét vị trí của họ trong một hệ thống các vật thể lớn hơn.

Có lẽ một trong những điều quan trọng nhất của hệ phân cấp các nhu cầu của Maslow là nó cho phép ta phần nào giải thích sự dịch chuyển các nhu cầu xảy ra trong quá trình sống.

Trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, như đột nhiên mất việc làm, vừa mới khỏi bệnh, hay khi chịu nhiều stress khác, chúng ta thường khó mà quan tâm đến những nhu cầu bậc cao, mà thay vào đó chú tâm duy trì những nhu cầu cơ bản của mình. Khi những nhu cầu bậc thấp đã được thỏa mãn người ta mới chuyển sang chú ý thỏa mãn các nhu cầu bậc cao hơn.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: LÀM THẾ NÀO ĐỂ NGỦ ĐƯỢC NGON HƠN?

Ngủ chiếm một phần ba thời gian của đời người, và vì vậy chắc chắn là ngủ đáp ứng một nhu cầu quan trọng nào đó. Tuy vậy, thật là ngạc nhiên là cho đến mãi bây giờ người ta vẫn chưa xác định được nhu cầu đó là gì. Chúng ta vẫn chưa biết đích xác tại sao chúng ta ngủ – dù rõ ràng là phải ngủ.

Người ta biết rằng giấc ngủ không phải là một thời kỳ yên tĩnh hoàn toàn, mà trong khi ngủ con người trải qua nhiều giai đoạn khác nhau với những thay đổi của sóng điện não và vận động mắt. Có một giai đoạn đặc biệt, gọi là giấc ngủ vận động mắt nhanh (REM – Rapid Eye Movement), với sự di chuyển qua lại của đôi mắt trong khi mí mắt nhắm chặt, như thể đang nhìn một cảnh tượng gì đó. Chính trong giai đoạn này người ta đang mơ.

Một điều có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của một giấc ngủ ngon là khi bạn trải qua một đêm trăn trở, thao thức không ngủ được. Quả thật mất ngủ là một tình trạng khá thường gặp và có đến 15 – 20% người trưởng thành nói rằng họ bị mất ngủ kéo dài. 

Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ rất thay đổi từ uống quá nhiều cà phê, bị đảo lộn cảm xúc, …cho đến đơn giản là không đủ mệt. Mất ngủ có thể do rất nhiều yếu tố gây ra – tâm lý, sinh lý bệnh lý, cảm xúc và môi trường – làm cho việc chữa trị có thể rất khó khăn. Sau đây là một số lời khuyên nhân giúp bạn ngủ ngon hơn:

  • Một nguyên tắc cơ bản là giữ giờ giấc đều đặn. Đừng bao giờ cố ngủ quá giấc vì bạn đã không ngủ ngon trong đêm. Nếu bạn bị mất ngủ, hãy thức dậy cùng một thời điểm vào mỗi buổi sáng – điều này sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn đêm sau, và hãy cố gắng đi ngủ cùng một giờ mỗi tối.
  • Nếu bạn tỉnh dậy trong đêm khuya, hãy thư giãn trên giường bằng cách đọc sách hay nghe nhạc nhẹ một lúc. Nếu bạn không ngủ lại được ngay sau đó, hãy thức dậy và thực hiện một hoạt động yên tỉnh nào đó cho đến khi bạn cảm thấy mệt rồi thì quay trở lại giường.
  • Tránh dùng rượu chè, cà phê, thuốc lá 12 giờ trước khi bạn đi ngủ. Nếu bạn đặc biệt nhạy cảm với những chất này, hãy bỏ hẳn.
  • Một bữa ăn lót dạ với sữa nóng và bánh ngọt gần lúc ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn, nhưng tránh ăn nhiều gần giờ ngủ.
  • Trước khi đi ngủ, hãy gác những quan tâm lo lắng, và cả những điều mà bạn dự định làm với chúng sang một bên.
  • Tập thể dục đều đặn, nhưng không nên quá gần giờ ngủ. Bạn sẽ ngủ ngon hơn nếu bạn thấy mỏi mệt.
  • Tránh các giấc ngủ ngắn ban ngày.

Nếu những lời khuyên này vẫn không giúp ích gì cho bạn, có lẽ tốt hơn hết là bạn nên đến khám một bác sĩ có kinh nghiệm về các rối loạn giấc ngủ. Tuy vậy, một điều lưu ý là trong nhiều trường hợp, thời gian có thể là một phương thuốc hữu hiệu: mất ngủ thường chỉ là một tình trạng nhất thời.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống, MinhdatRehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này