CÁC BIẾN DẠNG GẬP GÓC CHI DƯỚI Ở TRẺ EM

Cập nhật lần cuối vào 03/06/2021

Mục lục

LỊCH SỬ TỰ NHIÊN

Gối vẹo trong (chân chữ O) và xoắn vặn xương chày vào trong là bình thường ở trẻ mới sinh và trẻ nhũ nhi, và vẹo tối đa vào 6-12 tháng tuổi. 

Với sự phát triển bình thường, hai chân dần dần thẳng lại với góc chày đùi trung tính (thẳng trục) khi trẻ được 18-24 tháng (khi trẻ bắt đầu đứng và đi). 

Sau đó, gối dần dần chuyển thành vẹo ngoài (chân chữ X). Biến dạng vẹo ngoài này đạt cực đại vào khoảng 3-4 tuổi với góc chày đùi ra ngoài trung bình là 12 độ. 

Cuối cùng, gối vẹo ngoài tự chỉnh vào lúc trẻ khoảng 7 tuổi (mức người lớn là vẹo ngoài 8 độ  ở nữ và 7 độ ở nam). Mức vẹo ngoài ở nữ lớn hơn có thể là do xương chậu của họ rộng hơn.

Các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể ảnh hưởng đến sự thẳng trục bình thường của hai chi dưới.

Hình: Gối vẹo ngoài (chân chữ X), bình thường và gối vẹo trong (chân chữ O)

GỐI VẸO TRONG QUÁ MỨC KÉO DÀI Ở TRẺ EM

Chân chữ O sau 2 tuổi được xem là bất thường. Nguyên nhân có thể do chân chữ O sinh lý nặng (nguyên nhân thường gặp nhất), một tình trạng bệnh lý, hoặc một rối loạn phát triển.

Nguyên nhân

Bảng 1

Lượng giá

Hỏi : 

Tiền sử gia đình bị chân chữ O và các biến dạng khác và tầm vóc ngắn có thể chứng tỏ khả năng loạn sản xương hoặc rối loạn tăng trưởng chung. Gối vẹo trong sinh lý giảm đi khi trẻ lớn, trong khi vẹo trong bệnh lý tăng lên với sự tăng trưởng xương; do đó cần hỏi cha mẹ về:

1. Họ nhận thấy sự biến dạng ở trẻ bắt đầu lúc nào: lúc sinh ra hoặc lúc nhỏ, hay là sau này khi trẻ bắt đầu tập đi?

2. Biến dạng có cải thiện, giữ nguyên, hoặc nặng lên không?

3. Khi nào đứa trẻ bắt đầu đứng và đi? Trẻ bị xương chày vẹo trong (bệnh Blount) là những trẻ đi sớm. 

4. Hỏi về các yếu tố nguyên nhân: dinh dưỡng và thu nhận vitamin của bệnh nhân, xem xét dị ứng sữa, tiền sử chấn thương hoặc nhiễm trùng và khả năng nhiễm độc kim loại như chì và fluoride.

5. Hỏi về điều trị trước đó và đáp ứng với điều trị

Thăm khám: 

+ Nhìn:

– Tổng trạng: thấp bé gợi ý còi xương do thiếu vitamin D (giảm phosphat máu) hoặc loạn sản xương

– Xác định tính đối xứng: ở vẹo trong sinh lý và bẩm sinh thường là hai bên và đối xứng, trong khi ở bệnh Blount có thể một hoặc hai bên, và khi bị hai bên thì thường không đối xứng.

– Xác định vị trí gập góc. Trong gối vẹo trong sinh lý thì có đường cong nhẹ ảnh hưởng cả đùi đến cẳng chân (cong vòng). Trường hợp lỏng dây chằng ngoài gối thì góc tại khớp gối. Trong bệnh Blount thường gập góc ở đầu trên xương chày (góc rõ ngay dưới gối). Trong xương chày vẹo trong di truyền gia đình thì góc ở thấp hơn (chỗ nối 1/3 giữa và 1/3 dưới. Hiếm khi gập góc chỉ ở đầu dưới xương đùi.

