CHẨN ĐOÁN NGUYÊN NHÂN BỆNH LÝ ĐÁM RỐI CÁNH TAY

Bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các tình trạng vô căn, do thầy thuốc, tự miễn, chấn thương, khối u và di truyền. Khoảng một nửa số trường hợp không có yếu tố khởi phát thúc đẩy xác định được.

XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG HỆ THẦN KINH: ĐÁM RỐI CÁNH TAY

Tổn thương đám rối cánh tay có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi; nhưng ngoại trừ trường hợp thứ phát do chấn thương sản khoa, nó thường xảy ra ở những người trong độ tuổi từ 30 đến 70. 

Nam giới bị ảnh hưởng nhiều gấp hai đến ba lần so với nữ; điều này có thể là do nam thường tham gia vào các hoạt động thể lực mạnh có thể dẫn đến chấn thương. 

Cần hỏi bệnh và thăm khám thần kinh chi trên kỹ lưỡng, cũng như thực hiện các thăm dò cận lâm sàng để hỗ trợ chẩn đoán: 

  • Điện dẫn truyền và điện cơ kim. Cần bao gồm các cơ cạnh cột sống của các vùng liên quan để thăm dò khả năng bệnh rễ thần kinh (các cơ cạnh cột sống được cung cấp bởi các nhánh chính sau của rễ thần kinh, không phân bố cho đám rối cánh tay). 
  • Hình ảnh học: MRI (ưu tiên), Chụp tuỷ đồ CT (trẻ em, xác định bong rễ thần kinh), siêu âm (khối u), X quang phổi (liệt cơ hoành chứng tỏ tổn thương dây thần kinh phế vị kèm theo).

Một tiếp cận hữu ích để chẩn đoán phân biệt các nguyên nhân gây bệnh lý đám rối cánh tay là theo các vị trí giải phẫu khác nhau bị ảnh hưởng, như trên xương đòn, sau xương đòn và dưới xương đòn hoặc lan toả.

Mục lục

Trên xương đòn (supraclavicular)

  • Chấn thương khi sinh: do kéo căng đầu cổ, do đè ép vai, do dị tật tử cung. Bệnh được gọi là liệt Erb khi rễ thần kinh C5-C6 bị ảnh hưởng (ảnh hưởng chủ yếu phần gần của cánh tay), liệt Klumpke khi rễ C8-T1 bị ảnh hưởng (yếu bàn tay).
  • Chấn thương: Thông thường, chấn thương liên quan đến đám rối trên và đặc biệt được thấy khi có lực kéo kín, như trong các chấn thương thể thao khi vai và đầu đột ngột tách ra do tiếp xúc (gọi là Burners and Stingers) và đè ép từ dây đeo ba lô (“liệt ba lô”) . Rễ có thể bị kéo căng nhưng vẫn liên tục hoặc có thể bị rách hoặc bong ra khỏi tủy sống. Chấn thương trực tiếp hơn, chẳng hạn như vết đâm hoặc vết thương do đạn bắn, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phần nào của đám rối, nhưng phần trên xương đòn là dễ bị nhất.
  • Đặt tư thế cánh tay sai trong khi phẫu thuật
  • Hội chứng Pancoast: Một khối u ở đỉnh phổi (thường là ung thư biểu mô tế bào nhỏ) có thể lan vào đám rối cánh tay trên đòn, thường biểu hiện bằng đau vai.
  • Hội chứng lối ra ngực: là một tình trạng hiếm gặp trong đó một dải xơ kéo dài từ cột sống cổ dưới (xương sườn cổ hoặc mỏm ngang) đến xương sườn thứ nhất. Các sợi T1 bị lệch và bị tổn thương nhiều hơn bởi dải sợi này so với các sợi C8.
Hình: Tổn thương đám rối cánh tay do kéo căng Burners and Stingers

Dưới xương đòn (Infraclavicular)

  • Sau chiếu xạ: Xạ trị vào các hạch bạch huyết ở nách có thể dẫn đến bệnh lý đám rối cánh tay, có thể xảy ra vài tháng đến nhiều năm sau khi xạ trị. 
  • Hạch di căn vùng nách chèn ép 
  • Biến chứng của phong bế vùng nách.
  • Cốt hoá lạc chỗ ở vùng vai (như sau gãy xương đòn).

