CÁC PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH: DỊCH CÂN KINH

Cập nhật lần cuối vào 10/06/2022

Dịch cân kinh 12 thức

Mục lục

NGUỒN GỐC, NỘI DUNG, ĐẶC ĐIỂM CỦA DỊCH CÂN KINH

Dịch cân kinh là một phương pháp rèn luyện thân thể của Trung Quốc thời cổ, lưu truyền rất rộng; đến giờ vẫn còn nhiều người dùng nó để rèn luyện thân thể. Dịch cân kinh không những được dùng để tập luyện hằng ngày, giữ gìn thể lực tốt, cường thân mà còn ứng dụng cho bệnh nhân về xương trong thời kỳ khôi phục làm môn thể thao trị bệnh; đối với việc tăng cường sức bắp thịt, hiệu quả rất rõ rệt.

Tương truyền, trong thời gian ở chùa Thiếu lâm, Bồ Ðề Ðạt Ma đã quan sát và thấy đa số đệ tử trong chùa đều mắc chứng bệnh xanh xao ốm yếu. Sau khi điều tra, người đã hiểu được nguyên nhân vì các đệ tự tuy tinh tấn tu thiền, nhưng hầu như không vận động cơ thể. “Tĩnh” quá nhiều, mà “Ðộng” không đủ, đó là cội nguồn của căn bệnh của họ.

Nhằm mục đích cải thiện tình trạng sức khỏe cho các đệ tử, Đạt Ma Sư Tổ đã nghiên cứu và  sáng tạo ra phương pháp tập luyện môn khí công “Dịch cân kinh” và cho các đệ tử theo pháp đó mà luyện tập mỗi ngày, dần dần bệnh xanh xao và ốm yếu kể trên mới được đẩy lùi.

Dịch cân kinh được sáng lập và quảng bá, nguyên ý là để rèn luyện bắp thịt và gân cốt. Theo đúng tên gọi, ”dịch“ có nghĩa là làm thay đổi, ”cân“ là bắp thịt, ”kinh“ là phương pháp. Hàm nghĩa của ”dịch cân“ là biến những bắp thịt mềm nhão, yếu ớt thành mạnh mẽ rắn chắc. Động tác của Dịch cân kinh dùng sức mạnh mẽ, nhưng trong cương có nhu, trong động chứa tĩnh, ý lực thống nhất (dùng ý thức chỉ huy cơ nhục), quả thật là phương pháp tốt để rèn luyện cơ nhục, tăng cường sức lực, giúp ích rất nhiều cho việc tăng cường thể chất.

Xét về tính chất của động tác, Dịch cân kinh giống như Bát đoạn cẩm; nhưng mức độ dùng lực và động tác khó làm hơn Bát đoạn cẩm, hơn nữa lúc vận động nhấn mạnh tâm phải tĩnh, tinh thần phải tập trung hơi thở điều hòa, yêu cầu kết hợp trong ngoài, kết hợp động tĩnh.

Dịch cân kinh 12 thức

PHƯƠNG PHÁP TẬP LUYỆN

Thức thứ nhất: Lưỡng thủ đương hung (H. 1)

(Nghĩa là Chắp tay ngang ngực)

Tư thế chuẩn bị: Hai chân đứng thẳng, khoảng cách 2 chân bằng vai, 2 tay buông thõng tự nhiên, eo lưng ngay thẳng, mắt nhìn chăm chú về phía trước, tinh thần tập trung H 0).

(1) 2 tay từ từ nhấc ngang lên ở phía trước, lòng bàn tay úp xuống, cánh tay duỗi thẳng.

(2) Xoay bàn tay, 2 lòng bàn tay đối nhau, co khuỷu tay lại để từ từ thu 2 bàn tay về trước ngực, cách ngực khoảng 1 nắm tay, các đầu ngón tay đối nhau, lòng bàn tay xoay vào ngực, làm thành thể cung thủ (H. 1).

