THOÁI HÓA CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Tên tiếng Anh:

  • Lumbar Degenerative Disease, Spondylosis, Lumbar arthritis, Degenerative joint disease of the spine, Degenerative disc disease

Mã ICD 10: 

  • M51.36;Thoái hóa đĩa đệm khác, vùng thắt lưng
  • M51.37: Thoái hóa đĩa đệm khác
  • M47.8: Các thoái hoá cột sống khác 
  • M54.5: Đau thắt lưng

Mục lục

ĐẠI CƯƠNG 

Một số đặc điểm dịch tễ và yếu tố nguy cơ

  • Đau thắt lưng (Low back pain, LBP), là một tình trạng phổ biến mà theo các nghiên cứu quan sát xảy ra ở khoảng 80% người dân. Nghiên cứu tại Hoa Kỳ ở những người trên 18 tuổi cho thấy đau thắt lưng là loại đau phổ biến nhất (28,1%) khi so với đau đầu dữ dội hoặc đau nửa đầu (16,6%) và đau cổ (14,6%). 
  • Sự Lão hóa bình thường là một thành phần chính của quá trình thoái hóa cột sống và đôi khi khó phân biệt. Vì vậy, y văn cho thấy tỷ lệ hiện mắc thoái hoá cột sống gia tăng cùng với tuổi ở những người không triệu chứng. 
  • Khi so sánh các ước tính về tỷ lệ của các dấu hiệu thoái hóa cột sống ở bệnh nhân không có triệu chứng ở độ tuổi 30 và 80, các bất thường tăng lên theo tuổi
    • thoái hóa đĩa đệm (tương ứng là 52% so với 96%), 
    • phồng đĩa đệm (40% so với 84%), 
    • thoái hóa khớp diện nhỏ (facet joint) (9% so với 83%), 
    • trượt cột sống (5% so với 50%). 
  • Mức đốt sống thắt lưng thường bị ảnh hưởng nhất là  L4-L5 và L5-S1, vì chúng chịu các lực ép và xoắn vặn nhiều nhất trong quá trình hoạt động. 
  • Các yếu tố góp phần vào thoái hóa thắt lưng bao gồm môi trường (đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì), nghề nghiệp (công việc đòi hỏi cúi người, khom lưng, ngồi lâu hoặc rung lập lại) và tâm lý xã hội (căng thẳng, lo lắng, trầm cảm), có thể góp phần vào cảm nhận về đau thắt lưng).

Nhắc lại một số đặc điểm giải phẫu quan trọng

  • Phức hợp ba khớp là đơn vị chức năng của cột sống thắt lưng và bao gồm hai đốt sống kế tiếp, đĩa đệm và khớp diện nhỏ (hình 1).
  • Đĩa đệm thắt lưng có thể được tách thành ba thành phần: nhân nhầy, vòng xơ và các bản tận sụn. Đĩa đệm nhận phân bố thần kinh ở phía trước và hai bên từ nhánh thông xám (gray ramus communicans) và phía sau từ dây thần kinh xoang sống, với phần lớn các đầu dây thần kinh tự do được tìm thấy ở một phần ba bên ngoài của vòng xơ.
  • Dây chằng vàng (ligamentum flavum) là một dây chằng chạy từ C2 đến S1, kết nối các bản sống (lamina) của các đốt sống liền kề với nhau. Cấu tạo dây chằng gồm 80% là elastin và 20% là collagen và chiếm các bờ sau của ống sống. 
  • Cột sống được bao quanh bởi một nhóm cơ “cốt lõi”/core giúp duy trì độ ổn định và thăng bằng. Các cơ này là cơ bụng (chủ yếu là cơ ngang bụng/transversus abdominis), cơ hoành và cơ sàn chậu, cơ dựng sống/erector spinae và cơ nhiều đầu/multifidi.
Hình 1: Phức hợp 3 khớp
XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THÂN MÌNH. PHẦN 1: XƯƠNG VÀ KHỚP

Đặc điểm sinh lý bệnh của thoái hoá cột sống 

Khi lớn tuổi, tất cả các thành phần giải phẫu của cột sống đều bị ảnh hưởng: xương, cơ, đĩa đệm, dây chằng và khớp. Kết quả của sự thay đổi “trạng thái cân bằng cấu trúc cột sống” này có thể dẫn đến sự mất ổn định cột sống, các hội chứng lâm sàng, hạn chế tầm vận động (ROM), đau và trong trường hợp xấu nhất là khuyết tật. 

