Cập nhật lần cuối vào 29/04/2022
Mục lục
ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Chảy nước dãi (Sialorrhea) đề cập đến việc chảy nhiều nước bọt/chảy nước dãi do các hạn chế về khả năng kiểm soát và nuốt chất tiết ở miệng.
Có hai loại:
- Chảy nước dãi trước được định nghĩa là nước bọt chảy ra từ miệng có thể nhìn thấy rõ ràng.
- Chảy nước dãi sau xảy ra khi nước bọt tràn qua hầu họng và vào hạ họng.
Ở trẻ em và thanh thiếu niên bị bại não (CP), chảy nước dãi thường là kết quả của việc kiểm soát vận động bị hạn chế do mất khả năng điều hợp cơ và các khiếm khuyết trong trong nhận thức cảm giác hơn là tiết nước bọt quá mức.
Tại sao Chảy nước dãi lại quan trọng?
Chảy nước dãi xảy ra ở khoảng 40% trẻ em / thanh thiếu niên bị bại não và có thể có tác động đáng kể về mặt y tế và tâm lý xã hội.
Về y tế:
- Chảy dãi ra sau có thể dẫn đến hít phải nước bọt mạn tính, dẫn đến nhiễm trùng tái phát và bệnh phổi tiến triển.
- Nước bọt dính bám trên cằm dẫn đến việc phải lau thường xuyên sẽ khiến da bị kích ứng và dễ bị tổn thương.
Về tâm lý xã hội:
- Chảy nước dãi ra miệng có thể đòi hỏi phải thay quần áo thường xuyên, có thể làm hỏng sách, máy tính, đồ chơi và các thiết bị khác và phun nước bọt ra khi đang nói chuyện.
- Có thể gây bối rối, khó chịu đáng kể cho trẻ, gia đình, người chăm sóc và có thể dẫn đến cô lập và giảm lòng tự trọng.
Lượng giá
Lượng giá Lâm sàng
- Nên có thảo luận với các thành viên của nhóm đa ngành
- Lượng giá về y tế
- Nhấn mạnh vào thuốc,
- tiền sử hít phải, tình trạng hô hấp và kiểm tra đường hô hấp dưới,
- lượng giá thần kinh (kiểm soát sọ mặt, tư thế, ảnh hưởng của thuốc, động kinh, tuổi phát triển tương đương),
- bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD),
- dị ứng,
- khám mặt – miệng (tình trạng răng, vệ sinh miệng, đường hô hấp trên),
- tình trạng dịch.
- Lượng giá về xã hội
- Động lực bên trong
- kỹ năng tự xử lý của trẻ,
- tác động của chảy nước dãi
- tầm quan trọng của việc kiểm soát nước bọt đối với gia đình
- Lượng giá vận động / vận động miệng
- Kiểm soát đầu, đặt tư thế,
- ngậm chặt môi/miệng, khớp cắn,
- đánh giá cảm giác,
- nuốt theo yêu cầu,
- khả năng tự lau nước bọt
Phân biệt giữa chảy nước dãi trước và sau rất quan trọng. Hai loại chảy nước dãi này có thể xuất hiện riêng biệt hoặc cùng nhau. Thông thường, thông tin lâm sàng như các đợt viêm phổi lặp đi lặp lại, các đợt sử dụng thuốc kháng sinh lặp lại vì lý do hô hấp, bằng chứng của bệnh phổi viêm mạn tính và nhu cầu cần hút dịch nhiều được sử dụng làm chỉ số đánh giá tình trạng chảy nước dãi ra sau.
Công cụ lượng giá
- Chảy nước dãi có thể được đánh giá định lượng bằng nhiều công cụ khác nhau về mức độ nghiêm trọng và tần suất cũng như tác động đến trẻ và gia đình.
- Định lượng có thể hỗ trợ trong việc đánh giá đáp ứng với các biện pháp can thiệp.
- Các công cụ định lượng
- Chỉ số chảy nước dãi/Drooling Quotient,
- Thang đo mức độ chảy nước dãi của giáo viên/Teacher Drooling Scale,
- Mức độ chảy nước dãi và Thang đo tần suất/Drooling Severity and Frequency Scale,
- Thang điểm tương tự trực quan (VAS),
- Thang đo tác động chảy nước dãi (DIS)/Drooling Impact Scale ,
- Số lượng yếm,
- Tần suất thay quần áo
Thăm dò bổ sung
Các thăm dò bổ sung cần xem xét bao gồm đo lượng nước bọt, đánh giá nuốt qua nội soi; tuy nhiên, chúng có thể không cần thiết hoặc không thích hợp.
điều trị chảy nước dãi
Hiện có một số biện pháp điều trị mặc dù chưa có sự nhất trí rõ ràng về biện pháp nào là an toàn và hiệu quả.
Mục tiêu của điều trị nhằm vào:
- cải thiện khả năng kiểm soát vận động các chất tiết;
- tăng cường khả năng quản lý chất tiết (về hành vi) của trẻ; và
- giảm sản xuất nước bọt hoặc tạo lại dòng chảy cho nước bọt.
Khi có thể, một tiếp cận nhóm đa ngành được khuyến nghị, tăng tiến từ các biện pháp điều trị bảo tồn đến xâm lấn hơn cho đến khi cải thiện việc kiểm soát nước bọt và các tác dụng phụ, nếu có, có thể kiểm soát được. Kiểm soát chảy nước dãi hoàn toàn thường không thể thực hiện được.
Tối ưu hoá các điều kiện
- Xem xét liệu các loại thuốc đang được sử dụng cho các bệnh khác, chẳng hạn như động kinh, có làm tăng tiết nước dãi hay không.