Hình 0: Khởi thức và Hình 1: Chắp tay ngang ngực

Điểm cần chú ý: Thức này là khởi thế, yêu cầu ban đầu là điều thân (thân thể ngay thẳng, buông lỏng tự nhiên) điều tâm (tư tưởng ổn định, tinh thần tập trung), điều tức (hô hấp tự nhiên).

Thức thứ 2: Lưỡng tý hoành đảm (H. 2)

 (Duỗi hai tay sang hai bên ngang vai).

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trước 

(1) bấm đầu ngón chân xuống đất, đồng thời xoay 2 lòng bàn tay ngửa lên.

(2) Gót chân từ từ nhấc khỏi mặt đất, mũi chân chấm đất, đồng thời 2 tay vẹt ra 2 bên thành thế 2 tay giơ ngang, lòng bàn tay ngửa lên (H. 2)

Chú ý: Động tác của chân và tay phải phối hợp đồng thời. Ý nghĩ tập trung ở lòng bàn tay và ngón chân. Hô hấp tự do. 

Thức thứ ba: Lưỡng thủ thác thiên (H. 3)

(Hai tay mở lên trời)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trước.

(1) Hai tay ở 2 bên thân thể từ từ đưa lên, giống như vạch 1 đường cong, cánh tay thẳng, lòng bàn tay ngửa lên, ngón tay xoay vào trong, giống như đang chống trời, đồng thời 2 gót chân hơi nhấc lên, mũi chân chạm đất, răng cắn chặt, lưỡi đụng vòm miệng, hơi thở dài mỏng, ý thức tập trung 2 bàn tay (tức là ”nội thị 2 bàn tay, H.3).

(2) Hai tay nắm lại, 2 cánh tay từ từ dùng sức đưa xuống theo đường cũ, giơ ngang vai; đồng thời đưa 2 gót chân chạm đất.

Chú ý: ”Nội thị“ 2 bàn tay không phải là nghiêng đầu mắt nhìn bàn tay mà chỉ tập trung ý thức vào 2 bàn tay.

Thức thứ nhất đến thức thứ ba hợp thành 1 thể, phải tiến hành liên tục, mỗi thức làm 1 lần thôi.

Hình 2 và Hình 3

Thức thứ tư: Trích tinh hoán đẩu (H. 4)

(Với sao, đổi vị)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo thức trên, 2 chân đứng thẳng, 2 tay dơ ngang 2 bên.

(1) Tay phải từ từ đưa lên trên, cánh tay thẳng, xoay lòng bàn tay úp xuống, năm ngón tay chúm lại, mũi ngón tay hướng vào trong, ngẩng đầu lên nhìn vào lòng bàn tay phải, tay trái đồng thời đưa xuống, xoay bàn tay, áp lưng bàn tay vào sau eo, giữ tư thế này trong chốc lát, thở 3-5 lần (H. 4)

(2) Tay trái từ từ đưa lên trên, cánh tay thẳng, động giống như trên, ngẩng đầu lên nhìn vào lòng bàn tay trái, tay phải đồng thời dùng sức đưa xuống rồi xoay bàn tay, áp lưng bàn tay phải vào sau eo tại tư thế này thở 3- 5 lần.

Lần lượt tập như trên 35 lần.

Hình 4

Chú ý: Tuy mắt nhìn lòng bàn tay đưa lên nhưng ý nghĩ tập trung vào lưng bàn tay kia đang áp sau lưng. Thở ra, hít vào bằng mũi (hay hút vào bằng mũi thở ra bằng miệng), lúc hít vào áp nhẹ lưng bàn tay vào eo, lúc thở ra thì buông lỏng, hơi thở chậm đều đặn.

Thức thứ năm: Đảo lạp cửu ngưu vỹ (H. 5)

( Nghiêng mình tìm đuôi trâu).

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trên.

(1) Tay phải rút từ eo về, rồi thuận thế xoay cổ tay đẩy ra phía trước đến lúc tay cao ngang vai, khuỷu hơi co lại, năm ngón tay chụm lại như hình hoa mai, như ôm banh tưởng tượng trong lòng trái bàn tay, đầu ngón tay hướng vào trong, đồng thời chân phải gập về phía trước, chân trái duỗi thẳng, thành cung tiễn bộ, tay trái đồng thời đưa xuống, thuận thế hướng ra sau bên trái duỗi ra, năm ngón tay chụm lại như ôm trái banh tưởng tượng, lòng bàn tay hướng lên trên (H. 5).