Đĩa đệm và khớp giữa thân đốt sống

  • Khi các lực dọc trục tác động lên nhân nhầy, nó sẽ tạo lực căng qua vòng xơ và bản tận. Sự thoái hóa của các đĩa đệm được xem là chất xúc tác dẫn đến sự thoái hóa thứ phát của các thành phần xung quanh cột sống. Thoái hoá đĩa đệm đã được chứng minh là có liên quan đến dinh dưỡng. Nguồn dinh dưỡng chính của đĩa đệm bắt nguồn từ các bản tận và khi càng lớn tuổi, độ thẩm thấu của chất dinh dưỡng từ các bản tận giảm cũng như nguồn cung cấp máu cũng giảm theo. Sự mất cân bằng giữa tổng hợp và thoái giáng chất nền ngoại bào xảy ra, dẫn đến mất cấu trúc và chức năng của đĩa đệm. Có bằng chứng mô học cho thấy các vết nứt và đứt gãy vi thể ở các bản tận sụn, các vết rách đồng tâm (hình thành khe hở) trong nhân nhầy và các vết rách hướng tâm trong các sợi vòng xơ. 
  • Khi tuổi tác gia tăng, hàm lượng collagen trong nhân nhầy tăng lên và phần tiếp giáp giữa nhân và vòng xơ trở nên ít rõ ràng hơn. Do đó, các vết rách trong vòng xơ dẫn đến thoái hóa, lồi, thoát vị và sau đó thoát vị mảnh rời (sequestration), tất cả đều có thể là nguyên nhân gây đau.

Khớp diện nhỏ (khớp liên mấu)

  • Khi tải trọng cơ học lên cột sống bị thay đổi, các lực được phân bổ qua các khớp diện nhỏ xung quanh. Tùy thuộc vào tư thế, chúng sẽ chịu từ 10% đến 30% trọng lượng vùng thắt lưng. Các khớp này là khớp hoạt dịch, và do đó bị thoái hóa sụn, đặc xương dưới sụn, loãng xương, tạo gai xương và viêm. Điều này dẫn đến phì đại các diện nhỏ và cùng với sự gia tăng tải trọng cơ học lặp đi lặp lại, có thể dẫn đến lỏng lẻo khớp, bán trật và thu hẹp lỗ thoát hai bên. 

Các thành phần xương khác

  • Các thành phần xương khác của cột sống (như là các thân đốt sống, các bản tận, các mỏm gai và mỏm ngang) cũng trải qua quá trình thoái hóa này.

Dây chằng

  • Sự lão hóa gây ra phì đại dây chằng vàng và kết hợp với thoái hóa đĩa đệm, làm dày ra trên hình ảnh học. Nguyên nhân của phì đại dây chằng vàng vẫn chưa được biết rõ, nhưng đã được cho là do xơ hóa liên quan đến tuổi tác thứ phát do giảm tỷ lệ elastin-collagen.

Cơ 

  • Một số trường hợp, bệnh cơ thoái hóa xảy ra góp phần làm thay đổi các vectơ lực tác động lên cột sống, làm sai lệch trạng thái cân bằng. Một ví dụ là hội chứng cột sống gập (bent spine syndrome, có tên gọi là primary camptocormia), liên quan đến bệnh cơ trục vô căn nguyên phát.

Các thành phần thần kinh liên quan

  • Cùng với giảm chiều cao đĩa đệm, ống sống trung tâm có thể bị hẹp, do phình lồi đĩa đệm, do thoái hoá và phì đại khớp diện nhỏ, do phì đại dây chằng vàng… Điều này dẫn đến thu hẹp ống sống và có thể dẫn đến chèn ép các thành phần thần kinh. 
  • Sự rò rỉ của các neuropeptide liên quan đến đau (như chất P) từ đĩa đệm sau rách vòng xơ đến các đầu dây thần kinh tự do xung quanh hoặc vào hạch rễ lưng gần đó có thể gây đau. 
Hình 2. Sơ đồ minh họa chuỗi thoái hóa. (Modified from Araghi A, Ohnmeiss DD. Natural history of the degenerative cascade. In: Yue JJ, ed. The Comprehensive Treatment of the Aging Spine: Minimally Invasive and Advanced Techniques. Philadelphia: Saunders/Elsevier; 2011:22.) 

ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CHẨN ĐOÁN 

Hỏi bệnh 

  • Như đã nêu trên, bệnh thoái hóa thắt lưng liên quan đến quá trình lão hóa bình thường. Các dấu hiệu trên hình ảnh học như thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa khớp diện nhỏ, thoái hóa đốt sống, trượt đốt sống, hẹp ống sống, và những thay đổi thoái hóa ở cơ cạnh cột sống cũng được thấy ở những người không có triệu chứng. Khoảng một phần ba số người có bất thường đáng kể trên hình ảnh cộng hưởng từ không biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
  • Với những người có triệu chứng, các biểu hiện thường thay đổi từ đau thắt lưng cấp đến đau thắt lưng mạn tính.
  • Khởi phát có thể từ vài ngày đến vài tháng. Các tư thế như gập, duỗi, xoay hoặc nghiêng thắt lưng hoặc ấn vùng thắt lưng có thể gây đau. Đau khi gập người, ho, hắt hơi, hoặc làm nghiệm pháp Valsalva có thể liên quan với bệnh đĩa đệm. Tính chất cơn đau có thể dữ dội, nhức nhối, hoặc như điện. Cường độ đau có thể từ nhẹ đến nặng. Đau có thể khu trú tại một vùng cụ thể, và bệnh nhân sẽ có thể chỉ vào vị trí chính xác; hoặc có thể lan tỏa cục bộ hoặc đến một vị trí ở xa. Hiện tượng cứng khớp vào buổi sáng có thể do thoái hóa khớp. 
  • Các triệu chứng không điển hình như đau về đêm, sốt và sụt cân gần đây có thể là do bệnh lý ác tính hoặc nhiễm trùng (dấu hiệu cờ đỏ). 
  • Hỏi bệnh cũng nên bao gồm tìm hiểu về các triệu chứng tâm lý như lo lắng, trầm cảm , hoặc rối loạn giấc ngủ. 

Khám lâm sàng 

  • Cột sống gồm nhiều cấu trúc; và khám lâm sàng nhằm xác định một trong năm nguồn phổ biến nhất của đau thắt lưng: 
    • do đĩa đệm, 
    • bệnh lý  hoặc mất vững khớp diện nhỏ, 
    • bệnh lý rễ hoặc chèn ép thần kinh, 
    • bệnh cân cơ hoặc mô mềm, và 
    • bệnh do tâm lý. 
  • Do đó, mục tiêu của khám lâm sàng là thu hẹp chẩn đoán phân biệt của bệnh nhân để chỉ định cận lâm sàng và đưa ra các biện pháp điều trị hiệu quả.

Khám cơ xương khớp

  • Nhìn: Chú ý đến vẻ mặt, dáng đi, tư thế, hình dạng của cột sống (vẹo, gù, ưỡn, thắt lưng phẳng), da, cơ (teo hoặc co thắt).
  • Sờ
  • Vận động cột sống: Gập, duỗi, nghiêng, xoay
  • Các nghiệm pháp: Tay- đất, Schober, …
  • Khám các khớp khác
  • Khớp háng, cùng chậu vì có thể bị đau từ những vùng này (ví dụ: nghiệm pháp FABER, Gillet, Gaenslen).
XEM THÊM: KHÁM CỘT SỐNG THẮT LƯNG

Khám thần kinh chi dưới 

  • Trương lực: Thay đổi trương lực (tăng, giảm), đa động (clonus)
  • Cơ lực: Thử cơ bằng tay chi dưới
  • Đáng giá vận động chức năng (dáng đi, ngồi xổm, đi gót chạm mùi chân, đứng/đi trên gót chân và mũi chân.
  • Cảm giác: Cảm giác nông/sâu
  • Phản xạ: Phản xạ gân xương (gân bánh chè [L3, L4], gân hamstring [L5], gân Achilles [S1]), Babinski
  • Các nghiệm pháp: Lasgue (nâng thẳng chân), test căng thần kinh đùi, test căng màng cứng …
XEM THÊM: KHÁM THẦN KINH CHI DƯỚI Ở MỨC RỄ VÀ KHOANH TUỶ

Phân biệt đau thắt lưng có ảnh hưởng của yếu tố tâm lý: 

  • Các dấu hiệu Waddell 
XEM THÊM: CÁC DẤU HIỆU WADDELL TRONG ĐAU THẮT LƯNG

Một số đặc điểm phân biệt:

