Cập nhật lần cuối vào 27/10/2021
Bài viết trình bày các thuyết về quá trình phát triển con người: tâm lý, nhận thức, hành vi, xã hội.
Mục lục
CÁC THUYẾT ĐỘNG LỰC TÂM LÝ (PHYSCHO DYNAMIC) (FREUD, ERIKSON)
Những người theo quan điểm động lực tâm lý tin rằng nhiều hành vi có động cơ bởi các lực hoặc sức mạnh ở bên trong, các trí nhớ, và các xung đột mà người ta ít nhận ra hoặc kiểm soát. Các lực bên trong có thể bắt mầm từ tuổi thơ, tiếp tục ảnh hưởng hành vi suốt cuộc đời.
Thuyết phân tâm học của Freud
Quan điểm động lực tâm lý quan hệ mật thiết với Sigmund Freud và thuyết phân tâm học. Freud là một bác sĩ người Áo (1856- 1939) mà các ý tưởng cách mạng của ông đã có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực tâm lý và tâm thần học, mà còn cả tư duy Tây phương nói chung.
Thuyết phân tâm học của Freud cho rằng hoạt động của các lực vô thức xác định nhân cách và hành vi. Với Freud, cái vô thức là một phần của nhân cách mà người ta không biết. nó chứa các ước muốn, nhu cầu, mong nguyện của trẻ, và bởi vì nó có bản chất gây rối, nó được che giấu không cho ý thức biết. Freud gợi ý rằng cái vô thức chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi hàng ngày của chúng ta.
Theo Freud, nhân cách của mỗi người có ba mặt: id, ego, và superego.
- Cái ấy (id) là phần vốn có của nhân cách, không được tổ chức, thô sơ, hiện diện từ khi sinh. Nó đại diện các xung động nguyên thủy liên quan đến đói, tình dục, gây hấn, xung động kích thích. Cái ấy hoạt động theo nguyên lý thỏa mãn (pleasure principle), trong đó mục đích là gia tăng tối đa sự thỏa mãn và giảm sự căng thẳng.
- Cái tôi (ego) là phần nhân cách hợp lý. Cái tôi hoạt động như một tấm đệm giữa thế giới thực bên ngoài chúng ta và Cái ấy nguyên thủy. Cái tôi hoạt động theo nguyên tắc thực tế (reality principle), trong đó năng lượng bản năng được kềm giữ để giữ an toàn cho cá nhân và giúp cá nhân hòa nhập xã hội.
- Cuối cùng, Freud cho rằng Cái trên tôi (superego) đại diện lương tâm của con người, tích hợp các phân biệt giữa đúng và sai. Nó bắt đầu phát triển quanh tuổi 5 – 6 và được học từ bố mẹ, thầy giáo và những người có ý nghĩa khác.
Thuyết tâm lý xã hội của Erikson
Nhà phân tâm học Erik Erikson (1902-1994), đưa ra một quan điểm động lực tâm lý khác trong lý thuyết phát triển tâm lý- xã hội của mình, nhấn mạnh sự tương tác xã hội của chúng ta với những người khác. Theo Erikson, cả xã hội và nền văn hóa tạo nên các thử thách và định hình chúng ta. Phát triển tâm lý- xã hội bao gồm các thay đổi trong tương tác và hiểu biết của chúng ta với những người khác cũng như trong kiến thức và hiểu biết của chúng ta như là những thành viên của xã hội.
Học thuyết của Erikson cho rằng thay đổi phát triển xảy ra suốt cuộc đời trong tám giai đoạn khác nhau. Các giai đoạn phát sinh theo một kiểu mẫu cố định và giống nhau cho tất cả mọi người. Erikson cho rằng mỗi giai đoạn đặc trưng cho một cuộc khủng hoảng hay xung đột mà cá nhân phải giải quyết.
Mặc dù không có khủng hoảng nào là được giải quyết đầy đủ, làm cho cuộc sống càng lúc càng phức tạp, cá nhân ít nhất phải tiếp cận khủng hoảng của mỗi giai đoạn hữu hiệu để đối phó với các yêu cầu trong giai đoạn sau của phát triển.
Bảng 1: Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội theo Erikson
Tuổi xấp xỉ | Các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson | Các hậu quả tích cực và tiêu cực của các giai đoạn |
Lúc sinh đến 12-18 tháng | Tin vs không tin | Tích cực: cảm giác tin tưởng từ sự nâng đỡ của môi trường xung quanh Tiêu cực: sợ hãi và lo lắng với người khác |
12-18 tháng đến 3 tuổi | Tự chủ vs xấu hổ và nghi ngờ | Tích cực: cảm thấy tự chủ nếu được khuyến khích khám phá Tiêu cực: nghi ngờ về bản thân, tính độc lập kém |
3 đến 5-6 tuổi | Sáng tạo vs tội lỗi | Tích cực: khám phá cách thức khởi đầu hoạt động Tiêu cực: tội lỗi từ các hoạt động và suy nghĩ |
5-6 tuổi đến vị thành niên | Cần cù vs tự ti | Tích cực: phát triển cảm giác có năng lực Tiêu cực: cảm giác thấp kém, không có cảm giác làm chủ |
Vị thành niên | Bản sắc vs nhầm lẫn vai trò | Tích cực: nhận thức về tính độc nhất của bản thân, biết được vai trò cần theo đuổi Tiêu cực: không có khả năng xác định vai trò thích hợp trong cuộc sống |
Thanh niên | Thân mật vs cô lập | Tích cực: sự phát triển của mối liên hệ tình dục, yêu đương, và quan hệ bạn bè thân mật Tiêu cực: sợ mối quan hệ với những người khác |
Trung niên | Đại chúng vs trì trệ | Tích cực: cảm giác đóng góp vào sự tiếp tục của cuộc sống Tiêu cực: lặt vặt hóa các hoạt động của bản thân |
Già | Toàn vẹn cái tôi vs thất vọng | Tích cực: cảm giác độc nhất trong sự thành công của cuộc sống Tiêu cực: sự tiếc nuối các cơ hội đã mất đi trong cuộc sống |
II. CÁC THUYẾT NHẬN THỨC (COGNITIVE THEORIES)
Thuyết phát triển nhận thức của Piaget
Piaget cho rằng tư duy ở người được xắp xếp thành các phác thảo (scheme), là các mẫu có tổ chức trong đầu đại diện cho các hành vi và hoạt động. Ở trẻ nhỏ, các scheme này đại diện hành vi cụ thể – một scheme cho bú, cho vươn tay, và cho mỗi hành vi riêng biệt. Ở trẻ lớn, các scheme trở nên phức tạp và trừu tượng hơn, như một tập hợp các kỹ năng liên quan đến đạp xe đạp hay chơi trò chơi. Các scheme giống như phần mềm máy tính định hướng và chỉ đạo cách xem xét và xử lý dữ liệu ở thế giới bên ngoài (Parker, 2005).
Theo J. Piaget, sự xuất hiện và phát triển của trí tuệ là kết quả của hai cơ chế cơ bản: đồng hoá (assimilation) và điều ứng (accommodation). Đồng hoá là sự thống nhất thông tin mới vào cấu trúc tinh thần đang có sẵn. Có thể hiểu, cơ thể đồng hoá những yếu tố của môi trường vào những cơ cấu sẵn có của mình. Điều ứng là sự thay đổi một cấu trúc tinh thần để thu vào thông tin mới. Điều đó có nghĩa là có sự điều chỉnh những cơ cấu ấy để thích ứng với những biến đổi của môi trường. Khi hai quá trình đồng hoá và điều ứng ở thế cân bằng là đã có sự thích nghi và ở mỗi thời kỳ tạo ra những cơ cấu và những cơ chế đặc biệt. Chính nhờ hai cơ chế này mà trí tuệ của con người được phát triển.