(2) Lúc hít vào, ý niệm tập trung ở bàn tay phải, tay phải làm động tác kéo đuôi trâu về phía sau, lúc thở ra ý niệm tập trung ở bàn tay trái, tay trái làm động tác dắt trâu về phía trước. Làm như vậy thở ra hít vào nhiều lần. Chân, vai, khuỷu, thân thể cũng tùy theo tư thế ”kéo đuôi” và ”dắt trâu“ mà làm rung động nhẹ nhàng một cách tương ứng.

(3) Đổi thành tả cung tiến bộ, đến lượt tay trái đưa từ dưới lên trên bên trái, (xoay cổ tay, duỗi cánh tay ra), tay phải thu về duỗi ra sau bên phải, nét chính của động tác giống như (1)

(4) Hít vào, ý niệm tập trung ở tay trái; thở ra, ý niệm tập trung ở tay phải, có bản của ”kéo đuôi” và ”dắt trâu“ giống như (2).

Luyện tập như trên, lần lượt 3-5 lần.

Hình 5

Chú ý: Lúc hô hấp, bụng dưới buông lỏng tự nhiên, nhưng 2 tay phải dùng sức.

Thức thứ sáu: Xuất chưởng triển tý (H. 6)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (4) của thức trước, chân phải bước lên gần sát chân trái, hai bàn tay thu về đặt ở trước ngực, thành tư thế dự bị gọi là ”lập chính“, 2 cánh tay ở 2 bên ngực, khuỷu tay co lại, ngón tay duỗi ra, lòng bàn tay hướng ra ngoài.

(1) 2 bàn tay thành ”Bài sơn chưởng” (ngón tay đứng thẳng tạo với cổ tay thành góc 90°, lòng bàn tay hướng ra ngoài), từ từ đẩy ra phía trước, sức lực càng lúc càng mạnh, đến khi khuỷu tay duỗi thẳng thì ngừng, đồng thời toàn thân vươn thẳng, 2 mắt mở to nhìn chăm chú về phía trước (H. 6)

(2) Từ từ thu 2 bàn tay về, để sát ở 2 bên ngực.

Luyện tập như trên, lần lượt 3-5 lần 

Hình 6

Chú ý: Khi đẩy chưởng ra phía trước, lúc đầu dùng lực ít, từ từ tăng mạnh lên, đến khi thẳng tay, dùng lực như xô núi, nên gọi là ”bài sơn chưởng“. Hô hấp cần phối hợp, đẩy tay ra thì thở ra, thu tay lại thì hít vào.

Thức thứ bảy: Bạt mã đao (H. 7)

(Cỡi ngựa vung đao)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trước, tức là tư thế ”lập chính“, 2 cánh tay giơ ngang ở phía trước, bàn tay thành bài sơn chưởng.

(1) Bàn tay phải đưa lên phía sau đầu, ép dính lòng bàn tay vào vùng xương chẩm, ngón tay ép nhẹ, kéo nhẹ tai trái, nách phải mở rộng, đồng thời đầu xoay sang trái, bàn tay trái thu về, xoay bản tay, ép dính lưng bàn tay vào chỗ giữa 2 xương bả vai (H. 7)

(2) Hít vào, đồng thời dùng ngón tay phải ép kéo tại trái, đầu và khuỷu tay phải hơi căng thẳng, ý niệm tập trung tại khuỷu tay phải; thở ra, buông lỏng. Cứ như vậy hô hấp 3-5 lần.

(3) Đưa tay phải xuống, xoay bàn tay, ép lưng bàn tay vào giữa 2 xương bả vai, đồng thời tay trái thu về đưa ra sau đầu, lòng bàn tay ép dính vào vùng xương chẩm, ngón tay kéo nhẹ tai phải, nách trái mở rộng, đồng thời đầu xoay sang phải.

