Thí nghiệm Milgram là một thí nghiệm tâm lý, nhằm tìm hiểu xem một người bình thường có thể bị dụ thực hiện những tội ác dễ dàng như thế nào, và kết quả thực sự đáng lo ngại.
Vào tháng 4 năm 1961, cựu Đại tá SS Adolf Eichmann ra tòa vì tội ác chống lại loài người trong một phòng xử án của Israel. Trong suốt phiên tòa xét xử của mình, Eichmann đã cố gắng bào chữa cho mình với lý do anh ta “chỉ tuân theo mệnh lệnh”, và vì vậy anh ta nên được coi là vô trách nhiệm về mặt đạo đức khi chỉ làm nhiệm vụ của mình.
Trên thực tế, sự bào chữa này không có hiệu quả tại tòa và anh ta đã bị kết án tử hình về tất cả các tội danh. Tuy nhiên, phiên tòa này đã thu hút sự quan tâm của nhà tâm lý học Yale Stanley Milgram, người muốn biết về mặt đạo đức, những người bình thường có thể dễ dàng phạm tội ác như thế nào nếu nghe theo lệnh.
Để xem xét vấn đề, Milgram đã thăm dò ý kiến của hàng chục người. Kết quả thăm dò cho thấy mọi nhóm mà anh ta yêu cầu dự đoán đều cho rằng sẽ rất khó để bắt mọi người phạm tội nghiêm trọng chỉ bằng cách ra lệnh cho họ.
Chỉ ba phần trăm trong số các sinh viên của Yale Milgram được thăm dò cho biết họ nghĩ rằng một người bình thường sẽ sẵn sàng giết một người lạ chỉ vì họ được yêu cầu. Một cuộc thăm dò ý kiến của các đồng nghiệp trong trường y cũng cho kết quả tương tự, với chỉ khoảng 4% các nhà tâm lý học đoán đối tượng thử nghiệm sẽ cố ý giết một người khi được ra lệnh.
Vào tháng 7 năm 1961, Milgram bắt đầu khám phá sự thật cho chính mình bằng cách đưa ra một thí nghiệm, và kết quả của nó hiện vẫn còn gây tranh cãi.
Mục lục
Thiết lập thí nghiệm Milgram
Thí nghiệm mà Milgram thiết lập cần ba người để làm cho nó hoạt động. Ba người này sẽ đóng vai trò có thể tạm gọi là người giám sát, học sinh và giáo viên. Trong đó giáo viên sẽ là những tình nguyện viên tham gia thí nghiệm, còn người giám sát và học sinh là người trong đội nghiên cứu của Milgram.
Trong đó, đối tượng thử nghiệm (giáo viên) sẽ được cho biết rằng anh ta đang tham gia vào một thí nghiệm ghi nhớ, vai trò của anh ra sẽ là thực hiện 1 loạt những cú sốc điện đối với học sinh nếu anh ta trả lời sai, và dĩ nhiên họ sẽ ngồi ở hai phòng riêng biệt, không nhìn thấy nhau và chỉ có thể liên lạc thông qua bộ đàm.
Trước mặt giáo viên là một tấm bảng dài với 30 công tắc được dán nhãn với các mức điện áp tăng dần, cao nhất là 450 volt (vôn). Trong khi đó, người giám sát sẽ ngồi cùng phòng với giáo viên, giả vờ đưa bài kiểm tra cho đồng đội ở phòng bên cạnh đồng thời nhắc nhở và cảnh báo điện áp cao được dán trên những công tắc điều khiển.
Trên thực tế, những học sinh sẽ có một cuộc trò truyện ngắn với giáo viên trước khi đi sang phòng bên cạnh và kết nối máy ghi âm với công tắc điện để phát ra những tiếng la hét khi mỗi cú sốc điện được truyền đi, bởi sẽ chẳng có cú sốc điện thực sự nào được diễn ra, tất cả chỉ là một màn kịch. Dĩ nhiên những giáo viên sẽ không hề biết rằng chẳng có ai bị điện giật cả, và những tiếng kêu la đau đớn hoặc đập vào tường van xin dừng thí nghiệm chỉ là âm thanh được phát ra từ máy ghi âm.
Tiến hành thí nghiệm
Khi thử nghiệm được tiến hành, người giám sát sẽ đưa ra cho đồng đội của mình (học sinh) một loạt các vấn đề cần ghi nhớ, sau đó yêu cầu câu anh ta trả lời. Khi học sinh đưa ra câu trả lời sai, người giám sát sẽ hướng dẫn giáo viên bấm công tắc tiếp theo theo trình tự, theo đó là mức điện áp cũng tăng dần.