  • Bệnh lý đĩa đệm: bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi cúi người về phía trước, ngồi xổm, gập và xoay người
  • Bệnh lý khớp diện nhỏ: hạn chế duỗi, nghiêng thân, đứng và đi xuống cầu thang.
  • Hẹp ống sống trung tâm và hẹp lỗ thoát rễ thần kinh: khó khăn khi đi bộ hoặc đứng lâu, giảm nhẹ khi ngồi và gập người về phía trước.
  • Bệnh lý về dây chằng và cân cơ: đau liên quan đến giữ tư thế kéo dài (ví dụ, đứng hoặc hoạt động thể chất). 
  • Bệnh lý do tâm lý: phàn nàn về đau không tương xứng với khám lâm sàng, thất bại với nhiều biện pháp điều trị và lo lắng hoặc trầm cảm nhiều do không thể kiểm soát đau. 

Thăm dò Chẩn đoán

  • Chụp X quang cột sống thường quy
    • là hình ảnh đầu tiên có được do chi phí thấp và dễ thực hiện. 
    • Tuy nhiên, phim X quang thường có một vai trò hạn chế, vì khó giải thích có thể dẫn đến tỷ lệ dương tính giả cao. 
    • Hình ảnh thường chụp: phim thẳng, nghiêng. Chụp phim thẳng có thể phát hiện di lệch như vẹo cột sống, trật khớp diện nhỏ. Phim nghiêng có thể đánh giá chiều cao đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa đốt sống, thoái hóa khớp, gãy nén ép đốt sống và bệnh khớp diện nhỏ (Hình 2). 
    • Phim chếch: (30 đến 45 độ), cho phép đánh giá các khớp diện nhỏ, các lỗ thần kinh, phần gian khớp (pars interarticularis). 
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) là thăm dò hình ảnh học được lựa chọn khi kiểm tra tủy sống, các thành phần thần kinh của cột sống thắt lưng, các dây chằng, các cơ xung quanh và mô mềm. MRI có thể phát hiện hẹp ống tủy và lỗ thoát thần kinh, khối u, nhiễm trùng, máu tụ, viêm tủy xương, thoái hóa đĩa đệm và bệnh lý khớp diện nhỏ. Nếu nghi ngờ bệnh lý do nguyên nhân mạch máu như dị dạng hoặc dò động tĩnh mạch, có thể thực hiện chụp mạch cộng hưởng từ (MRA).
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) là thăm dò hình ảnh lý tưởng khi đánh giá các cấu trúc xương của cột sống, vì nó làm rõ các vết gãy xương (mỏm ngang, mỏm gai, phần gian khớp/pars interarticularis, đốt sống) và trật khớp (khớp diện nhỏ) .
  • Chụp tuỷ đồ (Myelography) có tính chất xâm lấn và hiện ít khi được sử dụng. Kỹ thuật này có thể phát hiện vị trí chèn ép thần kinh trong lỗ thoát thần kinh và ngách bên, tổn thương tủy sống, khối u, hoặc nang. Chụp tủy đồ có thể là phương pháp duy nhất để đánh giá những bệnh nhân có chống chỉ định chụp MRI như có kim loại sắt từ. CT, khi được sử dụng kết hợp với chụp tủy đồ, tốt hơn MRI trong xác định mức độ hẹp ống sống ở một mức đốt sống nhất định và khi cần xác định vị trí đoạn thắt lưng cụ thể để thực hiện phẫu thuật giải áp.
  • Chụp đĩa đệm (Discography): tiêm chất cản quang vào nhân nhầy để phân biệt nguyên nhân gây đau do đĩa đệm. Một đĩa đệm bình thường có thể nhận được từ 1 đến 1,5 mL chất cản quang. Nếu tiêm nhiều hơn 2 mL chất cản quang thì có khả năng bị bệnh thoái hóa đĩa đệm. Trong quá trình tiêm kích thích, có thể xác định vị trí của thoái hóa đĩa đệm bệnh lý (tức là, rách nhân nhầy hoặc vòng xơ, hoặc lồi đĩa đệm) nếu tái tạo cơn đau 
  • Các nghiên cứu chẩn đoán điện có thể là một công cụ hỗ trợ cho những bệnh nhân mà khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh không xác định chẩn đoán chính xác, đặc biệt khi có các dấu hiệu thần kinh hoặc phân biệt bệnh lý thần kinh cơ.
Hình 3. Phim X quang thường – Những thay đổi thoái hóa mạn tính  (A) Trên phim nghiêng, đoạn chuyển động L4-L5 cho thấy hiện tượng chân không trong đĩa đệm (mũi tên lớn), tái cấu trúc đĩa đệm với các gai xương lớn phía trước (mũi tên cong), và hình ảnh hồi lưu cấp I (mũi tên mở). (B) Phim nghiêng cho thấy bệnh lý thoái hóa đĩa đệm đa tầng với các gai xương sau lớn, gai trước nhỏ, tái cấu trúc bản tận và hẹp khe đĩa đệm mức độ khá nặng \ ở L2-L3, L3-L4 và L4-L5.