(4) Hít vào, đồng thời dùng ngón tay trái ép kéo tai phải, đầu và khuỷu tay trái hơi căng thẳng, ý niệm tập trung tại khuỷu tay phải; thở ra, buông lỏng. Cứ như vậy, hít vào thở ra 3-5 lần.

Luyện tập như trên, lần lượt 3-5 lần.

Hình 7

Chú ý: Thân thể giữ cho thẳng đứng từ đầu đến cuối, hô hấp tự do.

Thức thứ tám: Tam bàn lạc địa (H. 8)

(Ba lần xuống đất)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (4) của thức trước, chân trái bước sang trái 1 bước, 2 tay thu về để ở 2 bên tức là thành tư thế dự bị sau đây: 2 chân mở ra, khoảng cách 2 gót chân rộng hơn khoảng cách vai, 2 tay dơ ngang 2 bên, lòng 

bàn tay úp xuống.

(1) 2 gối co lại thành thế cưỡi ngựa (nửa ngồi xổm) lưng và đầu ngay thẳng, đồng thời 2 khuỷu tay co vào trong, 2 bàn tay theo 2 chân rùn xuống mà dùng sức ép xuống từ từ, 5 ngón tay xòe ra tự nhiên, hổ khẩu hướng vào trong, 2 bàn tay ở ngay phía trên đầu gối. Cách đầu gối khoảng 1 nắm tay thì ngừng lại.

(2) Xoay bàn tay, lòng bàn tay ngửa lên, dùng sức từ từ đưa lên ngang ngực như nâng một vật rất nặng, 2 đầu gối theo đó cũng từ từ duỗi thẳng ra.

Luyện tập như trên lần lượt 3-5 lần.

Hình 8

Chú ý: Động tác chậm rãi, dùng sức vững vàng, trong suốt quá trình, lưỡi chạm vòm miệng, miệng hơi khép, 2 mắt mở to. Hô hấp phối hợp: chỉ cần thở nhẹ, 2 tay ép xuống thì thở ra, đưa lên thì hít vào.

Thức thứ chín: Tả hữu thân quyền.

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2), chân trái thu về thành tư thế đứng thẳng, 2 tay co lại ở 2 bên ngực, lòng bàn tay hướng lên trên.

(1) Xoay bàn tay trái, lòng bàn tay úp xuống, chụm ngón tay lại như ôm trái banh, thu về bên sườn, đồng xoay úp bàn tay phải xuống, chụm ngón tay lại, duỗi ra phía bên trái, đầu cổ và eo, thân cũng theo đó hơi xoay sang trái (H. 9)

(2) thu tay phải về bên sườn phải vẫn chụm ngón tay lại, đồng thời tay trái duỗi ra phía bên phải, yếu lĩnh của động tác giống như trên.

Luyện tập như trên lần lượt 3-5 lần.

Hình 9

Chú ý: một tay thu về bên sườn, tay kia duỗi thẳng ra phía đối lại, phải tiến hành đồng thời, ăn khớp, 1 co 1 duỗi, giống như lớp sóng liên tiếp nhau không hề gián đoạn. Phối hợp hô hấp: hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng, khi duỗi tay ra hít vào, tay duỗi hết rồi thì thở ra.

Thức thứ mười: Mãnh hổ phốc thực (H.10)

(Cọp dữ vồ mồi).

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trước, đứng thẳng, 2 tay thu về, cánh tay buông thống tự nhiên.

(1) Chân phải bước tới một bước, thành Hữu cung tả tiễn bộ (chân phải gập lại, chân trái duỗi thẳng), đồng thời thân thể chồm ra trước, 2 bàn tay về tới trước, từ trên xuống dưới, năm ngón tay chạm đất, thành tư thế chống cúi xuống, đầu hơi ngẩng lên, 2 mắt mở to, chăm chú nhìn phía trước (H 10)

(2) Hai khuỷu tay làm những động tác co duỗi thật nhẹ nhàng, khi co, phần thân trên trầm xuống, phần ngực và đầu hơi chuyển ra phía trước, làm động tác vồ mồi, khi duỗi khuỷu tay, thân trên nhấc lên như cũ, phần ngực và đầu hơi chuyển về sau. Như vậy 1 co 1 duỗi, đồng thời một xuống một lên, một tiến một thoái, làm 3-5 lần. Sau đó đứng dậy, thu chân phải về, trở về tư thế chuẩn bị.

