NANG BAKER

Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023

Mã ICD-10:

  • M71.2: Nang hoạt dịch ở khoeo chân, nang Baker

Mục lục

ĐẠI CƯƠNG

Định nghĩa

Nang Baker, cũng được gọi là nang khoeo chân hoặc cạnh sụn chêm, là một túi chứa đầy dịch ở mặt sau của gối, thường nằm giữa cơ bán màng và đầu trong của cơ bụng chân.

Tình trạng này được Adams mô tả lần đầu tiên cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, và sau đó bởi Baker.

Dịch tễ học

  • Nang Baker là loại nang thường gặp nhất ở phía sau đầu gối.
  • Tình trạng này gặp ở khoảng 19% người trưởng thành không có triệu chứng (đặc biệt là người lớn trên 50 tuổi) và 6,3% trẻ em, thường gặp hơn ở các bé trai và trẻ em bị viêm khớp gối hoặc hội chứng tăng vận động (khớp quá mềm dẻo). 
  • Có hai đỉnh tỷ lệ mắc bệnh theo lứa tuổi: từ 4 đến 7 tuổi và từ 35 đến 70 tuổi.

Sinh bệnh học

  • Ba yếu tố chính dẫn đến sự hình thành nang Baker: (1) sự thông thương giữa khớp gối và bao hoạt dịch khoeo chân, (2) hiệu ứng van một chiều, và (3) áp lực không bằng nhau giữa khớp và bao hoạt dịch trong các góc vận động khác nhau ở khớp gối.
  • Kích ứng mạn tính ở khớp gối có thể làm tăng sản xuất chất hoạt dịch, có thể chảy từ khớp gối vào bao hoạt dịch do áp lực trong khớp cao hơn cho đến khi van một chiều được hình thành bởi phức hợp cơ bụng chân – cơ dép “đóng lại”, giữ chất lỏng ở một trong các bao hoạt dịch khoeo chân. Sau đó, bao hoạt dịch này căng ra và tạo thành một khối có thể sờ thấy được, thường gặp hơn ở mặt sau trong của hố khoeo. 
  • Về mặt giải phẫu, thiếu vắng các cấu trúc nâng đỡ ở vùng này có thể khiến vùng này của khoang khoeo dễ hình thành nang.
Hình 1: Cơ chế van của nang Baker. Trong cơ chế van bóng, fibrin đóng vai trò như van một chiều ngăn cản dịch tràn quay trở lại khớp gối. (Nếu có rách sụn chêm, sụn chêm thường đóng vai trò van một chiều). SM: cơ bán màng, G: Cơ bụng chân.

Nguyên nhân 

  • Ở người lớn, nang Baker thường được thấy ở người có tiền sử chấn thương (như rách dây chằng hoặc sụn chêm, chấn thương đầu gối), kèm theo bệnh thoái hoá khớp gối hoặc các bệnh lý khác (như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm trùng, rách sụn chêm do thoái hoá….), hoặc không có triệu chứng do phát hiện tình cờ.
    • Trong một nghiên cứu trên 40 bệnh nhân có bằng chứng thoái hoá khớp gối nguyên phát trên X quang, 22 % có nang Baker được chẩn đoán bằng siêu âm. Nang khoeo có liên quan đến rách sụn chêm trong 71% đến 82% trường hợp, suy yếu dây chằng chéo trước ở 30%  trường hợp và tổn thương thoái hóa sụn ở 30% đến 60% trường hợp. 
  • Ở trẻ em, nang khoeo thường là một tình trạng nguyên phát. Không như người lớn, nang kheo ở trẻ em xuất phát từ bao khớp, bao hoạt dịch phía sau của khớp gối thoát vị.

