NĂM NỮ DANH NHÂN Y HỌC

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 12/08/2023

Trong bài viết về 5 danh nhân y học lần này, PHCN Online xin giới thiệu các nữ thầy thuốc nổi tiếng, những người đã cống hiến hết mình cho Y học đồng thời nâng cao vị thế của người phụ nữ trong lĩnh vực này.Bài viết không xếp thứ tự theo mức ảnh hưởng của họ, và có thể những nữ thầy thuốc khác có đóng góp nhiều hơn nhưng không được trình bày ở đây. 

Mục lục

1. Elizabeth Blackwell (1821 – 1910)

Là người phụ nữ đầu tiên có bằng y khoa ở Mỹ (1849), bác sĩ Elizabeth Blackwell là người tiên phong trong việc mở mang ngành y cho phụ nữ. Cùng với em gái (bác sĩ Emily Blackwell) và đồng nghiệp (bác sĩ Marie Zakrzewska), bà đã mở Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em New York từ năm 1857, giúp đào tạo thực hành y khoa cho nhiều thế hệ nữ bác sĩ sau này.

Bà đã viết về những kinh nghiệm của mình trong cuốn Pioneer Work in Opening the Medical Profession to Women (Hoạt động Tiên phong trong việc Mở mang Nghề Y cho Phụ nữ ), xuất bản vào năm 1895. Cuốn sách kể lại những khó khăn thách thức trong việc học tập và hành nghề y khi là một phụ nữ, và những thù địch mà bà đã trải qua — cả ở Mỹ lẫn ở Châu Âu. Chuyện kể rằng một trong những lý do khiến bà quyết định theo đuổi ngành y là lời tâm sự của một người bạn thân khi đang hấp hối, thổ lộ rằng cô ấy cảm thấy mình sẽ ít đau đớn hơn nếu bác sĩ của cô ấy là phụ nữ.

2. Dame Cicely Saunders (1918 – 2005)

Là một y tá, nhân viên xã hội có trình độ trước khi trở thành bác sĩ, bà Cicely Saunders đã cống hiến sự nghiệp của mình cho việc chăm sóc những bệnh nhân giai đoạn cuối. Bà đã thành lập nhà chăm sóc giai đoạn cuối (hospice) hiện đại đầu tiên tại Bệnh viện St Christopher ở London vào năm 1967.

Một trong nhiều thành tựu của bà là đưa ra khái niệm “đau tổng hợp” (total pain), bao gồm các khía cạnh thể chất, cảm xúc, xã hội và tinh thần liên quan đến đau. Bà cũng đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm xử lý đau hiệu quả cho người bệnh ở giai đoạn cuối – nhấn mạnh rằng họ không chỉ cần chăm sóc điều trị y tế tốt nhất mà còn cần được đối xử với lòng trắc ẩn và sự tôn trọng phẩm giá.

Thông qua hoạt động suốt của mình, bác sĩ Saunders đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về cái chết và hấp hối.

3. Cicely D. Williams (1893 – 1992)

Bác sĩ Cicely D. Williams, người gốc Jamaica đầu tiên có bằng y khoa (Đại học Oxford),  là người đi tiên phong tham gia vào việc chăm sóc và điều trị trẻ em ở nhiều nơi trên thế giới.

Ngay từ những năm 1920, trong thời gian ở Bờ biển Vàng (Ghana ngày nay), bà đã chẩn đoán sự thiếu hụt protein là nguyên nhân gây ra loại bệnh suy dinh dưỡng thường gặp ở trẻ nhỏ ở vùng này và đặt tên cho thể này là “kwashiorkor“. 

Trong suốt sự nghiệp của mình, bà luôn nhấn mạnh đến dinh dưỡng, giáo dục và phòng bệnh cho trẻ em. Bà là người ủng hộ mạnh mẽ việc nuôi con bằng sữa mẹ và vận động chống lại thông tin sai lệch từ các tập đoàn đa quốc gia tiếp thị sữa thay thế.

4. Helen Brooke Taussig (1898 – 1986)

Bác sĩ Helen Brooke  Taussig đã theo học ngành y tại Trường Y Harvard, Đại học Boston và cuối cùng tại Đại học Johns Hopkins, nơi bà đã gắn bó phần lớn sự nghiệp của mình.

Bà được xem như là người sáng lập chuyên ngành Tim mạch học trẻ em với công trình đột phá của mình (cùng với bác sĩ Alfred Blalock và Vivien Thomas) về phẫu thuật cho các trẻ bị tứ chứng Fallot vào năm 1944. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm chủ tịch Hiệp hội Tim mạch Mỹ (American College of Cardiology) (1960) và nhận rất nhiều  giải thưởng và danh hiệu quốc tế danh giá.

Ngoài ra , bà cũng được biết đến với vai trò là người thúc đẩy chăm sóc giảm nhẹ và giai đoạn cuối, cấm sử dụng thuốc an thần thalidomide (gây dị tật thai nhi), hợp pháp hoá phá thai.

5. Virginia Apgar (1909 – 1974)

Trong những năm 1930 và 1940, bác sĩ Virginia Apgar là một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực gây mê còn non trẻ ở Mỹ. Bà là nữ giáo sư chính thức đầu tiên tại Trường Y khoa của Đại học Columbia (Columbia University College of Physicians and Surgeons (Columbia University College of Physicians and Surgeons) vào năm 1949. 

Sau này, bác sĩ Apgar tập trung nghiên cứu mối liên hệ giữa các tác động của quá trình chuyển dạ, sinh nở và thuốc gây mê cho mẹ lên tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh, và phòng ngừa các dị tật bẩm sinh. Bà là người đã đưa ra thang điểm Apgar (1953), một công cụ chuẩn hoá – tiêu chuẩn vàng đầu tiên để đánh giá trẻ sơ sinh và đến nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi.

Minh Đạt Rehab tổng hợp.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này