Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023
- Tên tiếng Anh: Trigger Finger
- Từ đồng nghĩa: Ngón tay cò súng, Ngón tay bật, Viêm bao gân gấp ngón tay, Viêm bao gân gây hẹp (Stenosing tenosynovitis), ngón tay bị khoá (Locked finger)
- Mã ICD-10: M65.3: Ngón tay lò xo
Mục lục
ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Ngón tay lò xo là tình trạng ngón tay bị bật, hoặc bị khoá lại khi gập hoặc duỗi ngón tay. Tình trạng này là do sự dày lên và hẹp lại không cân xứng của bao mạc giữ gân (retinacular shealth) so với các gân gấp ngón tay.
- Về giải phẫu bệnh, đó là do sự phì đại và chuyển sản sợi sụn tại chỗ tiếp giáp giữa gân và ròng rọc.
- Sự trượt của gân bình thường bị ảnh hưởng rõ nhất ở ròng rọc A1, nơi gân gập góc nhiều nhất khi đi vào hệ thống ròng rọc.
Dịch tễ
- Tỷ lệ mắc bệnh thường được cho là 2% trong dân số nói chung, phổ biến hơn ở phụ nữ và bệnh nhân tiểu đường (7%) và viêm khớp dạng thấp.
- Ở người lớn thường gặp nhất là ngón cái (33%) và ngón nhẫn ( 27%)
- Ở trẻ em 90% ngón tay cò súng liên quan đến ngón cái, 25% ở hai tay.
Nguyên Nhân
- Ngón tay lò xo được cho là do lực ép cao ở mép gần của ròng rọc A1, vị trí thường gặp nhất gây bật lò xo, ở mức đầu xương bàn ngón (hình 2).
- Ngón tay lò xo vô căn nguyên phát phổ biến hơn trong khi ngón tay lò xo thứ cấp có liên quan đến bệnh đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, tăng bạch cầu, bệnh amyloidosis và bệnh gút.
- Mối liên quan giữa ngón tay cò súng với chấn thương lặp lại đã được trích dẫn trong y văn; tuy nhiên, cơ chế chính xác của mối tương quan này vẫn còn đang được tranh luận.
- Hiếm khi ngón tay lò xo do một chấn thương cấp hoặc các tổn thương choán chỗ.
LƯỢNG GIÁ, CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng
- Ban đầu, bệnh nhân có thể nhận thấy tiếng kẹt hoặc bật trong ngón tay với hạn chế nhẹ tầm vận động, hoặc bị giữ khoá ngón tay ở tư thế gấp mà có thể trở lại bình thường nhờ co cơ chủ động hoặc trợ giúp của tay kia.
- Khi mức độ hẹp nhiều hơn, đau thường xuất hiện ở khớp liên đốt gần (PIP) của ngón tay, thay vì ở đúng vị trí giải phẫu của bệnh – nghĩa là quanh khớp bàn đốt (MCP).
- Một số bệnh nhân có thể bị sưng hoặc cứng các ngón tay, đặc biệt là vào buổi sáng.
- Ở những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường, có thể ảnh hưởng nhiều ngón.
Khám lâm sàng
- Khám lâm sàng xác định vị trí của triệu chứng là ở ngang mức khớp bàn ngón (MCP).
- Nhìn: Có thể thấy sưng nhẹ ở mặt gan (lòng) ở khớp bàn đốt hoặc ngón tay
- Sờ: Sờ có thể thấy đau khi ấn và đôi khi có một nốt mềm hoặc cảm thấy tiếng rột ở mặt gan tay trên đầu xương bàn đốt.
- Vận động: Vận động nắm mở bàn tay chủ động tạo ra tiếng bật gây đau khi gân bị viêm đi qua lớp vỏ bọc bị thắt hẹp. Thường động tác duỗi dễ gây triệu chứng vì cơ duỗi yếu hơn.
- Trường hợp ngón tay lò xo mạn tính, bệnh nhân có thể bị co rút gập khớp liên ngón.
- Khám thần kinh: Trong trường hợp không có bệnh lý kèm theo như hội chứng ống cổ tay hoặc bệnh thần kinh do đái tháo đường, khám thần kinh là bình thường trừ những trường hợp nặng có biểu hiện yếu hoặc teo cơ.
Phân loại lâm sàng (theo green)
- Độ I: Đau lòng bàn tay và đau khi ấn tại ròng rọc A1
- Độ II: Ngón tay lò xo, có thể chỉnh bằng vận động chủ động
- Độ III: Ngón tay lò xo, có thể chỉnh bằng vận động thụ động
- Độ IV: Biến dạng cố định ngón tay.
Các giới hạn chức năng
Các hạn chế về chức năng bao gồm khó cầm nắm và thao tác tinh vi với các đồ vật do bị đau, bị kẹt ngón tay hoặc cả hai. Các vấn đề về vận động tinh có thể bao gồm khó đút chìa vào ổ khóa, đánh máy hoặc cài nút áo. Các kỹ năng vận động thô có thể bao gồm hạn chế khi điều khiển xe, cầm nắm các dụng cụ ở nhà hoặc tại nơi làm việc. Bệnh nhân ghi nhận chất lượng cuộc sống và mức độ hoạt động cảm nhận thấp hơn, với giảm sức mạnh và sự khéo léo của bàn tay.
