Âm nhạc khơi dậy ngọn lửa trong tim người đàn ông và mang giọt lệ đến đôi mắt của người đàn bà.
– V. Beethoven
Hãy nhớ lại khi bạn đi xem một trận đấu bóng đá. Mặc dù trên khán đài đầy ắp người xem, có lẽ bạn vẫn không cảm thấy đông đúc chật chội và đôi khi mong muốn có được nhiều người cùng xem hơn để chia sẻ niềm vui khi quả bóng lăn. Tuy nhiên cũng có lúc, như khi bạn ngồi cạnh cô bạn gái bên bờ sông thơ mộng để tâm sự chẳng hạn, sự có mặt của một vài người lạ làm bạn cảm thấy khó chịu, bị “lộ”, và muốn rời đi để tìm một địa điểm nào đó kín đáo, ít đông đúc hơn.
Rõ ràng là đông đúc (hay đúng hơn là cảm giác đông đúc) không chỉ liên quan đến số lượng người trong một đơn vị không gian nào đó (gọi là mật độ người), và các nhà nghiên cứu thường định nghĩa đông đúc là một trạng thái tâm lý khó chịu chủ quan liên quan đến những phản ứng của một cá nhân với mật độ người trong môi trường.
Như vậy, chỉ riêng mật độ người cao không nhất thiết dẫn đến cảm giác đông đúc. Nói đúng hơn, những yếu tố của tình huống, như là thời gian ở trong hoàn cảnh, sự hiện diện của những yếu tố gây căng thẳng (stressor) khác, hay bản chất của mối liên hệ giữa cá nhân với những người khác, … đã khiến cho ta cảm thấy một mật độ người nào đó là đông đúc hay là không.
Đông đúc không chỉ đưa đến cảm giác khó chịu. Trong một số trường hợp, nó có thể cực kỳ có hại, thậm chí là vấn đề sống chết. Chẳng hạn một nghiên cứu ở một trại tâm thần cho thấy tỷ lệ chết của các bệnh nhân liên hệ chặt chẽ với mật độ. Khi số bệnh nhân gia tăng, thì tỷ lệ chết cho mỗi người gia tăng và ngược lại (Cox, Paulus, McCain, 1984). Một nghiên cứu khác thấy rằng những sinh viên sống ở các ký túc xá đông đúc đi khám bệnh thường xuyên hơn những sinh viên ở trong các ký túc xá mật độ người thấp (Baron, Mandel, Adams, Griffen, 1976).
Ngoài ra, đông đúc cũng có thể kèm theo những hậu quả không tốt khác. Chẳng hạn, nó làm giảm hành vi giúp đỡ, làm tăng tính gây gỗ (Holahan, 1986).
Một điều rõ ràng là mật độ người và đông đúc không phải là những yếu tố duy nhất của môi trường có những ảnh hưởng lớn đến hành vi của con người. Một trong những yếu tố khác có thể kể đến là mức độ tiếng ồn.
Lấy ví dụ, trong một nghiên cứu ở một trường học thành phố New York – một ngôi trường nằm ngay cạnh một tuyến đường sắt cao tốc với những chuyến tàu chạy ngang cứ mỗi năm phút. Khi một con tàu chạy ngang, các học sinh không thể nghe được tiếng thầy giáo trừ khi người thầy nói thật to. Kết quả cho thấy rằng ảnh hưởng của mức độ tiếng ồn cao có chu kỳ như thế thật là sâu sắc. Những học sinh ở các phòng học gần đường xe sắt nhất có điểm tập đọc thấp hơn nhiều so với những học sinh ở các lớp phía bên kia của tòa nhà, nơi mà mức độ tiếng ồn tương đối thấp hơn (Bronzaft, McCarthy, 1975).
Những phát hiện như vậy minh họa rõ ràng bản chất gây hại của mức độ tiếng ồn cao. Nhưng không những tiếng động lớn mới có những hiệu quả xấu, và có thể hiểu rõ điều này nếu như bạn đã từng trải qua một đêm không ngủ do bị nghe tiếng nhỏ giọt rỉ ra từ một vòi nước. Tiếng ồn cường độ thấp có thể gây kích thích quá mức về tâm lý và khó chịu, đặc biệt là ở những người hướng nội hoặc những người nhạy cảm, bất ổn tâm lý nhẹ.
Nói chung, tính có thể đoán trước, thời gian kéo dài, những giao động, và mức độ âm thanh của tiếng ồn, cùng với thái độ của người nghe với nguồn gây ồn, hoạt động của người nghe và thời gian trong ngày mà tiếng ồn xảy ra, tất cả đều ảnh hưởng đến tác động của tiếng ồn lên người nghe (Kryter, 1985).
Không phải mọi loại âm thanh đều có ảnh hưởng không tốt đến hành vi của con người. Tiếng nước chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo, giọng nói ngọt ngào, tiếng chuông chùa … có những hiệu quả rất có ích đến con người chúng ta. Một trong những dạng âm thanh có ích là âm nhạc.
Một số câu chuyện trong truyền thuyết và lịch sử:
Một điều không thể chối cãi là âm nhạc có thể làm cho đám đông trở nên cuồng nhiệt, và có nhiều ví dụ lịch sử cho thấy một bài hát cách mạng đã thổi bùng tinh thần của quần chúng và đưa đến thắng lợi. Các nhà tâm lý học cho rằng nhạc viết cho piano của Chopin và Rachmaninoff rất ích lợi với những người thần kinh không ổn định, trong khi nhạc của Stravinsky và Schoenberg làm đảo lộn cân bằng về tâm lý. Một trong những loại nhạc làm thư giãn hiện nay được ưa chuộng là nhạc thiền.
Âm nhạc cũng có tác dụng tốt đối với các trẻ em chậm phát triển tâm thần. Chơi loại nhạc nhảy, đặc biệt là loại nhạc theo nhịp đôi (tương ứng với sự thay đổi luân phiên của bước chân, hít vào và thở ra, tim co và tim dãn), có thể có tác dụng làm êm dịu với những người có thần kinh không bình thường. Nhịp độ tốt nhất là 80 nhịp một phút, tương ứng với nhịp tim bình thường.
Liệu pháp âm nhạc hiện nay bao gồm nhiều kỹ thuật phù hợp với mục đích và đối tượng khác nhau, có thể là một quá trình chủ động – sáng tạo (người tham gia chơi nhạc, sáng tác nhạc, đoán nhạc, hát … ) hoặc thụ động – cảm nhận (lắng nghe hoặc đáp ứng với âm nhạc). Việc sử dụng và lợi ích của Liệu pháp âm nhạc cũng đã được các nhà khoa học nghiên cứu trong nhiều thập kỷ. Các phát hiện chính từ các nghiên cứu lâm sàng cho thấy âm nhạc trị liệu có thể có ích cho những người bị trầm cảm, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, suy giảm trí nhớ, đau và ngay cả người bị ung thư.
giải phẫu chức năng dây thần kinh giữa và liên hệ lâm sàng
Bài viết ngắn gọn về gaiir phẫu dây thần kinh trụ ở chi trên và…
Bài viết mô tả giải phẫu chức năng vùng chẩm và các đường liên hệ
Bài viết này nhằm mục đích cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy…