Để bổ sung cho bài LOÉT ÉP: LƯỢNG GIÁ, PHÒNG NGỪA VÀ XỬ TRÍ
Khi bị thương, cơ thể chúng ta sẽ diễn ra một chuỗi các sự kiện để đảm bảo rằng vết thương sẽ lành.
Lành vết thương một quá trình diễn ra liên tục với các giai đoạn đan xen lẫn nhau và không hoàn toàn tách biệt. Số ngày của mỗi giai đoạn sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố như tuổi tác, kích thước vết thương, bệnh kèm, chấn thương tiếp tục, dinh dưỡng, lưu lượng máu, thuốc, stress và nhiễm trùng. Quá trình sửa chữa giống nhau đối với tất cả các vết thương nhưng trình tự sẽ nhanh hơn nhiều ở những vết thương nông hơn và ít mất mô hơn.
XEM VIDEO PHCN ONLINE:
Vai trò của oxy để duy trì sự sống là rõ ràng, không chỉ ở cấp độ hệ thống, mà còn ở cấp độ tế bào của sinh lý con người. Ôxy đến giường vết thương thông qua lưu lượng máu đến khu vực này (sự tưới máu). Chỉ riêng việc cải thiện nồng độ oxy trong mô vết thương có thể kích hoạt quá trình lành vết thương. Lượng oxy thích đầy đủ cũng sẽ gia tăng tính hiệu quả của các yếu tố tăng trưởng và một loạt các tế bào khác cần oxy để duy trì chức năng của chúng. Các quá trình co lại của vết thương, lắng đọng collagen, hình thành mạch máu và tổ chức hạt là những ví dụ về các bước lành vết thương được tạo thuận bởi sự tưới máu.
Giảm khả năng cung cấp oxy hoặc tưới máu vết thương dẫn đến tăng khả năng nhiễm trùng. Việc tưới máu vết thương có thể bị hạn chế vì nhiều lý do nhưng hai vấn đề phổ biến nhất là phù nề và hoại tử. Vì băng ép có thể làm giảm phù nề và lấy bỏ mô hoại tử có thể làm giảm mô hoại tử, những can thiệp này là những thành phần quan trọng của hầu hết các chăm sóc vết thương. Trừ khi bị chống chỉ định do bệnh lý động mạch, băng ép và lấy mô hoại tử sẽ hỗ trợ quá trình oxy hóa vết thương.
Co mạch ngoại vi cũng có thể hạn chế tưới máu vết thương. Các biện pháp can thiệp giúp tăng tưới máu vết thương bao gồm giữ ấm vùng vết thương, tránh hút thuốc, bồi phụ dịch, và kiểm soát đau và lo lắng.
Trước đây, mục tiêu của chăm sóc vết thương là tạo ra và duy trì một vết thương khô, được băng lại với băng gạc khô, làm khô bằng chiếu đèn hoặc để khô qua tiếp xúc với không khí. Điều trị vết thương hiện đại dựa trên khái niệm tạo ra và duy trì một môi trường vết thương ẩm để tạo điều kiện lành vết thương. Các nghiên cứu khẳng định rằng vết thương khô tạo ra một môi trường có hại cho lành vết thương. Vết thương khô tạo vảy và màng vết thương, ngăn cản sự di chuyển của tế bào biểu mô, cung cấp thức ăn tạo cho các mầm bệnh và ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến vết thương. Vết thương khô cũng làm giảm nhiệt độ bề mặt vết thương, làm cho quá trình lành vết thương bị chậm lại. Việc dính gạc hoặc các loại băng khô khác vào giường vết thương sẽ gây chấn thương giường vết thương và gây đau khi lấy bỏ. Khi vết thương khô đi qua bay hơi nước hoặc bằng cách tháo băng khô, các chất lỏng nội sinh có chứa các yếu tố cần thiết cho việc lành vết thương bị giảm hoặc mất đi đáng kể.
Các chuyên gia chăm sóc điều trị vết thương đều đồng ý rằng làm ẩm đầy đủ cho vết thương là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất để lành vết thương tối ưu. Vết thương thường được băng lại bằng băng kín hoặc nửa kín, còn được gọi là băng giữ ẩm vì giữ lại chất dịch trên giường vết thương. Có nhiều loại băng và kiểu băng nhằm tạo điều kiện cho môi trường ẩm này. Giữ vết thương ẩm bằng băng kín sẽ giữ một lượng chất dịch nội sinh thích hợp trên vết thương, bảo tồn các tế bào cần thiết cho quá trình lành và giữ cho chúng tiếp xúc với giường vết thương. Độ ẩm làm mềm vảy vết thương và eschar; trong những điều kiện thích hợp, các enzym của cơ thể sẽ phân giải eschar. Băng kín vết thương giúp duy trì nhiệt độ bề mặt vết thương thích hợp, bảo vệ bề mặt vết thương khỏi chấn thương cũng như các vi khuẩn và các chất gây ô nhiễm khác.
