Cập nhật lần cuối vào 14/10/2023
Mục lục
Lượng giá chủ quan
Đối tượng
- Nam 55 tuổi, chơi quần vợt
- Thuận chân phải
Bệnh sử (HPC)
- Đau bắp chân trái. Khởi phát đột ngột cách đây 1 tuần khi chơi quần vợt
- Không khởi động trước trận đấu
- Sau năm phút trong trận đấu, có cảm giác như bị ai đó dùng một quả bóng tennis đánh vào bắp chân. Đi lại khó khăn, mặc dù cải thiện dần. Hiện có thể đi lại và chạy trên đường bằng mà không bị đau
Tiền sử (PMH)
- Phẫu thuật bắc cầu mạch vành 6 năm trước
- Thỉnh thoảng vị đau thắt lưng
Đau
Các yếu tố làm nặng thêm
- Chạy
- Đi bộ nhanh lên dốc, đặc biệt khi đẩy với bàn chân
Các yếu tố giảm nhẹ
- Nghỉ ngơi
Ban đêm
- Không có vấn đề gì
Ban ngày
- Không đau trừ khi chạy hoặc đi trong thời gian dài hoặc đi bộ lên dốc nhanh
- Không bị chuột rút
Điểm Đau và rối loạn chức năng
- VAS khi hoạt động thể chất mạnh = 6
Sức khỏe chung
- Thừa cân (BMI = 27)
- Thể lực đã được cải thiện sau phẫu thuật bắt cầu mạch vành
Thái độ / kỳ vọng
- Muốn duy trì thể lực vì cân nặng và tình trạng bệnh tim trước đây
- Cảm thấy buồn bực vì đau ở bắp chân làm hạn chế mức độ hoạt động của bệnh nhân
Lượng giá Khách quan
Nhìn ở tư thế đứng
- Không phát hiện bất thường
- Không sưng hoặc có sự khác biệt về màu da, hoặc giãn tĩnh mạch
Sờ
- Nhiệt độ da bình thường
- Đau nhẹ khi ấn ở đầu trong của cơ bụng chân (gastrocnemius) và một khoảng nhỏ sờ thấy được ở bụng cơ
Chiều dài cơ
- Căng và đau nhẹ khi kéo căng bắp chân tối đa (bằng cách gập mu bàn chân, ND) với đầu gối duỗi thẳng (đánh giá cơ bụng chân), nhưng không đau với gối gập (đánh giá cơ dép, soleus)
Đánh giá chức năng, bao gồm tầm vận động, sức mạnh và các test đặc biệt
- Nâng gót chân một bên lặp lại gây đau khi nâng tối đa (VAS tăng lên 6)
- Nhảy một chân gây đau khi đẩy lên (VAS tăng lên 5) , nhưng không đau khi đáp xuống
- Nghiệm pháp Slump cũng như Nâng thẳng chân (SLR) (nghĩa là Lasegue, ND) đều âm tính, thậm chí Nâng thẳng chân kèm gấp mu bàn chân và vặn bàn chân vào trong hoặc ra ngoài (Butler 2000)
- Dấu hiệu Homan âm tính (Hoppenfield 1986)
- Sờ động mạch ở chân rõ (động mạch khoeo chân, mu bàn chân, chày sau)
Câu hỏi và Gợi ý trả lời
Câu hỏi
1. Chẩn đoán tạm thời/sơ bộ của bạn là gì?
2. Những dấu hiệu và triệu chứng nào dẫn bạn đến chẩn đoán này?
3. Bạn sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào trong kế hoạch điều trị của mình?
4. Cần loại trừ những tình trạng thường gặp và ít gặp gì?
5. Tình trạng bệnh mạch vành hoặc thỉnh thoảng đau thắt lưng của bệnh nhân có thể giải thích các triệu chứng hiện tại hay không?
6. Những mong đợi của bệnh nhân sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc điều trị của bạn?
7. Bệnh nhân có khả năng được hưởng lợi từ việc giới thiệu đến các chuyên gia y tế khác hay không?
Gợi ý Trả lời
1. Chẩn đoán tạm thời/sơ bộ của bạn là gì?
- Các triệu chứng phù hợp với rách cơ bắp chân độ một và thường cần ít hơn 2 tuần để giảm bớt (Brukner và cộng sự 2001c).
