TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: LY DỊ VÀ TÁI HÔN

Cập nhật lần cuối vào 16/03/2023

Sự thật đôi khi tạo ra những rạn nứt, còn sự dối trá thì luôn luôn tạo nên những đổ vỡ.

G. Sand

Khi mới cưới nhau, đôi vợ chồng nào cũng mong muốn được trăm năm hạnh phúc, sống với nhau cho đến “đầu bạc, răng long”. Tuy nhiên, nhiều khi họ chỉ cùng nhau đi được một quãng đường ngắn ngủi rồi chia tay: họ đã ly dị. 

Ở những nước phương Tây, ly dị không còn là một điều hiếm gặp. Theo thống kê ở mới nhất ở Mỹ, mặc dù tỷ lệ ly dị hiện có giảm xuống, nhưng hàng năm có đến trên 750.000 trường hợp ly dị xảy ra, và gần 50 % những trường hợp mới kết hôn có thể kết thúc bằng ly dị. Ở nước ta, tuy ly dị không phổ biến đến mức như thế, nhưng nó có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn.

Mục lục

NHỮNG NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN LY HÔN

Những yếu tố nào dẫn đến việc ly dị ? Các nhà điều tra đã nhận thấy một vài yếu tố có liên quan đến khả năng ly dị cao hơn. Những yếu tố này không nhất thiết là nguyên nhân cụ thể của những trường hợp ly dị. Chúng chỉ là những yếu tố liên quan đến khả năng bất ổn trong đời sống vợ chồng cao hơn, và vì thế khả năng ly dị ly dị cao hơn (bảng).

Các yếu tố liên hệ đến khả năng ly dị cao hơn 
Sống ở thành thị
Kết hôn ở lứa tuổi quá trẻ (15 – 19 tuổi)
Quen nhau một thời gian ngắn rồi cưới nhau (trong vòng hai năm)
Không đám hỏi, hay đám hỏi trước đám cưới trong vòng sáu tháng
Hôn nhân của bố mẹ không hạnh phúc
Bạn bè và họ hàng không tán thành cuộc hôn nhân
Khác nhau chung về xuất thân (tầng lớp, học vấn..)
Khác nhau về tôn giáo
Bất đồng giữa vợ và chồng về bổn phận
Bảng: Khả năng bất ổn đời sống vợ chồng và ly dị. Nguồn : Goode,1976 

Một số nhà tâm lý nhận thấy rằng có bốn thái độ đặc biệt nguy hại trong đời sống vợ chồng, đó là:

  • thái độ chỉ trích gay gắt,
  • thái độ khinh bỉ,
  • thái độ phòng thủ, và
  • thái độ lạnh lùng.

Những thái độ này có thể gây nên stress, ngăn cản sự suy luận lý tính và dàn hòa giữa hai vợ chồng.

Một số nhà tâm lý học đã tiếp cận vấn đề ly dị bằng cách xem xét các ích lợi mà hai vợ chồng có được từ cuộc hôn nhân, các cản trở chống lại việc ly dị, và những giải pháp thay thế khác hôn nhân có thể có cho một cặp vợ chồng (Levinger, 1979). Chẳng hạn, hôn nhân có thể mang lại những lợi ích vật chất như thu nhập ổn định. Nó cũng có thể đem lại địa vị, tình yêu, tình bạn, tình dục, con cái…. Có một số cản trở cho việc ly dị, như phí tổn tiền của, sự phiền phức về mặt luật pháp, sự lo lắng về tương lai bất hạnh của con cái, cũng như những cấm kỵ hạn chế của xã hội và tôn giáo chống lại việc ly dị. 

Cuối cùng ngay cả khi các ích lợi của hôn nhân và các rào cản chống lại việc ly dị đều không đáng kể, người vợ/chồng còn phải cân nhắc các giải pháp có thể có với họ trước khi quyết định chấm dứt một cuộc hôn nhân. Nếu những giải pháp thay thế không tốt đẹp hơn gì mối quan hệ hiện tại thì người đó có thể vẫn tiếp tục sống với hôn nhân ít thỏa mãn của mình.

Bài thực hành sau nhằm làm rõ hơn quan điểm về hôn nhân và ly dị của bạn.

THỰC HÀNH : Hôn Phân … và Ly Dị

Nếu bạn muốn so sánh quan điểm của bạn về hôn nhân và ly dị với quan điểm của các sinh viên, bạn hãy xác định mức đồng ý của bạn với những câu sau, dùng thang đo 5 mức.

