RỐI LOẠN VẬN ĐỘNG BẢ VAI, THỦ PHẠM BỊ LÃNG QUÊN CỦA ĐAU VAI VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỤC HỒI

Cập nhật lần cuối vào 05/10/2022

Mục lục

Giới thiệu

Khớp ổ chảo cánh tay (Glenohumeral joint, GHJ) là phần nối giữa khung xương trục và chi trên. Hố ổ chảo và chỏm xương cánh tay hoạt động đồng vận phức tạp để cho phép các vận động nhiều đa mặt phẳng. Sự cân bằng giữa độ vững của khớp và tự do vận động được điều chỉnh bởi các yếu tố tĩnh (hình dạng xương, các dây chằng) và động (các cơ). GHJ là một khớp tương đối không vững so với các khớp ổ – cầu khác trong cơ thể, nhưng các yếu tố nói trên mang lại sự ổn định tương đối trong nhiều mặt phẳng chuyển động.

Về bệnh lý, phần lớn bệnh nhân phàn nàn về việc mất chức năng và đau, và các nguyên nhân thường gặp nhất được cho là chóp xoay, bao khớp vai, và sự đụng chạm (impingement syndrome). Ngược lại, các rối loạn của xương bả vai thường bị bỏ qua do ít nhận biết và chuyên môn trong lượng giá. Bài tổng quan này nhấn mạnh rối loạn vận động bả vai (scapular dyskinesis), “bất thường về giải phẫu và chuyển động học của bả vai” và với mục đích

  • (a) nâng cao hiểu biết về các nguyên tắc sinh cơ học của chức năng xương bả vai,
  • (b) nghiên cứu sinh lý bệnh liên quan trong các quá trình bệnh khác nhau và (
  • c) xác định các chương trình phục hồi chức năng để xử lý tình trạng này.

Khớp vai có vai trò quan trọng đối với chức năng của chi trên và trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Các bệnh lý vùng vai rất phổ biến với nguy cơ suốt đời từ 40% đến 60%. Đặc biệt, các vận động viên chủ yếu sử dụng động tác cánh tay đưa trên đầu (overhead) (ví dụ như bóng chuyền, bóng ném, bơi lội, quần vợt) có nguy cơ bị chấn thương một trong các cấu trúc của vai cao hơn. Nhóm nguy cơ cao còn lại là những người sử dụng máy tính.

Rối loạn vận động bả vai đã được phát hiện ở những người có hoặc không có triệu chứng. Tình trạng này có mối liên hệ chặt chẽ với sự mất vững khớp vai và hội chứng chạm.

Giải phẫu Xương Bả vai

Xương bả vai là một xương hình tam giác phức tạp nằm trên lồng ngực sau giữa mức T2 và T7. Nó bao gồm:

  • Mặt Trước (mặt sườn) – Có một bề mặt lõm là điểm bám cho cơ dưới vai và cơ răng trước. Mỏm quạ xuất phát từ mặt trước ngoài phía trên. Mỏm hình “giống như ngón tay” này là nơi bám của cơ ngực bé, cơ nhị đầu (đầu ngắn) và cơ quạ cánh tay. Ở mặt trên của về mặt trước là chỗ bám của cơ vai -móng (Omohyoid), một trong bốn cơ quàng cổ (strap muscles, còn gọi là các cơ dưới móng, infrahyoid).
  • Mặt Ngoài- Chứa hố ổ chảo, phần xương bả vai của khớp ổ chảo cánh tay. Cũng nằm ở đây là các củ trên ổ chảo và củ dưới ổ chảo cung cấp điểm bám cho đầu dài của cơ nhị đầu và cơ tam đầu.
  • Mặt sau – Chứa các cấu trúc xương của gai xương bả vai, mỏm cùng vai, các hố trên gai và hố dưới gai. Gai xương bả vai và mỏm cùng vai có điểm bám của cơ thang và cơ delta, trong khi các hố trên gai và hố dưới gai là điểm bám tương ứng của cơ trên gai và cơ dưới gai. Phần dưới mặt sau cũng cung cấp điểm bám cho các cơ tròn bé, tròn lớn và lưng rộng.
  • Mặt Trong – Cung cấp các chỗ bám cho cơ nâng vai, cơ trám bé và trám lớn.
Hình: Các vị trí bám của cơ lên xương bả vai nhìn từ sau (A) và trước (B)

Bên cạnh các điểm bám cơ khác nhau còn có hai khớp nối. Đầu tiên là khớp cùng vai đòn (acromioclavicular joint, ACJ), được hỗ trợ bởi các dây chằng hình thang (trapezoid) và hình nón (conoid) gắn vào mỏm quạ và bao khớp cùng vai đòn kết hợp với dây chằng cùng vai đòn. Xương đòn có ba vai trò:

  • Nâng đỡ cánh tay, giữ cho xương cánh tay cách xa lồng ngực;
  • Bảo vệ đường hầm cổ nách (cervicoaxillary canal);
  • Hoạt động như một phương tiện truyền lực từ thân mình đến cánh tay.

