ĐAU VÀ QUẢN LÝ ĐAU Ở TRẺ BẠI NÃO

Bài viết trình bày các đặc điểm về đau ở trẻ bại não và các biện pháp can thiệp. 

Mục lục

Đau ở trẻ bại não

Một số đặc điểm của đau ở trẻ em và trẻ bại não

Thật khó để đưa ra con số chính xác về tỷ lệ hiện mắc và gánh nặng của tình trạng đau ở trẻ em. Các nghiên cứu hiện có gợi ý rằng khoảng ¼ đến ⅓ trẻ em bị đau mạn tính, với khoảng 1/20 trẻ bị khuyết tật do đau từ mức độ trung bình đến nặng.

Bởi vì các tác động của bại não trên hệ thống thần kinh và cơ xương khớp, đau là một tình trạng rất thường gặp ở nhóm bệnh này. Hơn một nửa số trẻ em bị bại não thường xuyên bị đau từ mức trung bình đến nặng ở nhiều vị trí trên cơ thể.

Đau ở trẻ em khác với đau ở người lớn vì các lý do sinh lý, nhận thức, phát triển và xã hội. Quá trình phát triển của trẻ dẫn đến những khác biệt quan trọng và liên tục thay đổi trong nhận thức, khả năng thể hiện cảm xúc và đau, cũng như nhận thức và trình độ học vấn. Những khác biệt trong trải nghiệm đau này cũng liên quan đến bối cảnh môi trường, văn hóa và xã hội khi trẻ lớn lên.

Ở trẻ bại não, những khó khăn về giao tiếp, khiếm khuyết về nhận thức làm cho trẻ không thể mô tả về bản chất, vị trí hoặc mức độ trầm trọng của sự khó chịu hoặc cơn đau mà trẻ cảm nhận.

Nguyên nhân gây đau ở trẻ bại não

Nguyên nhân gây đau ở trẻ bại não có thể được chia thành hai loại: đau sau khi phẫu thuật hoặc can thiệp y tế khác như tập luyện phục hồi chức năng, và cảm giác đau hàng ngày do tình trạng cơ thể của trẻ. Loại đau đầu tiên thường ngắn hạn, tạm thời và với mục đích phòng ngừa đau hoặc cải thiện chức năng về lâu dài. Loại thứ hai là loại đau nguy hiểm và có thể ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và hoạt động chức năng của trẻ.

Trẻ em và thanh niên bị bại não có thể bị đau do nhiều nguyên nhân. Tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, các vấn đề thứ cấp có thể là nguyên nhân đáng kể gây ra đau. Thông thường, đau sẽ phụ thuộc vào loại bại não mà trẻ mắc phải và mức độ trầm trọng của tình trạng của trẻ.

Những nguyên nhân phổ biến nhất của đau mà một trẻ bại não có thể bị bao gồm:

  • Co cứng
  • Co rút
  • Rối loạn chức năng vận động
  • Rối loạn chức năng khớp
  • Vẹo cột sống
  • Bán trật khớp háng
  • Vấn đề về đường hô hấp
  • Các vấn đề về đường ruột
  • Trào ngược dạ dày thực quản
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tổn thương dây thần kinh do chèn ép
  • Thoái hoá khớp
  • Đau cột sống và đau lưng
  • Tổn thương da

Lý do những tình trạng này gây ra đau rất phức tạp. Co cứng, gặp ở thể bại não phổ biến nhất, gây đau vì nó gây ra các vấn đề về chức năng có thể dẫn đến co rút và thoái hóa sụn khớp. Tình trạng co cứng có liên quan đến sự rút ngắn và lệch trục mạn tính của các cơ cần can thiệp phẫu thuật và không phẫu thuật để điều chỉnh. Ngoài ra có thể kèm theo đau do co thắt cơ và run.

Trong một số trường hợp, không xác định được nguyên nhân gây đau ở trẻ mặc dù đã được lượng giá cẩn thận.

Hậu quả của đau ở trẻ bại não

Đau làm gia tăng các vấn đề về hành vi và cảm xúc ở trẻ bại não, làm giảm chất lượng cuộc sống của trẻ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự tham gia của trẻ vào các hoạt động hàng ngày và xã hội cũng như sự hài lòng của cha mẹ khi thực hiện các hoạt động này. Đau tạo thành gánh nặng bổ sung cho hệ thống y tế, tạo ra nhiều nhu cầu về dịch vụ y tế hơn là mức độ trầm trọng của bệnh lý, với nhu cầu thăm khám thường xuyên hơn, sử dụng các thuốc giảm đau nhiều hơn và đòi hỏi trị liệu nhiều hơn. Hơn nữa, đau là một trong những mối quan tâm chính của cha mẹ khi con họ phải can thiệp y tế như tập luyện phục hồi chức năng, phẫu thuật và là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến đánh giá của cha mẹ về sự thành công của can thiệp. Do đó, đau thường xuyên làm giảm mức độ hài lòng với phục hồi chức năng vận động, trong khi mức độ đau thấp làm tăng mức độ hài lòng sau khi phục hồi và cần xem xét quản lý đau hiệu quả để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe.

