CASE STUDY PT 4.03: GÃY CỔ XƯƠNG ĐÙI

Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023

Một trường hợp gãy cổ xương đùi, được thay khớp háng, xem xét các can thiệp phục hồi chức năng.

Mục lục

ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN

Than phiền hiện tại (PC) 

  • Một phụ nữ 65 tuổi rất nhẹ cân nhập viện khoa Cấp cứu với gãy cổ xương đùi bên phải 
  • Chẩn đoán đã được khẳng định bằng X-quang, và bệnh nhân được xem xét mổ thay toàn bộ khớp háng (THR )
  •  Chỉ định phẫu thuật là: 
    • chỉnh sửa tình trạng gãy xương
    • giảm đau
    • cải thiện chức năng

Bệnh sử (HPC) 

  • Bệnh nhân ngã trên những viên đá lát vỉa hè mấp mô trên lề đường và ngay lập tức cảm giác rằng ‘cái gì đó bị gãy’
  • Bị đau dữ dội, không thể chịu trọng lượng lên chân và phải nhập viện bằng xe cấp cứu

Bệnh sử Xã hội (SH)

  • Sống một mình, có một người con gái sống ở thành phố khác 
  • Hoàn toàn độc lập và là một nhân viên văn thư đã về hưu

ĐÁNH GIÁ KHÁCH QUAN

Quan sát 

  • Bệnh nhân ở phòng cấp cứu, chân phải của bệnh nhân ngắn và xoay ngoài 

X quang

  • Khẳng định bị gãy cổ xương đùi – phân loại Gargen độ III

Mục đích (và can thiệp)vật lý trị liệu trước khi phẫu thuật

  • Giới thiệu bản thân với bệnh nhân
  • Tìm hiểu về những lo lắng của bệnh nhân
  • Giải thích về chế độ sau phẫu thuật khi vẫn nằm trên giường 
  • Giải thích về chế độ sau phẫu thuật  sau khi đã được phép vận động
  • Hướng dẫn các bài tập thở
  • Giải thích vai trò của nhóm đa ngành (MDT)

Mục đích (và can thiệp) vật lý trị liệu sau mổ (phục hồi chức năng bắt đầu vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật)

  • Đọc biên bản ghi chú phẫu thuật và tìm xem các hướng dẫn hậu phẫu cụ thể của bác sĩ phẫu thuật
  • Giảm lo lắng cho bệnh nhân
  • Kiểm tra các biến chứng sau phẫu thuật
  • Kiểm tra và chăm sóc hô hấp khi thích hợp
  • Bắt đầu với việc duy trì chức năng mạch máu (bơm cổ bàn chân)
  • Bắt đầu bài tập vận động khớp và gồng cơ quanh khớp háng, đặc biệt là dạng và gập, sức mạnh cơ tứ đầu và cơ mông
  • Tập vận động trên giường (đặc biệt là bài tập bắc cầu phục vụ mục đích đi vệ sinh)
  • Đặt gối chêm dạng chân khi bệnh nhân nằm ngửa
  • Hướng dẫn về những điều “nên làm và không nên làm” (tập trung vào bảo  khớp và chịu trọng lượng)
  • Trao đổi với nhóm đa ngành (đặc biệt là nhân viên xã hội) về những trở ngại có thể khi xuất viện (nhớ rằng bệnh nhân sống một mình)
  • Bắt đầu tập đi với hai nạng (thường vào ngày 2-3 nhưng kiểm tra với đồng nghiệp)
  • Giảm hỗ trợ của dụng cụ trợ giúp sang đi với một nạng/gậy (thường vào ngày thứ 4)
  • Thường xuất viện vào ngày thứ 5, lúc đó bệnh nhân cần phải có thể tự mình ra vào giường, chuyển từ ngồi sang đứng mà không cần trợ giúp và có thể đi lên và xuống một tầng cầu thang
  • Mục đích chung: để nâng cao cảm giác hiệu quả của bản thân bệnh nhân về cơ thể của mình

(Ghi chú người dịch: tiến trình tập luyện di chuyển của bệnh nhân dịch đúng y văn, có thể hơi sớm so với những trường hợp gãy xương thay khớp khác do lứa tuổi (65) và do sức khoẻ trước đó).

Minh hoạ một số bài tập:

XEM THÊM: VIDEO: TẬP LUYỆN SAU THAY KHỚP HÁNG TUẦN 1-4

CÂU HỎI VÀ TRẢ LỜI 

Câu hỏi

  1. Phân loại Garden gãy cổ xương đùi là gì và phân loại này ảnh hưởng đến xử lý phẫu thuật?
  2. Việc ngã dẫn đến chấn thương nặng như vậy có phải là thường gặp ở người cao tuổi hay không?
  3. Các biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra là gì?
  4. Bệnh nhân nên tránh những hành động nào cho đến 6 tuần sau phẫu thuật?
  5. Bạn sẽ bắt đầu và sau đó tiến hành quá trình tái rèn luyện cơ như thế nào?
  6. Bạn có thể làm gì để hỗ trợ bệnh nhân này trước những lo lắng có thể có của bà?

Trả lời

1. Phân loại Garden gãy cổ xương đùi là gì và phân loại này ảnh hưởng đến xử lý phẫu thuật?

Garden (1961) đã phân loại tất cả các gãy cổ xương đùi trong bao khớp thành bốn loại. Phân loại này dựa vào hình ảnh trên phim chụp X-quang thẳng trước – sau.

