TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: GIAO TIẾP QUA CÁC HÀNH VI KHÔNG LỜI

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 28/09/2023

Đôi mắt em băn khoăn u buồn, đôi mắt em muốn dò hỏi ý nghĩa lời anh nói, như mặt trắng muốn soi vào đáy biển.

Anh đã phơi bày trần trụi trước mắt em, anh không giấu diếm điều gì, chính vì lẽ đó mà em chẳng biết gỉ về anh cả.

– Tagor

Chúng ta không chỉ giao tiếp với nhau qua lời nói mà còn trao đổi qua ánh mắt, nụ cười, cái lắc đầu… Những ngôn ngữ không lời này quả thật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong quá trình giao tiếp. Albert Mehrabian nhận thấy rằng trao đổi thông tin diễn qua các phương tiện bằng lời  chỉ bằng lời) là 7%, qua các phương tiện âm thanh (gồm giọng điệu, ngữ điệu

tốc độ phát ngôn, âm lượng) là 38 %, còn qua các phương tiện không lời là 55 %. Các phương tiện không lời bao gồm ánh mắt, biểu lộ của khuôn mặt, và các cử động của cơ thể (Quy luật giao tiếp 7/38/55).

Mục lục

BIỂU CẢM CỦA KHUÔN MẶT

Người ta thường nói “Xem mặt mà bắt hình dong” và dù khó tìm thấy chứng cứ khoa học chắc chắn nào về mối liên hệ giữa khuôn mặt và tính cách của con người, nhưng quả thật các biểu lộ của khuôn mặt thường đem lại những thông tin rõ ràng về cảm xúc mà một người đang trải qua.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng con người khắp quả đất – cho dù là chủng tộc, dân tộc nào, dường như đều có chung những biểu lộ cảm xúc cơ bản như nhau. Những cảm xúc cơ bản đó là: buồn bã, ngạc nhiên, vui mừng, giận dữ, ghê tởm, và sợ hãi.

Để giải thích cho sự giống nhau này, nhà tâm lý học Paul Ekman (1972) đã đưa ra giả thuyết cho rằng các biểu lộ của gương mặt hoạt động theo các chương trình biểu cảm vẻ mặt (Facial affect programs). Cũng như một chương trình của máy vi tính, chương trình này được bật lên khi ta đang trải qua một cảm xúc đặc biệt nào đó, và như vậy ứng với mỗi cảm xúc có một chương trình riêng.

Khi chương trình chạy, nó sẽ hoạt hóa các xung động thần kinh điều khiển các cơ để làm cho gương mặt một biểu cảm đặc trưng cho cảm xúc đó. Chẳng hạn, vui mừng được tạo nên bởi hoạt động của cơ nâng khóe miệng, tạo nên cái mà ta gọi là một nụ cười.

Với nụ cười, có lẽ bạn cũng nên để ý rằng nụ cười nửa miệng trên được xem như là một nụ cười ấm áp, chân thành. Khi đó, răng cửa sẽ lộ ra do cử động của môi. Ngoài ra, nếu nụ cười không lộ những “nếp vui” ở đuôi mắt thì thường được cho là gượng gạo.

ÁNH MẮT

“Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Tình yêu, giận dữ, quyền uy, và rất nhiều cảm xúc khác được cho là bộc lộ qua ánh mắt của con người.

Ít ra thì ánh mắt cũng biểu lộ sự chú ý và thích thú. Nói chung, người ta thích nhìn vào mắt những ai mà mình thích. Nếu một người nào đó nhìn vào mắt bạn thật lâu thì điều đó thường có nghĩa là người đó xem bạn rất thú vị hoặc quyến rũ, hay ít nhất cũng chú ý và tôn trọng những gì bạn đang nói.

Nhìn quá lâu vào mắt người khác đôi khi lại biểu lộ sự thù ghét hay thách thức – một cái nhìn hằn học, soi mói, không thân thiện.

Nếu một ai đó tránh nhìn vào mắt bạn, điều thường có nghĩa là người đó đang giấu bạn một điều gì đó, hoặc là đang nói dối. Nếu bạn đang nói, điều đó chứng tỏ là họ không chú ý hoặc không hài lòng với bạn hoặc những gì bạn đang nói.

Kích thước đồng tử cũng đem lại nhiều thông tin thú vị. Về mặt sinh học, thì đồng tử dãn nở khi chúng ta nhìn ngắm, thưởng thức, sờ chạm hoặc nghe được những gì mà ta ưa thích. Nếu bạn nhận thấy đồng tử của người đang nói chuyện với bạn dãn rộng thì điều này chứng tỏ rằng người đó đang cảm thấy thú vị và không loại trừ khả năng người đó thích bạn. Ngược lại, đồng tử co nhỏ chứng tỏ người đó không thích bạn, thù ghét,  hoặc là đang nói dối, 

Sức mạnh của ánh mắt không chỉ ở chỗ phản ánh sự ưa thích mà chính nó cũng có thể tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn. Trong phần lớn trường hợp, nếu một người nhìn bạn càng lâu trên mức bình thường, thì bạn càng thích người đó bấy nhiêu.

