THĂM KHÁM KHỚP THÁI DƯƠNG HÀM

Các triệu chứng đặc trưng nhất của rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ) là đau vùng mặt miệng, tiếng động trong khớp, giới hạn vận động (há miệng), hoặc kết hợp các triệu chứng này.

XEM THÊM:

Mục lục

HỎI BỆNH SỬ

Cần hỏi những câu hỏi liên quan đến đau như khởi phát, vị trí, bản chất, cường độ, thời gian, các yếu tố tăng hoặc làm giảm đau ….

XEM LẠI: OPQRST: ĐỂ DỄ NHỚ KHI HỎI VỀ ĐAU

Ngoài ra, cần hỏi thêm những triệu chứng khác liên quan:

  • Khớp có nghe tiếng “lục cục” hay không? Trong một sụn chêm bị bán trật ra phía trước, mối quan hệ bình thường giữa sụn chêm và lồi cầu bị thay đổi, làm phát sinh tiếng lục cục khi há mở miệng.
  • Vận động có bị hạn chế hay không, hoặc là tầm hạn chế hay là bị khóa/kẹt? Nếu tầm độ mở miệng bị giảm, thì hạn chế đó xuất hiện đột ngột hay tiến triển hơn? Nếu bệnh nhân than phiền “đột ngột” bị khoá, thì bệnh nhân vẫn có thể mở hoặc ngậm miệng hay không? Không thể há miệng gợi ý di lệch đĩa sụn, thường là một bên, và thường còn có khả năng mở miệng ít nhất 1 cm. Nếu không thể ngậm miệng được, rất có thể xảy ra hiện tượng trật chỏm lồi cầu hàm dưới. Hạn chế quá mức xảy ra nhanh chóng có thể do hysteria hoặc uốn ván (không thể mở miệng được trong những trường hợp này). Hạn chế tiến triển chậm thường là hậu quả của thoái hoá khớp thái dương hàm.
  • Có tiếng lạo xạo (crepitus) hay không? Tiếng lạo xạo là kết quả của vận động trên bề mặt khớp không đều do những thay đổi trong khớp. Có thể gặp trong thoái hoá khớp.
  • Bệnh nhân có hay nghiến răng về đêm hay không? Người bệnh có thể không nhận biết được và do đó có thể cần hỏi người nhà.
  • Có bị ù tai, chóng mặt hoặc có vấn đề về thính giác không? Chóng mặt có thể do sự thay đổi các xung động ở tiền đình do các vấn đề của khớp thái dương hàm. Các triệu chứng khác, chẳng hạn như giảm nhẹ thính lực, cảm giác đầy trong tai và ù tai, cũng có thể xuất hiện.
  • Có những thay đổi về cảm giác hay không? Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý thần kinh ngoại vi. Nó thường xuyên ảnh hưởng đến môi, giác mạc và kết mạc. Trong đau dây thần kinh mặt không điển hình, cảm giác mặt thường bị giảm nhiều. Viêm dây thần kinh sinh ba hiếm khi kèm theo rối loạn cảm giác.

NHÌN

  • Nhìn phát hiện sưng nề, biến dạng, lệch cằm và mòn răng.
  • Sưng có thể là do viêm khớp do vi khuẩn hoặc miễn dịch (thường là viêm khớp dạng thấp, hiếm khi do bệnh vẩy nến hoặc bệnh gút), hoặc ở trẻ em có thể do viêm tuyến mang tai.
  • Ở bệnh liệt mặt Bell, một bên miệng hạ thấp hơn và mờ nếp nhăn.
  • Các bệnh lý viêm nặng nề của vùng thái dương hàm ở trẻ em có thể dẫn đến sự phát triển không đối xứng của mặt dưới do sự xáo trộn của trung tâm tăng trưởng ở hàm dưới. Tình trạng thoái hóa khớp tiến triển có thể dẫn đến sự bất đối xứng của mặt và đầu và làm hẹp ống tai ngoài. Viêm bao hoạt dịch thường gây ra lệch cùng bên khi mở miệng và lệch sang đối bên khi đóng miệng. 
  • Mòn và vỡ bất thường của răng có thể là dấu hiệu của tật nghiến răng. Sự sai lệch khớp cắn và mất răng có thể dẫn đến vấn đề ở khớp thái dương hàm. 

SỜ

Sờ thường được thực hiện khi bệnh nhân ngồi thư giãn. Sau đó có thể cho bệnh nhân nằm ngửa hoặc sấp để sờ các cấu trúc xương và mô mềm sâu hơn nếu cần thiết.

Sờ xương

  • Sờ xương hàm dưới từ trước ra sau (hoặc ngược lại). Có thể sờ thấy mỏm vẹt (coronoid) khi mở và đóng miệng khi các ngón tay được đặt ngay dưới cung gò má, bên dưới cơ cắn.
  • Sờ răng, ghi nhận mất răng, răng lỏng lẻo, sai khớp cắn …
Hình 1: Sờ xương hàm dưới

Sờ khớp

Sờ khớp trong khi đóng và mở hàm chủ động và đưa hàm sang trái và phải.

  • Khi mở hàm, sờ khớp thái dương hàm với ngón tay đặt dưới xương gò mà ngay trước chỏm lồi cầu, hoặc khi đóng hàm, đặt đầu ngón tay ngay trước gờ bình tai (tragus) phía sau lồi cầu (Hình 9a) hoặc trong ống tai ngoài (Hình 9b), tạo một lực đẩy nhẹ lên mặt sau của khớp. Người khám thường cảm giác xương hạ xuống khi mở hàm. 
  • Nếu có tràn dịch nhiều người khám có thể sờ thấy khối phồng. 
  • Cần phải chú ý đến tiếng lạo xạo, tiếng động bất thường cũng như chuyển động trượt trước sau của chỏm lồi cầu.
Hình 2: Sờ khớp thái dương hàm

Sờ cơ

Sờ có thể phát hiện đau cục bộ của một số cơ nhai, bao khớp và xương xung quanh ổ răng. 

