TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: HÀNH VI GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 14/08/2023

Người nào giúp người khác là tự giúp mình.

Giúp đỡ là một hành động đem lại lợi ích cho người khác. Hành động đó có thể chỉ là nhỏ nhặt như dừng chân lại sữa chiếc xe cho một cô gái đang “đứng lóng ngóng”, hay to lớn như mạo hiểm cả tính mạng của bản thân để cứu những người trong cơn hoạn nạn. Đó có thể là những hành động có suy nghĩ và cân nhắc kỹ lưỡng – như khi một người phát tâm biếu tặng một số tiền lớn cho một tổ chức từ thiện, hay đột ngột, không toan tính như khi một thanh niên chạy ào vào ngôi nhà đang cháy để cứu một em bé đang gào thét ở bên trong. Đặc điểm chung trong các ví dụ này là lợi ích mà những người khác, và xã hội nói chung, nhận được từ hành vi giúp đỡ đó.

Mục lục

TÌNH HUỐNG KHI CẤP : GIÚP ĐỠ LÚC CẦN THIẾT.

Có lẽ hành vi giúp đỡ mà mọi người mong chờ nhất, và cũng thường được ca ngợi nhất, là giúp đỡ người khác trong các tình huống khẩn cấp, như tai nạn giao thông, hỏa hoạn, động đất, bão lụt…

Một phát hiện khá ngạc nhiên là một trong những yếu tố quyết định chính với việc bạn có ra tay giúp đỡ người khác (trong một tình huống khẩn cấp) hay không không phụ thuộc quá nhiều vào cảnh ngộ của nạn nhân mà phụ thuộc vào số người có thể giúp đỡ khác đang có mặt tại địa điểm đó: nếu số người có mặt càng nhiều thì khả năng bạn ra tay giúp đỡ nạn nhân càng thấp.

Để lý giải hiện tượng này, các nhà tâm lý học đã đưa ra khái niệm khuếch tán trách nhiệm (diffusion of responsibility), hay hiệu ứng người ngoài cuộc (bystander effect) – nghĩa là xu hướng con người cảm thấy rằng trách nhiệm giúp đỡ được chia sẻ cho những người đang có mặt. Latané và Darley (1970) đã đề xuất một mô hình quyết định gồm 5 bước giúp đỡ, trong đó mỗi bước trong số đó người ngoài cuộc có thể quyết định không làm gì cả:

  • Chú ý đến sự kiện (hoặc đang vội và không chú ý).
  • Giải thích tình huống là một trường hợp khẩn cấp (hoặc giả sử rằng những người khác không hành động, đó không phải là một trường hợp khẩn cấp).
  • Đảm nhận trách nhiệm (hoặc giả định rằng người khác sẽ làm điều này).
  • Biết phải làm gì (hoặc không có các kỹ năng cần thiết để giúp đỡ).
  • Quyết định giúp đỡ (hoặc lo lắng về nguy hiểm, luật pháp, bối rối, v.v.).

Như vậy, khi càng có nhiều người ở xung quanh thì người ta còn thấy bản thân họ ít có trách nhiệm hơn, và do đó ít ra tay giúp đỡ hơn (Darley, Latane, Nida, 1981).

Một số nhà tâm lý học cho rằng loại hình thức giúp đỡ thường phụ thuộc vào phân tích được – mất. Cá nhân cân nhắc trong đầu các ích lợi (được) nếu giúp đỡ đổi lại với cái giá sẽ mất do hành vi giúp đỡ đó. Theo quan niệm này, chỉ khi cái được lớn hơn cái mất thì người đó mới thực hiện một hình thức giúp đỡ cụ thể (Lynch, Cohen, 1978).

Không phải giúp đỡ nào cũng đều theo phân tích được – mất này. Một số hành vi chứng tỏ một tấm lòng vị tha cao cả, đem lại ích lợi cho người khác trong khi hy sinh về phần mình. Chẳng hạn, người mẹ cứu con trong cơn bão, hay các chiến sĩ hy sinh vì sự an toàn của đồng đội. 

CÁC CHUẨN MỰC CHO HÀNH VI GIÚP ĐỠ.

Từ nhỏ, chúng ta đã thường được cha mẹ, thầy cô, anh chị, … bảo ban chỉ dạy về các chuẩn mực xã hội, những gì nên làm và không nên làm trong một tình huống xã hội nào đó.

Quả thật, phần lớn các hành vi giúp đỡ của chúng ta được gọi ra từ những chuẩn mực mà ta tuân theo liên quan đến việc giúp đỡ người khác. Dù đa số chúng ta có những chuẩn mực chung về việc cần thiết phải giúp đỡ, cũng có những chuẩn mực cụ thể hơn bao gồm chuẩn mực về trách nhiệm với xã hội, chuẩn mực công bằng và chuẩn mực hỗ tương (có qua có lại).

Chuẩn mực trách nhiệm với xã hội.

Chuẩn mực này cho rằng chúng ta mong đợi một cá nhân đáp ứng với những người lệ thuộc vào họ. Chẳng hạn, khi hội chữ thập đỏ yêu cầu bạn hiến máu vì người khác, tức là đang kêu gọi trách nhiệm xã hội của bạn. 