Khớp thứ hai là khớp ổ chảo cánh tay được giữ ổn định bởi bốn dây chằng trước (dây chằng ổ chảo cánh tay trên, giữa và dưới và dây chằng quạ cánh tay). Sự ổn định phía sau được hỗ trợ bởi phần bao khớp sau.

Ngoài các khớp vận động thật sự, mặt tiếp khớp giữa xương bả vai và lồng ngực cũng cần được xem xét. Mặc dù không có khớp nối xương nào ở đây, nhưng nó cho phép một mức độ vận động “trượt” lớn trong ba mặt phẳng. Vai trò của xương bả vai và các cơ bám của nó là kiểm soát động vị trí của ổ chảo để cho phép chuyển động sinh cơ học tối ưu tại khớp ổ chảo cánh tay.

Sinh cơ học xương bả vai

Xương bả vai đóng bốn vai trò sinh cơ học:

  • Nó là tâm quay của xương cánh tay.
  • Nó là nơi neo (anchor) của xương cánh tay vào thành ngực.
  • Nó giữ cho mỏm cùng vai không cản trở vận động của xương cánh tay cả trong động tác dạng và gập, và do đó không có sự đụng chạm xảy ra.
  • Nó là phương tiện mà các lực được truyền từ thân mình đến cánh tay.

Bởi vì là một phần không thể tách rời của xương bả vai trong chuỗi động học của cánh tay, tư thế xương bả vai và do đó vị trí ổ chảo quy định bậc tự do trong mỗi mặt phẳng chuyển động của vai.

Để tạo thuận cho điều này, xương bả vai có thể có các vận động sau (Hình 1):

  • Nâng/hạ
  • Đưa ra trước/Kéo ra sau
  • Xoay trong/xoay ngoài
  • Xoay trên/xoay dưới
  • Nghiêng (tilt) trước/sau.
hình 1 scapular dyskinesis
Hình 1: Sự vận động của xương bả vai liên quan đến dạng xương cánh tay và các vectơ cơ tương ứng ảnh hưởng đến nó.

Phân tích các vận động chính của vai, gấp và dạng đã cung cấp một đánh giá toàn diện về các giai đoạn chuyển động liên quan. Để những chuyển động này xảy ra, khớp ổ chảo cánh tay và khớp bả vai lồng ngực vận động phối hợp nhịp nhàng. Inman và cộng sự nhận thấy rằng với 30 độ gập đầu tiên và 60 độ dạng của xương cánh tay, xương bả vai tìm đến một vị trí ổn định để tối ưu hóa sức mạnh của những vận động này. Trong một số trường hợp, hoặc là xương bả vai vẫn sẽ được giữ cố định và khớp ổ chảo cánh tay là nơi vận động chính hoặc xương bả vai sẽ dịch vào trong hoặc ra ngoài để hỗ trợ vận động ổ chảo cánh tay. Nghiên cứu kết luận rằng đối với các độ vận động đầu tiên, vận động của xương bả vai là đặc trưng cho từng người, với các biến thể. Tư thế tối ưu mà xương bả vai tìm được gọi là giai đoạn chuẩn bị/thiết lập (setting phase). Một khi gấp hoặc dạng vượt quá những mức này, vận động của xương bả vai đồng đều hơn nhiều, với tỷ lệ vận động giữa góc ổ chảo cánh tay và bả vai lồng ngực là 2: 1 (ví dụ với 15 độ gập của xương cánh tay, 10 độ sẽ xảy ra ở khớp ổ chảo cánh tay và 5 độ ở khớp bả vai lồng ngực.

Các nghiên cứu gần đây đã đề xuất một kiểu chuyển động của bả vai ít thay đổi hơn, với thành phần quan trọng là xoay lên trên, tiếp theo là nghiêng ra sau và xoay ngoài. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thang bó trên và dưới cùng với cơ răng trước là những cơ ảnh hưởng chủ yếu đến vận động của bả vai và gây ra chứng rối loạn vận động. Khi xem xét sinh cơ học của xương bả vai trong mối quan hệ với giải phẫu, rõ ràng là trong sự kết hợp của các chuyển động, mặt phẳng và cơ liên quan có nhiều loại phối hợp có thể dẫn đến bất thường chức năng vận động.

