GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THẦN KINH: ÔN NHANH 12 DÂY THẦN KINH SỌ NÃO. PHẦN 2.

Cập nhật lần cuối vào 04/12/2022

Hệ thần kinh ngoại biên có 12 đôi dây thần kinh sọ (cranial nerve, CN) kiểm soát phần lớn các chức năng vận động và cảm giác của đầu và cổ. Các dây thần kinh sọ là các dây thần kinh xuất hiện trực tiếp từ não (bao gồm cả thân não). Ngược lại, các dây thần kinh gai sống xuất phát từ các khoanh của tủy sống. 

Dây thần kinh sọ gồm một cặp ở hai bên, được gán một chữ số La mã làm tên. Việc đánh số dựa trên thứ tự mà dây thần kinh sọ xuất hiện ở não, từ bụng đến lưng. Tên cho biết chức năng hoặc đường đi của nó.

Danh sách các dây thần kinh sọ:

  • CN I: Dây thần kinh Khứu giác 
  • CN II: Dây thần kinh Thị giác 
  • CN III: Dây thần kinh Vận nhãn chung 
  • CN IV: Dây thần kinh Ròng rọc 
  • CN V: Dây thần kinh Tam thoa 
  • CN VI: Dây thần kinh Vận nhãn ngoài 
  • CN VII: Dây thần kinh Mặt 
  • CN VIII: Thần kinh Tiền đình – Ốc tai 
  • CN IX: Thần kinh Thiệt Hầu 
  • CN X: Thần kinh Lang thang 
  • CN XI: Thần kinh Phụ 
  • CN XII: Thần kinh Hạ thiệt
Hình: Các dây thần kinh sọ não.

XEM LẠI: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG THẦN KINH: ÔN NHANH 12 DÂY THẦN KINH SỌ. PHẦN 1.

Mục lục

GIẢI PHẪU – CHỨC NĂNG CỦA CÁC DÂY THẦN KINH SỌ

Sau đây trình bày ngắn gọn về đường đi và chức năng của các dây thần kinh sọ từ VII-XII.

Các nhân dây thần kinh sọ ở trung não- cầu não và hành não

CN VII: Dây thần kinh mặt (Facial nerve)

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh mặt là một dây thần kinh sọ hỗn hợp với các thành phần vận động, cảm giác và phó giao cảm. Các sợi trục cảm giác kéo dài từ nụ vị giác của 2/3 phía trước của lưỡi qua hạch gối (geniculate ganglion), đến nhân bó đơn độc của cầu não. Ngược lại, các tế bào thần kinh vận động cơ thể bắt nguồn từ nhân dây thần kinh mặt ở cầu não, đi qua xương thái dương.

Các sợi trục của tế bào thần kinh phó giao cảm của dây thần kinh mặt tận cùng ở hai hạch phó giao cảm là hạch chân bướm – khẩu cái (pterygopalatine) và hạch dưới hàm (submandibular ganglion).

Chức năng của dây thần kinh mặt

Dây thần kinh mặt có chức năng chủ yếu là vận động. Tuy nhiên, một phần sợi của nó có chức năng cảm giác.

Các chức năng vận động bao gồm:

  • Phân bố cho toàn bộ hệ cơ mặt (cả cơ bám da cổ – platysma và quanh lỗ tai)
  • Vận động mí mắt và nhắm mắt bởi cơ vòng mắt (orbicularis oculi)
  • Vận động và ngậm miệng bởi cơ vòng miệng (orbicularis oris)
  • Điều chỉnh chính xác các xương ở tai qua cơ bàn đạp (stapedius)
  • Vận động hàm dưới qua cơ cằm (mentalis)

Chức năng cảm giác và phó giao cảm bao gồm

  • Vị giác ⅔ trước của lưỡi
  • Phân bố cho ba tuyến nước bọt lớn, các tuyến lệ và tuyến nhầy ở mũi miệng
  • Cảm giác lỗ tai ngoài
XEM THÊM: PHÂN BIỆT LIỆT MẶT TRUNG ƯƠNG VÀ NGOẠI BIÊN

CN VIII: Dây thần kinh tiền đình ốc tai (Vestibulocochlear Nerve)

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh tiền đình ốc tai là một dây thần kinh chủ yếu là cảm giác có nhân ở cầu não và đi cùng với dây thần kinh mặt đến lỗ tai trong. Tại đó, nó tách ra làm hai phần:

  • Dây thần kinh tiền đình 
  • Dây thần kinh ốc tai

Trong dây thần kinh tiền đình

  • Các sợi cảm giác của ống bán khuyên (semi-circular canal), tiểu nang (saccule) và túi bầu dục (utricle) của tai trong, đi đến hạch tiền đình, tận cùng ở nhân tiền đình của cầu não.
  • Các sợi trục của tế bào thần kinh vận động ở cầu não đi đến các tế bào lông của ống bán khuyên, tiểu nang và túi bầu dục.