CHẨN ĐOÁN, LƯỢNG GIÁ

Triệu chứng

  • Nang Baker thường không đau và có thể biểu hiện dưới dạng một khối di động trong hố khoeo (Hình 2). 
  • Các triệu chứng điển hình, nếu có, bao gồm sưng, cảm giác căng, khó chịu hoặc đau phía sau gối. Sưng có thể rõ hơn khi bệnh nhân đứng duỗi gối.
  • Cũng có thể có biểu hiện tê rần ở mặt sau của bắp chân và mặt dưới của bàn chân nếu ảnh hưởng đến dây thần kinh hoặc mạch máu. 
Hình 2. Nang Baker

Khám

  • Nang Baker thường có thể nhìn thấy hoặc ít nhất là có thể sờ thấy dọc theo mặt trong của hố khoeo. 
  • Nang có thể được xác định khi bệnh nhân nằm sấp, đầu tiên là duỗi gối và sau đó là gập gối trong khi nhìn và sờ hố khoeo. Nang có đặc điểm tròn, nhẵn, di động và thường nang mềm sẽ căng lại khi sờ với gối duỗi và có thể mềm hoặc biến mất khi gập gối 45 độ, gọi là dấu hiệu Foucher, do giảm căng lên nang.
  • Nang có thể lan vào đùi hoặc cẳng chân, hoặc có thể có nhiều vệ tinh dọc theo bắp chân và thậm chí vào cả bàn chân. Các nang vệ tinh này có thể hoặc không được kết nối với nang chính thông qua các kênh. 
  • Khi tràn dịch khớp đi kèm với nang, cần tìm kiếm nguồn gốc gây kích ứng mạn tính. Kiểm tra tầm vận động của khớp gối, sự lỏng lẻo của dây chằng và đánh giá khả năng đau bánh chè đùi và rách sụn chêm. Ngoài ra, một số trường hợp hiếm gặp có thể có các dấu hiệu chèn ép dây thần kinh tọa ở vùng khoeo, biểu hiện dưới dạng giảm cảm giác dọc theo mặt lòng bàn chân và teo cơ ở cơ chày sau, cơ gấp các ngón dài và cơ gấp ngón cái dài.
  • Khi không có triệu chứng, khám thực thể có thể không phát hiện chính xác nang Baker.

Giới hạn chức năng

Mức độ khiếm khuyết do nang tạo ra phụ thuộc vào kích thước và mức độ mềm của nó. Nang Baker thường không đau và ít gây hạn chế vận động, trừ khi có tổn thương sụn chêm kèm theo. Dù vậy, nang có kích thước lớn có thể gây hạn chế vừa phải trong hoạt động thể chất, đặc biệt là đi bộ. 

Cận lâm sàng

Hình ảnh học 

Siêu âm và chụp cộng hưởng từ là hai phương pháp thăm dò hình ảnh phổ biến nhất để đánh giá nang Baker, mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng.

  • Chụp X quang thường quy khớp gối: có thể được sử dụng để chẩn đoán thoái hóa khớp, nhưng hiếm khi cần thiết để chẩn đoán nang Baker. 
  • Siêu âm phân biệt được khối đặc và nang và do đó đặc biệt hữu ích trong việc phát hiện nang Baker khi các biến dạng khớp nhiều, chẳng hạn như biểu hiện viêm khớp dạng thấp, làm khó phát hiện nang. Hơn nữa, siêu âm là một phương pháp kinh tế và hữu ích để phân biệt viêm tắc tĩnh mạch với nang Baker nếu chẩn đoán không chắc chắn. 
  • Chụp khớp có tiêm thuốc cản quang vào khớp gối hoặc bao hoạt dịch có thể chứng minh rõ ràng cấu trúc bao hoạt dịch lớn.
  • Chụp CT có thể phân biệt nang với u mỡ và u ác tính và có thể cho thấy nang thông hoặc không thông.
  • Chụp MRI hiển thị giải phẫu của toàn bộ khớp và là một thăm dò nhạy để xác định nang Baker cũng như nguyên nhân có thể có. Chụp cộng hưởng từ cũng giúp loại trừ các khối u và xác định các thay đổi bệnh lý để có thể phẫu thuật cắt bỏ. Trên phim MRI, nang Baker xuất hiện dưới dạng các khối có giới hạn rõ với cường độ tín hiệu thấp trên ảnh T1W và cường độ tín hiệu cao trên ảnh T2W (Hình 3). 
Hình 2: MRI một khớp gối với nang Baker. A: Ảnh đứng dọc T2W; B: Ảnh cắt ngang T2W.

