VẬN ĐỘNG TRÊN GIƯỜNG VÀ NGỒI DẬY Ở BỆNH NHÂN LIỆT NỬA NGƯỜI

Cập nhật lần cuối vào 08/01/2025

XEM THÊM: DỊCH CHUYỂN CHO BỆNH NHÂN LIỆT NỬA NGƯỜI

Bắc cầu (hoặc làm cầu), lăn và chuyển từ nằm nghiêng sang ngồi là các nhiệm vụ di chuyển chức năng cơ bản cần thiết trên giường. 

Mục lục

BẮC CẦU (BRIDGING)

Phân tích 

Bắc cầu là một tư thế quan trọng mà bệnh nhân cần được hướng dẫn thực hiện ngay từ đầu quá trình can thiệp.

Bắc cầu là chức năng vận động cần thiết để sử dụng bô vệ sinh tại giường, giảm đè ép lên hai mông và di chuyển trên giường. 

Trong nhiệm vụ bắc cầu, các cơ duỗi lưng và hông nâng đỡ cơ thể chống lại trọng lực.  Sử dụng tay hoặc chân trong khi bắt cầu làm tăng độ khó của động tác (Khi một cánh tay hoặc chân được nâng lên (như khi cố gắng mặc quần áo), các cơ chéo bụng phải hoạt động để hỗ trợ chi thể.)

Bệnh nhân bị liệt nửa người có thể gặp khó khăn khi chuyển sang tư thế nằm gấp gối háng và làm cầu do nhiều nguyên nhân. Giảm hoạt động cơ chọn lọc ở bên liệt, do sử dụng các kiểu vận động khối, cản trở bệnh nhân kết hợp các thành phần gấp và khép háng cần thiết.

Bệnh nhân cố gắng đặt chân liệt thường dẫn đến một kiểu vận động khối đặc trưng bởi gập và xoay ngoài háng và xoay ngửa bàn chân. 

Bệnh nhân không thể giữ vững xương chậu trong khi thực hiện vận động này dẫn đến tăng duỗi (ưỡn) cột sống thắt lưng kết hợp với duỗi quá của bên lành lên bề mặt nâng đỡ. Một lý do khác có thể khác làm tăng duỗi cột sống thắt lưng là căng các cơ gấp háng (ít có khả năng xảy ra trong giai đoạn đầu sau đột quỵ).

Các chiến lược điều trị

Người tập có thể hỗ trợ bệnh nhân sang nằm gập gối háng. Khuyến khích bệnh nhân hỗ trợ gập chủ động chân lành và có thể cần trợ giúp và giúp giữ tư thế nằm gập gối háng. Gập chủ động chân liệt giúp đưa xương chậu ra trước và có thể thúc đẩy việc giữ chủ động chân liệt ở tư thế gập. Người tập có thể tạo áp lực xuống đầu gối gập của bên liệt để đảm bảo đặt bàn chân phù hợp.

Khi bệnh nhân nhấc mông khỏi bề mặt nâng đỡ, người tập phải đảm bảo bệnh nhân không duỗi hông và lưng quá mức (quá ưỡn người). Để cải thiện vận động chọn lọc, đầu tiên nên khuyến khích bệnh nhân thực hiện động tác nghiêng chậu ra trước. Có thể cần chuẩn bị cho bệnh nhân thực hiện vận động này (Hình 1). Sau khi nghiêng xương chậu ra trước, bệnh nhân nhấc mông lên khỏi mặt giường trong khi giữ xương chậu ngang bằng. Người tập có thể hỗ trợ động tác này bằng cách đặt một tay dưới hông bên liệt và một tay lên bụng.

Hình 1: Đặt tay bên liệt để hỗ trợ bắc cầu. Lưu ý tránh quá duỗi thân mình và khớp háng.

Nếu bàn chân được đặt gần cơ thể, người tập cũng có thể hướng đầu dưới xương đùi về ra trước về phía bàn chân trong khi tạo lực ép xuống, khi bệnh nhân đã kiểm soát được xương chậu (Hình 2).

Hình 2: Kỹ thuật viên tạo lực ép xuống qua gối, kéo cho lồi cầu đùi hướng đến bàn chân, và yêu cầu bệnh nhân nâng mông hở khỏi giường

Sau khi bệnh nhân có thể giữ tư thế bắc cầu, có thể tăng tiến bằng cách nhấc bàn chân bên lành lên khỏi mặt giường trong khi vẫn giữ hai bên xương chậu ngang bằng. Cần quan sát sự bất đối xứng hoặc xoay của xương chậu. Không nên để bệnh nhân hạ thấp bên lành để có được sự ổn định hơn. 