Thăm dò chẩn đoán
- X quang: Ngón tay lò xo là một chẩn đoán lâm sàng. Bệnh nhân không có tiền sử chấn thương hoặc viêm khớp không cần chụp X quang
- Chụp cộng hưởng từ có thể xác nhận viêm bao gân của cơ gấp ngón tay, nhưng không có nhiều lợi ích so với chẩn đoán lâm sàng.
- Siêu âm chẩn đoán có thể cho thấy các nốt gân, viêm bao gân ở mức ròng rọc A1.
Chẩn đoán phân biệt
- Bệnh Dupuytren
- Hạch của vỏ bọc gân (retinacular cyst)
- Khối u của bao gân (u tế bào khổng lồ hoặc tổn thương chiếm chỗ, ví dụ như bệnh amyloidosis)
- Viêm khớp dạng thấp hoặc các chẩn đoán khác liên quan đến ngón tay cò súng thứ phát
Điều trị
Ban đầu
Mục tiêu điều trị là phục hồi khả năng trượt bình thường của gân qua hệ thống ròng rọc. Điều này thường có thể đạt được với điều trị bảo tồn (40-97% đáp ứng). Điều trị ban đầu bao gồm điều chỉnh hoạt động, dụng cụ thích ứng, thuốc chống viêm và đeo nẹp.
- Thuốc chống viêm không steroid có thể được dùng bằng đường uống hoặc qua da.
- Nhiều loại nẹp được sử dụng:
- Nẹp giữ khớp MCP thẳng 0 độ hoặc gập từ 10 đến 15 độ, các khớp liên ngón gần và xa để tự do trong tối đa 6 tuần liên tục.
- Hoặc nẹp bất động kết hợp cả khớp bàn ngón (MCP) và khớp liên ngón xa (DIP). Loại nẹp bất động cả khớp DIP cho kết quả thành công lâu dài hơn tuy nhiên có thể ảnh hưởng đến công việc.
- Cũng có báo cáo cho thấy nẹp bất động khớp liên đốt gần (PIP) ở tư thế duỗi cho kết quả tốt.
- Các bao tay có đệm có thể bảo vệ và giảm viêm thông qua tránh chấn thương trực tiếp.
Phục hồi chức năng
Mục đích giảm viêm và đau, cải thiện chức năng bàn tay.
- Vật lý trị liệu: mát-xa với đá, đắp parafin, siêu âm và điện phân dẫn thuốc corticoid.
- Tập luyện (vận động trị liệu, hoạt động trị liệu): nhằm cải thiện tầm vận động, sức mạnh cơ, chức năng với trường hợp hạn chế do không sử dụng tay kéo dài, sau phẫu thuật.
- Nếu cần, có thể làm một thanh nẹp tùy chỉnh phù hợp hơn và cho phép hoạt động tốt hơn so với nẹp làm sẵn. Có thể sử dụng công nghệ in 3 D để sản xuất nẹp. Một số loại nẹp mới có tích hợp bơm thuốc với các kim nhỏ (microneedle) cũng đang được thử nghiệm.
Thủ thuật
- Chỉ định tiêm corticoid tại chỗ thường dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng của bệnh nhân (các triệu chứng nặng hơn thường đáp ứng tốt hơn với tiêm), mức hoạt động cần thiết (ví dụ: bệnh nhân cần trở lại làm việc càng nhanh càng tốt), và sở thích của bệnh nhân và bác sĩ lâm sàng.
- Thuốc thường được sử dụng là betamethasone sodium do đặc tính hoà tan trong nước. Chăm sóc sau tiêm thường bao gồm đeo nẹp và bảo vệ tương đối trong 1 tuần.
- Hiệu quả tiêm một lần: giải quyết triệu chứng ở 54% đến 73% bệnh nhân sau 1 năm. (Ít hiệu quả hơn với ngón cái, bệnh nhân đái tháo đường)
- Tiêm corticosteroid ít hiệu quả hơn khi bị nhiều ngón hoặc khi tình trạng bệnh kéo dài hơn 4 tháng. Đáp ứng giảm được cho là do corticosteroid không có khả năng đảo ngược quá trình chuyển sản sụn sợi đã hình thành.
Phẫu thuật
- Ở người lớn, nên thử tiêm steroid cho hầu hết các trường hợp ngón tay lò xo trước khi xem xét phẫu thuật. Tuy nhiên, can thiệp phẫu thuật có khả năng thành công cao đối với những trường hợp điều trị bảo tồn thất bại và nên được cân nhắc đối với những bệnh nhân mong muốn giảm nhanh và dứt điểm. Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, ảnh hưởng nhiều khớp và tuổi khởi phát trẻ có nhiều khả năng cần phải phẫu thuật hơn.
- Có hai loại phẫu thuật: phẫu thuật mở tiêu chuẩn ròng rọc A1 và giải phóng ròng rọc A1 qua da. Cả hai phương pháp đều đem lại hiệu quả cao và có nguy cơ biến chứng tương đối thấp.
Tài liệu tham khảo chính:
ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019
Cảm ơn thầy bài viết rất hay