Bốn giai đoạn lớn của sự phát triển trí tuệ trẻ em theo Piaget là:
Giai đoạn cảm giác – vận động (từ 0 đến 3 tuổi)
Là giai đoạn trẻ nhận biết thế giới thông qua sự phối hợp cảm giác và vận động. Gồm các giai đoạn nhỏ:
- Lập lại các hành vi tình cờ (lúc sinh- 8 tháng): các hoạt động ban đầu có thể phản xạ nhưng trẻ bắt đầu lập lại hành vi có chủ ý với các kích thích sờ mó/âm thanh/hình ảnh
- Hành vi chủ ý (8-18m): bắt đầu giải quyết vấn đề, ví dụ phát hiện một đồ chơi bị giấu đi; bắt chước các hành động của người lớn; thử các cách khác nhau để đạt được kết quả
- Đại diện ở não (18-24m): tạo các bức tranh ở não về đồ vật, người, nơi chốn và các khái niệm bằng cách nhóm các vật/sự kiện giống nhau lại với nhau; thử các hành động “ở trong đầu” thay vì chỉ cố gắng làm và sửa sai
Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (từ 3 đến 7-8 tuổi).
Lúc này trẻ đã có thể nhận biết thế giới qua các biểu tượng, đặc biệt là biểu tượng bằng ngôn ngữ.
- Đại diện bằng biểu tượng: cho phép trẻ sử dụng vật này thay thế vật kia
- Trẻ phát triển ngôn ngữ và “chơi giả đò”
Giai đoạn thao tác cụ thể (từ 7-8 tuổi đến 11 tuổi):
Trẻ có thể hiểu được thế giới theo cách lý luận hơn là tri giác đơn giản thông qua các ý niệm về đối tượng bên ngoài.
- Suy luận trở nên hợp lý hơn
- Hiểu các câu chuyện
- Có thể phân loại đồ vật
Giai đoạn thao tác hình thức hay tư duy lôgic (từ 11 đến 14-15 tuổi).
Trong giai đoạn này, trẻ có khả năng khái quát hoá các ý tưởng và cấu trúc các điều trừu tượng. Chúng có khả năng đưa ra kết luận từ những giả thuyết hơn là dựa hoàn toàn vào quan sát thực tế. Trí tuệ đứa trẻ đã đạt mức phát triển tương đối hoàn chỉnh.
III. CÁC THUYẾT HÀNH VI VÀ XÃ HỘI (BEHAVIOURAL & SOCIAL THEORIES (SKINNER, BANDURA)
Nếu chúng ta biết kích thích, chúng ta có thể tiên liệu hành vi. Theo đó, quan điểm hành vi cho rằng sự nuôi dưỡng quan trọng hơn tự nhiên với sự phát triển.
Các thuyết hành vi phản đối ý niệm rằng con người đều phải trải qua một loạt các giai đoạn. Họ cho rằng con người chịu ảnh hưởng của các kích thích môi trường mà họ tiếp xúc. Các kiểu mẫu phát triển, do đó, tùy theo cá nhân, phản ánh một tập hợp các kích thích môi trường, và hành vi là kết quả của sự tiếp xúc liên tục với các yếu tố đặc hiệu trong môi trường.
Điều kiện hóa cổ điển (classical conditioning)
“Hãy cho tôi một tá trẻ khỏe mạnh, thể chất tốt, và thế giới riêng của tôi để nuôi nấng chúng, và tôi sẽ đảm bảo rằng sẽ ngẫu nhiên lấy bất cứ cháu nào và nuôi dạy nó trở nên bất cứ loại chuyên gia nào mà tôi muốn chọn – cho dù là bác sĩ, luật sư, nghệ sĩ, nhà buôn, và ngay cả người ăn xin, kẻ trộm, bất kể tài năng, khả năng, xu hướng”. (Watson, 1925)
Watson (1878-1958), tin rằng chúng ta sẽ hiểu đầy đủ sự phát triển bằng cách nghiên cứu cẩn thận các kích thích ở môi trường. Ông ta cho rằng bằng cách kiểm soát môi trường, có thể tạo ra bất cứ loại hành vi nào.