Có thể phân loại mức độ bắc cầu theo khả năng kiểm soát các vận động có chọn lọc của bệnh nhân. Đặt bàn chân xa mông hơn đòi hỏi mức độ hoạt động có chọn lọc cao hơn để giữ gối gấp và háng duỗi. Nhấc bàn chân luân phiên khỏi mặt giường trong khi giữ xương chậu ngang bằng đòi hỏi phải tăng cường hoạt động cơ và phối hợp tốt hơn (Hình 3 và 4).

Hình 3: Tăng tiến bắc cầu bằng nâng chân (đòi hỏi co cơ bụng). BN này thể hiện khó khăn khi nâng chân lành, xương chậu không cân xứng (liệt bên trái).
Hình 4: BN thể hiện kiểm soát tốt nâng chân liệt ở tư thế bắt cầu một chân

Có thể sử dụng bắc cầu để di chuyển trên giường và mặc quần khi ở tư thế nằm ngửa. Nên hướng dẫn người chăm sóc các kỹ thuật phù hợp để đảm bảo rằng các vận động này được chuyển vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. 

LĂN (Rolling)

Phân tích

Lăn là một phần quan trọng của di chuyển trên giường và của nhiều nhiệm vụ khác. Nghiên cứu đã chứng minh rằng người lớn bình thường sử dụng một số chiến lược vận động khác nhau để lăn từ nằm ngửa sang nằm sấp.

Một trong những chiến lược vận động phổ biến nhất mà người lớn trẻ tuổi sử dụng khi lăn từ nằm ngửa sang nằm sấp bao gồm kiểu với tay và nâng (lift-and-reach arm pattern). Vận động của đầu và thân được bắt đầu bằng đai vai; cũng xảy ra động tác nâng chân một bên. Không quan sát thấy sự xoay của cột sống (sẽ dẫn đến sự tách rời của đai vai và xương chậu) (Hình 5). 

Hình 5: Dạng lăn phổ biến ở người lớn và với tay và sau đó là nâng chi dưới.

Người lớn bình thường có nhiều kiểu vận động lăn khác nhau, không như những bệnh nhân sau đột quỵ, bị giới hạn trong các kiểu vận động rập khuôn. 

Các chiến lược điều trị

Nhà trị liệu cần xem xét bề mặt lăn (môi trường), mục tiêu của thay đổi vị trí của cơ thể khi nằm ngửa, và các mục tiêu về khả năng vận động trong tương lai như chuyển từ nằm ngửa sang ngồi. Do đó, các nhà trị liệu phải xác định các chuỗi vận động phù hợp nhất để đảm bảo an toàn và đạt được mục tiêu của vận động. Xoay cột sống trong khi lăn chỉ là một chiến lược có thể hữu ích trong việc cung cấp nhiều khả năng vận động hơn cho bệnh nhân bị liệt nửa người.

Lăn sang bên liệt 

Bệnh nhân liệt nửa người thường lăn qua lên liệt bằng cách sử dụng kiểu duỗi để bắt đầu chuỗi vận động do cơ gấp thân mình còn yếu và hoạt động duỗi thân trở lại sớm. Những bệnh nhân này dựa vào bên lành để đẩy vào bề mặt, làm cong cột sống khi cơ thể bị đẩy về phía trước theo hướng lăn.

Davies gợi ý rằng có thể sử dụng các hoạt động lăn để thúc đẩy gấp chủ động của thân mình. Bệnh nhân được khuyến khích nâng cánh tay và chân lành lên và về phía trước qua thân mình. Vận động này phải diễn ra mà không cần bệnh nhân đẩy bàn chân vào mặt giường (Hình 6). Bệnh nhân có thể lặp lại động tác này bằng cách trở về tư thế nằm ngửa. Một phần hoặc toàn bộ chân phải được giữ ở tư thế dạng và từ từ hạ xuống bề mặt khi bệnh nhân trở về tư thế nằm ngửa.

Hình 6: Lăn sang bên liệt được thực hiện bởi nâng vai và chân lành qua bên liệt, không sử dụng đẩy bàn chân lên mặt giường. KTV có thể hỗ trợ ở đai vai và đai chậu.

Khi bệnh nhân kiểm soát được chuỗi động tác này, bước tiếp theo là nâng đầu lên khỏi mặt giường để hỗ trợ khởi đầu vận động. Khi bệnh nhân xoay, đầu sẽ xoay theo hướng vận động.

Giảm dần trợ giúp thể chất khi khả năng kiểm soát vận động của bệnh nhân cải thiện.