Khi công tắc được bấm, máy ghi âm sẽ phát ra tiếng kêu la hoặc hét lên, và ở các cấp độ điện áp cao, sẽ có những tiếng đầu đập vào tường và yêu cầu được thả tự do, học sinh cũng sẽ nói những lời thoại theo kịch bản về việc bản thân bị bệnh tim.
Sau cú sốc thứ bảy, học sinh sẽ hoàn toàn im lặng để tạo cảm giác rằng anh ta đã ngất đi hoặc đã chết. Khi điều này xảy ra, người giám sát vẫn sẽ tiếp tục với các câu hỏi của mình.
Khi không nhận được phản hồi từ học sinh, người giám sát vẫn sẽ yêu cầu giáo viên thực hiện những cú sốc điện với cú sau sẽ có điện áp cao hơn cú trước, cho tới khi công tắc cao nhất – 450 vôn, có màu đỏ và được dán nhãn là có khả năng gây chết người được bấm.
Những phát hiện
Các nhóm được Milgram thăm dò ý kiến trước khi thí nghiệm bắt đầu đã dự đoán rằng trung bình ít hơn hai phần trăm đối tượng thử nghiệm có thể gây ra một cú sốc chết người. Thế nhưng trong thí nghiệm này, có 26 trong số 40 đối tượng – 65% – đã bấm công tắc 450 vôn.
Tất cả các đối tượng thử nghiệm đều tỏ ra rất bình thường trước mức 135 vôn, nhưng khi đến mức 300 vôn, một số người đã xin dừng thí nghiệm lại vì cảm thấy lo lắng cho những học sinh.
Tuy nhiên, Milgram đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng dường như gần 2/3 giáo viên sẽ bấm công tắc có mức công suất điện cao nhất nếu người giám sát trấn an rằng họ sẽ không phải chịu trách nhiệm gì nếu có bất trắc và nói với họ rằng “bạn bắt buộc phải tiếp tục”.
Theo đó, sau khi thử nghiệm ban đầu kết thúc, ông đã tổ chức nhiều thử nghiệm khác với một số biến được kiểm soát để xem các yếu tố khác nhau có tầm quan trọng gì trong việc ảnh hưởng đến sự phản kháng tâm lý của một người bình thường.
Ông phát hiện ra rằng mọi người có nhiều khả năng thực hiện các hành vi tàn bạo và vô nhân tính nếu họ có thể cảm thấy được cho phép bởi những người có quyền lực hay một số cơ quan có thẩm quyền được công nhận, mức độ sẵn sàng gây sốc điện của những người tham sẽ gia tăng lên khi họ cảm thấy rằng cơ quan có thẩm quyền sẽ chịu trách nhiệm về mặt đạo đức đối với những hành động mà họ làm.
Từ đó, ông đưa đến kết luận rằng dưới sức ép từ mệnh lệnh của những người có quyền, và khi con người tự cho rằng bản thân không phải chịu trách nhiệm thì họ có thể gây ra những hành động độc ác, gây tổn thương đến người khác dù biết rằng chúng trái với niềm tin và đạo đức.
Sự chỉ trích
Họ nói rằng không có gì trong khoa học xã hội đã từng được chứng minh, và kết quả đáng lo ngại trong thí nghiệm của Milgram cũng không phải là ngoại lệ. Thi nghiệm của Milgram và những người tham gia thí nghiệm đã vấp phải sự chỉ trích từ những người khác trong cộng đồng tâm lý học ngay sau khi nghiên cứu này được xuất bản.
Người ta lập luận một cách thuyết phục rằng mặc dù 40 người đàn ông mà Milgram đã tuyển dụng cho nghiên cứu của mình khác nhau về nguồn gốc và nghề nghiệp, nhưng họ đại diện cho một trường hợp đặc biệt – một nhóm nhỏ đàn ông da trắng, như vậy đây có thể không phải là mẫu tiêu biểu nhất của nhân loại. Do đó, công trình của Milgram chỉ có giá trị hạn chế trong việc hiểu tâm lý con người.
Thế nhưng dù vấp phải vô vàn những tranh cãi nhưng cho tới nay, nghiên cứu của Milgram vẫn được xem là một trong những cột trụ trong lĩnh vực triết học chính trị và đạo đức học. Thí nghiệm này cũng thường xuyên được giảng dạy tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, ngoài ra nó cũng đã được chuyển thể thành phim – Experimenter (2015). Về phía mình, Milgram trở thành 1 trong 100 nhà tâm lý học xuất sắc nhất thế kỷ 20 theo xếp hạng của Review of General Psychology, ông đứng thứ 46 trong danh sách này.
ĐỨC KHƯƠNG,
THEO TRÍ THỨC TRẺ