Điều kiện hóa hoạt động (operant conditioning)
Là dạng học hỏi trong đó một đáp ứng tự ý được củng cố hoặc làm yếu đi bẳng cách liên kết nó với các kết quả tích cực hoặc tiêu cực. Nó khác với điều kiện cổ điển ở chổ đáp ứng đang được tạo điều kiện là tự ý và có mục đích chứ không phải là tự động (như chảy nước miếng). Trong điều kiện hóa hoạt động, các cá nhân học tác động một cách chủ ý lên môi trường xung quanh họ để tạo nên các kết quả mong muốn (Skinner, 1975). Theo nghĩa này, con người tác động lên môi trường để đem lại trạng thái công việc mong muốn.
Trẻ em và người lớn sẽ tìm kiếm cách lập lại một hành vi hay không phụ thuộc vào hành vi đó có được theo sau bởi sự củng cố hay không. Củng cố là quá trình mà một kích thích được cung cấp làm tăng khả năng hành vi đi trước đó được lập lại. Do đó, một sinh viên có thể học chăm chỉ hơn ở trường nếu anh ta nhận được điểm tốt, công nhân làm việc hăng say hơn nếu nỗ lực của họ được đền lại bởi tăng lương. Ngoài ra, hình phạt, (tạo kích thích đau hoặc không mong muốn hoặc lấy đi kích thích mong muốn) sẽ giảm khả năng lập lại hành vi đó trong tương lai.
Hành vi được củng cố, do đó, dễ được lập lại trong tương lai, trong khi hành vi khỏng được củng cố hoặc bị trừng phạt thì dễ bị loại trừ. Các nguyên lý của điều kiện hóa hoạt động được sử dụng trong thay đổi hành vi, một kỹ thuật để thúc đẩy các hành vi mong đợi và giảm các hành vi không mong muốn. Sự thay đổi hành vi đã dược sử dụng trong nhiều tình huống, từ dạy cho trẻ khó khăn về học đến trợ giúp sự gắn bó với một chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe.
Thuyết học hỏi nhận thức -xã hội
Theo nhà tâm lý học phát triển Albert Bandura, một lượng lớn học hỏi được giải thích bằng thuyết học hỏi nhận thức- xã hội, nhán mạnh sự học hỏi qua quan sát hành vi của người khác, được gọi là một mẫu (model) (Bandura, 1994, 2002).
Theo ông, hành vi được học qua quan sát chứ không qua “sai và sửa sai” như trong điều kiện hóa hoạt động. Chúng ta không cần phải tự kinh nghiệm các hậu quả của một hành vi để mà học nó. Thuyết này cho rằng khi chúng ta thấy hành vi của một mẫu được thưởng, chúng ta có thể bắt chước hành vi đó. Ví dụ, trong một thí nghiệm kinh điển, trẻ sợ chó được cho xem một hình mẫu, tên là “chàng Peer không biết sợ”, đang chơi vui vẻ với một con chó. Sau đó, trẻ trước đó sợ chó dễ tiếp cận với một con chó lạ hơn trẻ chưa thấy mẫu.
Bandura cho rằng học hỏi hành vi- xã hội xảy ra trong bốn bước:
Đầu tiên, một người quan sát phải chú ý và cảm nhận các đặc điểm quan trọng nhất của hành vi của mẫu. Sau đó, người quan sát phải nhớ lại hành vi. Tiếp theo, người quan sát phải tái tạo chính xác hành vi. Cuối cùng, người quan sát phải được thúc đẩy để học và thực hiện hành vi.