Quản lý Đau ở trẻ bại não

Quản lý đau là gì:

Quản lý cơn đau là một nhánh của y học tập trung vào việc giảm bớt sự khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống của những bệnh nhân bị đau cấp tính, mạn tính hoặc từng đợt. 

Tại sao phải quản lý đau cho trẻ bại não:

Quản lý đau là cần thiết đối với mọi trẻ bị bại não vì cảm giác khó chịu có thể đem lại những hậu quả xấu lên sức khoẻ thể chất, tinh thần, xã hội và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Nếu một trẻ bị đau thường xuyên hoặc ngay cả khi đau không liên tục, trẻ sẽ không thể tập trung vào các khía cạnh khác của cuộc sống như học tập và vui chơi. Nhưng hậu quả nghiêm trọng nhất của đau là nó là một dấu hiệu của một cái gì đó bất thường; nếu một trẻ cảm thấy đau, có thể có nguyên nhân xác định và nguyên nhân đó có thể đe dọa tính mạng hoặc ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trẻ em không được quản lý đau hoặc phải trải qua các biện pháp can thiệp không thành công, có thể biểu hiện:

  • Thất vọng
  • Sợ hãi hoặc lo lắng
  • Trầm cảm
  • Xa lánh xã hội
  • Không có khả năng đối phó

Quản lý đau một cách hiệu quả sẽ đảm bảo rằng trẻ có thể đạt được các mục tiêu của mình về thể chất, tâm lý, chức năng và xã hội. Không bị đau sẽ cho phép trẻ phát triển, tham gia vào các trị liệu nhằm nâng cao sức khoẻ và tham gia vào tất cả các hoạt động mà những đứa trẻ cùng tuổi khác được hưởng.

Các can thiệp giảm đau cho trẻ bại não

Nói chung, quản lý đau có thể bao gồm các liệu pháp, điều trị bằng thuốc, các thủ thuật không xâm lấn hoặc xâm lấn tối thiểu và cuối cùng là phẫu thuật. Trong một số trường hợp, trẻ có thể chỉ cần dùng thuốc để kiểm soát cơn đau. Nhưng ở những trường hợp khác, trẻ có thể cần một vài lần phẫu thuật khi trẻ lớn lên để đảm bảo hạn chế cơn đau.

Mặc dù các thủ thuật xâm lấn nhiều hơn để giảm đau có thể mang lại các kết quả lâu dài, nhưng các biện pháp can thiệp ít xâm lấn hơn thường được thực hiện trước. Điều này có nghĩa là kiểm soát đau có thể sẽ không phải là can thiệp một lần; mà có thể sẽ liên quan đến các nỗ lực phối hợp, liên tục. Các quyết định đưa ra liên quan đến việc kiểm soát đau sẽ phụ thuộc vào tình trạng thể chất của trẻ, do đó giải pháp cho từng trường hợp cần được cá nhân hóa.

1. Điều trị bằng thuốc

Một trong những giải pháp phổ biến nhất để giảm đau mà các bác sĩ sẽ sử dụng là dùng thuốc. Tùy thuộc vào nhu cầu của trẻ, thuốc có thể đơn giản, thuốc không kê đơn như paracetamol, NSAID hoặc thuốc nhuận tràng. Trong những trường hợp đau trầm trọng và/hoặc sau phẫu thuật, trẻ có thể cần được kê đơn các thuốc giảm đau mạnh hơn, như các thuốc giảm đau opioid (như là oxycodone) hoặc giảm đau thần kinh để giảm đau cho trẻ. 

Loại thuốc được sử dụng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây đau của trẻ. Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị đau ở trẻ em và người lớn bị bại não bao gồm:

  • Thuốc chống động kinh – Thuốc được sử dụng để giảm hoạt tính và giảm cường độ của các cơn co giật.
  • Thuốc kháng cholinergic – Được sử dụng để điều trị các vận động không kiểm soát và các cơn co thắt do co cứng, loạn trương lực, múa vờn hoặc múa giật. 
  • Chống co cứng – Được sử dụng để thư giãn cơ bị co thắt quá mức hoặc co cứng. 
  • Thuốc chống viêm – Được sử dụng để giảm đau bằng cách giảm viêm cơ và khớp.
  • Thuốc giảm đau opioid – Thuốc giảm đau kê toa được sử dụng để giảm đau nhiều, nặng nề.
  • Thuốc làm mềm phân – Được sử dụng để giảm táo bón, có thể giúp giảm đau bụng.
  • Thuốc chống trầm cảm – Được sử dụng để làm giảm các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. 

