Mọi công việc đều vừa tạo nên một cái gì đó, vừa tạo nên một con người.
Mounier.
Việc làm không chỉ đơn giản là một tập hợp các hoạt động mà chúng ta cần phải thực hiện. Thật ra, công việc có một ảnh hưởng hết sức sâu sắc đến chính bản sắc và nhận thức của con người về bản thân, cũng như về giá trị của chính mình.
Bài viết thứ nhất về công việc sẽ khảo sát những chức năng của việc làm và các lý do khác nhau khiến chúng ta làm việc.
NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA CÔNG VIỆC TRONG CUỘC SỐNG
Một điều hiển nhiên là công việc đem lại cho người làm việc một một khoản thu nhập – điều mà ta thường gọi là “làm việc để kiếm sống”. Tuy nhiên, sự tích lũy làm giàu, ngoài một phần tối thiểu để cho phép người ta cảm thấy thỏa mãn một cách hợp lý, không phải là lý do duy nhất để con người làm việc.
Công việc cũng cho phép cá nhân thỏa mãn những nhu cầu riêng của từng người. Chẳng hạn, công việc làm giàu bản sắc cá nhân. Ví dụ như khi bạn gặp một người nào đó lần đầu tiên, sau khi biết họ tên và nơi ở, câu hỏi tiếp theo của bạn thường là về nghề nghiệp – những thông tin dùng để đánh giá người đó như thế nào. Trong những lời chào hỏi trang trọng người ta thường xác định họ theo việc làm hoặc là bác sĩ, kỹ sư, lái xe…
Công việc cũng có một ảnh hưởng hết sức to lớn đến đời sống xã hội của con người. Mỗi người chúng ta dành rất nhiều thời gian và sức lực cho công việc do đó thường nảy sinh những mối liên hệ với người khác, và tình đồng nghiệp nảy nở trong môi trường làm việc thường lan qua những lĩnh vực khác không liên quan đến công việc của đời sống chúng ta.
Loại công việc cũng liên quan đến các giá trị và mối quan tâm của cá nhân. Những người làm việc cùng nghề thường có nhiều điểm tương đồng trong các thái độ và giá trị của họ. Ví dụ người ta thấy rằng các những người kinh doanh thường chú trọng đến các giá trị kinh tế và chính trị, trong khi các giáo viên lại thường quan tâm nhiều hơn đến các giá trị tôn giáo và xã hội (Huntley, Davis,1983).
Tuy nhiên, những kết luận như vậy chỉ cho biết rằng có một mối liên hệ giữa các giá trị và mối quan tâm của cá nhân và nghề nghiệp của họ mà thôi. Chúng ta không thể nói rằng có cùng những giá trị riêng biệt này vào lúc ban đầu sẽ làm cho họ chọn cùng một loại nghề nào đó, hay là có những giá trị giống nhau là do đều làm việc trong cùng một nghề. Dù sao đi nữa, rõ ràng là những đánh giá của chúng ta về điều gì là quan trọng hay không quan trọng thường được chia sẻ bởi các đồng nghiệp của mình.

(Để biết bạn thích loại công việc nào, hãy làm bài THỰC HÀNH sau.)
THỰC HÀNH: Bạn Muốn Điều Gì Ở Công Việc?
Sau đây là 10 tiêu chuẩn mà người ta thường đưa ra liên quan đến những thuộc tính mà họ tìm kiếm ở công việc. Hãy đánh dấu những thuộc tính quan quan trọng nhất đối với bạn, và sau đó xem xét kết quả của một cuộc điều tra ở Hoa Kỳ:
___ Các đồng nghiệp thân thiện giúp đỡ.
___ Công việc có nhiều thú vị.
___ Cơ hội sử dụng đầu óc.
___ Công việc mà bạn có thể nhìn thấy các kết quả.
___ Lương cao.
___ Cơ hội phát triển các kỹ năng/khả năng.
___ Tham gia vào các quyết định có liên quan đến công việc.
___ Công việc mà bạn có thể nhận được sự trợ giúp để hoàn thành tốt.
___ Sự tôn trọng từ tổ chức, cơ quan làm việc.
___ Sự thừa nhận vì đã hoàn thành tốt công việc được giao.
Trả lời:
Kết quả cuộc điều tra cho thấy phần trăm số người đã đánh dấu một tiêu chuẩn cụ thể là:
- Các đồng nghiệp thân thiện, giúp đỡ: 70%
- Công việc có nhiều thú vị: 70%
- Cơ hội sử dụng đầu óc: 65 %
- Công việc mà bạn có thể nhìn thấy các kết quả: 62%
- Lương cao: 61%
- Cơ hội phát triển các kỹ năng/khả năng: 61%
- Tham gia vào các quyết định có liên quan đến công việc: 58%
- Công việc mà bạn có thể nhận được sự trợ giúp để hoàn thành tốt: 55 %
- Sự tôn kính trọng từ tổ chức, cơ quan làm việc: 55%
- Sự thừa nhận vì đã hoàn thành tốt công việc được giao: 54%
(Nguồn: Yankelovich,1974. )
Bản chất của công việc cũng có một ảnh hưởng quan trọng lên địa vị (tức là sự đánh giá của người khác về vai trò của cá nhân đó trong xã hội). Người ta thường tôn trọng các bác sĩ, giáo viên, hay luật sư, cho dù đôi khi thu nhập của họ có thể thấp hơn những người làm trong các ngành nghề khác.
