Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023
- Tên tiếng Anh: Piriformis Syndrome
- Từ đồng nghĩa: Hip pocket neuropathy, Wallet neuritis, deep gluteal syndrome
- Mã ICD-10: G57.0: Tổn thương dây thần kinh toạ
Mục lục
ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Hội chứng cơ hình lê mô tả một tình trạng lâm sàng theo đó cơ hình lê gây chèn ép dây thần kinh tọa, dẫn đến bệnh lý dây thần kinh tọa.
Một số đặc điểm giải phẫu liên quan
Yeoman là người đầu tiên mô tả mối quan hệ của hai cấu trúc này vào năm 1928, và Robinson là người đã đưa ra thuật ngữ hội chứng cơ hình lê vào năm 1947.
Cơ hình lê (piriformis muscle, PM) có nguyên uỷ từ mặt chậu của các đoạn xương cùng S2-S4 ở các vùng giữa và bên ngoài so với các lỗ cùng trước, khớp cùng chậu (bờ trên của khuyết ngồi lớn), dây chằng cùng chậu trước. Cơ đi qua khuyết ngồi lớn, bám tận vào mấu chuyển lớn của xương đùi. Chức năng của cơ hình lê là xoay ngoài, dạng và ít hơn là duỗi khớp háng.
Dây thần kinh tọa thường thoát ra khỏi khung chậu qua khuyết ngồi lớn, bên dưới bụng cơ hình lê, tuy nhiên có thể tồn tại nhiều biến thể bẩm sinh.
Các mối liên hệ giải phẫu giữa cơ hình lê và dây thần kinh tọa đã được Beaton và Anson chia làm loại sáu loại, với biến thể bình thường là loại A: nằm dưới cơ hình lê.
A: bình thường; B: Dây thần kinh toạ chia đôi giữa, dưới cơ; C: Dây thần kinh toạ chia đôi trên, dưới cơ; D. Dây thần kinh toạ xuyên qua cơ; và E: Dây thần kinh toạ ở trên cơ hình lê.
Dịch tễ học
- Mặc dù mối quan hệ giải phẫu của hai cấu trúc này đã được ghi chép rõ ràng, nhưng đây vẫn là một chẩn đoán gây tranh cãi. Không có sự đồng thuận giữa các bác sĩ lâm sàng về tính hợp lệ của chẩn đoán này. Do đó, rất khó có tỷ lệ mắc bệnh chính xác của hội chứng cơ hình lê.
- Goldner dự đoán tỷ lệ mắc bệnh dưới 1% trong thực hành cơ xương khớp. Tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là như nhau (theo một số tài liệu nữ nhiều hơn nam).
Bệnh nguyên
Theo Boyajian O’Neill LA và cộng sự, có hai loại hội chứng cơ hình lê là nguyên phát và thứ phát .
Hội chứng cơ hình lê nguyên phát
- Hội chứng cơ hình lê nguyên phát có nguyên nhân giải phẫu, với các biến thể như cơ hình lê bị tách đôi, dây thần kinh tọa bị tách hoặc đường đi của dây thần kinh tọa bất thường.
- Ít hơn 15% trường hợp đau do hội chứng cơ hình lê được cho là có nguyên nhân nguyên phát.
Hội chứng cơ hình lê thứ phát
Hội chứng cơ hình lê thứ phát xảy ra do nguyên nhân thúc đẩy, bao gồm (đại) chấn thương, vi chấn thương, chèn ép và thiếu máu cục bộ.
- Thường gặp nhất (50% trường hợp) là do chấn thương vùng mông, dẫn đến viêm mô mềm, co thắt cơ hoặc cả hai, dẫn đến chèn ép dây thần kinh.
- Co thắt cơ hình lê thường do chấn thương trực tiếp, chấn thương sau phẫu thuật, các bệnh lý khớp thắt lưng và cùng chậu hoặc hoạt động quá mức.
- Hội chứng cơ hình lê cũng có thể do sự rút ngắn của cơ do các thay đổi sinh cơ học của chi dưới, vùng thắt lưng hoặc cùng chậu. Tình trạng rút ngắn này có thể dẫn đến chèn ép hoặc kích thích dây thần kinh tọa.
- Vi chấn thương nhỏ có thể do sử dụng quá mức cơ hình lê, như đi hoặc chạy đường dài hoặc do đè ép trực tiếp. Một ví dụ về chèn ép trực tiếp là “viêm dây thần kinh ví” (wallet neuritis), là một chấn thương lặp lại do ngồi lâu trên bề mặt cứng.