Có hai yếu tố ảnh hưởng chuẩn mực trách nhiệm xã hội này có dẫn đến sự giúp đỡ hay không, đó là mức độ mà người cho cảm nhận người nhận có thật sự phụ thuộc và cần sự giúp đỡ đó hay không và sự khó khăn, thiếu thốn là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của người nhận hay không.

Những người mà sự khó khăn được cho là do sai lầm của chính họ – hoặc kém năng lực làm việc hay là vi phạm đạo đức – thì ít có khả năng nhận được sự giúp đỡ hơn là những người mà sự khó khăn là do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của họ (như thiên tai, trẻ mồ côi, khuyết tật…).

Trong khi chuẩn mực trách nhiệm xã hội hàm ý rằng hành vi giúp đỡ là do mối quan tâm đến người khác theo một nghĩa chung, không xét đến người giúp có nhận được ích lợi gì trở lại hay không, chuẩn mực công bằng và chuẩn mực hỗ tương có một tiếp cận khác. Cả hai cho rằng hành vi giúp đỡ nên được xem xét theo quan niệm sự công bằng, công lý của chúng ta hơn là cái tốt xã hội lý tưởng giúp người trong lúc khó khăn. 

Chuẩn mực công bằng.

Chuẩn mực này cho rằng người ta đáng được hưởng tùy theo mức mất mát, và đáng chịu đau khổ tùy theo mức vi phạm. Nếu bạn cảm thấy một ai đó đang chịu khổ quá mức mà họ đang chịu – nghĩa là không công bằng – thì bạn sẽ cảm thấy cần phải giúp đỡ họ. Ngược lại, nếu bạn thấy người đó đáng chịu cực khổ (vì họ đã vi phạm đạo đức chẳng hạn) thì sự khó khăn đau khổ đó được cho là công bằng (“Trời phạt!”), và bạn sẽ ít ra tay giúp đỡ họ hơn.

Chuẩn mực hỗ tương.

Chuẩn mực “có qua có lại” cho rằng một lý do để giúp đỡ người khác là sẽ nhận được một lợi ích nào đó về sau (trực tiếp từ người nhận hoặc từ những người khác, hoặc để con cháu mình được người khác giúp đỡ …). Quả thật các nghiên cứu đã chứng tỏ điều này, không những người ta sẽ đền ơn người mà đã giúp họ trước đây, mà họ còn dễ dàng giúp đỡ những người khác nếu họ đã từng chịu ơn (Staub, 1978). 

CÁC TRẠNG THÁI CẢM XÚC, NHÂN CÁCH, VÀ SỰ GIÚP ĐỠ.

Một điều dễ nhận thấy là những người đang ở tâm trạng vui vẻ, hạnh phúc thường dễ giúp đỡ người khác hơn là những người đang buồn bực, không vui. Điều này chứng tỏ trạng thái cảm xúc có một ảnh hưởng quan trọng đến hành vi giúp đỡ của con người.

Thấu cảm (empathy), tình trạng một người có thể cảm nhận những cảm xúc của người khác cũng có thể làm tăng hành vi giúp đỡ. Những người nhìn thấy nỗi đau buồn của những người đang gặp khó khăn và tự đặt mình vào tình cảnh của nạn nhân có thể bắt đầu cảm thấy nỗi đau buồn đó. Điều này có thể tăng cường động cơ giúp đỡ của họ (Eisenberg, Miller, 1987).

Có đặc điểm tính cách nào liên hệ đến hành vi giúp đỡ, và cụ thể hơn, có những người hay làm phúc hay không? Đa số các nghiên cứu không tìm thấy một tính cách riêng biệt nào phân biệt giữa người hay giúp đỡ với người không giúp đỡ. Thay vào đó, các yếu tố riêng biệt của tình huống cụ thể đóng vai trò chính yếu trong việc quyết định một người nào đó có ra tay trợ giúp người đang cần giúp đỡ hay không. 

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : ĐỂ GIÚP ĐỠ ĐƯỢC HIỆU QUẢ HƠN.

“Của cho không bằng cách cho”. Giúp đỡ là một nghệ thuật, vì nếu không khéo nó có thể gây ra thái độ phòng vệ, cảm giác bất hạnh, mặc cảm vì sự khốn khó ở người nhận. Tuy vậy bạn có thể tạo ra một phản ứng tích cực bằng cách áp dụng những biện pháp sau :

Hãy hỏi han và lắng nghe những nhu cầu của người gặp khó khăn.

Trước khi bạn cho rằng một ai đó đang cần được giúp đỡ, hãy chắc chắn là người đó thực sự có nhu cầu.

Hãy cho phép người nhận giúp đỡ tác động trở lại theo một cách nào đó.

Bạn hãy tạo cho người nhận một cơ hội đền ơn để thỏa mãn chuẩn mực hỗ tương.

Hãy giúp đỡ sao cho đừng đe dọa đến cảm giác kiểm soát hay tự chủ của người nhận.

Chẳng hạn, người nhận giúp đỡ có thể được cho phép tự do chọn lựa các hình thức giúp đỡ mà họ muốn.

Hãy đem lại sự trợ giúp thích hợp.

Đôi khi sự ủng hộ nhỏ nhặt nhất cũng có thể có ý nghĩa với một người khác. Quả thật, chỉ cần dành ít thời gian và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người khác với sự đồng cảm cũng có thể là hình thức giúp đỡ quan trọng nhất, giảm đi rất nhiều nỗi đau của họ.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,

Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này