Điều trị

Điều trị bước đầu 

Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 90% những bệnh nhân bị đau thắt lưng cấp tính sẽ giảm/hết triệu chứng trong vòng 6 tuần. Do đó, một trong những hành động quan trọng của người điều trị trong lần gặp bệnh nhân đầu tiên là trấn an bệnh nhân và giáo dục về sinh lý bệnh và diễn biến tự nhiên của đau thắt lưng. 

  • Giảm đau: 
    • Các thuốc chống viêm- giảm đau, giãn cơ
    • Các phương thức vật lý: nhiệt nóng và nhiệt lạnh, điện, siêu âm trị liệu, xoa bóp, châm cứu …
  • Hướng dẫn chế độ vận động và tập luyện. Cần tránh hạn chế các hoạt động (ví dụ, nghỉ ngơi trên giường), vì có thể dẫn đến tình trạng bất động kéo dài. 
  • Đối với những bệnh nhân có nguyên nhân tâm lý góp phần gây ra cơn đau (ví dụ, rối loạn giấc ngủ), có thể thử dùng các loại thuốc phù hợp (như melatonin).

Phục hồi chức năng

Nền tảng chính của phục hồi chức năng, cho dù thông qua vật lý trị liệu hay hoạt động trị liệu, là giáo dục bệnh nhân về quá trình bệnh, nhận biết các kiểu đau lưng và kết hợp tập luyện với các phương thức trị liệu để đạt được mục tiêu. Có thể chia phục hồi chức năng cột sống theo ba giai đoạn riêng biệt: giai đoạn cấp tính, giai đoạn phục hồi và giai đoạn chức năng. Mỗi giai đoạn có một mục tiêu cụ thể, mục tiêu này phải được đáp ứng trước khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo (Bảng 1).

Bảng 1. Các mục tiêu trong phục hồi chấn thương cơ xương khớp

Giai đoạn CấpGiai đoạn Phục hồiGiai đoạn chức năng
Điều trị các triệu chứng lâm sàngCho phép chữa lành môĐiều chỉnh các bất thường sinh cơ học
Bảo vệ mô bị tổn thươngKhôi phục sức mạnh và tính mềm dẻo bình thườngPhòng ngừa chấn thương tái phát
Modified from Micheo W, López-Acevedo CE. Medical rehabilitation— lumbar axial pain. In: Slipman CW, ed. Interventional Spine: An Algorithmic Approach. London: Elsevier Health Sciences; 2007:993.

Một số lưu ý về tiến trình tập luyện:

  • Giai đoạn cấp: 
    • Bắt đầu bằng cách giáo dục bệnh nhân về sinh cơ học cột sống và tự xác định tư thế cột sống trung tính
    • Sau đó, kết hợp bài tập làm vững cột sống thông qua các bài tập tĩnh và đẳng trường và bài tập tầm vận động trong tầm không đau.
  • Giai đoạn phục hồi:
    • Khi bệnh nhân đã đạt được tầm vận động cột sống không bị đau, người bệnh được chuyển sang giai đoạn phục hồi.
    • Mục tiêu là khôi phục các mối quan hệ sinh cơ học giữa mô bình thường và mô bị tổn thương.
    • Tập trung vào hoạt động thể chất trong các nhiệm vụ ADL cho dù vẫn còn đau, tập trung vào làm mạnh các cơ cốt lõi, các bài tập gấp- duỗi cột sống, lập lại nhiều lần, khả năng mềm dẻo trong các mặt phẳng khác nhau và tăng tiến các bài tập làm vững từ các bề mặt ổn định đến không ổn định. 
  • Giai đoạn chức năng
    • Mục tiêu là phục hồi chức năng sinh hoạt hàng ngày và các hoạt động liên quan đến công việc. Bổ sung các bài tập cột sống chịu tải lực ly tâm vào các chương trình tập luyện tích cực.
    • Cuối cùng là phòng ngừa khuyết tật, dựa trên cơ sở chương trình tập luyện có được từ quá trình phục hồi chức năng, khuyến khích và củng cố lối sống lành mạnh thông qua tập thể dục phù hợp. Đối với những bệnh nhân thất bại với trị liệu hoặc phàn nàn cơn đau kéo dài và giảm chức năng, nên giới thiệu đến một chương trình chăm sóc giảm đau đa ngành nếu có. 
XEM THÊM: CÁC BÀI TẬP LÀM VỮNG THÂN

