Cập nhật lần cuối vào 27/05/2022
Thang điểm FIM được xem là một thang đo lượng giá “tiêu chuẩn vàng”, một chỉ điểm cơ bản cho mức độ trầm trọng của khuyết tật. Nó đo lường loại và mức độ trợ giúp mà một người khuyết tật cần để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày một cách hiệu quả. Thang điểm này được sử dụng rộng rãi để đo lường kết quả (outcome) của phục hồi chức năng cho các bệnh nhân ở lứa tuổi đạt được những mức độ chức năng sinh hoạt hàng ngày như người lớn bình thường.
WeeFIM® là phiên bản nhi khoa của FIM. Thang đo này tương tự như FIM người lớn nhưng có một vài sự khác biệt để tính đến các giai đoạn phát triển của trẻ.
Nhiều bạn đọc đã quan thuộc với thang điểm FIM qua các bài viết ở PHCN Online hoặc các tài liệu khác, nhưng vẫn còn bỡ ngỡ khi áp dụng thang điểm WeeFIM. Sau đây xin tổng hợp một số đặc điểm giống và khác nhau giữa thang điểm WeeFIM và thang điểm FIM để bạn đọc có thể áp dụng trên lâm sảng một cách chính xác hơn.
Mục lục
Lứa tuổi sử dụng:
- Trẻ <3 tuổi: nên sử dụng thang đo khác phản ánh chính xác hơn sự phát triển ở trẻ rất nhỏ (mặc dù trong hướng dẫn của WeeFIM nói rằng nó được thiết kế để sử dụng cho trẻ 6 tháng đến 7 tuổi).
- Trẻ 3- 8 tuổi: Sử dụng WeeFIM, và có thể so sánh với mức đạt độc lập chức năng tương ứng (norm) ở trẻ đồng lứa tuổi
- Trẻ 8- 18 tuổi: vì không cần so với trẻ đồng lứa (đều đã đạt mức độc lập), nên có thể sử dụng WeeFIM hoặc FIM (ưu tiên WeeFIM cho trẻ khuyết tật mà mức độ chức năng không đạt như trẻ > 7 tuổi).
- Người lớn: FIM
NHẮC LẠI Các Mức của Công cụ FIM/WeeFIM
Không có Người trợ giúp:
NKT/Trẻ thực hiện tất cả các nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ của một người khác.
- 7 – Độc lập hoàn toàn: NKT/Trẻ thực hiện một cách an toàn được tất cả các nhiệm vụ của hoạt động không cần sự hỗ trợ của một người trợ giúp, trong một khoảng thời gian hợp lý và không cần sửa đổi, dụng cụ trợ giúp.
- 6 – Độc lập có sửa đổi: NKT/Trẻ thực hiện được tất cả các hoạt động không cần sự hỗ trợ của một người trợ giúp, mà một trong những điều sau là đúng:
- NKT/Trẻ cần một dụng cụ trợ giúp để thực hiện các nhiệm vụ
- NKT/Trẻ cần một dụng cụ chỉnh hình hoặc bộ phận giả cần thiết để thực hiện nhiệm vụ
- NKT/Trẻ cần nhiều hơn một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện nhiệm vụ
- Có cân nhắc về an toàn khi NKT/trẻ thực hiện nhiệm vụ
Cần Người trợ giúp:
NKT/Trẻ cần một người khác (hoặc là giám sát hoặc hỗ trợ về thể chất) để thực hiện các nhiệm vụ, hoặc không thực hiện các nhiệm vụ.
Phụ thuộc có sửa đổi:
- 5 – Giám sát/Xếp đặt: NKT/Trẻ thực hiện tất cả các nhiệm vụ nhưng cần hoặc là giám sát (đứng cạnh bên, nhắc nhở, hoặc gợi ý) mà không sờ chạm; hoặc là trợ giúp xếp đặt (ví dụ chuẩn bị các vật dụng cần thiết hoặc trợ giúp mang dụng cụ trợ giúp/thích ứng, một bộ phận giả hoặc dụng cụ chỉnh hình).
- 4- Trợ giúp Tối thiểu: NKT/Trẻ thực hiện được 75 % nhiệm vụ trở lên, không cần trợ giúp nhiều hơn chạm tay
- 3 – Trợ giúp trung bình: NKT/Trẻ thực hiện 50 đến 74 % nhiệm vụ, cần trợ giúp nhiều hơn sự chạm tay.
Phụ thuộc hoàn toàn:
- 2 – Trợ giúp tối đa: NKT/Trẻ thực hiện 25 đến 49 % nhiệm vụ.
