TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: GIẬN DỮ VÀ HÀNH VI GÂY HẤN

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 28/09/2023

Gieo gió gặt bão.

Mục lục

THẾ NÀO LÀ HÀNH VI GÂY HẤN?

Hàng ngày, chúng ta thường nghe hoặc nhìn thấy, qua báo đài, truyền hình hay bên ngoài cuộc sống, những ví dụ về hành vi bạo lực, hung hăng với người khác. Quả thực, gây hấn (aggression) vẫn là một hiện tượng hết sức phổ biến trong xã hội loài người.

Tuy vậy, hành vi gây hấn vẫn là một khái niệm khó định nghĩa một cách chính xác. Chẳng hạn, một thầy thuốc tiến hành mở khí quản khẩn cấp mà không gây mê cho một phụ nữ ở trong một quán ăn bên đường có thể gây đau rất nhiều cho nạn nhân. Tuy vậy, ít ai trong chúng ta nghĩ rằng hành vi của người thầy thuốc đó là gây hấn. Ngược lại, nếu người phẫu thuật là một bác sĩ mổ xẻ các tù nhân trong một trại tập trung để làm thí nghiệm thì việc xem hành vi đó là ‘gây hấn” có vẻ phù hợp.

Sự khác nhau giữa hai ví dụ này rõ ràng là ở ý định. Trong trường hợp đầu tiên, người thầy thuốc hành động để cứu tính mạng của nạn nhân, còn trong trường hợp thứ hai, ý định của người bác sĩ lại khác hẳn. Đa số các chuyên gia tâm lý cho rằng ý định đằng sau một hành động là yếu tố quyết định một hành vi nên được xem là gây hấn hay không, và họ sẽ định nghĩa gây hấn là hành động làm hại hay tổn thương người khác một cách có chủ ý (Berkowitz, 1974).

Thí nghiệm của các bác sĩ “Nazi”

NGUỒN GỐC CỦA HÀNH VI GÂY HẤN

Nghĩ ra một định nghĩa thích hợp cho gây hấn cũng không lý giải được tại sao hành vi này lại phổ biến như thế trong xã hội. Một quan điểm cho rằng gây hấn có tính bẩm sinh hay bản năng (Instinct Theory of Aggression). Theo lý luận này – do S. Freud đưa ra – gây hấn quá thường gặp cho nên có lẽ con người có một tố bẩm di truyền nào đó làm họ hành xử một cách hung hăng, hiếu chiến (Freud, 1920, ‘Beyond the Pleasure Principle’).

Trên thực tế một giả thuyết cực đoan của quan niệm này cho rằng con người có một bản năng chiến đấu, năng lượng hung hãn luôn luôn được tạo ra trong cơ thể cho đến khi nó được giải phóng. Biểu hiện của sự phóng thích năng lượng này thay đổi từ hành động gây thương tổn về thể xác cho đến những hình thức nhẹ hơn như la hét, chửi thề.

Quan điểm gây hấn có tính bẩm sinh đã làm nảy sinh ý kiến cho rằng xã hội cần phải đưa ra các cách thức có thể chấp nhận được để giúp giải phóng năng lượng hung hãn này – bằng những hoạt động như tham gia, hoặc xem các môn thể thao, hay trò chơi bạo lực – nhờ đó con người sẽ ít tham gia vào các hoạt động bạo lực gây hại cho cộng đồng.

Trên thực tế, ít có bằng chứng thuyết phục nào ủng hộ cho giả thuyết gây hấn bẩm sinh này và nhiều nhà tâm lý học cố gắng tìm ra những lời giải thích khác hợp lý hơn.

Một giả thuyết khác, được gọi là thuyết thất vọng – gây hấn (Frustration Aggression Hypothesis, Miller Dollard), cho rằng con người có xu hướng gây hấn khi bị thất vọng, bị ngăn cản không cho đạt được một mục đích nào đó. Như vậy, thất vọng sẽ làm cho người ta dễ có hành động hung hăng gây hấn với người khác. Gây hấn có thật sự xảy ra hay không tùy thuộc vào có hay là không có các tín hiệu gây hấn ở môi trường xung quanh. Đó là những kích thích đã liên hệ (trong quá khứ) với sự gây hấn hay bạo lực thật sự (Berkowitz, 1984). Những tín hiệu gây hấn có thể rõ ràng như khi nhìn thấy vũ khí hay bị đau đớn, hoặc tinh vi hơn như khi nghe tên một người nào đó có liên quan đến bạo lực trong một cuốn phim vừa xem.