CÁC CỬ ĐỘNG CỦA CƠ THỂ

Các cử động của cơ thể, bao gồm cử động của tay, chân, thân mình, cũng là một phương tiện giao tiếp quan trọng. Tuy nhiên, về phương diện nào đó, chúng ít có khả năng truyền đạt thông tin hơn so với gương mặt và ánh mắt. Cấu trúc của các cơ của cơ thể ít phức tạp hơn và không cho phép loại cử động tinh vi tế như ở gương mặt. Hơn nữa, chúng ta thường ít sử dụng các cử động của cơ thể như là một phương tiện giao tiếp, và vì vậy thường ít hiểu rõ các thông tin phát ra từ chúng.

Mặc dù vậy, các cử động của cơ thể có thể, và rõ ràng là đem lại những thông tin quan trọng về trạng thái tâm lý của chúng ta. Chẳng hạn, các động tác thích ứng (adaptors) là những hành vi đặc biệt mà, ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển trước kia, đã được con người sử dụng với một mục đích nào đó nhưng hiện tại không còn là một hành vi bình thường hàng ngày nữa.

Ví dụ như khi bị stress, đôi lúc một người có thể dụi mắt giống như động tác bịt mắt để tránh nhìn thấy một cảnh tượng hay tình huống khó chịu lúc họ còn bé.

Người ta cũng có thể bịt tai lại, như thể họ cố gắng tránh nghe một âm thanh không mong muốn.

Các động tác minh hoạ ( illustrators) là những cử chỉ được dùng để bổ sung và gia tăng cá cho các thông tin bằng lời. Nếu một người nào đó hỏi bạn làm thế nào để đi đến một bưu điện gần nhất chẳng hạn, có lẽ bạn sẽ sử dụng một động tác minh hoạ – chỉ tay theo hướng thích hợp đồng thời giải thích đường đi bằng lời nói. Động tác mô tả cũng có thể được dùng để nhấn mạnh, như khi hai người chỉ trích nhau, họ thường chỉ tay vào nhau.

Cuối cùng, một trong những loại cử động cơ thể quen thuộc nhất là những ngôn ngữ tượng trưng (emblems). Ngôn ngữ tượng trưng thường riêng biệt với một nền văn hóa riêng, và những người ở trong nền văn hóa đó có thể hiểu chúng cũng như hiểu lời nói.

Chẳng hạn động tác nắm chặt bàn tay, với ngón cái chỉ lên ở nền văn hóa phương Tây ngụ ý là thành công hoặc là ủng hộ.

LỜI KHUYÊN TÂM LÝ: BẠN CÓ THỂ ĐỌC ĐƯỢC NGƯỜI KHÁC NHƯ ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH HAY KHÔNG?

Nhiều người tin rằng có thể biết rõ các cảm xúc hay suy nghĩ của những người khác thông qua các hành vi không lời nếu biết cách đọc chúng. Trên thực tế, điều này không phải bao giờ cũng đúng. Mặc dù những hành vi không lời thường đem lại nhiều thông tin về cảm xúc, điều này hết sức thay đổi. Quả thật, chúng ta luôn luôn cố gắng giám sát và điều khiển các hành vi không lời nhằm giới thiệu mình sao cho hiệu quả trong lúc giao tiếp, vì vậy, hành vi không lời của chúng ta có thể đại diện cho điều mà chúng ta cố gắng truyền đạt hơn là cho điều mà chúng ta thật sự cảm nghiệm. Ngoài ra, cùng một hành vi không lời, đối với người này nó biểu lộ ý nghĩa này, đối với người khác nó lại có thể biểu lộ một ý nghĩa khác, nghĩa là không luôn có một mối liên hệ hằng định giữa một hành vi không lời nào đó và một ý nghĩa riêng biệt.

Dù vậy, bạn có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của hành vi không lời của người khác bằng cách sử dụng những nguyên tắc sau:

Kiểm tra bối cảnh của hành vi không lời.

Cân nhắc hoàn cảnh và môi trường sẽ giúp bạn biết được hành vi đó có thực sự phản ánh các cảm xúc của người đó hay không và người đó đang chuyển giao tin tức gì. Ví dụ, nhìn lâu vào mắt thường biểu lộ sự thích thú hấp dẫn nhưng cũng có thể là một dấu hiệu của lòng thù ghét. Chỉ khi bạn xem xét bối cảnh mà nó xảy ra thì bạn mới có thể hiểu rõ ý nghĩa của hành vi đó.

Hãy thử đặt mình vào vị trí người kia.

Thái độ và xuất thân của người đó là gì? Người đó muốn truyền đạt cái gì? Bạn có thể nhận ra động cơ đằng sau thông điệp mà có thể ảnh hưởng đến cách thức nó được truyền đạt hay không? Bằng cách tìm hiểu những khía cạnh như vậy, có lẽ bạn sẽ đọc được chính xác hơn

bản chất thật sự của thông điệp.

Hãy chú ý vào cả điều người đó đang nói và điều họ đang làm.

Phát hiện sự thiếu nhất quán giữa kênh giao tiếp bằng lời và không lời của họ là một dấu hiệu chỉ rằng bạn phải giám sát cả hai kênh truyền tin đó sát sao hơn. Trong những trường hợp có mâu thuẫn giữa lời nói và hành vi không lời, kênh giao tiếp không lời thường chính xác hơn vì nó khó bị điều khiển hơn là nội dung lời nói (“Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”).

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống,

Minh Đạt Rehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này