Mã ICD-10: M79.7
Tên tiếng Anh: Fibromyalgia (Fibro -: sợi, xơ; Myo-: cơ; -algia: đau). Từ đồng nghĩa: Fibrositis
Bệnh sử tự nhiên của đau xơ cơ rất thay đổi và không được xác định đầy đủ. Đây là một hội chứng đau mạn tính có thể bắt đầu ở mọi lứa tuổi, không có cách chữa trị và thường dẫn đến suy giảm các hoạt động sinh hoạt hàng ngày cũng như giảm chất lượng cuộc sống. Một giả thuyết cho rằng đau xơ cơ (và các rối loạn khác có nền tảng là đau trung tâm hoá) có thể là một tình trạng kéo dài suốt đời, mặc dù có thể xuất hiện sớm trong cuộc sống ở dạng yên lặng, nhưng có biểu hiện thay đổi trong suốt quá trình của nó, ảnh hưởng đến các vùng / hệ thống cơ thể khác nhau tại thời gian khác nhau. Đau thường có thể được gây ra bởi hoặc trở nên tồi tệ hơn do các yếu tố kích hoạt môi trường, tâm thần và truyền nhiễm (như đã thảo luận ở trên).
Bệnh nhân đau xơ cơ thường có biểu hiện tăng mức nhạy cảm bất thường với các loại kích thích khác nhau (áp suất cơ học và thiếu máu cục bộ, nóng / lạnh), gây ra phản ứng đau ở mức độ thấp hơn so với những người bình thường khác. Sự nhạy cảm với đau này có thể dẫn đến tăng cảm đau (hyperalgesia) hoặc loạn cảm đau (allodynia), có thể xảy ra ở nhiều vùng cơ thể khác nhau; bệnh nhân thường than phiền “đau khắp người”.
Những phàn nàn phổ biến khác của những người bị ảnh hưởng bởi đau xơ cơ liên quan đến sự mệt mỏi và các vấn đề về nhận thức. Đôi khi được gọi là “sương mù fibro”, điều này có thể biểu hiện như không có khả năng tập trung, giảm chú ý, suy giảm trí nhớ và tốc độ xử lý chậm lại. Bệnh nhân đau xơ cơ thường cho biết mệt mỏi toàn thân, rối loạn giấc ngủ hoặc cảm thấy không sảng khoái ngay cả sau khi ngủ. Không rõ liệu sự suy giảm nhận thức chỉ đơn giản là kết quả của chu kỳ giấc ngủ bị suy giảm, hay là sản phẩm phụ của việc dẫn truyền thần kinh bị thay đổi, trạng thái đau mạn tính hoặc rối loạn cảm xúc.
Các đo lường khách quan về rối loạn chức năng tự chủ chỉ cho thấy sự khác biệt không đáng kể ở bệnh nhân đau xơ cơ so với các nhóm chứng mặc dù bệnh nhân tự báo cáo bị rối loạn chức năng tự chủ nghiêm trọng, như tăng nhịp tim, giảm phản ứng với các stress.
Đau xơ cơ là một phần của một nhóm các rối loạn hiện nay được gọi là các tình trạng đau chồng chéo mạn tính hoặc COPC (chronic overlapping pain conditions) (trước đây được gọi bằng các thuật ngữ như hội chứng dạng thân thể chức năng hoặc hội chứng nhạy cảm trung tâm). Chúng bao gồm hội chứng mệt mỏi mạn tính, hội chứng ruột kích thích, rối loạn tính nhạy cảm với nhiều chất hóa học, đau đầu do căng thẳng, đau nửa đầu migraine, viêm bàng quang kẽ, rối loạn khớp thái dương hàm và đau vùng chậu mạn tính. Các hội chứng này có tỷ lệ cao hơn ở bệnh nhân đau xơ cơ so với dân số chung.