(3) Chân trái bước tới 1 bước thành Tả cung hữu tiễn bộ (chân trái gặp lại, chân phải duỗi thẳng, đồng thời thân thể chồm ra trước, 2 tay về từ trên xuống, yếu lĩnh động tác giống như (1), 

(4) động tác giống như (2). Sau cùng đứng dậy, thu chân trái về, trở về tư thế chuẩn bị.

Luyện tập như trên, chỉ làm 1 lần.

Hình 10

Chú ý: Lúc ”vồ mồi“ phần eo phải buông lỏng, xương sống phải lõm xuống, không được gồ lên. Tốt nhất là dồn sức nặng vào các đầu ngón tay. Nếu ngón tay không chịu nổi thì có thể thay bằng lòng bàn tay. Lúc co khuỷu, ngực đưa ra trước thì thở ra, duỗi khuỷu, ngực lùi ra sau thì hít vào, hít vào bằng mũi, thở ra bằng miệng 

Thức thứ mười một: Cung thân (H. 11)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thế (2) của thức trước, đứng thẳng, 2 tay buông thống tự nhiên.

(1) 2 bàn tay bao sau ót, lòng bàn tay che tai, ngón tay ép vào vùng chẩm, 2 cánh tay dùng sức mở ra, cao ngang vai.

(2) Khom lưng, cúi đầu xuống trước gối, làm thành thế khom người, 2 đầu gối phải thẳng (H. 11). 

(3) tại tư thế (2) tập minh thiên cổ, làm 10-20 lần.

(4) từ từ thẳng lưng đứng dậy, 2 tay buông xuống 

Động tác trên người mới tập nên làm 1-2 lần, sau hãy tăng lên thành 3-5 lần.

Hình 11

Chú ý: Độ khom lưng cúi đầu, mỗi người một khác, không nên miễn cưỡng, cúi xuống bao nhiêu hay bấy nhiêu. Trong quá trình luyện tập, răng phải cắn nhẹ, lưỡi chạm vòm miệng, hô hấp nhẹ hay khi luyện tập thì bế hơi thở đợi lúc đứng thẳng lên thì hô hấp bình thường.

Thức thứ mười hai: Điệu vỹ (H. 12)

(lắc đuôi)

Tư thế chuẩn bị: tiếp theo tư thể (4) của thức trước, đứng thẳng, 2 tay buông thống tự nhiên.

(1) Hai bàn tay đưa lên, 2 bàn tay đẩy thẳng ra phía trước, khi cánh tay thẳng ra thì ngừng, lòng bàn tay hướng ra ngoài.

(2) Hai tay tréo lại hình chữ thập, lòng bàn tay úp xuống, thu về trước ngực, 2 bàn tay tách ra.

(3) Hai bàn tay đè xuống, lưng theo đó gập ra phía trước 2 chân vẫn giữ thẳng đứng, 2 bàn tay đè xuống hết mức (chạm đất là tốt nhất, nhưng không nên cố gắng, đè xuống bao nhiêu hay bấy nhiêu), đầu hơi ngẩng lên, 2 mắt mở to, nhìn chăm chú phía trước (H. 12).

(4) Thẳng lưng đứng dậy, 2 bàn tay đồng thời đưa lên, phân biệt hướng ra 2 bên trái phải, co duỗi cánh tay 7 lần, dậm chân 7 lần, kết thúc toàn bài luyện.

Chú ý: Hô hấp tự do bình thường.

XEM LẠI CÁC THỨC

1 – 2
3 -4
5 -6
7 -8
9 -10
11 -12

XEM VIDEO:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này