Sinh lý bệnh / cơ bệnh học rối loạn vận động bả vai

Nguyên nhân của chứng rối loạn vận động bả vai có thể được chia thành ba nhóm:

  • Liên quan đến vai;
  • Liên quan đến cổ;
  • Liên quan đến tư thế.

1. Các nguyên nhân của chứng loạn vận động bả vai liên quan đến vai 

Các bệnh lý về vai là nguồn gốc gây đau phổ biến nhất. Hầu hết tất cả các bệnh lý vùng vai đều kèm theo một mức độ nào đó rối loạn vận động (bả vai). Các bệnh lý thường gặp nhất có liên quan đến một số dạng rối loạn vận động bả vai là:

  • (1) mất vững cùng vai  đòn,
  • (2) hội chứng chạm vai,
  • (3) chấn thương chóp xoay,
  • (4) chấn thương sụn viền ổ chảo,
  • (5) gãy xương đòn và (
  • 6) liên quan đến dây thần kinh.

Đặc điểm chung của tất cả các bệnh lý này là rối loạn nhịp bả vai cánh tay.

Hội chứng chạm liên quan đến kéo xương bả vai ra trước (protraction) nhiều hơn (ở tư thế nghỉ), độ nghiêng ra sau nhiều hơn (trong khi dạng) và xoay trong nhiều hơn (khi nâng lên trên). Hơn nữa, xương bả vai ít xoay lên trên khi nâng mặt phẳng bả vai lên trên.

Trong trường hợp mất vững vai, xương bả vai có một dạng hoạt động khác, với giảm xoay khi nâng cánh tay lên, nhưng tăng xoay trong khi mặt phẳng bả vai được nâng lên.

Trong trường hợp vai đông cứng, xương bả vai xoay ngoài sớm hơn và ở mức độ nhiều hơn so với xương bả vai bình thường. Nhưng nghiên cứu đã không chỉ ra sự gia tăng tính di động của xương bả vai là một cơ chế bù trừ hay không].

Như đã đề cập trước đó trong phần sinh cơ học, nhịp bả vai lồng ngực có thể bị rối loạn do kiểu kích hoạt cơ không phù hợp (quá chậm hoặc quá nhanh) hoặc do lực co cơ không phù hợp (quá mạnh hoặc quá yếu). Nhiều cơ hoạt động theo các hướng khác nhau ảnh hưởng đến xương bả vai, và thời gian và lực của hoạt động cơ quyết định vận động của nó.

Mỏi cơ là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả hoạt động của cơ. McQuade và cộng sự đã chỉ ra rằng khi càng mệt mỏi, nhịp bả vai cánh tay sẽ kém hiệu quả hơn. Các vấn đề về cơ khác, chẳng hạn như độ cứng của cơ lưng rộng, đã được báo cáo là ảnh hưởng đến sự xoay của xương bả vai, kéo xương lên trên.

Cơ thang và cơ răng trước có liên quan đến sự phát triển của rối loạn vận động (bả vai) trong cả hội chứng chạm và mất vững khớp vai. Trong hội chứng chạm, cơ thang bó trên và dưới cùng với cơ răng trước đã thay đổi kiểu kích hoạt của chúng, trong đó cơ thang có cường độ hoạt hoá cơ lớn hơn so với cơ răng trước.

Bệnh khớp do chóp xoay thúc đẩy gia tăng hoạt động từ các cơ chóp xoay, cơ trên gai và dưới gai, và từ cơ thang bó trên khi so sánh với bệnh nhân có triệu chứng.

Các mô mềm bao quanh vai có liên quan đến sự thay đổi cơ học bả vai. Cụ thể, cơ ngực (lớn và bé) và bao khớp ổ chảo cánh tay đã được xác định là những yếu tố quan trọng. Sự căng của các cơ vùng ngực thúc đẩy dịch chuyển ra trước của đai vai và do đó là xương bả vai. Hơn nữa, độ cứng của mặt sau của bao khớp vai làm thay đổi tư thế nghỉ của xương bả vai, ra trước so với người bình thường, theo một kiểu tương tự như hội chứng chạm ở vai.

