Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...
|
Cập nhật lần cuối vào 28/09/2023
Bạn có lần nào bị một người nào đó – không quen lắm hoặc hoàn toàn xa lạ – tiến đến quá gần bạn hay không? Hẳn là bạn cảm thấy khó chịu lắm, và phản ứng tức thì của bạn thường là tránh xa người đó càng nhanh càng tốt. Lý do là vì người đó đã vi phạm khoảng không cá nhân của bạn.
Khoảng không cá nhân là những vùng không gian bao quanh cơ thể mà những người khác có thể không được phép xâm nhập. Vùng này tựa như một cái lồng trong suốt bao quanh chúng ta, bảo vệ chúng ta khỏi sự xâm nhập của kẻ khác.
Các nghiên cứu có thấy liên hệ giữa hạnh nhân (Amygdala) với các phản ứng cảm xúc khi ở gần người khác. Một là, hạnh nhân bị kích hoạt khi có sự gần gũi; và hai là, ở những người bị tổn thương hoàn toàn hai bên hạch hạnh nhân mất cảm giác về ranh giới khoảng không cá nhân.
Mục lục
Kích thước và biến thiên của khoảng không cá nhân
Mặc dù ban đầu người ta nghĩ rằng “chiếc lồng” này bao quanh cơ thể một cách đều đặn, nghiên cứu cho thấy những vị trí có thể khác nhau đòi hỏi khoảng không gian khác nhau. Chẳng hạn vùng khoảng không cá nhân nửa trên thân người là lớn nhất, và nó nhỏ lại ở dưới cổ tay, thu hẹp dần khi xuống hai chân. Ngoài ra, khoảng không cá nhân không cố định, nó to nhỏ tùy theo bản chất của tình huống, những người mà chúng ta tiếp xúc, những đặc tính nhân cách của chúng ta.
Chẳng hạn, có những tiêu chuẩn chung để chia vùng không gian phụ thuộc vào mức độ thân mật của mối tương tác. Ta có thể phân chia :
- Vùng quan hệ thân mật (0 – 45cm): Được sử dụng khi làm tình hay an ủi người khác, chơi các trò chơi thể thao có tiếp xúc và biểu lộ những cảm xúc cực độ.
- Vùng quan hệ cá nhân (45cm – 1,2m): Sử dụng trong phần lớn những tiếp xúc với bạn thân, cũng như quan hệ hàng ngày với những người quen.
- Vùng quan hệ xã hội (1,2m – 3,6m): Được dùng trong các tiếp xúc không riêng tư hay là trong kinh doanh.
- Vùng quan hệ công cộng (3,6m – 7,5m hoặc hơn): Gồm những tiếp xúc mang tính hình thức, giữa một người như chính trị gia, người thuyết giảng, nghệ sĩ với công chúng.
Ngoài việc quyết định mức độ gần gũi giữa ta với người khác, khoảng cách giữa hai người có thể nói lên người đó hấp dẫn với ta như thế nào. Nghiên cứu thấy rằng khi quan hệ, ta có xu hướng đứng gần người ta thích hơn là những người mà mình không thích.
Một điều khá thú vị là những nền văn hóa khác nhau dường như có những chuẩn mực rất khác nhau về khoảng cách nào là thích hợp khi nói chuyện với người khác. Người Mỹ thường có vùng thân mật rộng hơn (chừng 40 – 50cm) trong khi người Nhật bản (và có lẽ cả người Việt Nam chúng ta) có vùng thân mật hẹp hơn (khoảng 25cm). Do đó, khi tiếp chuyện, người Nhật có xu hướng tiến đến gần hơn, trong khi người Mỹ có xu hướng lùi lại để giữ cho vùng thân mật của mình không bị xâm phạm. Chính vì thế mà người Mỹ thường cho là người châu Á ‘sỗ sàng” và “hay lấn áp”, trong khi người châu Á lại đánh giá người Mỹ là “lạnh lùng” và “quá trịnh trọng”. Người A-rập có xu hướng tiếp chuyện gần hơn nữa, đến mức nghe được hơi thở của nhau, vì theo truyền thống tư của họ, hít hơi thở của nhau là một biểu hiện của phép lịch sự, còn những người không theo truyền thống này chứng tỏ đang ngượng ngùng hoặc bối rối.
Ngoài ra, việc sử dụng khoảng không cá nhân cũng rất khác nhau ở hai giới. Đàn ông thường có vùng không gian rộng hơn, trong khi phụ nữ có xu hướng đứng gần nhau hơn khi nói chuyện.
NHỮNG CHỨC NĂNG CỦA KHOẢNG KHÔNG CÁ NHÂN
Bạn hãy tưởng tượng rằng giữa chúng ta không có vùng khoảng không cá nhân. Khi đó, những người khác có thể tiến đến gần bạn quá sát đến nỗi bạn có thể ngửi mùi (và thậm chí cảm thấy) hơi thở, nhìn rõ mọi dấu vết (nốt ruồi, tàn nhang, mụn, nếp nhăn, vết sẹo,….) trên gương mặt và nghe mọi sắc thái trong giọng nói của họ.