Trong dây thần kinh ốc tai, 

  • Các sợi cảm giác xuất phát từ cơ quan Corti (cơ quan xoắn ốc) nằm trong ốc tai của tai trong, đi đến hạch ốc tai và tận cùng ở nhân ốc tai ở hành tuỷ.
  • Các sợi trục của tế bào thần kinh vận động ở cầu não đi đến các tế bào lông của cơ quan xoắn ốc Corti.

Chức năng của dây thần kinh tiền đình ốc tai

Chức năng của dây thần kinh tiền đình:

  • Điều hòa các tế bào lông của ống bán khuyên để điều chỉnh độ nhạy (vị trí trong không gian)
  • Truyền xung động cảm giác về thăng bằng, duy trì trạng thái cân bằng

Chức năng của dây thần kinh ốc tai:

  • Điều hoà các tế bào lông của cơ quan Corti để điều chỉnh độ nhạy (với sóng âm thanh)
  • Truyền xung động thính giác
Dây thần kinh tiền đình và ống bán khuyên
Cắt ngang cầu não

CN IX: Dây thần kinh thiệt hầu (Glossopharyngeal Nerve)

  • Glosso-: thiệt (lưỡi)

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh thiệt hầu là một dây thần kinh sọ hỗn hợp với các sợi vận động, cảm giác và phó giao cảm. Nó rời hành tuỷ ở phía sau trám hành cùng với dây thần kinh lang thang và dây thần kinh phụ.

Ở hố sau của sọ, các sợi cảm giác thoát ra khỏi khoang sọ và đi giữa động mạch cảnh trong và tĩnh mạch cảnh trong và đi ra ngoài đến gốc lưỡi. Các sợi vận động đi qua các lỗ cảnh (jugular foramen) từ nhân của hành tủy.

Chức năng của dây thần kinh thiệt hầu

Chức năng vận động:

  • Phân bố cho các cơ vòm họng và cơ của hầu (cơ trâm hầu)
  • Làm dãn họng trong khi nuốt và nói

Chức năng cảm giác:

  • Phân bố cho niêm mạc của tai giữa, xương chũm, hòm nhĩ, 
  • Phân bố cho khẩu cái mềm (velum), bao gồm hạnh nhân khẩu cái và ⅓ sau của lưỡi
  • Vị giác và cảm nhận cơ thể (xúc giác, đau và nhiệt độ) của một phần ba sau của lưỡi 
  • Cảm thụ bản thể trong các cơ nuốt

Chức năng phó giao cảm:

  • Kích thích tiết nước bọt (tuyến nước bọt mang tai)
  • Thể cảnh (carotid glomus), xoang cảnh- chứa các thụ thể hoá học về nồng độ oxy (điều hoà nồng độ oxy và CO2 máu), cũng như các thụ thể áp suất quan trọng trong điều hoà huyết áp

CN X: Dây thần kinh lang thang (Vagus nerve)

  • Vagus: mơ hồ, không xác định, 
  • Do đường đi dài, ngoằn ngoèo: còn được gọi là dây thần kinh lang thang (wanderer nerve)
  • Còn gọi là dây thần kinh phế vị (phế: phổi, vị: ruột) (pneumogastric nerve)

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh lang thang là dây thần kinh đối giao cảm chính và phân bố cho hầu hết tất cả các cơ quan ở ngực và bụng. Đây là dây thần kinh dài nhất trong tất cả các dây thần kinh sọ.

Dây thần kinh lang thang đóng vai trò quan trọng trong trục não- ruột (brain -gut axis) và hiện nay nổi lên như là một đích can thiệp cho một số bệnh lý ở não.

Dây thần kinh lang thang bao gồm các trụ trục xuất phát từ 4 nhân của hành tủy. 

  • Nhân lưng (dorsal) của dây thần kinh lang thang (truyền tín hiệu phó giao cảm đến tạng, đặc biệt là ruột)
  • Nhân hoài nghi (ambiguus) (truyền tín hiệu phó giao cảm đến tim, làm chậm nhịp tim)
  • Nhân đơn độc (solitary) (nhận thông tin vị giác và các sợi hướng tâm đến từ các tạng)
  • Nhân gai tam thoa (spinal trigeminal nucleus) (nhận thông tin về cảm giác đau, sờ, nhiệt ở tai ngoài, màng cứng hố sọ sau, và niêm mạc thanh quản)

Dây thần kinh lang thang cùng với dây thần kinh thiệt hầu và dây thần kinh phụ đi ra khỏi sọ qua phần trong của lỗ cảnh. Sau đó chạy trong bao cảnh đến nền cổ. Từ nền cổ dây thần kinh đi đến trung thất trên, chạy sau cuống phổi để vào trung thất sau, ở đây hai dây thần kinh phải và trái tập trung lại và tạo thành đám rối thực quản. Từ đám rối này cho ra hai thân thần kinh lang thang trước (trái), sau (phải) để xuống bụng.