2. Liên quan đến cổ

Có hai loại bệnh lý cổ có thể ảnh hưởng đến vai: 1) các hội chứng “đau cổ cơ học” và 2) hội chứng liên quan đến rễ thần kinh cổ. Hội chứng “đau cổ do cơ học” được định nghĩa là một nhóm bệnh lý ảnh hưởng đến khớp (những thay đổi thoái hóa) và cơ (ví dụ như mỏi hoặc mất cân bằng) của cổ. Người ta vẫn chưa xác định được bằng cách nào các triệu chứng liên quan đến vai, nhưng có thể do các cấu trúc này ở gần. Tư thế cơ thể được nghĩ là ảnh hưởng đến sức mạnh cơ. Trên thực tế, do lối sống phương Tây và việc sử dụng nhiều máy vi tính, bệnh nhân có tư thế “cong người”. Kết quả là, cột sống cổ và ngực trên mất đi độ cong tự nhiên của chúng.

Ngược lại, mối liên hệ giữa các bệnh lý dây thần kinh (ví dụ như chèn ép rễ thần kinh) ở cổ và các bệnh lý liên quan đến vai được thiết lập rõ ràng hơn. Tất cả các dây thần kinh phân bố cảm giác và vận động cho vai đều bắt nguồn từ đám rối thần kinh cánh tay, đặc biệt là từ các rễ C5 và C6, và dây thần kinh phụ (đi ngang từ phần trên của tủy sống và phần dưới của hành não đến cơ ức đòn chũm). Các bệnh lý phát sinh khi các dây thần kinh kích hoạt không thích hợp một hoặc nhiều dây thần kinh xung quanh xương bả vai và do đó làm rối loạn nhịp vận động của xương bả vai so với khung xương chính hoặc chi trên. Kiểu kích hoạt cơ là một phần quan trọng trong lượng giá lâm sàng và phục hồi chức năng.

3. Các nguyên nhân của rối loạn vận động bả vai  liên quan đến tư thế

Gù vùng ngực và ưỡn vùng cổ quá mức làm thay đổi tư thế nghỉ của xương bả vai. Các vận động viên dễ bị ảnh hưởng hơn bởi những thay đổi này. Tùy thuộc vào môn thể thao của họ, họ dễ bị mất cân bằng cơ thân minh (cốt lõi) làm thay đổi độ cong của cột sống và làm căng các mô mềm.

Lượng giá lâm sàng

Lượng giá lâm sàng xương bả vai được chia thành ba bước: (1) Quan sát trực tiếp; (2) Vận động Có trợ giúp Bằng tay và (3) Lượng giá các cấu trúc xung quanh.

1. Quan Sát Trực Tiếp Xương Bả Vai,

Để thực hiện lượng giá tư thế nghỉ xương bả vai của bệnh nhân, sau đó là quan sát các vận động chủ động; đứng và giữ một túi nặng 1 kg và được yêu cầu thực hiện vận động chủ động đơn giản; gập và dạng vai, trong khi người khám quan sát xem có hở bả vai (winging), nâng lên sớm, xoay xuống dưới nhanh và nhún vai (shrugging). Các phát hiện được ghi nhận là có / không, kèm theo là mô tả về khả năng thực hiện tốt nhất.

2. Vận động của bả vai có trợ giúp bằng tay: 

Bước này gồm hai bài test, test trợ giúp bả vai (scapular assistance test, SAT) và test đặt lại tư thế (rút lại) xương bả vai (scapular reposition  test, SRT).

  • SAT liên quan đến người khám đẩy bờ trong – dưới của xương bả vai ra ngoài và hướng lên trên trong khi giữ ổn định bờ trong trên khi bệnh nhân nâng cao xương cánh tay. Test này đánh giá sự thay đổi mức độ cảm nhận đau. Test dương tính khi đau giảm, và test thường dương tính ở những bệnh nhân có cung đau hoặc hội chứng chạm. Không có dương tính giả ở những bệnh nhân không có triệu chứng (Hình 2).
  • Trong SRT, người khám phải đặt tư thế và giữ ổn định bờ trong xương bả vai bằng một tay, trong khi yêu cầu bệnh nhân nâng cánh tay của mình đẳng trường (không thay đổi góc của khớp) chống lại tay kia của người khám. Một lần nữa test cho kết quả dương tính khi động tác này làm giảm cảm giác đau của bệnh nhân. Test này cũng dương tính nếu sức mạnh của bệnh nhân tăng lên trong khi nâng cánh tay đẳng trường. Test đặt lại tư thế xương bả vai đặc hiệu và nhạy trong chấn thương chóp xoay (Hình 3).
Hình 2: test trợ giúp bả vai SAT).
Hình 3: Test đặt lại tư thế bả vai (rút lại) (SRT).

