BỆNH LOÃNG XƯƠNG

Cập nhật lần cuối vào 23/11/2023

Mục lục

I.ĐẠI CƯƠNG

Loãng xương (osteoporosis) là hiện tượng tăng phần xốp của xương do giảm số lượng tổ chức xương, giảm trọng lượng của một đơn vị thể tích, là hậu quả của việc suy giảm các khung protein và lượng calci gắn với các khung này.

 Về giải phẫu bệnh lý: thấy các bè xương teo, mỏng và thưa, phần vỏ xương mỏng, tạo cốt bào thưa thớt, không thấy các đường diềm sinh xương, tủy xương nghèo và thay bằng tổ chức mỡ.

 Trên thế giới có khoảng 200 triệu người bị loãng xương. 30% phụ nữ trên 50 tuổi bị xẹp từ 1 đốt sống trở lên do loãng xương.

Theo dự đoán, số người gãy cổ xương đùi sẽ tăng từ 1,7 triệu người năm 1990 lên đến 6,3 triệu vào năm 2050, trong đó 50% sẽ là người châu Á.

Loãng xương là hậu quả của sự phá vỡ cân bằng bình thường của 2 quá trình tạo xương và hủy xương, quá trình tạo xương suy giảm trong khi quá trình hủy xương bình thường. Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do:

  • Tuổi cao: người già ít hoạt động ngoài trời, thiếu ánh nắng, thiếu vitamin D; chức năng dạ dày, đường ruột, gan, thận và tạo xương suy yếu; xương bị thoái hóa.
  • Hormon sinh dục nữ giảm: phụ nữ sau khi mãn kinh thì hormon sinh dục nữ giảm làm tăng nhanh tốc độ quá trình chuyển calci từ xương vào máu. Theo thống kê, phụ nữ sau khi mãn kinh, hàng năm thất thoát 2-3% calci. Do đó nếu phụ nữ ở độ tuổi 50-60 không chú ý bổ sung calci thì ngoài 60 tuổi hàm lượng calci trong xương chỉ còn bằng 1/2 thời trẻ. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phụ nữ bị loãng xương nhiều gấp 6 lần nam giới.
  • Hormon cận giáp: do calci trong thức ăn không đủ để duy trì nồng độ calci cần thiết trong máu, khi đó hormon cận giáp tiết ra để điều calci trong xương chuyển ra bổ sung cho máu nhằm duy trì sự ổn định nồng độ calci trong máu. Tình trạng này kéo dài làm cho kết cấu xương bị thưa loãng.
  • Dinh dưỡng thiếu hoặc do bệnh lý làm kém hấp thu: calci, phospho, magne, albumin dạng keo, acid amin, và các nguyên tố vi lượng thiếu cũng góp phần gây loãng xương.
  • Suy giảm miễn dịch: cũng góp phần gây chứng loãng xương.
  • Sử dụng một số thuốc: các thuốc corticoid, heparin, phenyltoin, điều trị thyroid quá liều, thuốc hóa trị liệu, tia xạ,…
  • Bất động kéo dài do bệnh hoặc nghề nghiệp

II. PHÂN LOẠI LOÃNG XƯƠNG.

Loãng xương nguyên phát.

Do tuổi cao. Loãng xương nguyên phát được chia thành 2 thể:

  • Loãng xương typ I: loãng xương ở tuổi mãn kinh
  • Loãng xương typ II: là loãng xương tuổi già gặp ở cả nam và nữ,

Loãng xương thứ phát.

Có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi do các nguyên nhân khác nhau:

III. TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG

Triệu chứng lâm sàng .

Những biểu hiện lâm sàng chỉ xuất hiện khi trọng lượng xương giảm trên 30%. Sự xuất hiện từ từ tự nhiên hoặc sau một chấn thương, đôi khi tình cờ chụp X quang mà thấy.

Trên lâm sàng người ta chia loãng xương thành 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: chỉ có biểu hiện đau âm ỉ, đau tăng khi đứng lâu, ngồi lâu.
  • Giai đoạn 2: có biểu hiện giảm chiều cao cơ thể, gù lưng.
  • Giai đoạn 3: xương dễ gẫy, gãy xương khi va chạm nhẹ.

 Triệu chứng cận lâm sàng

  • X quang quy ước:  Xương tăng thấu quang; Biến dạng thân đốt sống: xẹp, lún, rạn nứt; Thân xương mỏng, ống tuỷ lớn
  • Đo Mật độ xương (BMD) để dự báo nguy cơ loãng xương, đánh giá mức độ loãng xương, dự báo nguy cơ gãy xương và theo dõi điều trị.
  • CT Scan hoặc MRI để đo mật độ xương đặc biệt ở cột sống
  • Một số xét nghiệm sinh hóa đánh giá mức độ hủy xương, tạo xương, nồng độ hormone…

IV. CHẨN ĐOÁN

Dựa vào:

  • Tuổi, giới
  • Triệu chứng lâm sàng
  • Các yếu tố nguy cơ
  • Xquang: Cột sống thắt lưng thẳng, nghiêng
  • BMD (đo mật độ xương):

Xương bình thường T score từ – 1 SD trở lên

Thiếu xương (Osteopenia) T score trên – 1 SD đến – 2,5 SD

Loãng xương (Osteoporosis) T score từ – 2,5 SD trở xuống

Loãng xương nặng T score dưới – 2,5 SD + TS gẫy xương

  • Canxi và vitamin D trong máu thường thấp
  • Biến chứng gãy xương hoặc chèn ép rễ thần kinh

Hình 2: Kết quả đo mật độ xương (BMD) cột sống và háng ở một bệnh nhân loãng xương. A. BMD thắt lưng. B. BMD cổ xương đùi. Kết quả BMD cột sống có thể tăng cao do thoái hóa cột sống

V. ĐIỀU TRỊ

1. Chế độ sinh hoạt tập luyện, ăn uống 

  • Dụng cụ, nẹp chỉnh hình giảm sự tỳ đè lên cột sống, đầu xương .
  • Ăn uống đầy đủ chất đặc biệt Canxi, Vitamin D, Protide
  • Tăng cường vận động tập luyện để giữ vững chất lượng xương , giữ tư thế tốt
  • Tránh té ngã
  • Tránh thừa hoặc thiếu cân
  • Tránh các yếu tố nguy cơ: thuốc lá, quá nhiều café, rượu

 2. Điều trị bằng thuốc

 Các thuốc chống hủy xương, làm giảm hoạt tính tế bào huỷ xương

  • Liệu pháp giống hormon (cho Loãng xương sau mãn kinh) như Raloxifen, Tibolone
  • Calcitonine (từ cá hồi) chích dưới da hoặc xịt qua niêm mạc mũi
  • Bisphosphonates: Alendronate, Risedronate , Zoledronic Acid…

Các thuốc bổ xung do chế độ ăn không đầy đủ

  • Canxi 500 – 1.500 mg hàng ngày
  • Vitamin D 800 – 1.000 UI

Các thuốc khác

  • Thuốc làm tăng quá trình đồng hoá: Deca Durabolin và Durabolin

Các thuốc giảm đau

3. Hướng dẫn Phục hồi chức năng dựa trên chỉ số T

  • Giảm đến -1SD (bình thường)Không điều trị
    • Giáo dục bệnh nhân, các biện pháp phòng ngừa
    • Các kỹ thuật nâng
    • Tiết thực thích hợp (calcium và vitamin D)
    • Chạy bộ (quãng đường ngắn)
    • Tập chịu trọng lượng
    • Aerobics
    • Các bài tập làm mạnh cơ bụng và cơ lưng
    • Tập các cơ dựng gai
  • Giảm từ -1 đến -2,5 SD (thiếu xương, giảm mật độ xương)Cân nhắc điều trị
    • Giáo dục bệnh nhân, các can thiệp phòng ngừa
    • Điều trị đau
    • Các bài tập làm mạnh lưng
    • Giới hạn cân nặng khi nâng (<5-10 kg)
    • Các bài tập aerobic: đi bộ 40 phút/ngày
    • Các bài tập làm mạnh: tập kháng trở 3 lần/tuần
    • Các bài tập tư thế: WKP kết hợp với nghiêng chậu và duỗi lưng
    • Các bài tập Frenkel, phòng ngừa ngã, thái cực quyền
  • Giảm >2.5 SD (loãng xương)Dùng thuốc
    • Điều trị đau
    • Tập tầm vận động, làm mạnh cơ, điều hợp
    • Nghỉ trưa, xoa bóp, nhiệt trị liệu nếu cần
    • Bài tập cơ duỗi lưng
    • Đi bộ 40 phút/ngày, tập dưới nước 1-2 lần/tuần, bài tập Frenkel
    • Các bài tập tư thế: WKP kết hợp với nghiêng chậu và duỗi lưng
    • Phòng ngừa gãy nén cột sống (dụng cụ chỉnh hình nếu cần thiết)
    • Hạn chế cân nặng khi nâng
    • Đánh giá thăng bằng, trợ giúp dáng đi, phòng ngừa ngã
    • Đảm bảo an toàn trong tự chăm sóc bằng cách thay đổi phòng tắm (các thanh vịn) và bếp
    • Bắt đầu chương trình tập mạnh cơ với 0,5-1 kg và tăng lên đến 2,5 kg ở mỗi tay
    • Các biện pháp bảo vệ háng
  • Ghi chú: WKO: weighted kypho orthosis,

Hình 3: (A) Gù cột sống nặng có thể làm cho xương sườn cọ sát xương chậu. (B) sử dụng dụng cụ chỉnh hình có trọng lượng (WKO) tạo lực đối trọng, làm cho bệnh nhân co cơ dựng gai tốt hơn và giảm tư thế gù

Hình 4: các loại áp nẹp cho bệnh nhân loãng xương- gãy nén cột sống

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này