  • 1: rất đồng ý
  • 2: đồng ý
  • 3: không chắc chắn
  • 4: không đồng ý
  • 5: rất không đồng ý

1. Tôi tin hôn nhân là một cam kết cả cuộc đời. ____

2. Tôi cho rằng ly dị có thể chấp nhận được trừ khi nó có ảnh hưởng đến con cái. ____

3. Tôi cho cuộc sống gia đình của bố mẹ tôi là hạnh phúc. ____

4. Tôi tin rằng tôi có đủ kỹ năng để tạo nên một hôn nhân tốt đẹp. ____

5. Nếu tôi có một đứa con tôi thấy là chỉ cần một người trong gia đình đi làm để người kia có thể ở nhà chăm sóc con cái. ____

6. Tôi tin là không cần thiết phải có con cái trong một hôn nhân. ____

7. Tôi cho rằng những công việc ở nhà nên được phân chia bình đẳng giữa hai vợ chồng. ____

8. Nếu vợ/chồng tôi được nhận làm việc ở một nơi khác, tôi sẽ đi cùng cô/anh ấy. ____

9. Tôi không cho rằng tình dục ngoài hôn nhân là sai trái. ____

10. Tôi tin tình bạn ngoài hôn nhân với một người khác phái là quan trọng. ____

11. Tôi cho rằng hoạt động xã hội chính trong một hôn nhân nên là với những cặp vợ chồng khác. ____

12. Tôi cho là các cặp đã kết hôn không nên tranh cãi với nhau trước mặt những người khác. ____

13. Tôi sẽ không cưới một người khác tín ngưỡng. ____

14. Nếu tôi không thích bố mẹ vợ/chồng, tôi không nên ép mình phải viếng thăm họ. ____

15. Tôi cảm thấy bố mẹ không nên can thiệp vào bất cứ vấn đề gì thuộc về hôn nhân của tôi. ____

16. Tôi cảm thấy tôi cần được giáo dục nhiều hơn về điều gì được mong đợi từ hôn nhân. ____

Đánh giá : 

Hãy so sánh các câu trả lời của bạn với những câu trả lời của hơn 5.000 sinh viên đại học Mỹ, các điểm là câu trả lời phổ biến nhất cho mỗi câu.

(1) 1, (2) 4, (3) 1, (4) 2, (5) 4 (6) 2,

(7) 2, (8) 2, (9) 5, (10) 2 (11) 2, (12) 2,

(13) 4, (14) 4, (15) 1, (16) 2

Tất nhiên là những câu trả lời này chỉ phản ánh số đông. Chúng không đúng hay sai, đơn giản là chúng phản ánh quan niệm của mọi người.

Nguồn : Martin và Martin,1984.

NHỮNG HẬU QUẢ CỦA LY HÔN

Không ai trải qua ly dị mà không bị chỉ trích gay gắt. Đó là một kinh nghiệm đầy đau khổ và khó quên cho những người trong cuộc. Ly dị ảnh hưởng đến họ trên rất nhiều mặt khác nhau, nhất là những mặt sau:

Tình cảm

Mối quan hệ giữa hai người, một thời đã từng là tình yêu và tình cảm thân thiết, nay tan rã thành những cảm xúc rất khác nhau. Hai người rút lui về cảm xúc hay thậm chí chống đối lẫn nhau.

Pháp luật

Ly dị diễn ra trên hệ thống luật pháp. Vì tính phức tạp của vấn đề ly dị về mặt luật pháp có thể hao tốn nhiều thời gian và tiền bạc và có thể làm tăng thêm sự căng thẳng cảm xúc của hai bên.

Con cái

Khi ly dị có liên quan đến con cái, hai vợ chồng phải giải quyết vấn đề chăm sóc bảo vệ và bảo trợ cho trẻ. Nuôi dạy trẻ nên người và làm thế nào để trẻ không bị què quặt về tình cảm là những nhiệm vụ hết sức khó khăn khi cấu trúc gia đình đầy đủ không còn nữa.

Xã hội

Ly dị làm thay đổi những quan hệ với bạn bè và những người quen. Nhiều người cảm thấy rằng quan hệ giữa họ với các cặp vợ chồng khác không còn như xưa, và họ phải cố gắng tạo những mối quan hệ mới. 