Cần bảo vệ cánh tay liệt trước khi thực hiện lăn sang bên liệt. Người tập có thể giúp bảo vệ tay liệt bằng cách đặt trước cánh tay, hỗ trợ bệnh nhân đưa vai và cánh tay về phía trước và trợ giúp cho cánh tay liệt trong khi đứng ở bên liệt.

Lăn sang bên lành

Lăn sang bên lành có thể khó hơn đối với bệnh nhân bị liệt nửa người. vận động này thường được bắt đầu bằng một kiểu duỗi bao gồm duỗi đầu, cổ và lưng. Bệnh nhân dựa vào việc duỗi lưng để đưa chân bên liệt qua thân mình theo một kiểu duỗi có thể được xem là một chiến lược bù trừ không hiệu quả. Cánh tay bị liệt có thể bị bỏ lại phía sau khi bệnh nhân lăn (Hình 7). 

Hình 7: Lăn sang bên lành. Bệnh nhân cần tránh sử dụng các cơ duỗi lưng để đưa chân ra trước, trong khi không chú ý đến tay liệt (liệt nửa người trái)

Khi hướng dẫn bệnh nhân lăn sang bên lành, mục tiêu của nhà trị liệu là giảm các chiến lược bù trừ không thích nghi góp phần gây ra vận động không hiệu quả và tăng cường các kiểu vận động hiệu quả hơn. Bệnh nhân có thể được hướng dẫn sử dụng tay lành (Hình 8) để đưa cánh tay bị liệt lên và về phía trước trong khi nhà trị liệu cố gắng ra hiệu bằng lời nói hoặc hành động để hướng dẫn cho vận động của hông và chi dưới.

Hình 8: Giai đoạn đầu, KTV hướng dẫn bệnh nhân sử dụng tay lành để trợ giúp đưa vai liệt ra trước, KTV đặt tư thế chân liệt gấp gối và háng để tránh mẫu duỗi.

Nhà trị liệu nâng đỡ chân liệt trong khi trợ giúp vận động về phía trước của xương chậu (Hình 9).

Hình 9: Trợ giúp giảm dần khi BN kiểm soát được vận động. KTV trợ giúp gấp gối và đưa bả vai liệt ra trước

Việc lặp lại trình tự này có thể hỗ trợ học vận động. Nhà trị liệu khuyến khích bệnh nhân nhấc chân bên liệt ra khỏi mặt giường và từ từ hạ chân xuống sau khi trở lại tư thế nằm ngửa. Chiến lược này được sử dụng để hỗ trợ bệnh nhân duy trì một mức độ gấp nhẹ của hông và đầu gối, giúp giảm sự phụ thuộc vào kiểu bù trừ duỗi. Một phương pháp thay thế là gấp cả hai chân để lăn.

NẰM SANG NGỒI

Phân tích

Vận động chuyển tiếp từ nằm ngửa sang ngồi có thể đạt được thông qua nhiều chiến lược vận động khác nhau. Người lớn có xu hướng sử dụng chiến lược quán tính để đạt được mục tiêu này (Hình 10). Các vận động của họ diễn ra mượt mà và hiệu quả khi họ “nhảy” ra khỏi giường, khỏi ghế dài hoặc ra khỏi ghế. Chiến lược quán tính đòi hỏi phải tạo ra lực bên trong thân mình và truyền đến các chi dưới để bắt đầu chuỗi lăn. Các cơ thân mình phải co đồng tâm để bắt đầu và đẩy vận động; các co cơ ly tâm giúp kiểm soát. Sự co cơ kéo dài và làm ngắn tương ứng giúp duy trì sự ổn định.

Hình 10: Người lớn ngồi dậy thường sử dụng chiến lược quán tính. Cách thực hiện đa dạng.

Nhiều người lớn tuổi thường có xu hướng sử dụng chiến lược kiểm soát lực (Hình 11). Họ chuyển lực từ bộ phận cơ thể này sang bộ phận cơ thể khác khi có những thay đổi dần dần về tư thế. Lăn sang nằm nghiêng, sau đó đẩy lên bằng tay và vung hai chân qua thành giường là một ví dụ về chiến lược này. Phương pháp này giúp tăng độ ổn định vì cần các lực đồng tâm và lệch tâm theo từng bước. Cần phải tăng cường nỗ lực nếu thiếu đà (quán tính).

Hình11: Người lớn tuổi thường sử dụng chiến lược kiểm soát lực. Lăn nghiêng sang một bên và đẩy người ngồi dậy.