2. Những dấu hiệu và triệu chứng nào dẫn bạn đến chẩn đoán này?
- Khởi phát đột ngột cách đây 1 tuần khi bệnh nhân cảm thấy như bị ai đó đánh vào bắp chân bằng một quả bóng tennis là một ví dụ điển hình về một vết rách cơ. Có thể sờ thấy một khoảng trống trong bụng cơ, đau khu trú và đau ở cuối tầm khi nâng gót chân một bên giúp nghĩ đến chẩn đoán.
3. Bạn sẽ giải quyết những vấn đề này như thế nào trong kế hoạch điều trị của mình?
Trong những trường hợp tối cấp và nặng nề hơn, áp dụng RICE (nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép và nâng cao chi), và cần đi nạng để giảm tải lên cơ. Điều trị tiếp theo có thể bao gồm:
- Băng dán hoặc băng không đàn hồi để hỗ trợ bên ngoài cho màng cơ trong khi co và cho phép bệnh nhân trở lại hoạt động sớm hơn. Một lợi ích bổ sung của kiểu hỗ trợ bên ngoài này là tác dụng xoa bóp và sự gia tăng nhịp nhàng áp lực bên trong do co cơ trong khi hoạt động thể chất có thể trợ giúp làm giảm sưng. Nên tiếp tục sử dụng hỗ trợ bên ngoài trong một vài tuần nữa, đặc biệt là trong các hoạt động thể thao
- Xoa bóp nhẹ nhàng (tránh các kỹ thuật ấn nhọn ở vị trí vết rách) và kéo giãn nhẹ cũng có thể có lợi vào thời điểm này
- Cuối cùng, cần nhắc lại sự cần thiết của khởi động trước khi hoạt động thể chất cường độ cao
4. Cần loại trừ những tình trạng thường gặp và ít gặp gì?
- Các vấn đề về cơ thường gặp có thể gây đau bắp chân là căng rách cơ bụng chân và cơ dép, bầm dập hoặc chuột rút, hoặc đau cơ khởi phát muộn sau khi hoạt động thể chất cường độ cao. Một nguyên nhân phổ biến khác của đau bắp chân có thể là do đau lan từ cột sống thắt lưng.
- Các nguyên nhân ít gặp hơn có thể liên quan đến hội chứng chèn ép khoang (khoang cơ ở phía sau nông hoặc sâu), gãy xương do mỏi (xương mác hoặc xương chày) hoặc hệ thống tuần hoàn (giãn tĩnh mạch, chèn ép hoặc xơ hóa nội mạc của động mạch khoeo chân hoặc chậu ngoài).
- Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn bao gồm đau lan từ khớp (khớp chày mác trên) hoặc đau mô mềm (bao khớp gối phía sau, dây chằng chéo sau, hoặc nang Baker) (Brukner và cộng sự 2001c).
- Những nguyên nhân không thể bỏ qua là các vấn đề về tuần hoàn như suy động mạch hoặc huyết khối tĩnh mạch sâu (Brukner và cộng sự 2001c).
5. Tình trạng bệnh mạch vành hoặc thỉnh thoảng đau thắt lưng của bệnh nhân có thể giải thích các triệu chứng hiện tại hay không?
- Với tiền sử bệnh và tuổi của bệnh nhân, điều quan trọng là phải phát hiện các vấn đề về tuần hoàn hoặc bệnh lý thắt lưng. Các triệu chứng hiện tại không có khả năng liên quan đến mạch vành hoặc các vấn đề tuần hoàn khác, bệnh lý của thắt lưng hoặc gãy xương do mỏi. Không có dấu hiệu huyết khối, sờ thấy động mạch, căng dây rễ thần kinh âm tính và đáp chân xuống trong khi nhảy không gây khó chịu gì.
6. Những mong đợi của bệnh nhân sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc điều trị của bạn?
- Với tiền sử bệnh của mình, bệnh nhân muốn duy trì mức độ hoạt động thể chất của mình. Mặc dù chấn thương không nghiêm trọng và các triệu chứng có khả năng khỏi trong vòng 1 tuần, nhưng điều quan trọng là bệnh nhân cần hiểu cách tránh chấn thương trở lại. Ngoài ra, cũng nên giải thích rằng đau bắp chân có thể liên quan đến các vấn đề khác và bệnh nhân nên liên hệ nếu tình trạng vẫn kéo dài.