Xét nghiệm

  • Kiểm tra tốc độ lắng hồng cầu nếu nghi ngờ có quá trình viêm. 
  • Trong những trường hợp nghi ngờ về nguyên nhân của nang, phân tích và nuôi cấy dịch hút ra có thể giúp phân biệt giữa giữa viêm, nhiễm trùng và cơ học.

Chẩn đoán phân biệt

  • Bệnh khớp viêm (viêm khớp dạng thấp) 
  • Miếng đệm mỡ
  • Liposarcoma
  • Nang hạch
  • U máu màng hoạt dịch
  • Áp xe
  • Các bệnh ác tính (sarcoma, schwannoma) 
  • Viêm tắc tĩnh mạch
  • Phình động mạch 
  • Hội chứng khoang

Các biến chứng

  • Biến chứng phổ biến nhất của nang Baker là bóc tách vào bắp chân và vỡ ra, dẫn đến bầm máu ở bắp chân, cổ chân và bàn chân. Khi nang vỡ tạo ra “hội chứng viêm tắc tĩnh mạch giả”, nghĩa là gây sưng và đau nhiều ở bắp chân, cảm giác như có nước chảy xuống bắp chân. 
  • Các biến chứng ít gặp khác là hội chứng chèn ép khoang, bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau cách hồi ở chi dưới hoặc bội nhiễm.

Điều trị

Điều trị bảo tồn

Can thiệp chỉ cần thiết khi nang Baker có triệu chứng. Các nang có xu hướng tự khỏi ở trẻ em. Trong trường hợp có bệnh lý hoặc bất thường ở khớp kèm theo, cần xác định và can thiệp phù hợp.

  • Biện pháp ban đầu là nghỉ ngơi, thay đổi hoạt động.
  • Có thể áp dụng băng ép, chườm lạnh và các thuốc chống viêm (thuốc chống viêm không steroid) để giảm sưng.
  • Trong trường hợp bệnh thoái hóa khớp, rách dây chằng chéo và chấn thương sụn chêm, cần tập các bài tập kháng trở để duy trì và cải thiện sức mạnh cơ chi dưới. Một chương trình phục hồi chức năng toàn diện có thể giúp cải thiện dáng đi và chức năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. 
  • Chọc hút nang bằng kim (kèm tiêm corticosteroid nội khớp hoặc vào nang hoặc không) là phương pháp điều trị hiệu quả và với điều kiện nguyên nhân gây ra nang được giải quyết, phương pháp này thường giúp cải thiện các triệu chứng và chức năng. Tỷ lệ tái phát cao ở người lớn tuổi, rách sụn chêm do thoái hoá.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật cắt bỏ chỉ được thực hiện sau khi tất cả các phương pháp khác đều thất bại và nang lớn và vẫn còn triệu chứng. 
  • Trước đây, phẫu thuật cắt bỏ hở là một lựa chọn nếu nang vẫn còn triệu chứng, nhưng tỷ lệ tái phát cao (lên đến 63%). 
  • Đôi khi, phẫu thuật là cần thiết để điều chỉnh quá trình bệnh lý tiềm ẩn (ví dụ: phẫu thuật nội soi khớp cho rách sụn chêm hoặc thay toàn bộ khớp gối cho thoái hóa khớp nặng). Do đó, điều trị nội soi là lựa chọn hiện nay so với mổ hở. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH:

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này