3. Lượng giá các cấu trúc xung quanh: 

Cần lượng giá các cấu trúc xung quanh xương bả vai (cột sống ngực, khớp cùng vai đòn, các cơ chóp xoay, hai đầu của cơ nhị đầu và sụn viền ổ chảo). Điều quan trọng là phải lượng giá kỹ lưỡng các cấu trúc này theo trình tự để loại trừ hoặc xác nhận các nguyên nhân của các triệu chứng. Người lượng giá cần tìm kiếm các triệu chứng (đau, mất chức năng) ở các cấu trúc, sự lỏng lẻo của mô mềm và sức mạnh của cơ.

Điều trị rối loạn vận động bả vai

Phục hồi chức năng bả vai cần là một phần của chương trình vật lý trị liệu vai rộng hơn để giải quyết các nhu cầu chức năng của từng bệnh nhân và các khiếm khuyết đồng thời của các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như vai hoặc cổ. Vật lý trị liệu có thể là một phương pháp hỗ trợ để phẫu thuật sửa chữa các cấu trúc bị tổn thương hoặc một biện pháp độc lập để điều trị các triệu chứng của bệnh nhân. Mục tiêu chính của trị liệu là cải thiện chuỗi động học ở các mức đoạn khác nhau từ cột sống cổ và ngực đến vai. Lượng giá lâm sàng cần xác định xem rối loạn vận động bả vai có phải là do suy giảm khả năng vận động của mô mềm hay là hoạt động của cơ hay không.

Hình 4 tóm tắt một thuật toán suy luận lâm sàng có thể sử dụng để điều trị rối loạn vận động bả vai. Phần trên của thuật toán trình bày một bản tóm tắt về các nguyên nhân có thể gây ra chứng rối loạn vận động bả vai, phần dưới đề xuất các các chiến lược điều trị. Thuật toán được chia thành hai cột, vì một bệnh nhân bị rối loạn vận động bả vai có thể có vấn đề về tính mềm dẻo hoặc vấn đề về hoạt động cơ hoặc cả hai. Mỗi vấn đề cần một tiếp cận phục hồi chức năng cụ thể. Khiếm khuyết tính mềm dẻo cần được giải quyết bằng các kỹ thuật kéo giãn và di động, trong khi mục tiêu chính đối với bệnh nhân có vấn đề về hoạt động cơ là bình thường hóa huy động cơ. Nếu bệnh nhân bị suy giảm cả tính mềm dẻo và rối loạn chức năng cơ, thì cần giải quyết cả hai vấn đề. 

Hình 4: Thuật toán PHCN bả vai

1. Phục hồi các khiếm khuyết về tính mềm dẻo (flexibility)

Trong trường hợp có vấn đề về tính mềm dẻo, những vấn đề này có thể nằm ở các cơ khác nhau của bả vai, đặc biệt là cơ ngực bé và cơ nâng vai, hoặc ở khớp ổ chảo cánh tay, đặc biệt là căng và cứng của cấu trúc phía sau vai, bao khớp cũng như là các cơ xoay ngoài. Khiếm khuyết tính mềm dẻo này có thể dẫn đến sai lệch tư thế xương bả vai, nhất là thành nghiêng trước và xoay xuống dưới.

Phương pháp điều trị chính là kéo giãn các cấu trúc bị ảnh hưởng để tăng chiều dài hoạt động. Cơ ngực được kéo giãn tốt nhất bằng kỹ thuật “kéo giãn ở góc một bên” (unilateral corner stretch’), thực hiện dạng ngang thụ động với vai dạng một góc 90 độ và xoay ngoài.

Hình 5: Kéo dãn góc tường một bên

Phần sau của bao khớp ổ chảo cánh tay đáp ứng tốt với các kỹ thuật như “kéo giãn khi ngủ” (sleeper stretch) và “kéo giãn bắt chéo thân” (cross body stretch), cũng như trị liệu bằng tay (trượt khớp vai ra sau) giúp cải thiện khả năng vận động của khớp .

Hình 6: Kéo dãn khi nằm ngủ tăng xoay trong vai bằng cách kéo dãn cơ và bao khớp phía sau
Hình 7: Kéo dãn bắt chéo thân để làm giãn phần sau của bao khớp ổ chảo cánh tay.