VÌ TIỀN HAY VÌ YÊU THÍCH?
Ẩn sau những lý do chính khiến cho chúng ta làm việc là động lực bên trong và động cơ bên ngoài.
Động cơ bên trong (nội sinh) thúc đẩy chúng ta làm việc vì chính sự yêu thích đối với công việc chứ không phải vì các ích lợi từ bên ngoài. Trái lại, động cơ bên ngoài (ngoại sinh) là động cơ thúc đẩy chúng ta làm việc để nhận được những phần thưởng rõ ràng “sờ mó được”.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng động cơ bên trong sẽ làm cho chúng ta làm việc chăm chỉ hơn, bền bỉ hơn, và tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn. Tuy nhiên, thật ra không có một động cơ nào là đủ để giải thích lý do tại sao chúng ta làm việc, dù rằng trong một số trường hợp, kích thích loại động cơ này tỏ ra hiệu quả hơn kích thích loại động cơ kia.
Người ta có thể tăng động cơ bên trong bằng cách nâng cao cảm giác tự quyết định của người làm việc với công việc của họ, hoặc cho phép họ có cơ hội để chọn lựa (về loại công việc, về thứ tự các bước tiến hành…). Cũng có thể làm được điều này bằng cách làm tăng cảm nhận của người làm việc về năng lực và khả năng chuyên môn của họ bằng các phản hồi tích cực.
Các phần thưởng bên ngoài, qua việc nâng cao động cơ ngoại sinh, cũng có thể gia tăng hiệu suất làm việc (chẳng hạn như tăng tiền lương, phụ cấp, …). Tuy nhiên, nếu các phần thưởng được phân phát không theo hiệu quả thì có thể làm yếu đi động cơ bên ngoài.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: NHẬN RA ĐIỀU BẠN MUỐN Ở CÔNG VIỆC
Trước khi quyết định chọn lựa theo đuổi một nghề nghiệp nào đó, bạn cần phải hình dung được điều bạn muốn có ở công việc. Có một phương pháp có thể giúp bạn nhận ra các ưu tiên trong công việc của mình, đó là dựa vào bảng kiểm để tiến hành ra quyết định. Đây là một bảng danh sách các kết quả tích cực (tốt) và tiêu cực (xấu) có thể xảy ra khi chọn lựa một quyết định cụ thể nào đó (Janis, Mann, 1977). Bằng cách xác định những điều ủng hộ và cản trở với mỗi chọn lựa, chúng ta có thể hài lòng hơn với quyết định của mình, cũng như hiểu rõ hơn những mặt tốt và xấu của chọn lựa đó.
Để tạo một bảng kiểm, bạn cần liệt kê các thông tin sau:
Liệt kê cụ thể những mặt được – mất đối với bạn
Hãy xét xem bạn sẽ nhận được điều gì (như là thu nhập cao, sự hứng thú khi làm việc…), và sẽ mất điều gì (như giảm thời gian rỗi nếu công việc đòi hỏi nhiều thời gian) từ một nghề cụ thể.
Liệt kê những mặt được mất cụ thể đối với những người khác (gia đình…) nếu bạn quyết định chọn nghề đó
Chẳng hạn, thu nhập cao sẽ đem lại trang trải cho cuộc sống của gia đình, mua sắm được nhiều đồ dùng; ngược lại, về phần mất mát, bạn có thể sẽ mất đi cuộc sống gia đình gần gũi, nếu nghề nghiệp đòi hỏi phải đi lại thường xuyên.
Liệt kê những điểm bạn tán thành và chống đối với nghề đó.
Có lẽ bạn thấy tự hào là được làm một nghề nào đó (như nghề giáo chẳng hạn), hay là có thể bạn cảm thấy xấu hổ vì làm một công việc ít uy tín và địa vị.
Liệt kê những điểm tán thành và chống đối từ những người khác.
Hãy suy nghĩ những người xung quanh (như bố mẹ, anh chị, vợ chồng, bà con, bạn bè…) sẽ phản ứng như thế nào với chọn lựa của bạn. Đó có thể là những phản ứng tích cực như khen ngợi, khâm phục sự sáng suốt của bạn, hay tiêu cực như chê bai, xa lánh của những người thân.
Bằng cách liệt kê cụ thể và rõ ràng những hậu quả quả tốt và xấu có thể xảy ra từ một vài quyết định trên các bảng kiểm như vậy, bạn có thể sẽ đưa ra một quyết định sáng suốt hơn về nghề nghiệp mà bạn muốn theo đuổi.

Bài viết tiếp theo sẽ trình bày rõ hơn về chọn lựa nghề nghiệp.