- 1 – Trợ giúp hoàn toàn: Một trong những điều sau là đúng:
- NKT/Trẻ thực hiện ít hơn 25% nhiệm vụ (kể cả không thực hiện nhiệm vụ).
- NKT/Trẻ cần trợ giúp của hai người
- Hoạt động không xảy ra
So sánh thang điểm FIM và WeeFIM
Những điểm giống Với thang điểm FIM:
- Là thang đo về mức độ khuyết tật, chứ không phải khiếm khuyết. Nó nhằm mục đích đo lường những gì một người/trẻ khuyết tật thực sự thực hiện, bất kể chẩn đoán hoặc khiếm khuyết là gì – không phải những gì mà người/trẻ phải có thể làm hoặc hẳn có thể làm trong các hoàn cảnh khác.
- Sử dụng 18 mục quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Các mục này tương tự nhau nhưng có một số sửa đổi trong thang điểm WeeFIM để phù hợp ở trẻ nhỏ.
- Mức trợ giúp được chia làm 7 mức tương tự nhau, từ độc lập hoàn toàn (mức 7) đến trợ giúp hoàn toàn (mức 1). Nhu cầu trợ giúp (gánh nặng chăm sóc) chuyển thành thời gian và năng lượng mà một người khác phải bỏ ra để phục vụ các nhu cầu bị phụ thuộc của một người/trẻ khuyết tật để có thể đạt được và duy trì một chất lượng cuộc sống nhất định.
- Lượng giá chức năng tốt nhất thông qua quan sát trực tiếp. Khi không thể quan sát trực tiếp, lượng giá có thể được hoàn thành qua phỏng vấn người nhà hoặc người chăm sóc chính quen thuộc với các hoạt động hàng ngày của người/ trẻ khuyết tật.
Một số điểm khác nhau
- 18 mục FIM chia thành các lĩnh vực:
- Tự chăm sóc (6 mục),
- Kiểm soát cơ tròn (2 mục),
- Dịch chuyển (3 mục),
- Di chuyển (2 mục),
- Giao tiếp (2 mục),
- Nhận thức Xã hội (3 mục).
- Có thể gộp các mục Tự chăm sóc, Kiểm soát cơ tròn, Dịch chuyển, Di chuyển là Vận động và Giao tiếp, Nhận thức xã hội là Nhận thức
- 18 mục của WeeFIM chia thành 3 lĩnh vực:
- Tự chăm sóc (8 mục, gồm tự chăm sóc và kiểm soát cơ tròn của FIM),
- Vận động Di chuyển (5 mục, gồm Dịch chuyển và Di chuyển của FIM),
- Nhận thức (5 mục, gồm Giao tiếp và Nhận thức Xã hội của FIM).
- Tự chăm sóc và Vận động Di chuyển thuộc nhóm Vận động
Bảng so sánh
STT | Mục | FIM | WeeFIM |
1 | Ăn uống | Lấy thức ăn, đưa đến miệng, nhai nuốt. Uống nước từ cốc/ly | Tương tự |
2 | Vệ sinh cá nhân | 5 hoạt động: Vệ sinh răng miệng, chải đầu, vệ sinh 2 bàn tay và mặt, cạo râu và/hoặc trang điểm | 4 mục, bỏ mục cạo râu và/hoặc trang điểm |
3 | Tắm rửa | 3 hoạt động (chùi rửa, xả nước, lau khô) bên dưới cổ, không tính vùng lưng hoặc trong bồn tắm, buồng tắm, hoặc tắm bằng bọt biển/ khăn lau tại giường. Chia làm 10 vùng cơ thể | Tương tự |
4 | Mặc: Nửa người trên | Mặc và cởi phía trên thắt lưng, cũng như mang và tháo một chi giả hoặc dụng cụ chỉnh hình nếu có. | Tương tự |
5 | Mặc: Nửa người dưới | Mặc và cởi quần từ thắt lưng trở xuống, cũng như mang và tháo chân giả hoặc dụng cụ chỉnh hình nếu có. | Tương tự, không tính buộc dây giày |
6 | Chăm sóc khi đi vệ sinh | 3 hoạt động: điều chỉnh áo quần trước và sau khi đi vệ sinh (đại, tiểu tiện), làm sạch vùng đáy chậu | Tương tự |
7 | Quản lý đường tiểu | Gồm Mức trợ giúp và Tần suất sự cố. Mức được chọn là điểm thấp nhất của hai biến. Thời gian trong 3 ngày vừa qua. | Gồm Mức trợ giúp và Tần suất sự cố. Mức được chọn là điểm thấp nhất của hai biến. Thời gian tần suất sự cố có sự khác biệt (hàng vài tháng, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày …). Tiểu dầm về đêm được xếp ở mức 5. |