Một cách giải thích khác về gây hấn cho rằng hành vi gây hấn chủ yếu là do quá trình học hỏi quan sát được. Theo thuyết Học từ Xã hội (Social Learning Theory, Bandura), chúng ta đã học để trở nên gây hấn hiếu chiến cũng không khác gì với khi chúng ta học mọi điều khác (kể cả giúp đỡ mọi người). Thay vì xem gây hấn là một phần không thể tránh được của con người, thuyết học từ xã hội xem gây hấn là một phản ứng mà con người đã học hỏi ghi nhớ khi có các phần thưởng hoặc hình phạt trong môi trường. Người được thưởng vì đã hành động hiếu chiến (chẳng hạn được bạn khen), hay bị phạt vì không tỏ ra hung hăng (như một đứa bé bị bố mẹ la mắng vì đã quá nhút nhát khi đi xem một trận bóng đá) thì sau này dễ cư xử hung hăng hơn.

Thí nghiệm nổi tiếng búp bê Bobo của Bandura (1963). Ghi chú các hoạt động của trẻ bắt chước trực tiếp các hành động của người lớn.

Có nhiều bằng chứng đã ủng hộ cho thuyết học qua quan sát. Các thí nghiệm cho thấy việc quan sát hành vi gây hấn ở người khác sẽ tạo nên hành vi gây hấn ở người xem, nếu người được quan sát dường như được thưởng từ hành vi gây hấn của họ.

SỰ GÂY HẤN TRÊN PHIM ẢNH VÀ TRÒ CHƠI

Một điều khá dễ nhận thấy là ngày nay, các cảnh bạo lực và chết chóc trong phim ảnh đã trở nên hết sức phổ biến. Theo thống kê ở Hoa Kỳ, một đứa trẻ trung bình mỗi ngày xem truyền hình từ bốn đến sáu giờ, và cho đến tuổi 16 đã chứng kiến khoảng 11.000 cảnh giết người trên màn hình.

Vấn đề đặt ra là ảnh hưởng của điều này đến hành vi gây hấn ở người xem như thế nào? Các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng có một mối liên hệ giữa số cảnh bạo lực được xem và hành vi hung tính ở người xem. Chẳng hạn, nghiên cứu thấy rằng có một mối liên hệ mật thiết giữa các trẻ trai 8 tuổi xem cảnh bạo lực và hung tính 10 năm sau (Eron, Huesmann, Lefkowitz, Walder, 1972).

Tất nhiên, điều này chỉ nói lên mối tương quan giữa việc xem cảnh gây hấn và bộc lộ hành vi gây hấn mà thôi. Chúng ta không thể khẳng định rằng xem phương tiện truyền thông có nội dung bạo lực cao thật sự có thể gợi nên hành vi gây hấn ở người xem. Có thể là người có tính gây hấn thích xem các chương trình có nhiều bạo lực trong khi người không gây hấn thích các chương trình có ít cảnh chết chóc hơn. Cũng có thể là một số yếu tố xã hội nào đó , như tình trạng kinh tế xã hội đưa đến đồng thời cả việc xem tivi có nội dung bạo dục cao và gây hấn ở người xem. 

Bên cạnh phim ảnh, sự phổ biến của điện thoại thông minh và trò chơi có tính bạo lực trên các thiết bị này cũng đặt một dấu hỏi lớn về tác động của chúng lên người chơi, đặc biệt là trẻ nhỏ, lên các hành vi gây hấn, bạo lực sau này.

Dù khó xác định’ mối liên hệ nhân quả một cách chính xác, đa số các nhà tâm lý học đồng ý rằng, trong nhiều trường hợp, tiếp xúc thường xuyên với bạo lực sẽ dẫn đến hành vi gây hấn về sau. Điều này gợi ý rằng các bậc cha mẹ nên chọn lựa cho con cái những chương trình phim ảnh hoặc trò chơi có nội dung thích hợp.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : ĐỐI PHÓ VỚI NỖI GIẬN DỮ

Dù không ai mong muốn, giận dữ vẫn là một trong những cảm xúc thường gặp nhất của cuộc sống. Không như gây hấn – một hành vi hướng đến một người khác, tức giận là một trạng thái cảm xúc. Tất nhiên, nếu quá tức giận, người ta có thể bộc lộ ra bên ngoài thành hành vi gây hấn thật sự.