Đoạn cổ cho các nhánh hầu để vận động cho các cơ của hầu và màng khẩu cái; dây thần kinh thanh quản trên chạy dọc cơ khít hầu dưới để vận động cho cơ nhẫn giáp và cảm giác một phần thanh quản.

Đoạn đáy cổ và trung thất: cho dây thần kinh thanh quản quặt ngược, chạy lên trên và vận động hầu hết cho các cơ của thanh quản; nhánh tim cổ trên, nhánh tim cổ dưới và các nhánh tim ngực để tạo thành đám rối tim; nhánh phế quản tạo thành đám rối phổi; các nhánh thực quản.

Nhánh tận: Dây thần kinh lang thang trước ở trước thực quản và chia thành nhánh vị trước và nhánh gan. Dây thần kinh lang thang sau cho ra nhánh vị sau, nhánh tạng và nhánh thận để tạo thành đám rối tạng (từ đám rối này có các sợi đối giao cảm đi đến các tạng trong ổ bụng).

Chức năng của dây thần kinh lang thang

Chức năng cảm giác:

  • Vị giác và cảm giác (sờ, đau, nhiệt độ, v.v.) ở nắp thanh quản và hầu
  • Điều hòa huyết áp
  • Điều hoà nồng độ oxy và CO2 trong máu để kiểm soát sự thông khí
  • Cảm giác ở các cơ quan nội tạng, ngực và bụng

Chức năng vận động cơ vân:

  • Nuốt
  • Ho
  • Phát âm

Chức năng phó giao cảm bao gồm:

  • Co và thư giãn cơ trơn của đường tiêu hóa, hô hấp
  • Làm chậm nhịp tim 
  • Tiết dịch tiêu hóa

CN XI: Dây thần kinh phụ (Accessory Nerve)

  • accessory: phụ, thêm vào

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh phụ là dây thần kinh sọ hỗn hợp, chủ yếu là vận động, xuất phát từ hành tuỷ và tuỷ sống.

  • Rễ sọ: 
    • Rễ sọ xuất phát từ nhân của hành tủy, đi qua lỗ cảnh và phân bố cho các cơ của hầu, thanh quản, và khẩu cái mềm tham gia vào quá trình nuốt.
  • Rễ (tuỷ) sống: 
    • Rễ sống chứa các sợi trục hỗn hợp, nhưng chủ yếu là vận động. Các sợi trục vận động đi qua lỗ lớn (magnum foramen) và thoát ra lỗ cảnh cùng với các sợi sọ. Rễ này truyền xung động đến cơ ức đòn chũm (sternocleidomastoid) và cơ thang (trapezius), điều khiển vận động của đầu.

Các sợi trục cảm giác bắt nguồn từ cơ quan thụ cảm của cơ, đi ngược trở lại và tận cùng ở hành tủy.

Ghi chú: Hiện nay, một số tác giả xem phần rễ sọ của dây này như là một phần của dây thần kinh lang thang.

Chức năng của dây thần kinh phụ 

Chức năng vận động:

  • Vận động các cơ để nuốt
  • Phân bố cho cơ ức đòn chũm và cơ thang để điều khiển vận động của đầu và vai

Chức năng cảm giác:

  • Cảm thụ bản thể

CN XII: Dây thần kinh hạ thiệt (Hypoglossal Nerve)

Hypo- ở dưới; glossa: lưỡi

Đặc điểm, đường đi

Dây thần kinh hạ thiệt là dây thần kinh sọ hỗn hợp chủ yếu là vận động.

Các sợi trục vận động cơ thể đi qua ống thần kinh hạ thiệt từ một nhân của hành tủy. Ngược lại, phần cảm giác bao gồm sợi trục cảm thụ bản thể của các cơ lưỡi và tận cùng ở hành tuỷ.

Chức năng của dây thần kinh hạ thiệt

Chức năng vận động:

  • Phân bố cho các cơ của lưỡi, trừ cơ khẩu cái lưỡi (palatoglosus) 
  • Truyền xung động để nói và nuốt

Chức năng cảm giác:

  • Cảm thụ bản thể
Hình: Cắt ngang hành não
Tham khảo từ: https://www.lecturio.com/magazine/12-cranial-nerves/
Và các tài liệu khác.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này