Có bằng chứng ủng hộ rằng người lớn tuổi sử dụng các chi trên của họ để hỗ trợ cơ thân mình khi di chuyển từ nằm ngửa sang ngồi. Do đó, các nhà trị liệu cần xem xét các chiến lược vận động và đặt tư thế của cánh tay khi huấn luyện lại chuỗi động tác từ nằm ngửa sang ngồi. Có nhiều cách vận động để đạt được chuỗi động tác từ nằm ngửa sang ngồi. Chuỗi động tác được mô tả thường được bệnh nhân sử dụng một cách tự phát sau đột quỵ và thường được các nhà trị liệu sử dụng, được gọi là nằm nghiêng sang ngồi.

Các vấn đề ở bệnh nhân đột quỵ: Bệnh nhân sau đột quỵ gặp khó khăn khi chuyển từ tư thế nằm nghiêng sang tư thế ngồi do hoạt động cơ kém, và các chiến lược bù trừ không thích nghi. 

  • Kiểm soát cơ gấp thân mình yếu và hoạt động duỗi thân trở lại sớm cản trở khả năng điều chỉnh hoạt động cơ đồng tâm và lệch tâm của bệnh nhân hiệu quả. 
  • Do cơ thân mình yếu, bệnh nhân phải dựa vào các chiến lược bù trừ có thể bao gồm việc sử dụng nhiều hơn cánh tay hoặc chân bên lành hoặc sử dụng quá mức các vận động của đầu.
  • Khi nằm nghiêng, bệnh nhân gấp đầu về phía trước thay vì sang bên và sử dụng cánh tay lành để di chuyển cơ thể ra khỏi bề mặt nâng đỡ. Vận động về phía trước của đầu có thể là một chiến lược bù trừ để dịch chuyển trọng tâm về phía trước. Bệnh nhân có thể không thể kết hợp gấp sang bên và duỗi thân mình do thiếu hoạt động cơ chọn lọc. Móc chân lành vào bên dưới chân liệt để nâng và hạ chân qua mép giường là một chiến lược bù trừ khác mà nhiều bệnh nhân được hướng dẫn thực hiện. Chiến lược này ngăn ngừa vận động chọn lọc của xương chậu theo hướng ra trước và sang bên.
  • Ngoài ra, khi thay đổi tư thế, bệnh nhân có thể không có các đáp ứng chỉnh thẳng đầu thích hợp (đòi hỏi bệnh nhân phải nghiêng cổ sang một bên trong khi kiểm soát hoạt động cơ ly tâm ở phía đối diện).
  • Hơn nữa, bệnh nhân cũng có thể không thể di chuyển hoặc đặt các chi bị liệt một cách thích hợp để chuẩn bị cho vận động chuyển tiếp hoặc có thể hoàn toàn không chú ý chi liệt.

Các chiến lược điều trị

Nhiều phương pháp được đề xuất để huấn luyện lại cho bệnh nhân trình tự vận động từ nằm ngửa sang ngồi. Một phương pháp đề xuất là đầu tiên bệnh nhân bị liệt nửa người nên được hướng dẫn lăn về phía liệt để giảm lượng gắng sức cần thiết và giảm các chiến lược thích nghi kém như kéo và đẩy để đạt được tư thế ngồi.

Những tác giả khác đề xuất rằng bệnh nhân bị liệt nửa người nên được hướng dẫn ngồi dậy từ cả hai bên ngay từ đầu quá trình điều trị để ngăn ngừa các phản ứng phối hợp. 

Một lựa chọn khác là bệnh nhân bắt đầu vận động ở tư thế ngồi thẳng và học cách nằm xuống trước. Phương pháp này có thể làm giảm trọng lực tác động lên hệ thống cơ thân mình khi bệnh nhân trước hết học cách kiểm soát vận động theo trọng lực sử dụng hoạt động cơ ly tâm. 

Ngồi dậy từ nằm nghiêng bên liệt

Nhà trị liệu hỗ trợ bệnh nhân nâng chân liệt qua mép giường; đầu, cổ và phần ngực trên được đưa về phía trước, đòi hỏi cổ phải nghiêng sang một bên. Đồng thời, cánh tay lành phải được đưa ngang qua thân mình và đặt trên giường. Chân lành cũng phải được nâng qua mép giường trong khi bệnh nhân dùng tay đẩy xuống mặt giường. Vận động của chân lành khi bệnh nhân đồng thời đẩy bằng tay sẽ tạo đà cho chuỗi vận động này; trọng lượng của chân giúp bệnh nhân đạt được tư thế ngồi. 