LƯỢNG GIÁ VÀ CHẨN ĐOÁN
Triệu chứng cơ năng
- Bệnh nhân mắc hội chứng cơ hình lê thường than phiền bị đau ở mông kèm theo lan xuống chân hoặc không. Đặc điểm này có thể gặp trong trường hợp mạn tính cũng như cấp tính. Bệnh nhân có thể có tiền sử chấn thương nhẹ ở vùng mông, như ngã đánh vào mông. Ngồi trên bề mặt cứng sẽ làm các triệu chứng đau nặng hơn và đôi khi tê và dị cảm mà không có yếu liệt.
- Các hoạt động tạo bao gồm gấp, khép và xoay trong khớp háng như ngồi xổm, đá bóng, giao bóng trên cao trong quần vợt có thể làm tăng đau.
- Tùy từng bệnh nhân mà đau có thể dịu đi khi nằm, gập gối hoặc khi đi lại.
- Bởi vì mối liên hệ giữa cơ hình lê với thành chậu ngoài, bệnh nhân cũng có thể bị đau khi đi đại tiện, và phụ nữ có thể bị đau khi giao hợp (dyspareunia).
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng nên bao gồm đầy đủ khám cơ xương khớp (thắt lưng, cùng chậu, chi dưới) và khám thần kinh chi dưới.
- Nhìn: Bệnh nhân có thể đi khập khiễng hoặc chân ở tư thế rút ngắn và xoay ngoài khi nằm ngửa (dấu hiệu bàn chân xoay, có thể do căng cơ hình lê). Trường hợp mạn tính có thể có teo cơ mông bên đau.
- Sờ: Đau khi sờ từ xương cùng đến mấu chuyển lớn (vùng cơ hình lê). Có thể có cảm giác căng cơ ở sâu.
- Khép và xoay trong háng thụ động có thể gây chèn ép dây thần kinh tọa, gây đau (dấu hiệu Freiberg). Co cơ hình lê (dạng và xoay ngoài) có kháng trở cũng có thể gây ra đau hoặc yếu không đối xứng (dấu hiệu Pace). Bệnh nhân cũng có thể có dấu hiệu Lasegue (nâng thẳng chân) dương tính.
- Đo sự chênh lệch chiều dài chi.
- Khám lâm sàng thường không thấy những dấu hiệu bất thường về thần kinh chi dưới với cơ lực và phản xạ hai bên đều nhau (chứng tỏ chèn ép dây thần kinh toạ không nặng nề).
- Thăm trực tràng hoặc âm đạo có thể sờ thấy một dải căng vì cơ hình lê nằm sâu trong sàn chậu (tuy nhiên không được khuyến nghị sử dụng).
Bảng 1. Các dấu hiệu khám lâm sàng
Dấu hiệu | Mô tả |
---|---|
Dấu Pace | Đau với xoay ngoài và dạng háng có kháng với gối và háng gấp (ở tư thế ngồi) |
Dấu Freiberg | Đau khi khép và xoay trong háng thụ động |
Dấu Lasègue/nâng thẳng chân | Bệnh nhân đau mông và chân khi người khám thực hiện động tác nâng thẳng chân thụ động |
Dấu hiệu cơ hình lê | Đau và hoặc yếu cơ khi dạng, xoay ngoài có kháng |
Nghiệm pháp FAIR (Flexion, adduction, internal rotation) | Đau khi gấp, khép và xoay trong háng ở tư thế nằm nghiêng với bên đau ở trên |
Cận lâm sàng
Hội chứng cơ hình lê là một chẩn đoán lâm sàng. Không có tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán hội chứng cơ hình lê.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT) chủ yếu được dành để loại trừ các rối loạn khác liên quan đến bệnh thần kinh tọa. Một số báo cáo trường hợp đã chứng minh sự phì đại của cơ hình lê trên cả CT và MRI.
- Nghiên cứu chẩn đoán điện có thể cho thấy phản xạ H kéo dài trong các trường hợp có triệu chứng với nghiệm pháp FAIR (gập, khép và xoay trong háng). Bệnh nhân được chẩn đoán bị hội chứng cơ hình lê bằng nghiệm pháp FAIR này đã chứng minh kết quả điều trị thành công với vật lý trị liệu và tiêm trong 70% trường hợp.