Tâm lý

Có thể có những thay đổi trong cấu trúc tâm lý của chính những người ly dị, bao gồm sự thay đổi đối trong lòng tự trọng hay một cảm giác tự chủ. Họ phải tự tách mình ra khỏi ảnh hưởng của người kia, và học cách sống độc lập hơn.


Mỗi trong những mặt này đều có thể là những thử thách quan trọng và hết sức khó giải quyết cho cả hai người. Dù vậy, cũng như với bất kỳ những thử thách nào các hậu quả của chúng không nhất thiết là xấu. Bắt đầu một cuộc sống mới sau khi ly dị có thể đem lại cho cá nhân một cơ hội để phát triển, để trưởng thành hơn về tâm lý và sống thích nghi hơn.

KẾT HÔN TRỞ LẠI

Ở Mỹ khoảng 75 – 80% những người ly dị kết hôn trở lại (tái hôn), thường là trong vòng từ hai đến năm năm. Họ thường cưới một người cũng đã ly dị, một phần vì dễ chọn hơn, một phần vì cả hai bên đều cùng chung cảnh ngộ.

Mặc dù một số người cho rằng họ hạnh phúc với cuộc hôn nhân lần thứ hai hơn là hôn nhân đầu tiên (lớn tuổi hơn nên chín chắn về tình cảm hơn, ít so sánh người vợ/chồng hiện tại với một người trong mộng hơn, suy nghĩ thực tế hơn), các thống kê vẫn cho thấy tái kết hôn lại dễ đưa đến ly dị hơn và trong một thời gian ngắn hơn là hôn nhân ban đầu. (60% hôn nhân thứ hai kết thúc bằng ly hôn).

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : GIẢI QUYẾT CÁC VẤN ĐỀ TRONG CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG

Bạn đã cắn răng chịu đựng hàng tháng, có lẽ hàng năm trời. Bạn cảm thấy bất hạnh trong cuộc sống gia đình, và nghĩ rằng ly dị là điều hợp lý hơn cả. Tuy nhiên, trong lúc đó, bạn lại muốn cố gắng hết sức mình để cứu vãn tình thế, tránh phải ly dị. Vậy bạn phải làm gì đây?

Hãy trao đổi với người vợ/chồng của bạn.

Đừng cố giấu kín cảm xúc khó chịu trong lòng, hãy để cho người kia biết rằng bạn đang buồn bực và không hài lòng với cuộc hôn nhân đến mức độ nào. Không ai trong chúng ta có thể đọc được hoàn toàn các ý nghĩ trong đầu của người khác, và đơn giản có thể chỉ là người chồng/vợ không biết điều gì trong cuộc sống vợ chồng đang làm bạn bất mãn.

Đừng cố tiếp tục sống trong một quan hệ vợ chồng chỉ vì con cái, cha mẹ bạn, hay một ai khác.

Bạn sẽ không đem lại cho một ai khác điều gì tốt đẹp hơn – và bạn có thể làm hại chính mình lẫn con cái – khi vẫn tiếp tục duy trì một quan hệ đang làm bạn đau khổ. Hãy cân nhắc về cảm giác và chất lượng cuộc sống của chính bạn khi đưa ra quyết định về tương lai của cuộc hôn nhân.

Hãy tìm sự giúp đỡ về chuyên môn.

Các chuyên gia tâm lý, tư vấn hôn nhân gia đình có kinh nghiệm có thể giúp ích rất nhiều với những cặp vợ chồng luôn muốn cứu vãn hôn nhân của họ.

Đừng cho rằng ly dị là một thất bại.

Ngay cả khi bạn cố gắng hết sức để cứu vãn hôn nhân của mình, cuối cùng bạn có thể vẫn không thành công. Khi đó, bạn đừng tự dằn vặt cho mình là nguyên nhân của sự tan vỡ. Lý do chấm dứt cuộc hôn nhân có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, hay là do sự phối hợp của nhiều hoàn cảnh làm cho bạn không một chọn lựa hợp lý nào khác. Hơn nữa, con người không ai khỏi mắc sai lầm, và đối với nhiều người, cưới lầm một người vì những lý do không đúng là một trong những sai lầm tai hại nhất của cuộc đời. Vì lý do gì đi chăng nữa, vì ly dị có thể là một thử thách có ý nghĩa nhất trong cuộc sống, đem lại những tiềm năng phát triển cho chính bản thân bạn.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,

Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này