Về đường sử dụng, phổ biến nhất là bằng đường uống, nhưng tuỳ theo loại thuốc và mức độ đau cũng như đặc điểm của trẻ mà có thể sử dụng dưới dạng hấp thu bằng miếng dán, nhét hậu môn, truyền tĩnh mạch hoặc bơm ngoài màng cứng (baclofen).. 

Các loại thuốc dùng để giảm đau thường được xem là an toàn, nhưng tất cả các thuốc đều có thể gây một số tác dụng phụ. Cần giải thích kỹ cho bệnh nhân và gia đình những nguy cơ và các tác dụng phụ liên quan đến sử dụng thuốc.

Tất cả các loại thuốc – ngay cả khi được mua không cần kê đơn – cần phải được giám sát nghiêm ngặt bởi bác sĩ cũng như người chăm sóc của trẻ.

2. Phục hồi chức năng

Can thiệp giảm đau đầu tiên thường là vật lý trị liệu và tập luyện (vận động trị liệu, hoạt động trị liệu). Các phương thức vật lý, như nhiệt nóng, điện xung (dòng TENS) … thường được sử dụng để giảm đau tại chỗ. Trong các buổi tập với chuyên gia trị liệu, trẻ em có thể tham gia một số bài tập được thiết kế để cải thiện khả năng di chuyển và sinh hoạt của trẻ. 

Các hoạt động mà trẻ em có thể tham gia trong một buổi trị liệu bao gồm:

  • Các bài tập tầm vận động
  • Các bài tập kéo dãn
  • Các bài tập làm mạnh cơ
  • Các bài tập thăng bằng, làm vững
  • Các bài tập sức bền
  • Các bài tập tăng cường khả năng vận động, di chuyển, sinh hoạt hàng ngày.

Ngoài ra, trẻ sẽ được cung cấp khi cần thiết với các dụng cụ chỉnh hình (như nẹp chỉnh hình cổ bàn chân) hoặc dụng cụ trợ giúp, dụng cụ thích ứng. Những dụng cụ này, trong nhiều trường hợp, đem lại sự ổn định cho các phần chi thể có thể bị đau vì nhiều lý do.

3. Tâm lý trị liệu

Các kỹ thuật tâm lý trị liệu, như liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) và liệu pháp thư giãn cũng thường được áp dụng để quản lý đau ở trẻ em, đặc biệt trong những trường hợp đau mạn tính.

4. Các thủ thuật không xâm lấn và xâm lấn tối thiểu

Các giải pháp giảm đau không xâm lấn và xâm lấn tối thiểu cũng có thể được sử dụng để giảm đau, mặc dù không phải tất cả các giải pháp này đều phù hợp với trẻ nhỏ. Các phương pháp điều trị này bao gồm tiêm Botox, phong bế dây thần kinh, đến kích thích tủy sống bằng điện cực cấy ghép để thay đổi cảm nhận đau. Những thủ thuật này thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn, chuyên khoa.

5. Phẫu thuật

Can thiệp phẫu thuật nên được xem là giải pháp cuối cùng. Đôi khi, can thiệp phẫu thuật là hy vọng duy nhất để giảm đau cho trẻ; thông thường, phẫu thuật có thể phải được thực hiện nhiều lần trước khi trẻ đến tuổi trưởng thành.

Phẫu thuật thường được chia thành ba loại sau:

  • Phẫu thuật chỉnh hình – Thường được khuyến nghị cho trẻ bị co cứng, giúp kéo dài cơ và gân ở chân để giúp trẻ đi được và đi lại ít đau hơn. 
  • Phẫu thuật cột sống – Cố định cột sống có thể làm cho cột sống ổn định, giúp giảm đau.
  • Cắt hạch rễ lưng có Chọn lọc (Selective Dorsal Rhizotomy) – Phẫu thuật này liên quan đến việc xác định vị trí và cắt đứt các rễ thần kinh thắt lưng bị kích hoạt quá mức. Phẫu thuật này chỉ được khuyến nghị sau khi các biện pháp can thiệp khác, chẳng hạn như thuốc hoặc vật lý trị liệu, không làm giảm được các cơn đau do co cứng.

Sau khi phẫu thuật, cần đáp ứng nhu cầu giảm đau để đảm bảo trẻ được thoải mái dễ chịu. Khi trẻ hồi phục, trẻ có thể được đeo nẹp, bó bột hoặc dụng cụ chỉnh hình để làm vững phần chi thể được phẫu thuật và tham gia vào một chương trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật.
Lưu ý: Các phẫu thuật liên quan đến giảm đau và bại não được cho là an toàn, nhưng tất cả các phẫu thuật đều có nguy cơ nhiễm trùng hoặc phản ứng với thuốc mê.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này