- Chụp ảnh cộng hưởng từ khuếch tán sức căng và bó sợi thần kinh (Diffusion tensor imaging and diffusion tensor tractography) có thể là một công cụ chẩn đoán trong tương lai.
Chẩn đoán phân biệt
- Các nguyên nhân thứ phát của hội chứng cơ hình lê:
- Phình động mạch cơ mông trên và dưới
- Khối u vùng chậu lành tính
- Lạc nội mạc tử cung
- Viêm cơ cốt hoá
- Chẩn đoán có triệu chứng giống hội chứng cơ hình lê:
- Hội chứng thoái hoá khớp cột sống thắt lưng
- Bệnh lý rễ L5-S1, thoát vị hoặc thoái hoá đĩa đệm
- Hẹp ống sống
- VIêm khớp cùng chậu
- Tắc tĩnh mạch chậu
- Viêm túi thanh mạc mấu chuyển lớn
- Các bệnh lý sản phụ khoa, bệnh lý vùng tiểu khung
- Sỏi đường tiết niệu
Điều trị
- Không có tiêu chuẩn vàng trong điều trị hội chứng cơ hình lê.
Xử trí Ban đầu
- Thuốc chống viêm không steroid và thuốc giảm đau, giãn cơ để giảm viêm, đau và co thắt cục bộ.
- Nhiệt trị liệu (nóng, lạnh)
- Tránh các hoạt động gây đau và sử dụng đệm mềm khi ngồi lâu.
Phục hồi chức năng
- Vật lý tri liệu như siêu âm, nhiệt nóng, nhiệt lạnh trước khi kéo dãn cơ hình lê.
- Kéo dãn cơ hình lê nhẹ nhàng, tăng tiến: Ví dụ tư thế xoay trong kèm gập háng trên 90 độ, hoặc xoay ngoài với gập háng dưới 90 độ.
- Cải thiện cơ lực các cơ dạng háng, đặc biệt là cơ mông nhỡ: Ví dụ: tập đi ngang với vòng dây đàn hồi ngang cổ chân, Các bài tập lunge đi ngang.
- Điều chỉnh sự mất cân bằng cơ sinh học làm bệnh nhân dễ bị hội chứng cơ hình lê, như quay sấp cổ chân (bàn chân bẹt), yếu các cơ dạng háng, căng cơ hamstring, giảm vận động khớp cùng chậu, rối loạn chức năng cột sống thắt lưng. Những mất cân bằng này có thể dẫn đến dáng đi với háng xoay ngoài, bước chân ngắn, và chênh lệch chiều dài chi chức năng.
- Các khuyến cáo cho bệnh nhân:
- Tránh ngồi trong một thời gian dài; đứng và đi bộ 20 phút một lần,
- Thường xuyên dừng lại khi lái xe để đứng và kéo dãn
- Ngăn ngừa chấn thương cho vùng mông và tránh các hoạt động làm tăng đau.
- Nên kéo giãn hàng ngày để tránh tái phát hội chứng cơ hình lê.
Thủ thuật
- Những trường hợp không đáp ứng có thể cần tiêm corticosteroid, thuốc tê quanh dây thần kinh tọa. Tiêm thuốc có thể được hướng dẫn bằng siêu âm hoặc CT để đảm bảo độ chính xác (tuy nhiên CT là phương pháp phơi nhiễm phóng xạ).
- Tiêm steroid ngoài màng cứng đã được thử nghiệm với các kết quả khác nhau.
- Tiêm botulinum toxin dưới hướng dẫn của CT vào cơ làm giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống trong một nghiên cứu trên 20 bệnh nhân có các triệu chứng trơ với điều trị. Sự giảm đau này là đáng kể vào 12 tuần sau khi tiêm, lâu hơn nhiều so với tiêm corticosteroid.
Phẫu thuật
- Hội chứng cơ hình lê có tiên lượng tốt; hầu hết bệnh nhân sẽ đáp ứng với cách tiếp cận không phẫu thuật.
- Các chỉ định phẫu thuật cổ điển bao gồm áp xe, khối u, và đau dây thần kinh tọa do chèn ép mạch máu.
- Phẫu thuật rạch gân cơ hình lê để giải phóng chèn ép do căng cơ đã được một số tác giả báo cáo với kết quả tốt.
Tài liệu tham khảo:
Essentials Of Physical Medicine And Rehabilitation: Musculoskeletal Disorders, Pain, And Rehabilitation, Fourth Edition. Elsevier, Inc. 2019.
Physiopedia: Piriformis syndrome