Khoảng 10% đến 30% những người có chẩn đoán đã biết về các bệnh lý thấp khớp (ví dụ, viêm khớp dạng thấp, lupus, thoái hoá khớp, viêm cột sống dính khớp) cũng đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán đau xơ cơ. Hiện tượng này đôi khi được gọi là “đau xơ cơ thứ phát”. Người ta giả thuyết rằng sự nhạy cảm hoá trung tâm xảy ra với đau xơ cơ có tác dụng phụ lên sự thụ cảm ngoại vi gặp phải những tình trạng này.
Bệnh nhân đau xơ cơ cũng có nhiều khả năng bị rối loạn tâm thần. Điều này được cho là do thực tế là các chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến việc dẫn truyền đau cũng liên quan đến việc điều chỉnh tâm trạng, mệt mỏi / giấc ngủ và trí nhớ. Thông thường, những trải nghiệm như căng thẳng hoặc chấn thương có thể là yếu tố khởi phát chung cho cả đau xơ cơ và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Tỷ lệ cố gắng tự tử ở bệnh nhân đau xơ cơ được ước tính là cao tới 16,7%.
Đau xơ cơ được đặc trưng bởi đau lan rộng và kéo dài (> 3 tháng) ở trên và dưới thắt lưng, ở cả hai bên cơ thể.
Rất nhiều triệu chứng khác thường xuyên được bệnh nhân báo cáo. Các triệu chứng này bao gồm mệt mỏi nhiều, cứng khớp, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhận thức (như là khó tập trung, hay quên, giảm khả năng hiểu), lo lắng, trầm cảm, hội chứng khớp thái dương hàm, dị cảm, đau đầu, các biểu hiện tiết niệu (ví dụ: viêm bàng quang kẽ, viêm tuyến tiền liệt mạn tính, đau âm hộ), hội chứng ruột kích thích, và chứng không dung nạp tư thế đứng (orthostatic intolerance).
Trong khi đau xơ cơ có thể cùng tồn tại với các tình trạng bệnh lý khác, điều quan trọng là nhận ra các mẫu triệu chứng học có thể được giải thích tốt hơn bởi những chẩn đoán khác để tránh chẩn đoán nhầm. Do đó một bệnh sử chi tiết để làm rõ các triệu chứng là điều thiết yếu để chẩn đoán chính xác.
Cho dù sức khỏe tổng quát bệnh nhân đau xơ cơ khi khám là bình thường, nhưng việc khám sức khỏe tổng thể vẫn rất quan trọng. Một nghiên cứu cho thấy rằng trong số những bệnh nhân được giới thiệu đến bác sĩ bệnh khớp vì nghi ngờ đau xơ cơ, thì bác sĩ giới thiệu đã bỏ qua chẩn đoán viêm khớp hoặc thoái hóa hoặc bệnh thấp mô mềm trong 45% trường hợp. Nên ghi lại huyết áp khi hạ huyết áp tư thế đứng, vì bệnh nhân đau xơ cơ cho thấy tỷ lệ hạ huyết áp qua trung gian thần kinh tăng lên trong thử nghiệm trên bàn nghiêng. Đánh giá tâm trạng rất quan trọng vì bệnh nhân đau xơ cơ có tỷ lệ rối loạn tâm trạng cao, hầu hết là trầm cảm nằm trong khoảng từ 20% đến 86% .
Khám điểm đau không còn là một phần của tiêu chuẩn chẩn đoán; tuy nhiên, bệnh nhân bị đau xơ cơ cũng có thể bị đau cân cơ kèm theo với các điểm đau liên quan. Các điểm kích hoạt (trigger point, thống điểm) này là những điểm nhạy cảm ở vùng cơ xung quanh cơ xương. Thống điểm có thể được cảm nhận như một nốt hoặc dải trong cơ và phản ứng co cơ có thể được tạo ra khi kích thích các thống điểm. Điều quan trọng là xác định điểm kích hoạt khi thăm khám để có các biện pháp can thiệp cụ thể. Nhận biết và điều trị đau cân cơ và các bệnh lý cơ xương khớp phổ biến khác, như viêm bao hoạt dịch, viêm gân, bệnh lý rễ,…, giúp cô lập cơn đau thứ phát sau đau xơ cơ và hiểu rõ hơn về phản ứng của nó với điều trị.