– Loại trừ các biến dạng ở bàn chân như khép vẹo trong, vẹo ngoài

+ Quan sát dáng đi và xác định góc tiến bàn chân; trong gối vẹo trong góc tiến bàn chân có thể trung tính hoặc vào trong. Trong lỏng lẻo do dây chằng bên ngoài khớp gối, đầu trên xương chày và xương mác lệch ra ngoài ở thì chống, trong khi ở chân chữ O sinh lý không có tình trạng này

+ Đo lường:

– khoảng cách giữa hai gối (sinh lý phải nhỏ hơn 6 cm)

– chiều dài chi tương đối và tuyệt đối. Trong vẹo trong sinh lý thì chiều dài hai chân bằng nhau. Trong bệnh Blount và xương chày ngắn di truyền thì chân bị biến dạng nặng hơn sẽ ngắn hơn chân kia.

Hình ảnh học:

Xem xét chụp X quang (thẳng và nghiêng từ háng đến cổ chân) khi

  1. Trẻ >3 tuổi và biến dạng vẹo trong không cải thiện hoặc nặng hơn,
  2. Vẹo trong một bên hoặc không đối xứng
  3. Vị trí góc vẹo trong nhọn ở sụn tăng trưởng đầu trên xương chày, ngay dưới khớp gối
  4. Nghi ngờ bệnh lý khi khám lâm sàng, như thể tạng nhỏ (loạn sản xương), tiền sử chấn thương hoặc nhiễm trùng (não mô cầu), xương chày ngắn và xương mác dài tương đối, và tiền sử nhiễm độc kim loại.

Đo góc trục đầu trên xương chày- thân xương chày. Trong gối vẹo trong sinh lý góc này nhỏ hơn 11 độ, trong khi ở xương chày vẹo trong (Blount) góc này lớn hơn 11 độ.

Hình: vẹo trong sinh lý và bệnh lý

Điều trị

Trong gối veọ trong sinh lý, cần giáo dục và làm bố mẹ an tâm và chỉ cần theo dõi diễn tiến tự nhiên bằng đánh giá lại mỗi 6 tháng. Mang giày chỉnh hình được chứng minh là không hiệu quả điều trị và phòng ngừa.

Bổ sung canxi và vitamin D với nguyên nhân thiếu chất.

Điều trị bệnh Blount phụ thuộc vào tuổi trẻ và mức độ vẹo trong. Thường với trẻ 2-5 tuổi, chỉ cần theo dõi hoặc thử đeo nẹp nhưng với biến dạng tăng tiến thường cần phải phẫu thuật chỉnh xương.

Khi gối vẹo trong nặng kèm xoắn vặn xương chày vào trong nhiều, góc trục đầu và thân xương chày trên 11 độ, có thể dùng nẹp Denis Browne với bàn chân xoay ngoài và dạng chân. Nẹp thường mang ban đêm không quá 3-6 tháng để chỉnh xoắn vặn xương chày vào trong quá mức.

Ở trẻ lớn với gối vẹo trong nặng làm lệch trục cơ học của chi dưới, đôi khi cần phải phẫu thuật làm dính đầu sụn tăng trưởng của đầu dưới xương đùi/đầu trên xương chày hoặc chỉnh xương chày khi xương đã trưởng thành.

Sau phẫu thuật: có thể cần bó bột hoặc nẹp để bảo vệ xương lành, bệnh nhân cần tập tầm vận động và làm mạnh cơ chân.

Hình: Bệnh Blount nặng và phẫu thuật.

GỐI VẸO NGOÀI QUÁ MỨC KÉO DÀI Ở TRẺ EM

Gối vẹo ngoài quá mức ở trẻ đến 7 tuổi là sinh lý và không phải là bệnh lý. Vấn đề là trẻ em trên 8 tuổi có gối vẹo ngoài từ mức vừa đến nặng (trên 12 độ). Bệnh nhi thường than phiền đau ở đùi và / hoặc bắp chân và dễ mỏi, trẻ đi với hai đầu gối cọ xát với nhau, hai bàn chân tách ra và một chân đong đưa xung quanh chân kia. Thông thường, cha mẹ lo lắng với dáng đi này. Do không thẳng trục và tăng góc Q làm cho xương bánh chè dễ bán trật ra ngoài, khớp bánh chè đùi không vững. Bàn chân thường tựa vào mặt trong (sụp xuống) do các lực chịu trong lượng bất thường ở cổ và bàn chân.