7. Bệnh nhân có khả năng được hưởng lợi từ việc giới thiệu đến các chuyên gia y tế khác hay không?
- Siêu âm có thể giúp đánh giá mức độ rách cơ, trong khi đó, chụp Doppler hoặc chụp tĩnh mạch có thể được sử dụng khi nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch. Kiểm tra áp lực tăng cao trong và sau khi tập luyện được chỉ định khi nghi ngờ có hội chứng chèn ép khoang nông. Chụp MRI hoặc quét hạt nhân có thể hữu ích khi các vấn đề vẫn kéo dài để loại trừ gãy xương do mỏi hoặc các vấn đề khác.
MinhdatRehab, Lược theo:
Clinical case studies in physiotherapy. Lauren Jean Guthrie. 2009, Elsevier Limited.
Lời bàn của MinhDat Rehab
Một số nhận xét về dấu hiệu và thăm khám
- Triệu chứng nặng hơn khi đi lên dốc, nghĩa là co cơ bắp chân nhiều hơn khi đi đường bằng (cần thắng thêm thế năng), và đòi hỏi gập mu chân nhiều hơn (nghĩa là căng cơ bị rách nhiều hơn).
- Các dấu hiệu dương tính khi thăm khám là đau tại chỗ khi ấn, đau khi căng cơ, khi co cơ mạnh (nhảy lên cao, nâng gót chân lặp lại), không lan gợi ý bệnh lý mô mềm.
- Các dấu hiệu âm tính khi khám là:
- Loại trừ bệnh mạch máu: Không bất thường động mạch (sờ rõ, không có các dấu hiệu của suy động mạch – 5P), Không bất thường tĩnh mạch (không giãn tĩnh mach nông, Homan âm tính – nghĩa là gấp mu bàn chân thụ động)
- Loại trừ bệnh thần kinh: không đau dọc đường đi dây thần kinh, căng rễ (SLR, Slump) âm tính
- Loại trừ gãy xương do mỏi: không đau khi đáp chân xuống (dồn từ xa).
Bài viết trên trình bày một số các nghiệm pháp khá mạnh, như nhảy cao đáp xuống, có thể không nên thực hiện trong thực hành lâm sàng, vì có nguy cơ gây đau nhiều rách cơ nhiều hơn một cách không cần thiết.
Nhắc lại 5 chữ P trong bệnh suy động mạch cấp: 5P: đau (pain), vô mạch (pulselessness), tím tái (palor), tê (paresthesia), yếu liệt chi (paralysis).
Về điều trị
Bệnh nhân bị chấn thương cơ độ I (đứt rách nhẹ), nên mục tiêu và biện pháp chủ yếu là
- bảo vệ vết rách, hỗ trợ quá trình làm lành, tránh làm nặng thêm: băng, đi nạng nếu tình trạng đau nặng hơn, hạn chế chạy nhảy
- điều trị triệu chứng của giai đoạn viêm cấp: (RICE), xoa bóp nhẹ nhàng,
Về nguyên tắc, giai đoạn viêm cấp kéo dài khoảng 2 tuần và đau sẽ giảm dần. Tuy vậy, quá trình lành mô mềm (giai đoạn tăng sính) kéo dài đến 6 tuần, nên không nên trở lại hoạt động mạnh trong thời gian này. Để duy trì mức độ hoạt động thể chất mong muốn (dự phòng bệnh tim và béo phì), có thể tập luyện với tay (xe đạp quay tay). Có thể nâng đỡ vùng rách bằng băng (vải, dán), dần dần kéo dãn nhẹ để tái tổ chức mô sẹo theo hướng tối ưu (từ sắp xếp hỗn loạn thành sắp xếp song song). Sau thời gian này (nghĩa là sau 6 tuần), bắt đầu trở lại chương trình làm mạnh cơ tăng tiến, không quên khởi động trước tập.
Tiên lượng hiện tại khá tốt nhưng không nên quên nhắc nhỡ bệnh nhân dự phòng và cần báo cáo khi triệu chứng kéo dài, có các dấu hiệu của các bệnh lý khác gây đau chân thường gặp như đau thần kinh toạ, hoặc các bệnh lý mạch máu (mà bệnh nhân này đã có tiền sử là đau lưng và bệnh mạch vành).