Bệnh nhân bị hạn chế trong các hoạt động hàng ngày và khả năng chịu đựng tập luyện bởi cả đau và mệt mỏi. Một phần lớn bệnh nhân cũng báo cáo rối loạn chức năng nhận thức. Điều này đã được gọi là “sương mù fibro.” Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự ức chế nhận thức, tức là khả năng tập trung bất chấp sự phân tâm, luôn bị suy giảm ở những bệnh nhân đau xơ cơ, cũng như trí nhớ ngắn hạn, so với những người khỏe mạnh. Người ta đã đưa ra giả thuyết rằng rối loạn chức năng nhận thức trong bệnh đau xơ cơ phát sinh do các nguồn lực của não được sử dụng để xử lý cơn đau không có sẵn cho các nhiệm vụ nhận thức.
Khoảng 25% bệnh nhân bị đau xơ cơ cho rằng họ bị khuyết tật và đang nhận một số hình thức hỗ trợ khuyết tật nào đó. Những người có điểm số đau cao hơn, làm công việc đòi hỏi lao động thể chất nặng nhọc, có chiến lược ứng phó kém và cảm thấy bất lực, hoặc liên quan đến kiện tụng dễ trở nên khuyết tật hơn.
Tiêu chuẩn chẩn đoán đau xơ cơ lần đầu tiên được chuẩn hóa bởi một nghiên cứu đa trung tâm vào năm 1990, dẫn đến Hiệp hội Thấp học Mỹ (ACR) đưa ra tiêu chuẩn phân loại năm 1990 dựa trên điểm đau khi thăm khám.
Phân loại này sau đó đã được thay thế bằng tiêu chuẩn chẩn đoán ACR 2010 cho đau xơ cơ, bao gồm những điều sau:
Các tiêu chí năm 2010 đã được sửa đổi vào năm 2011, cho phép chẩn đoán được thực hiện bởi bệnh nhân tự báo cáo cho mục đích nghiên cứu, và gần đây nhất, một bản sửa đổi năm 2016 cho các tiêu chí 2010/2011 đã được đề xuất bởi Wolfe và cộng sự, kết hợp bảng câu hỏi của bác sĩ và bệnh nhân, giảm thiểu phân loại sai các rối loạn đau vùng và loại bỏ khuyến cáo liên quan đến loại trừ chẩn đoán.
Cũng được phát triển với các bản sửa đổi năm 2016 là thang đo mức độ nghiêm trọng của đau xơ cơ, là tổng của WPI và SSS, nằm trong khoảng từ 0 (không có triệu chứng) đến 31 (các triệu chứng trầm trọng nhất). Điểm số này có thể giúp theo dõi sự cải thiện.
Vùng 1: Nửa thân trên trái (4) | Hàm trái Đai vai trái Cánh tay trái Cẳng bàn trái |
Vùng 2: Nửa thân trên phải (4) | Hàm phải Đai vai phải Cánh tay phải Cẳng bàn phải |
Vùng 3: Nửa thân dưới trái (3) | Háng (mông, mấu chuyển) trái Đùi trái Cẳng bàn trái |
Vùng 4: Nửa thân dưới phải (3) | Háng (mông, mấu chuyển) phải Đùi phải Cẳng bàn phải |
Vùng 5: Vùng trục giữa (5) | Cổ Lưng trên Lưng dưới Ngực Bụng |
SSS, Thang độ nghiêm trọng của triệu chứng; WPI, chỉ số đau lan rộng.