Các thủ thuật

Đối với những người thất bại với liệu pháp bảo tồn (tối thiểu sau 3 tháng), có thể sử dụng các thủ thuật (tiêm), với  nguyên tắc chung là bắt đầu từ xâm lấn ít (như tiêm điểm đau tại chỗ) đến các lựa chọn xâm lấn nhiều hơn. 

Các kỹ thuật bao gồm 

  • Tiêm ngoài màng cứng (gian bản sống, qua lỗ ghép): Tiêm corticoid ngoài màng cứng là thủ thuật được thực hiện phổ biến nhất, và các nghiên cứu cho thấy lợi ích của nó trong việc giảm tạm thời các triệu chứng đau rễ. 
  • Tiêm phong bế khớp diện nhỏ (facet): có thể là một thủ thuật để chẩn đoán và điều trị nếu do nguyên nhân khớp diện nhỏ
  • Các liệu pháp xâm lấn tối thiểu nội đĩa đệm như tiêu hủy nhân nhầy bằng hóa học (chemonucleolysis), laser trị liệu, và nén đĩa đệm qua da hoặc nội soi, liệu pháp nhiệt điện nội đĩa  (intradiscal electrothermal therapy, IDET), 
  • Hệ thống tự tiêm thuốc trong màng cứng, máy kích thích tuỷ sống (điều biến thần kinh qua kích thích điện cột sau tủy sống, hạch rễ lưng)
  • Một lĩnh vực mới được thử nghiệm để điều trị cho đĩa đệm và sụn đốt sống là sử dụng tế bào gốc trung mô để sửa chữa và giảm thoái hóa. Ví dụ sử dụng các protein tạo hình xương, tế bào sụn, các chất kết dính fibrin …

Các biến chứng của tiêm tủy sống có thể gồm thủng màng cứng, nhức đầu do cột sống, hạ đường huyết, và ít gặp hơn là tụ máu, nhiễm trùng, hoặc tổn thương thần kinh. 

Phẫu thuật

Nếu đã thực hiện đầy đủ can thiệp bảo tồn, thủ thuật (và các vấn đề tâm lý), nhưng không đạt kết quả, có thể cân nhắc điều trị phẫu thuật. Mặc dù điều trị phẫu thuật đối với đau thắt lưng vẫn là một chủ đề còn bàn cãi, một số nhóm bệnh nhân chọn lọc có thể hưởng lợi từ loại can thiệp này.

Các loại can thiệp:

  • Hàn (cố định) khớp thắt lưng: nhằm mục đích lấy bỏ kích thích gây đau (chất liệu đĩa đệm bất thường) và sau đó cố định đoạn đốt sống này để giảm vận động của phân đoạn bị tăng nhạy cảm. Có thể hàn khớp sau bên, hàn khớp giữa các thân, và hàn quanh chu vi 360 độ (kết hợp giữa hàn khớp giữa thân và sau bên).
  • Tạo hình khớp đĩa đệm thắt lưng (“đĩa đệm nhân tạo” ) gần đây đã được áp dụng ở Mỹ và Châu Âu, với mong muốn  bảo tồn vận động thắt lưng thay vì cố định. Các kết quả hiện tại vẫn chưa đủ bằng chứng về hiệu quả ưu việt về lâu dài.

Các biến chứng phẫu thuật bao gồm biến chứng mạch máu tùy thuộc vào đường tiếp cận, tụ máu, rách màng cứng, xơ hóa màng cứng, liệt ruột sau phẫu thuật, lỏng phương tiện cố định, nhiễm trùng và tổn thương tủy sống.

Giáo dục bệnh nhân

  • Phòng ngừa chấn thương
  • Tư thế đúng (ngồi, đứng)
  • Các kỹ thuật nâng vật nặng (cột sống thẳng, gối gập, không xoắn vặn thân)
  • Vai trò của các bài tập kéo dãn, làm mạnh cơ và chương trình tập sức bền
  • Giảm cân
ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này