1. Nguồn có khả năng nhất gây đau tay ở bệnh nhân này là do kích thích rễ thần kinh C7. Lý do nghĩ đến rễ thần kinh C7 bị kích thích là vì:
- Tính chất của cơn đau (rát bỏng, giật, khu trú rõ ràng) phù hợp với kích thích rễ thần kinh (còn được gọi là đau rễ/radicular pain hoặc bệnh lý rễ/radiculopathy) và
- Triệu chứng đau kết hợp với các dấu hiệu khi khám lâm sàng (giảm sức mạnh cơ tam đầu và mất phản xạ gân cơ tam đầu), gợi ý suy giảm dẫn truyền ở rễ thần kinh C7.
2. Nguyên nhân có khả năng gây ra đau cổ và gian bả vai là bệnh lý ảnh hưởng đến đĩa đệm cổ dưới, có thể là giữa C6 và C7:
- Đau lan (referred pain) do các cấu trúc cơ thể ở sâu như đĩa đệm thường được mô tả là đau sâu, âm ỉ và nhức nhối. Cloward (1959) cho thấy rằng sự kích thích của đĩa đệm cột sống cổ có thể gây đau ở vùng gian bả vai, mặc dù một nghiên cứu gần đây hơn của Tanaka và cộng sự (2006) cho rằng bản thân các rễ thần kinh cổ cũng có thể gây đau lan đến vùng này.
- Khả năng là có một yếu tố viêm ở mức độ cao vì cơn đau liên tục và có xu hướng nặng hơn vào buổi sáng. Đau tay được tái tạo khi duỗi cổ và xoay đầu sang trái phù hợp với tổn thương rễ thần kinh vì những vận động này đã được chứng minh là làm giảm đường kính của lỗ gian sống (lỗ ghép) vùng cổ (Ordway và cộng sự 1999). Tương tự, ấn đốt sống từ sau-trước cũng có khả năng tạo ra kiểu chuyển động duỗi của cột sống cổ, cũng dẫn đến hẹp lỗ gian sống và gây đụng chạm dây thần kinh.
3. Các nguồn khác có thể gây đau bao gồm các khớp diện nhỏ (zygapophysial) cột sống cổ dưới (Dwyer và cộng sự 1990). Các cơ cạnh cột sống cổ và cơ bậc thang (scalenes) bên trái cũng có thể góp phần gây ra các triệu chứng.
4. Trong trường hợp này, KTV vật lý trị liệu cần lưu ý không thực hiện bất kỳ thủ thuật nào có thể dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn, đặc biệt là đối với đau cánh tay khả năng có nguồn gốc là do thần kinh. Cần theo dõi cẩn thận các triệu chứng trong buổi điều trị đầu tiên và trong các buổi tiếp theo. Việc đánh giá lại các dấu hiệu thần kinh trong các buổi tiếp theo giúp cảnh báo cho KTV về những thay đổi của bệnh lý có thể và ảnh hưởng của lên chức năng dây thần kinh.
5. Một buổi điều trị đầu tiên phù hợp sẽ bao gồm:
- giáo dục về các nguyên nhân và cơ chế có thể xảy ra của các triệu chứng và trấn an bệnh nhân rằng cho dù đau rễ cùng thường giảm bớt. Bệnh nhân nên được khuyên tiếp tục với các hoạt động bình thường của cuộc sống hàng ngày trong khi tránh các vận động và tư thế làm đau tay nặng hơn.
- các kỹ thuật bằng tay (manual techniques) có thể thích hợp để giảm tải trên các phân đoạn bị ảnh hưởng bằng cách cải thiện vận động của các vùng lân cận (ví dụ như di động hoặc kéo nắn để cải thiện vận động vùng ngực). Các kỹ thuật bằng tay có thể làm giảm đau bằng cách kích thích các đường dẫn thần kinh hướng tâm không nhận đau (non-nociceptive) (ví dụ: di động thụ động biên độ lớn). Có thể giảm tổn thương thần kinh bằng các kỹ thuật làm tăng đường kính lỗ gian sống (ví dụ như kéo cột sống bằng tay hoặc di động xoay đối bên).
- có thể áp dụng xoa bóp mô mềm nhẹ nhàng hoặc nhiệt trị liệu để giảm độ căng và đau ở các cơ cạnh sống và cơ bậc thang.
6. Xử trí dài hạn nên nhằm giải quyết các yếu tố có thể góp phần gây nên tình trạng này. Có thể cần phải cải thiện bố trí nơi làm việc, tư thế ngồi, khả năng vận động của lồng ngực, sức khỏe chung và mức độ thể chất để đạt được kết quả tối ưu.
7. Tiên lượng có khả năng tốt vì những bệnh nhân bị đau rễ thường có tỷ lệ hồi phục tốt, thường trong vòng vài tháng (Heckmann et al 1999).
8. Việc giới thiệu trở lại bác sĩ sẽ hữu ích để xét nghiệm thăm dò xác định bệnh lý hoặc loại trừ các tổn thương mô mềm khác. Prednisolone bằng đường uống đôi khi được khuyến cáo cho các trường hợp lồi đĩa đệm cổ. Mặc dù điều này có vẻ hữu ích trên lâm sàng đối với một số bệnh nhân riêng lẻ, các nghiên cứu đã không cho thấy hiệu quả ở cấp độ nhóm bệnh nhân. Khiếm khuyết thần kinh tiến triển hoặc các dấu hiệu của chèn ép tủy sống (ví dụ như rối loạn dáng đi hoặc rối loạn cảm giác chi trên hoặc chi dưới hai bên ) là cơ sở để chuyển gấp đến bác sĩ/bệnh viện.