IV. CÁC THUYẾT TẬP TÍNH HỌC (ETHOLOGICAL THEORIES)
Thuyết gắn bó của Bowlby
“Sự gắn bó cảm xúc của trẻ với người chăm sóc như là một đáp ứng phát triển thúc đẩy sự tồn tại” (Berk 2008 p. 269)
Học thuyết gắn bó:
Bowlby cho rằng khi được đặt trong môi trường không có sự giúp đỡ, trẻ nhũ nhi có khả năng đáp ứng cao để duy trì sự tiếp xúc gần gũi với người chăm sóc đầu đời, bằng cách gắn bó với người chăm sóc, trẻ nhỏ đảm bảo được an toàn, thức ăn và cuối cùng là sống còn. Vì thế mục đích được xác định của gắn bó là để duy trì sự gần gũi với người chăm sóc. Hành vi của trẻ được tổ chức xung quanh mục tiêu này và được thiết kế nhằm để làm gia tăng khả năng có thể xảy ra để mối quan hệ với người chăm sóc sẽ là một mối quan hệ khoẻ mạnh. Hệ thống gắn bó được hoạt hoá bởi sự khó chịu dưới dạng các nhu cầu bên trong như là đói hay các yếu tố gây stress bên ngoài như sự nguy hiểm.
Các giai đoạn của sự gắn bó:
- Tiền gắn bó (lúc sinh- 6 tuần): các tín hiệu sẵn có của trẻ thu hút người lớn đến chăm sóc
- Gắn bó khi hoạt động (6 tuần – 6-8 tháng): mong đợi người chăm sóc đáp ứng nhưng không lo lắng khi bị xa cách
- Gắn bó “rõ rệt” (6-8 tháng – 18-24 tháng): lo lắng khi bị xa cách
- Hình thành mối liên hệ hỗ tương (18-24 tháng trở đi): bắt đầu hiểu rằng khi cha mẹ đi đâu thì họ sẽ trở về (giảm lo lắng)
Sự phát triển gắn bó tình cảm với người chăm sóc để sử dụng như là một cơ sở an toàn khi vắng mặt bố mẹ.
Những yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của gắn bó là:
- Cơ hội để gắn bó: Thiếu cơ hội → hình thành không mạch lạc các cấu trúc thần kinh liên quan đến đọc cảm xúc
- Chất lượng của chăm sóc: Một số người chăm sóc có thể đáp ứng “nhanh chóng, ổn định, thích hợp” trong khi những người khác chăm sóc trẻ “như thường lệ” hoặc giận giữ/ghé bỏ trẻ.
- Các đặc tính của trẻ: Không có mối liên hệ trực tiếp giữa trẻ với các nhu cầu đặc biệt hoặc gắn bó. Được tạo ra với các đặc điểm/hành vi của bố mẹ.
Tác động của gắn bó lên sự phát triển sau này
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng sự gắn bó an toàn giúp trẻ phát triển tốt hơn: với các trẻ gắn bó an toàn, đánh giá vào lúc 4-5 tuổi cho thấy trẻ có lòng tự trọng, kỹ năng xã hội và đồng cảm cao hơn; đánh giá vào lúc 11 tuổi cho thấy trẻ có kỹ năng xã hội tốt hơn (Sroufe 2002, Sroufe et al. 2005).
Những trẻ gắn bó rối loạn/không có tổ chức có thể có các vấn đề biểu hiện bên trong (ví dụ sợ hãi, lo lắng) hay các vấn đề biểu hiện bên ngoài (như giận giữ, gây hấn)
Yếu tố ảnh hưởng chính đến sự tạo nên gắn bó an toàn là “tính liên tục của sự chăm sóc” (Berk 2008).
V. CÁC THUYẾT SINH THÁI HỌC (BIO-ECOLOGICAL THEORIES)
Thuyết sinh thái học của Urie Bronfenbrenner
Liên kết một cá nhân với môi trường xung quanh ở các mức độ ảnh hưởng khác nhau và xem xét kiểu ảnh hưởng theo thời gian
Hệ sinh thái của Bronfenbrenner: cho rằng có 5 mức độ môi trường ảnh hưởng đồng thời cá nhân.
- Vi hệ thống (microsystem): môi trường hàng ngày, ngay lập tức. Nhà, người chăm sóc, bạn bè, thầy giáo… là các ảnh hưởng của vi hệ thống.