Sau xương đòn

  • Gãy đoạn giữa xương đòn (hiếm gặp): bệnh lý đám rối cánh tay sau xương đòn có thể là thứ phát sau chấn thương ban đầu nhưng cũng có thể là kết quả muộn do mô sẹo chèn ép quá mức lên đám rối cánh tay..

lan toả

  • Bệnh teo cơ đau thần kinh (Neuralgic Amyotrophy): còn được gọi là hội chứng Parsonage – Turner, teo cơ cánh tay, bệnh thần kinh đai vai vô căn, và viêm đám rối thần kinh cánh tay. Teo cơ đau thần kinh biểu hiện một bệnh lý đám rối thần kinh cánh tay một giai đoạn vô căn. Khởi phát triệu chứng trong một vài giờ với đau liên tục dữ dội ở đầu gần chi trên Sau đó, tình trạng yếu chi thường xuất hiện trong vòng 2 tuần. Các triệu chứng cảm giác ở chi bị ảnh hưởng thường ít rõ rệt hơn là đau và yếu, và xuất hiện ở 70% bệnh nhân. Đau sau đó giảm dần, thời gian đau trung bình là 28 ngày. Sự hồi phục vận động bắt đầu trong vòng 6 tháng ở hầu hết bệnh nhân và có sự cải thiện chức năng đáng kể; tuy nhiên hơn 70% bệnh nhân vẫn có tình trạng yếu cơ nhẹ khi thăm khám 3 năm sau khởi phát tình trạng yếu cơ. Teo cơ đau thần kinh có thể liên quan đến bất kỳ phần nào của đám rối thần kinh cánh tay nhưng có xu hướng ảnh hưởng đến đám rối trên.
  • Bệnh teo cơ đau thần kinh di truyền (Hereditary Neuralgic Amyotrophy): một tình trạng tương tự như teo cơ đau thần kinh nhưng có nguyên nhân di truyền đã biết và đột biến septin 9 (SEPT9) có thể được xác định bằng xét nghiệm.
  • Bệnh lý thần kinh đám rối – rễ cổ do tiểu đường (Diabetic Cervical Radiculoplexus Neuropathy): bệnh lý thần kinh đám rối -rễ thần kinh cổ do tiểu đường được mô tả gần đây, liên quan đến bệnh đái tháo đường týp 2. Bệnh nhân ban đầu bị đau ở chi trên, thường cấp tính, sau đó là yếu và thay đổi cảm giác, chẳng hạn như dị cảm, rối loạn cảm giác hoặc tê. Các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh tự động (hạ huyết áp tư thế đứng, thay đổi tiết mồ hôi) cũng như sụt cân là phổ biến. Chẩn đoán điện cho thấy bệnh lý thần kinh chủ yếu sợi trục, và kết quả sinh thiết của các dây thần kinh bị ảnh hưởng cho thấy thoái hóa sợi trục, tổn thương do thiếu máu cục bộ và viêm quanh mạch máu. Tình trạng này thường diễn ra một giai đoạn (đợt) và có sự cải thiện, nhưng 21% bệnh nhân có tái phát.
  • U dây thần kinh ngoại biên nguyên phát: hiếm gặp, thường lành tính (u bao thần kinh, như u tế bào schwann hoặc u sợi thần kinh), gây giảm cảm giác và yếu cơ không kèm đau. Ngược lại, các khối u dây thần kinh ngoại biên ác tính ở đám rối cánh tay có xu hướng gây đau.

Chụp X-quang ngực của một bệnh nhân bị chấn thương bong rễ thần kinh cánh tay. Lưu ý nửa cơ hoành bên phải nhô cao cho thấy chấn thương thần kinh hoành liên quan. Bệnh nhân cũng bị gãy xương ở 1/3 giữa xương đòn phải và gãy xương sườn thứ 1 và thứ 2 bên phải

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này