8 | Quản lý đường ruột | Gồm Mức trợ giúp và Tần suất sự cố. Mức được chọn là điểm thấp nhất của hai biến. Thời gian trong 3 ngày vừa qua. | Gồm Mức trợ giúp và Tần suất sự cố. Mức được chọn là điểm thấp nhất của hai biến. Thời gian tần suất sự cố có sự khác biệt (hàng vài tháng, hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày …). |
9 | Dịch chuyển: Giường/Ghế/Xe lăn | Dịch chuyển từ giường (từ tư thế nằm ngửa) sang ghế và ngược trở lại, hoặc từ giường sang xe lăn và ngược trở lại, hoặc sang tư thế đứng nếu đi là kiểu di chuyển thông thường của người bệnh. | Chỉ có dịch chuyển Ghế, Xe lăn (không bao gồm dịch chuyển trên giường ở tư thế nằm, có nghĩa là tư thế ban đầu là tư thế ngồi). Ghế kích thước người lớn tiêu chuẩn. |
10 | Dịch chuyển: Bệ vệ sinh | Dịch chuyển vào và ra một bệ vệ sinh tiêu chuẩn gồm tiếp cận, ngồi xuống, đứng lên (hoặc sang xe lăn nếu di chuyển bằng xe lăn) | Tương tự, bệ vệ sinh tiêu chuẩn. |
11 | Dịch chuyển: Bồn tắm, buồng tắm | Dịch chuyển vào và ra khỏi một bồn tắm hoặc buồng tắm | Tương tự |
12 | Di chuyển: Đi bộ/xe lăn | Gồm đi bộ và di chuyển Xe lăn | Gồm Đi bộ, di chuyển Xe lăn và/hoặc Bò. Bò được xếp các mức 5,4,3,1 tuỳ theo khoảng cách lết/bò được. |
13 | Di chuyển: Các bậc cấp | Đi lên và xuống 12 đến 14 bậc cấp (1 tầng) | Tương tự |
14 | Giao tiếp: Hiểu | Hiểu giao tiếp nghe hoặc nhìn. Mức 7, 6 gồm các thông tin trừu tượng, phức tạp. Mức 5 trở xuống: các thông tin đơn giản, hàng ngày | Hiểu giao tiếp nghe hoặc nhìn. Chỉ áp dụng các thông tin cơ bản hàng ngày. Khái niệm mệnh lệnh nhiều bước có liên quan/không liên quan. |
15 | Giao tiếp: Diễn đạt | Diễn đạt rõ ràng bằng ngôn ngữ lời nói hoặc không lời. Mức 7, 6 gồm các thông tin trừu tượng, phức tạp. Mức 5 trở xuống: các thông tin đơn giản, hàng ngày | Diễn đạt rõ ràng bằng ngôn ngữ lời nói hoặc không lời. Chỉ áp dụng các nhu cầu cơ bản hàng ngày. |
16 | Tương tác xã hội | Hòa đồng với người khác và tham gia với những người khác trong các tình huống trị liệu và xã hội | Tương tự: Hòa hợp, hợp tác và tham gia với những trẻ khác cùng trang lứa (không phải tham chiếu với người lớn). |
17 | Giải quyết vấn đề | Giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày. Điều này có nghĩa là đưa ra các quyết định hợp lý, an toàn và kịp thời về các vấn đề cá nhân, tài chính và xã hội, cũng như bắt đầu, thực hiện trình tự và tự sửa chữa các nhiệm vụ và hoạt động để giải quyết các vấn đề. | Tương tự nhưng phù hợp với vấn đề hàng ngày của trẻ. |
18 | Trí nhớ | Nhận ra và ghi nhớ trong khi thực hiện các hoạt động hàng ngày trong môi trường ở bệnh viện hoặc cộng đồng. Trí nhớ trong ngữ cảnh này bao gồm khả năng lưu giữ và truy xuất thông tin, đặc biệt là lời nói và hình ảnh. Bằng chứng chức năng của trí nhớ bao gồm nhận ra những người thường gặp, nhớ các việc làm hàng ngày và thực hiện các yêu cầu mà không cần nhắc nhở. | Tương tự. Nhận ra (ví dụ mặt người quen không nhất thiết phải nhớ tên). |
MinhdatRehab