- Chăm sóc và vệ sinh răng miệng
- Đặt tư thế tốt (dựng thẳng đầu)
Các can thiệp hành vi và không dùng thuốc
Xem xét tuổi phát triển, động lực và khả năng học
Các chiến lược vận động miệng và cảm giác miệng
- Các bài tập chủ động và thụ động cũng như kích thích cảm giác được sử dụng rộng rãi bởi các nhà trị liệu lâm sàng, mặc dù chưa có sự thống nhất về cơ sở lý thuyết và hiệu quả của những can thiệp này.
- Một số ví dụ:
- Chơi trò chơi hôn môi (đã được bôi son môi) vào gương, vải, bàn tay
- Thổi còi, kèn, thổi bóng, thổi nến
- Giữ chặt giấy … giữa hai môi
- Hút nước/dịch/sữa qua ống hút (to/nhỏ, dài/ngắn)
- Giữ miếng đè lưỡi bằng môi (không dùng răng) trong khi tập trung vào việc làm khác, như vẽ hoặc nghe kể truyện
- kích thích cảm giác bằng thức ăn chua, lạnh …
- Xoa vải quanh miệng trẻ …
- Những cách tiếp cận này có thể tốn thời gian.
- Không có tác dụng phụ nào được báo cáo.
Các chiến lược hành vi
- Nhiều loại kỹ thuật hành vi đã được chứng minh là có hiệu quả (chứng cứ mức thấp).
- Ví dụ các kỹ thuật:
- Hướng dẫn, nhắc nhở, củng cố xã hội tích cực
- Củng cố xã hội tiêu cực và các thủ thuật “tuyên bố” khác
- Nhắc nhở tự động (automatic cueing)
- Củng cố tự động (kỹ thuật dựa vào công tắc nhỏ)
- Tự quản lý (self-management)
- Việc lựa chọn và thành công phụ thuộc vào khả năng tuân thủ của trẻ và thường đòi hỏi nỗ lực liên tục để duy trì hiệu quả.
- Không có tác dụng phụ nào được báo cáo.
Thiết bị răng miệng (Oral appliances)
- Có thể khó tuân thủ và trẻ cần phải thở được bằng mũi khi đeo thiết bị.
- Trẻ bị động kinh có thể có nguy cơ bị thương ở miệng.
- Có một số chứng cứ mức thấp cho thấy thiết bị răng miệng có thể có hiệu quả.
Các can thiệp bằng thuốc/dược
Các thuốc ức chế tiết nước bọt kháng cholinergic
- Thuốc thường sử dụng:
- Glycopyrrolate (Robinul), 0.01–0.04mg/kg mỗi liều
- scopolamine (hyoscine),
- benzhexol (Artane): 1 mg 2 lần/ngày, có thể tăng liều sau 1- 2 tuần
- benztropin.
- Những loại thuốc này, mặc dù có hiệu quả, nhưng đôi khi có liên quan đến các tác dụng phụ bất lợi như làm đặc quá mức chất tiết, bí tiểu, táo bón, nhức đầu, mờ mắt và rối loạn hành vi.
Tiêm độc tố Botulinum
- Tiêm thường được xem xét sau khi đáp ứng không đầy đủ với điều trị kháng tiết cholinergic.
- Độc tố botulinum thường được tiêm vào tuyến dưới hàm +/- tuyến mang tai dưới hướng dẫn của siêu âm.
- Chúng có thể có hiệu quả nhưng cần được lặp lại, thường cách mỗi 6 tháng và khả năng đáp ứng có thể giảm dần theo thời gian.
- Các tác dụng phụ bao gồm kích ứng tại chỗ tiêm, đau, tụ máu, khô miệng, dịch tiết đặc hoặc các vấn đề về nhai và nuốt do khuếch tán thuốc đến các cơ xung quanh, do đó làm tăng nguy cơ hít phải.
Các can thiệp phẫu thuật
- Chỉ định: Phẫu thuật thường dành cho những bệnh nhân chảy nước dãi quá nhiều, dai dẳng ở phía trước, các triệu chứng vẫn tiếp diễn mặc dù đã được điều trị bảo tồn tối đa hoặc bằng thuốc và những bệnh nhân chảy nước dãi phía sau bị hít phải/sặc mạn tính và / hoặc nhiễm trùng đường hô hấp tái phát.
- Các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm
- thắt ống hoặc đặt lại đường đi của ống tuyến,
- cắt bỏ tuyến dưới lưỡi hoặc tuyến dưới hàm.
- Kết quả có thể thay đổi. Quá trình tái tạo ống dẫn có thể xảy ra. Các tác dụng phụ thường rất ít nhưng bao gồm khô miệng (xerostomia) và nhiễm trùng vết thương.
Theo dõi
Cho dù có sử dụng biện pháp can thiệp hay không, các tác động tâm lý xã hội và y tế của việc chảy nước dãi phải được theo dõi dọc (theo thời gian). Nếu áp dụng một biện pháp can thiệp, thì việc theo dõi có hệ thống thường xuyên đối với trẻ và người chăm sóc về hiệu quả và các tác dụng phụ tiềm ẩn là bắt buộc.
Lược theo
https://www.aacpdm.org/publications/care-pathways/sialorrhea-in-cerebral-palsy
Học viện Y học Phát triển và Bại não Hoa Kỳ (AACPDM)
Có chỉnh sửa
cảm ơn thầy bài viết rất hay
A Long siêng đọc hí! Mong các kiến thức này hữu ích trong công tác.