2. Phục hồi chức năng hệ cơ

Phục hồi chức năng các kiểu kích hoạt cơ được chia thành ba giai đoạn: (1) “kiểm soát có ý thức chủ động”, (2) “sức mạnh và kiểm soát cho các hoạt động hàng ngày” và (3) “kiểm soát cho thành tích thể thao”. Các cơ liên quan là cơ răng trước và ba phần của cơ thang (trên, giữa, dưới). Thời gian được chỉ định trung bình của các chương trình như vậy là 12 tuần với kết quả chức năng đạt yêu cầu. Các nhóm bệnh nhân cụ thể có nhu cầu cao hơn như vận động viên bóng chuyền nên thực hiện các chương trình dài hơn, khoảng 3 tháng.

Kiểm soát có ý thức chủ động

Hệ cơ bả vai cần được định hướng lại để trở lại kiểu kích hoạt đúng. Cơ thang bó dưới có thể được định hướng bằng “bài tập định hướng bả vai” (scapular orientation exercise) nhằm thúc đẩy sự tham gia trở lại của cơ đó dưới sự phản hồi xúc giác từ tay kia. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc rèn luyện cơ một cách có ý thức có những cải thiện nhất định trong chuỗi động học nhưng kết quả có thể bị đảo ngược.

Hơn nữa để phục hồi chức năng cơ, cần tác động lên các cấu trúc xung quanh. Đặc biệt cần chú ý đến tư thế nghỉ của cột sống. Bệnh nhân được hướng dẫn cách giữ tư thế cột sống trung tính, tôn trọng các đường cong của cột sống ở các mức đoạn khác nhau. Quá trình tập luyện lại này bắt đầu từ cột sống thắt lưng, sau đó là cột sống ngực và cuối cùng là cột sống cổ. Tác dụng là làm các cơ giữ ổn định cạnh sống hoạt động trở lại để duy trì tư thế cột sống trung tính. Bệnh nhân được khuyến cáo thực hành hoạt động này nhiều lần trong ngày.

Sức mạnh và kiểm soát với các hoạt động hàng ngày

Khái niệm chính của giai đoạn này là kích hoạt đồng thời các cơ để thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Bài tập được chỉ định nên gồm cả hoạt động “chuỗi mở” và “chuỗi đóng”. Các bài tập nên được lặp lại trong các điều kiện chịu trọng lượng khác nhau. Các hoạt động “Chuỗi mở” bao gồm các bài tập như “chèo thuyền thấp” (low row), “trượt dưới” (inferior glide), “cắt cỏ” (lawnmower) và “lấy trộm” (robbery), giúp tái hoạt động cơ trám. Các hoạt động “Chuỗi đóng” nhằm mục đích thúc đẩy nhận biết của khớp trong không gian (cảm thụ bản thể) và sự phối hợp của các cơ chóp xoay. Hơn nữa, sức mạnh cơ có thể đạt được bằng cách tập riêng các cơ bị yếu trong khi giảm thiểu hoạt động của những cơ khỏe hơn.

Hình 8: Chương trình PHCN bả vai: A: Robbery cho cơ thang bó dưới; B: Lawnmower cho cơ thang bó dưới; C: low row; D: Inferior glide cho cơ thang bó dưới; E: Gập vai tư thế nằm sấp với vai dạng 135 độ cho cơ thang bó dưới; F: Push-up with a plus cho cơ răng trước

Xem video và diễn giải bài tập:

Kiểm soát hiệu suất thể thao

Tùy thuộc vào môn thể thao và nhu cầu chức năng của cá nhân, một chỉ định các bài tập làm mạnh cơ chi tiết tuân theo các nguyên tắc “kiểm soát bả vai” và “làm mạnh cơ theo nhiệm vụ cụ thể”.

Kết luận

Xương bả vai là một thành phần của chuỗi động học vai ít được chú ý đến đầy đủ. Tầm quan trọng được nhấn mạnh bởi những cải thiện đáng kể về khả năng chức năng sau khi tập luyện phục hồi.

Đánh giá lâm sàng tư thế nghỉ và chức năng của bả vai là điều hết sức quan trọng để chỉ định các bài tập vật lý trị liệu cần thiết.

Dịch và hiệu chỉnh từ: Andreas Christos Panagiotopoulos1,* and Ian Martyn Crowther2. SICOT J. 2019; 5: 29. Published online 2019 Aug 20. doi: 10.1051/sicotj/2019029. Có chỉnh sửa và bổ sung minh hoạ

Minhdat Rehab

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này