- Trung hệ thống (the mesosystem): liên kết giữa các mặt khác nhau giữa vi hệ thống. Như các mắc xích trong chuỗi, trung hệ thống gắn trẻ với cha mẹ, trò với thầy, chủ với tớ, bạn với bạn.
- Ngoại hệ thống (exosystem) biểu diễn các hảnh hưởng rộng hơn, như chính quyền địa phương, cộng đồng, trường học, chùa hoặc nhà thờ, truyền thông địa phương. Ví dụ, chất lượng trường học sẽ ảnh hưởng sự phát triển nhận thức của trẻ và có thể có các hậu quả lâu dài.
- Đại hệ thống (macrosystem) biểu diễn các ảnh hưởng văn hóa lớn hơn lên cá nhân. Xã hội nói chung, loại chính quyền, hệ thống giá trị chính trị và tôn giáo và các yếu tố rộng lớn khác. Ví dụ, giá trị một văn hóa hoặc xã hội đặt lên giáo dục hay gia đình sẽ ảnh hưởng các giá trị của người sống trong xã hội đó.
- Cuối cùng, hệ thống thời gian (chronosystem) nằm đằng sau các hệ thống kể trên. Nó liên quan đến thời gian trôi qua, bao gồm các sự kiện lịch sử và các thay đổi lịch sử dần dần hơn, ảnh hưởng sự phát triển của cá nhân.
Tiếp cận sinh thái học nhấn mạnh sự liên kết lẫn nhau của các ảnh hưởng lên sự phát triển. Bởi vì các mức độ hệ thống khác nhau liên hệ lẫn nhau, một thay đổi một phần của hệ thống ảnh hưởng đến các phần khác của hệ thống.
VI. CÁC THUYẾT PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG (THEORIES OF MOTOR DEVELOPMENT)
Quan điểm trưởng thành (Maturational Perspective ) (Gesell, McGraw)
Quan điểm này cho rằng sự phát triển vận động là một quá trình được phát động bên trong bởi đồng hồ di truyền hay sinh học. Môi trường có thể làm tăng nhanh hoặc làm chậm nhưng không thay đổi diễn tiến của sự phát triển.
McGraw: nghiên cứu các trẻ sinh đôi “Jimmy & Johnny”. Liên kết các thay đổi trong sự phát triển với các thay đổi hệ thần kinh trung ương.
Các hệ thống khác có tầm quan trọng không đáng kể
Quan điểm xử lý thông tin (1970’s & 80’s, Schmidt, Lee)
- Não hoạt động như một máy tính
- Chú ý vào kích thích-đáp ứng, trí nhớ và kiến thức
Quan điểm sinh thái học
Nhấn mạnh mối liên hệ bên trong giữa cá nhân, môi trường và nhiệm vụ
Tất cả các hệ thống đều đóng một vai trò trong vận động
Hai tiếp cận chính
Tiếp cận hệ thống động (Dynamical Systems Approach) (Thelen, Newell)
Khái niệm điều khiển hoặc hạn chế tốc độ (ví dụ cơ lực là một điều khiển cho vận động đi lại)
Giải thích các thay đổi ở người trẻ và già (ví dụ suy giảm tính mềm dẻo khớp vai có thể tạo nên sự tái tổ chức vận động thành mẫu vận động kém hiệu quả hơn)
Tiếp cận nhận thức- hoạt động (Gibson)
Sự phát triển nhận thức và hoạt động phải được nghiên cứu cùng nhau
Các khái niệm:
- Affordance : chức năng của một vật có liên hệ với kích thước và hình dạng của vật và cá nhân
- Body scaling (theo kích cỡ cơ thể): các vật được cảm nhận tùy theo kích thước của chúng ta vận động mắt, đầu và cơ thể cung cấp “thị trường di chuyển” (“optic flow field”) về các thông tin không gian và thời gian một cách trực tiếp (Haywood & Getchell 2009)