Giận dữ là một hệ quả thông thường của bất cứ phiền toái thất vọng nào trong cuộc sống hàng ngày. Nóng nực, ồn ào, đông đúc, chật chội, quá nhiều việc hay bài tập phải làm, rượu, cà-phê… tất cả có thể đưa đến giận dữ. Trong những trường hợp khác, chính sự khiêu khích chọc ghẹo của người khác làm nảy sinh tức giận. Chẳng hạn, một người chen vào hàng ngay trước mặt bạn, một người hàng xóm công khai chế nhạo, hay một ai đó không cẩn thận giẫm phải chân bạn … tất cả đều có thể làm cho bạn giận dữ. 

Mặc dù nguyên nhân gây ra tức giận không mấy khó hiểu, các nhà tâm lý học lại ít đồng ý với nhau về các biện pháp tốt nhất để đối phó với nó. 

Một số người cho rằng có thể làm giảm sự giận dữ bằng cách bộc lộ gây hấn bằng lời nói và ngay cả bằng hành động (“ăn miếng trả miếng”). Tuy nhiên, các nghiên cứu cẩn thận đã chứng tỏ rằng việc gây hấn chỉ hiệu quả nếu nó thỏa mãn một số điều kiện: (1) sự trả đũa phải được hướng đến một người thích hợp (chẳng hạn người làm bạn tức giận hay là một người nào đó đáng bị khiển trách), (2) sự trả đũa phải ở một mức độ thích hợp, không quá mạnh hay quá yếu, và (3) sự trả đũa phải không gây ra một phản ứng trả đũa trở lại từ người kia. Vì thật khó có thể thỏa mãn tất cả những điều kiện này cùng một lúc, biểu lộ gây hấn thường không phải là một biện pháp hợp lý để đối phó với giận dữ.

Sau đây là một số lời khuyên để đối phó với cảm giác giận dữ một cách xây dựng:

  • Hãy chú ý đến các dấu báo hiệu cơn giận của bạn, như nghiến chặt hàm, mạch nhanh hoặc đổ mồ hôi
  • Thực hành các kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, thiền định hoặc thư giãn cơ bắp tuần tiến
  • Chú ý đến các cảm giác của bạn bằng cách tập trung vào những thứ bạn có thể nhìn, ngửi, nghe, chạm hoặc nếm
  • Bỏ đi khỏi hoàn cảnh gây giận dữ
  • Tập thể dục để giảm bớt năng lượng dư thừa
  • Liên hệ với một người bạn hoặc người thân trong gia đình đáng tin cậy để được hỗ trợ
  • Đánh lạc hướng bản thân bằng một hoạt động khác
  • Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực
  • Học cách khám phá và chấp nhận những cảm xúc đằng sau sự gây hấn

Nếu trong cuộc sống bạn gặp phải một người nào đó cư xử hung hăng, gây hấn với mình, điều quan trọng là phải bảo vệ sức khỏe tinh thần và sự an toàn về thể chất của chính bạn. Hãy cố gắng giữ bình tĩnh và tránh leo thang xung đột và bỏ đi nếu thấy an toàn. 

Ngược lại, có những tình huống mà lời nói và bộc lộ tức giận lại tỏ ra thích hợp. Giận dữ có giá trị thông tin, nó có thể cảnh báo cho những người quanh bạn biết điều gì đang làm bạn bực mình. Nó cũng có thể tạo nên một cảm giác kiểm soát, giảm cảm giác không có quyền lực và không thể thay đổi tình huống được của bạn. Nhưng biểu lộ tức giận phải có suy nghĩ để có thể đem lại những thay đổi. Thay vì biểu hiện tức giận như là những đợt bùng lên tự phát, bạn nên biểu lộ sao cho có thể thay đổi hoàn cảnh theo hướng mà bạn mong muốn.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,

Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này