  • Giai đoạn I: gãy cổ xương đùi không hoàn toàn (dạng hoặc va đập) 
  • Giai đoạn II: gãy hoàn toàn không di lệch
  • Giai đoạn III: gãy hoàn toàn có di lệch một phần: các mảnh vẫn được nối với nhau; bè xương đùi không thẳng hàng
  • Giai đoạn IV: gãy xương hoàn toàn với di lệch hoàn toàn
Phân loại gãy cổ xương đùi theo Garden

Bệnh nhân gãy xương đùi có phân độ Garden I và II thường được phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít xốp trong khi những bệnh nhân gãy xương độ III và IV thường được xem xét thay khớp háng.

2. Việc ngã dẫn đến chấn thương nặng như vậy có phải là thường gặp ở người cao tuổi hay không?

Thường gặp. Bệnh nhân này thuộc nhóm nguy cơ cao bị loãng xương về nhiều mặt: tuổi cao và giới tính nữ (Marcus và cộng sự 2003) cũng như nghề nghiệp của bệnh nhân đòi hỏi mức độ hoạt động thấp (Kortelainen và cộng sự 2004). Bà cũng được mô tả là gầy, là dạng cơ thể có liên quan nhiều đến loãng xương.

3. Các biến chứng sau phẫu thuật có thể xảy ra là gì?

  • Nhiễm trùng là một nguy cơ chính cho bất kỳ phẫu thuật nào. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ đối với thay khớp háng toàn phần vào khoảng 2,233% (Ridgeway và cộng sự 2005). Các tác giả này nhận thấy tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) được xác định là nguyên nhân gây ra khoảng 50% tỷ lệ nhiễm trùng. Nguy cơ có tỷ lệ thuận với tuổi, giới tính nữ, chỉ số khối cơ thể, chấn thương, thời gian phẫu thuật và thời gian lưu trú trước phẫu thuật.
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu và thuyên tắc phổi có thể xảy ra và có thể biểu hiện hô hấp nặng.
  • Chảy máu có thể là vấn đề sau bất kỳ loại phẫu thuật nào dẫn đến mất máu hoặc tụ máu làm chậm quá trình lành cũng như bắt đầu phục hồi chức năng.
  • Trật khớp háng.
  • Các biến chứng đường hô hấp.

4. Bệnh nhân nên tránh những hành động nào cho đến 6 tuần sau phẫu thuật?

  • Với đường mổ trước bên hoặc bên – cần tránh duỗi, khép và xoay ngoài quá mức, hoặc phối hợp cả ba vận động trên.
  • Với đường mổ sau- bên, cần tránh gấp, khép và xoay trong quá mức (Coutts 2005a).
  • Về mặt chức năng, điều này có nghĩa là bệnh nhân nên tránh (Coutts 2005a):
    • ngồi trên ghế thấp
    • cúi người về phía trước
    • bắt chéo chân khi ngồi hoặc nằm (nên dùng gối kê giữa hai chân)
    • xoay vặn chân khi ngồi hoặc nằm
    • lái xe (ô tô)
    • chạy hoặc nhảy
    • các môn thể thao tiếp xúc (nếu đó là một vấn đề đối với bệnh nhân này).

5. Bạn sẽ bắt đầu và sau đó tiến hành chương trình tái rèn luyện cơ như thế nào?

Chương trình nên tập trung vào các cơ khép, duỗi, gấp, xoay hông, cơ tứ đầu và các cơ hamstring:

  • Thường thì các nhóm cơ này sẽ rất yếu sau khi bị gãy cổ xương đùi và phẫu thuật thay khớp háng hoàn toàn.
  • Điều quan trọng là phải đảm bảo các bài tập được thực hiện với khớp háng ở tư thế trung tính (kiểm tra các vận động bù trừ, ví dụ như cơ vuông thắt lưng kéo xương chậu bên bệnh lên hoặc hoạt động của bụng ở bên bệnh).
  • Bắt đầu với một chương trình cường độ thấp vì sức bền thường bị giảm nghiêm trọng.
  • Khi cơ lực đã đạt được bậc II ở tư thế khớp háng trung tính, có thể bắt đầu hoạt động co cơ đẳng trường các cơ xoay, duỗi và dạng háng.
  • Thông thường, sự cải thiện diễn ra nhanh chóng và bệnh nhân đạt được cơ lực bậc III trong vòng một vài ngày (Coutts 2005a).
  • Khi tập luyện ở tư thế đứng, hãy đảm bảo rằng xương chậu luôn luôn cân bằng hai bên để đảm bảo đang tập đúng cơ.
  • Một khi cơ đã đạt được bậc III, có thể tăng tiến bằng các bài tập vận động chủ động tự do thay vì là các bài tập chủ động có trợ giúp.
  • Rèn luyện thể chất tích cực sau khi bị ngã là điều hết sức cần thiết.

.

6. Bạn có thể làm gì để hỗ trợ bệnh nhân này trước sự lo lắng có thể có của bà?

Là một  thuật viên vật lý trị liệu, những gợi ý sau đây là một phần của hoạt động ngay lập tức của bạn:

  • Kỹ thuật thư giãn (ví dụ các kỹ thuật tập thở hoặc co cơ tuần tiến)
  • Hoạch định mục tiêu có hợp tác của người bệnh
  • Giáo dục / cung cấp thông tin về đau, sinh cơ học, diễn tiến lành bệnh
  • Giúp bệnh nhân đối phó với nguyên nhân gây ra căng thẳng.
  • Hỗ trợ bệnh nhân giải quyết vấn đề (mô tả vấn đề, các lựa chọn là gì, đánh giá các lựa chọn thay thế, chọn giải pháp tốt nhất và lập kế hoạch) (Nicholas và cộng sự 2000).
XEM THÊM: PROBLEM SOLVING THERAPY
XEM THÊM: KHÁI NIỆM VỀ SUY LUẬN LÂM SÀNG

MinhdatRehab, Lược theo:

Clinical case studies in physiotherapy. Lauren Jean Guthrie. 2009, Elsevier Limited. 

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này