  • Cơ cắn có thể được sờ thấy khi ngậm miệng và nghiến răng. Hoặc có thể sờ với ngón tay trỏ đặt trong miệng bên trong má, ngón cái ngoài miệng và yêu cầu bệnh nhân đóng hàm
  • Cơ thái dương được sờ khi nghiến chặt răng.
  • Cơ chân bướm có thể được sờ thấy với ngón tay đeo găng đưa vào miệng đến cổ xương hàm dưới, bệnh nhân há miệng.
Hình 3: Sờ cơ thái dương và cơ cắn
Hình 4: Sờ cơ chân bướm

VẬN ĐỘNG

Vận động chủ động

Đánh giá ảnh hưởng của các vận động chủ động lên đau, tầm vận động, độ lệch, âm thanh bất thường và tiếng kêu lục cục được ghi nhận.

Há/ngậm miệng chủ động

  • Yêu cầu bệnh nhân há miệng hết mức. Hai khớp thái dương hàm phải hoạt động đồng vận và đồng thời để miệng há đều mà không bị lệch sang bên. Đo khoảng cách hai hàm răng khi mở miệng tối đa.Bình thường là khoảng 36–38 mm ở người lớn nhưng có thể thay đổi từ 30 đến 67 mm, tùy thuộc vào giới tính và tuổi tác.
  • Yêu cầu bệnh nhân ngậm miệng lại.
Hình 4: Há miệng chủ động. Một cách đánh giá nhanh chức năng là yêu cầu bệnh nhân đặt hai đến ba ngón tay gấp khớp liên ngón lại giữa hàm răng trên và dưới

Đưa hàm dưới lệch sang trái và phải chủ động

Khi đưa hàm dưới sang bên, nó quay quanh một trục thẳng đứng đi qua ngành hàm cùng bên, cùng lúc đó chỏm hàm đối bên di chuyển ra trước.

Đưa cằm ra phía trước chủ động

Vận động này là do hoạt động của các cơ chân bướm trong và ngoài, cơ cắn, cơ hai thân và cơ cằm móng.

Hình 5. Đưa cằm ra trước (protrusion)

Vận động có kháng cản

Mở miệng có kháng cản

Đánh giá cơ lực của cơ chân bướm ngoài (phần dưới). Người khám đặt một tay bên dưới cằm, tay kia đặt trên đỉnh đầu của bệnh nhân. Với miệng bệnh nhân mở khoảng 1 cm, yêu cầu bệnh nhân mở thêm trong khi người khám kháng lại vận động. Thường thì bệnh nhân có thể thắng lực cản tối đa.

Ngậm miệng có kháng cản

Đánh giá cơ lực của các cơ đóng hàm (cơ cắn, cơ thái dương và cơ chân bướm trong). Đặt một miếng đệm cao su dày khoảng 1 cm vào giữa hai hàm răng. Yêu cầu bệnh nhân cắn càng mạnh càng tốt. Hoặc yêu cầu bệnh nhân ngậm chặt miệng trong khi người khám cố gắng mở hàm bằng kéo cằm (hàm dưới) xuống.

Đưa hàm sang trái và phải có kháng cản

Đánh giá cơ lực của cơ chân bướm ngoài đối bên. Người khám đặt một tay vào bên trái cằm của bệnh nhân và giữ cố định đầu bằng cách đặt tay kia vào vùng thái dương bên phải. Yêu cầu bệnh nhân đưa cằm sang trái chống lại lực cản bằng tay của người khám. Tiếp tục đánh giá bên đối diện.

Hình 6: Há miệng có kháng cản và Đưa hàm sang trái có kháng cản

CÁC NGHIỆM PHÁP

Kéo tách khớp thái dương hàm (Distraction of the TMJ)

  • Bệnh nhân ngồi.
  • Người khám ở một bên bệnh nhân, một tay cố định đầu bệnh nhân, tay kia mang găng đưa ngón cái vào miệng bệnh nhân ở mặt trên các răng hàm, ngón trỏ đặt trên mặt ngoài của xương hàm.
  • Thực hiện: ngón cái đẩy xuống dưới trong khi ngón trỏ kéo xuống dưới và ra trước.
  • Cảm giác cuối: chắc, đột ngột.

Hình 7: Kéo tách khớp thái dương hàm

Ép khớp thái dương hàm

Ép khớp (đẩy xương hàm lên trên khi bệnh nhân ngậm miệng) một bên hoặc hai bên, để phát hiện đau hoặc tiếng động trong khớp

Hình 8: Ép khớp thái dương hàm hai bên

Cũng có thể thực hiện trượt khớp sang bên.

Khám phản xạ

Phản xạ Hàm (Jaw Jerk): do dây thần kinh sinh 3 (V) chi phối. 

  • Bệnh nhân thư giãn hàm ở tư thế nghỉ, miệng mở nhẹ.
  • Người khám đặt ngón trỏ và ngón giữa lên cằm và gõ búa phản xạ lên các ngón.
  • Đáp ứng bình thường là đóng miệng lại nhẹ.
  • Đáp ứng quá mức chứng tỏ tổn thương thần kinh vận động cao. Giảm/mất phản xạ chứng tỏ bệnh lý dây thần kinh sinh ba.
Hình 9: Phản xạ hàm

XEM VIDEO MINH HOẠ:

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này