Nhà trị liệu có thể cần hỗ trợ đưa vai lành về phía trước qua đế nâng đỡ của cơ thể. Nhà trị liệu có thể đặt hai bàn tay lên vai và đai chậu để nâng đỡ và trợ giúp vận động của chân lành (Hình 12).

Hình 12: Trợ giúp ngồi dậy từ bên liệt

Khi bệnh nhân kiểm soát được vận động này, nhà trị liệu có thể chỉ hỗ trợ cho vai và xương chậu bên lành (Hình 13). Nhà trị liệu có thể sử dụng tín hiệu bằng lời nói hoặc lực ép xuống vai để ra hiệu nghiêng thân mình sang một bên và chỉnh đầu cho phù hợp. 

Hình 13: KHi BN có thể kiểm soát hoạt động cơ thân mình, giảm dần sự trợ giúp. Có thể cung cấp tín hiệu nghiêng đầu và thân sang bên bằng lực ép nhẹ xuống vai và xương chậu bên lành

Để đảo ngược trình tự này (nghĩa là từ ngồi sang nằm), bệnh nhân có thể cần được trợ giúp để nâng chân liệt người lên giường. Cần chú ý giữ vai liệt ở tư thế đưa ra trước khi bệnh nhân xoay và hạ người xuống mặt giường.

Ngồi dậy từ nằm nghiêng bên lành 

Trình tự vận động khi nằm nghiêng bên lành và ngồi dậy vẫn giống như trong ví dụ trước; tuy nhiên, vị trí đặt tay của nhà trị liệu để hỗ trợ vận động thay đổi. Nhà trị liệu nên hướng dẫn bệnh nhân nâng cánh tay liệt trong khi nâng chân lành qua mép giường. Nhà trị liệu hỗ trợ vận động của chân liệt về phía trước và qua mép giường khi bệnh nhân nâng đầu, cổ và phần ngực trên với tay lành (Hình 14). Cần đảm bảo vai bên liệt vẫn ở tư thế ra phía trước khi bệnh nhân bắt đầu đẩy xuống bằng tay bên lành. 

Hình 14: Trợ giúp ngồi dậy từ bên lành ở bệnh nhân nặng hơn, hỗ trợ cả nâng người và đưa hai chân xuống giường (liệt bên trái)

Những bệnh nhân giảm khả năng nghiêng cổ sang bên cần các can thiệp chuẩn bị. Nên đặt bệnh nhân nằm nghiêng bên lành với đầu trên giường (Hình 15, A). Bệnh nhân nâng đầu lên với sự hỗ trợ của Nhà trị liệu khi cần (Hình 15, B). Sau đó, Nhà trị liệu yêu cầu bệnh nhân hạ đầu xuống giường; động tác này đòi hỏi sự co cơ ly tâm của các cơ nghiêng bên. Động tác này được thực hiện sau khi chủ động nhấc đầu lên (co cơ đồng tâm). Không để bệnh nhân xoay hoặc cúi đầu về phía trước khi thực hiện nhiệm vụ này. 

Hình 15: Khuyến khích kiểm soát nghiêng cổ chủ động. Đầu tiên là co ly tâm (A), sau đó là co đồng tâm (B)

Tịnh tiến ở tư thế ngồi (Scooting)

Phân tích

Tịnh tiến ở tư thế ngồi, hay “đi bằng mông”, bao gồm chuyển trọng lượng sang một bên mông rồi đến bên kia, tạo ra vận động cơ thể ra phía trước ở tư thế ngồi. Cần kéo dài thân mình bên chịu trọng lượng và rút ngắn ở bên không chịu trọng lượng một cách thích hợp. Kiểu vận động này hữu ích cho một số hoạt động chức năng như mặc và cởi quần ở tư thế ngồi, và cho phép cá nhân dịch chuyển đến mép giường hoặc ghế.

Chiến lược điều trị

Có thể thực hiện ra hiệu bằng lời nói hoặc hành động để hỗ trợ bệnh nhân di chuyển. Với người bệnh có khả năng, đầu tiên ra hiệu chuyển trọng lượng sang một bên và sau đó đặt tay lên xương chậu của bệnh nhân để ra hiệu tiến về phía trước hông ở phía không chịu lực. Sau đó, nhà trị liệu đổi tay để ra hiệu vận động về phía trước của mông bên kia .

Những bệnh nhân yếu hơn có thể cần trợ giúp bằng tay nhiều hơn để đưa mông ra trước (Hình 16)

Hình 16: Đặt tay để trợ giúp “đi mông” ra mép giường

XEM THÊM: ĐẠI CƯƠNG VỀ THĂNG BẰNG VÀ KIỂM SOÁT TƯ THẾ

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này