Có lẽ bạn sẽ nghĩ rằng “Thật là kinh khủng!”. Điều này cũng nói lên rằng một trong những chức năng quan trọng nhất của khoảng không cá nhân là bảo vệ chúng ta khỏi phải chịu stress do những xâm phạm có thể xảy ra khi những người khác tiến đến quá gần. Các stress đó có thể là về mặt thể chất hay cảm xúc. Chẳng hạn, chúng ta có thể bị nghe những tiếng ồn quá lớn, đôi khi còn bị hành hung bất ngờ. Như vậy khoảng không cá nhân có thể giúp ta thoát khỏi những kích thích stress không mong đợi.
Hơn thế nữa, khoảng không cá nhân còn đóng một vai trò quan trọng khác trong cuộc sống: nó bảo vệ chúng ta khỏi bị quá tải thông tin. Quá tải thông tin là tình huống mà ta nhận quá nhiều kích thích thị giác cũng như những cảm giác khác (sờ, nghe,…) đến nỗi chúng ta không thể hiểu và xử lý các dữ kiện thiết yếu của môi trường. Bằng cách giữ một khoảng cách với người khác, chúng ta có thể giữ được sự kiểm soát với kích thích mà ta sẽ phải chú ý.
Cuối cùng, khoảng không cá nhân còn đóng một chức năng giao tiếp trong cuộc sống con người. Vì khoảng cách giữa hai người có thể là một chỉ điểm về bản chất của mối quan hệ của họ, khoảng không cá nhân có thể chuyển giao cảm xúc giữa hai người với nhau.
LỜI KHUYÊN TÂM LÝ : THIẾT KẾ XUNG QUANH KHOẢNG KHÔNG CÁ NHÂN CỦA BẠN
Trước khi các nhà kiến trúc sư thiết kế đồ án, họ thường và nên thảo luận với những người sử dụng. Ví dụ, trước khi một người kiến trúc sư vẽ thiết kế một khu ký túc xá mới, nên thảo luận với mỗi nhóm người sử dụng – các sinh viên, cán bộ của trường đại học, ban bảo vệ – để xác định xem nhu cầu của họ.
Nếu bạn được một kiến trúc sư yêu cầu cho một lời khuyên để thiết kế sao cho không ảnh hưởng xấu đến quan hệ, tương tác giữa mọi người, bạn có lẽ sẽ đưa ra những ý kiến sau:
Các đặc tính thiết kế buộc người ta phải tương tác với nhau ở một khoảng cách không thích hợp có thể làm họ có cảm giác tiêu cực.
Chẳng hạn, những xếp đặt chỗ ngồi cố định, như thường được thấy ở sân bay, nhà ga, hay những phòng đợi khác, có thể cản trở sự tương tác nếu chúng không xét đến khoảng không cá nhân của con người. Nhiều phòng đợi có các chế ngồi gắn chặt vào nền, cái này tiếp nối cái kia, cùng xoay về một hướng hoặc dựa lưng vào nhau. Những xếp đặt như vậy làm cho người ta không thể nói chuyện với một người nào khác, trừ những người ngồi ngay cạnh bên, và ngay cả khi nói chuyện với họ ta cũng buộc phải vặn vẹo thân mình.
Vị trí các chỗ ngồi có thể ảnh hưởng đến bản chất của mối liên hệ xã hội giữa hai người.
Ví dụ, nghiên cứu thấy rằng các bệnh nhân thường cởi mở và thư giãn hơn khi người bác sĩ ngồi gần họ so với khi người bác sĩ ở cách xa. Người ta cũng thấy rằng điểm của sinh viên thường có liên hệ đến chỗ ngồi của họ. Cả trong trường hợp sinh viên được phép chọn chỗ ngồi và trong trường hợp thầy giáo chỉ định chỗ ngồi, những sinh viên ngồi phía trước và ở giữa của giảng đường thường có điểm học cao hơn những sinh viên ngồi ở phía sau và hai bên (Stires,1980). Lý do của điều này liên hệ đến đến mức độ tiếp xúc bằng mắt có thể có với người giảng viên: khi tiếp xúc bằng mặt với người thầy giáo càng nhiều, thì người sinh viên cảm thấy được quan tâm nhiều hơn, và do đó họ dễ tham gia và cảm thấy thôi thúc phải học giỏi hơn trong lớp học.
Để khuyến khích những tương tác xã hội thân mật hơn, các kiến trúc sư nên cân nhắc thiết kế những tòa nhà bao gồm những vùng không gian mở.
Các nghiên cứu thấy rằng trong một không gian càng đóng kín thì những người sử dụng nó càng muốn có khoảng không cá nhân lớn hơn, vì vậy, khi kích thước căn phòng hay độ cao của trần nhà giảm xuống, người ta càng thôi thúc phải duy trì kích thước khoảng không bao quanh mình rộng hơn. Ngoài ra, người ta cũng muốn giữ cho khoảng cách lớn hơn khi họ ở góc phòng so với khi họ giữa phòng.
Những phát hiện này gợi ý rằng muốn giảm khoảng cách tương tác giữa những cư dân của một cấu trúc nào đó, các kiến trúc sư nên tạo những vùng không gian rộng, thông thoáng hơn.
Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,
Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.