Dữ liệu từ Wolfe F, Clauw D, Walitt B, et al. 2016. Tiêu chuẩn chẩn đoán đau xơ cơ Sửa đổi 2010/2011. Semin Arthritis Rheum. 2016;46:319–329.
Điều trị ban đầu bao gồm giáo dục bệnh nhân, tập thể dục nhẹ nhàng, tập thư giãn, và cân nhắc dùng thuốc. Nên áp dụng phương pháp tiếp cận từng bước, đa ngành, để quản lý chứng đau xơ cơ.
Điều trị thuốc đau xơ cơ là không cần thiết và nên được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ cho các phương pháp không dùng thuốc nhằm mục đích bình thường hóa giấc ngủ, giảm mệt mỏi và giảm đau.
Các thuốc đầu tay hiện tại bao gồm pregabalin, duloxetine, milnacipran và amitriptyline – tất cả đều chỉ mang lại lợi ích khiêm tốn. Số bệnh nhân cần điều trị để đạt được giảm đau ít nhất 50% (NNT) nằm trong khoảng từ 5 đến 10, Vì vậy, các liệu pháp kết hợp thường được sử dụng. Có thể đạt lợi ích nhiều hơn khi lựa chọn thuốc nhằm điều trị các tình trạng bệnh kèm theo cụ thể. Ví dụ, duloxetine được ưu tiên dùng cho bệnh nhân trầm cảm kèm theo, pregabalin hoặc amitriptyline đối với chứng rối loạn giấc ngủ kèm theo và pregabalin hoặc duloxetine đối với chứng lo âu kèm theo.
Nên bắt đầu dùng thuốc ở liều thấp với liều lượng tăng dần dựa trên khả năng dung nạp. Liều khởi đầu được khuyến nghị và liều khuyến cáo cao nhất để điều trị đau xơ cơ như sau:
Liều cao hơn có thể được khuyến cáo để điều trị các tình trạng bệnh kèm theo.
Các lựa chọn điều trị hàng thứ hai bao gồm gabapentin, cyclobenzaprine, chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (ví dụ, fluoxetine, paroxetine) và tramadol, đơn độc hoặc với acetaminophen. Tramadol có thể được xem xét ở những người mắc bệnh khớp kèm theo hoặc thoái hoá khớp tiến triển. Việc sử dụng các loại thuốc khác, chẳng hạn như naltrexone liều thấp, cannabinoids và quetiapine, vẫn được xem là thử nghiệm.
Nói chung, thuốc có thể giúp giảm đau ít nhất 30% ở một nửa số bệnh nhân và giảm đau ít nhất 50% ở một phần ba số bệnh nhân, mặc dù bản thân việc giảm đau không nhất thiết phải tương ứng với việc cải thiện chức năng hoặc tình trạng sức khỏe mà bệnh nhân cảm nhận.
Không khuyến cáo sử dụng kéo dài thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và opioid để điều trị đau xơ cơ. Sử dụng NSAID kéo dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ về tim mạch và đường tiêu hóa, và sử dụng opioid kéo dài có thể dẫn đến chứng tăng đau do opioid và các tác dụng có hại khác. Lý tưởng thì đau xơ cơ được xử trí với ít hoặc không dùng thuốc, vì thuốc chỉ có hiệu quả khiêm tốn và nhiều tác dụng phụ.
Các chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể hữu ích trong giai đoạn phục hồi chức năng để giáo dục bệnh nhân trong một chương trình giảm căng thẳng về tinh thần và thể chất, có thể bao gồm CBT, thư giãn và phản hồi sinh học.
XEM VIDEO:
ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019
Bài viết trình bày tổng quan về Phương Pháp Phân Tích Hành Vi Ứng Dụng…
Bài viết trình bày các thay đổi sinh lý của mảnh ghép sau phẫu thuật,…
Thành tựu này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân bị liệt…
Bài viết này trình bày tổng quan về giải phẫu các động mạch não và…
Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về EBM, các nguyên tắc cơ…