Nguyên nhân

Bảng 2

Lượng giá

Bệnh sử: 

Bệnh sử gia đình và tầm vóc ngắn ở các thành viên khác trong gia đình gợi ý loạn sản xương, 

Tiền sử khớp gối sưng và nóng gợi ý viêm khớp dạng thấp 

Thăm khám: 

+ Nhìn:

– Đánh giá tần vóc nhỏ bé.

– Trục của chi dưới.

– Xác định tính đối xứng, một bên hai hai ben. 

– Vị trí của góc vẹo: tại gối (lỏng dây chằng, xương mác ngắn bẩm sinh, bệnh khớp gối), tại đầu trên xương chày (do gãy xương cành tươi phần trong đầu trên xương chày kích thích tăng trưởng gây gối vẹo ngoài), ở cả xương đùi và xương chày (loạn sản xương, bệnh xương chuyển hoá).

+ Đánh giá độ lỏng lẻo của dây chằng khớp gối, tình trạng co rút của dải chậu chày (Ober test)..

+ Đo lường:

– góc Q:

ở nữ, góc Q phải nhỏ hơn 22 độ với gối duỗi và <9 độ với gối gập 90 độ

ở nam, góc Q phải nhỏ hơn 18 độ với gối duỗi và <8 độ với gối gập 90 độ

Hình: Đo góc Q, góc giữa đường từ gai chậu trước trên (ASIS) đến điểm giữa xương bánh chè và đường từ điểm giữa xương bánh chè đến lồi củ xương chày.

– độ vẹo ngoài của gối với thước đo góc, 

– khoảng cách hai mắt cá khi gối chạm nhau (khoảng cách này cần <7,5- 8 cm)

– chiều dài chi

Hình ảnh học:

X quang cho phép phân biệt gối vẹo ngoài do phát triển hay bệnh lý.

Điều trị

– Theo dõi biến dạng và tư vấn bố mẹ: là thái độ xử trí ban đầu với gối vẹo ngoài sinh lý ở trẻ <6 tuổi và góc vẹo ngoài <15 độ. 

– giày chỉnh hình không hiệu quả trong điều trị và phòng ngừa

– nếu bàn chân vẹo ngoài và đau căng chân, có thể mang dụng cụ chỉnh bàn chân để giảm căng đau cẳng bàn chân dù không điều chỉnh gối vẹo ngoài

– vai trò dụng cụ chỉnh hình để kiểm soát hoặc chỉnh gối vẹo ngoài chưa được chứng minh và còn bàn cãi. Chỉ định KAFO nhằm hỗ trợ các dây chằng gối và phòng bị kéo căng quá mức. KAFO được sử dụng cho gối vẹo trong bệnh lý.

Hình: Gối vẹo ngoài quá mức và phẫu thuật

Ở tuổi vị thành niên với gối vẹo ngoài nặng gây lệch trục rõ rệt, có chỉ định điều chỉnh bằng phẫu thuật. Có hai phương pháp phẫu thuật: làm dính nửa bản sụn tăng trưởng (bên trong) đầu dưới xương đùi và/hoặc đầu trên xương chày và phẫu thuật cắt chỉnh xương (với xương trưởng thành).

KẾT LUẬN

Biến dạng góc của chi dưới là phổ biến trong thời thơ ấu và thường làm cho cha mẹ lo lắng. Thông thường những dị tật này biểu hiện các thay đổi bình thường của sự tăng trưởng và phát triển của trẻ và không cần điều trị ngoại trừ theo dõi và trấn an cha mẹ. Tuy vậy, những nguyên nhân bệnh lý cần được xử lý thích hợp bởi một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình; do đó, cần đánh giá bệnh nhân cẩn thận và xác định các nguyên nhân bệnh lý.

Phỏng theo

Asian J Sports Med. 2010 Mar; 1(1): 46–53. Ramin Espandar, MD,*,1 Seyed Mohammad-Javad Mortazavi, MD,2 and Taghi Baghdadi, MD1

Có chỉnh sửa, bổ sung

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

1 bình luận về “CÁC BIẾN DẠNG GẬP GÓC CHI DƯỚI Ở TRẺ EM”

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này