Các nguyên tắc cơ bản của việc lành vết thương ẩm bao gồm che vết thương bằng một lớp màng chắn (băng kín) để giữ ẩm vết thương; hạn chế sự mất dịch từ bề mặt vết thương khi đang băng; cho phép trao đổi khí; duy trì tính toàn vẹn của mô quanh vết thương; kiểm soát dịch tiết quá mức; và thay băng khi dịch tiết bắt đầu rỉ ra từ các mép của băng.
Với các vết thương nhiễm trùng: Nếu sử dụng kháng sinh toàn thân và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu thay đổi triệu chứng của bệnh nhân, có thể sử dụng băng kín hoặc băng giữ ẩm đối với một số loại vết thương bị nhiễm trùng. Nếu kết quả thuận lợi có thể tiếp tục kỹ thuật băng này.
Một số dịch vết thương mạn tính có thể chứa các chất có thể làm chậm quá trình lành nên phải duy trì sự cân bằng giữa độ ẩm và lấy bỏ dịch tiết.
Tình trạng dinh dưỡng có thể có tác động đáng kể đến việc lành vết thương. Bổ sung đủ lượng protein cần thiết để tổng hợp collagen, cũng như sự hình thành các mạch máu và mô mới. Các chất dinh dưỡng cần có để vết thương liền lại và lành lại bao gồm sắt, vitamin B12 và axit folic (cần thiết để các tế bào hồng cầu có thể cung cấp oxy đến các mô), vitamin C và kẽm (cần thiết cho việc sửa chữa mô), vitamin A (cần thiết để kích thích liên kết chéo collagen), và arginine (tăng cường làm lành và chức năng miễn dịch) .
Một số đối tượng đặc biệt cần chú ý về dinh dưỡng là trẻ em, người cao tuổi với da mỏng mạnh và hệ miễn dịch chưa đầy đủ hoặc bị suy giảm và những bệnh nhân có bệnh nền mạn tính.
Lành vết thương thì đầu xảy ra khi nhân viên y tế đóng vết thương bằng cách kéo các mép vết thương lại sát với nhau, thông qua việc sử dụng chỉ khâu, kim ghim, keo dán, ghép da hoặc vạt da. Các vết thương được đóng lại bởi chủ ý ban đầu vẫn trải qua các giai đoạn lành vết thương nhưng thường trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Một vết thương đã được đóng lại do chủ ý ban đầu, sau đó lại hở ra do bị rách hoặc nhiễm trùng được gọi là tách vết thương (dehiscence) (Hình). Sau khi vết thương bị tách ra, vết thương đó hầu như luôn luôn được để hở đóng lại thì hai.
Việc đóng vết thương thì hai xảy ra khi vết thương để hở tự lành. Các cơ chế làm lành thì hai là co vết thương, tái biểu mô hóa, hoặc kết hợp cả hai. Các vết thương sâu hơn sẽ lành bằng cách thay thế mô bị tổn thương bằng mô sẹo khi collagen lấp đầy giường vết thương.
Co vết thương (Contraction) xảy ra khi các yếu tố tăng trưởng kích hoạt nguyên bào sợi kéo các mép vết thương hướng vào trong. Quá trình này không hình thành mô mới. (Mô mới có thể được hình thành đồng thời trong vết thương nhưng không thông qua sự co vết thương này.) Các yếu tố tăng trưởng và nguyên bào sợi có thể bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực bởi các yếu tố sinh lý như lượng oxy và chất dinh dưỡng có sẵn, và bởi các yếu tố cơ học như lực đè ép bên ngoài và hình dạng của vết thương. Mặc dù sự co vết thương là điều bình thường xảy ra ở một số loại lành vết thương, nhưng nếu quá nhanh, nó có thể gây ra sẹo biến dạng (ảnh hưởng đến thẩm mỹ) và suy giảm chức năng của mô.
Biểu mô hoá (Epithelialization) là một phản ứng khác được cơ thể sử dụng để đóng vết thương. Các chất trung gian hóa học gửi tín hiệu để tái biểu mô hóa bắt đầu trong giai đoạn I (giai đoạn viêm). Quá trình sửa chữa thực sự bắt đầu trong giai đoạn II khi mô mới được hình thành để che phủ vết thương. Các yếu tố tăng trưởng kích thích các tế bào biểu mô biệt hoá, là tế bào sừng (keratinocyte), di chuyển từ các mép của vết thương về phía trung tâm. Ở những vết thương một phần da với các phần phụ của da chưa bị phá hủy, các tế bào cũng sẽ di chuyển từ nang lông, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Ở những vết thương nhỏ hơn, nông hơn, quá trình này có thể được kích hoạt rất sớm (ngay từ 12 giờ sau khi bị thương). Ở những vết thương lớn hơn, có thể mất 10 ngày hoặc lâu hơn trước khi các tế bào bắt đầu di chuyển. Trong một vết thương mạn tính, có nhiều lý do khiến quá trình này không được kích hoạt hoặc bị gián đoạn.
Khi các tế bào biểu mô gặp nhau ở trung tâm vết thương, vết thương được bao phủ bởi lớp da mới, quá trình di chuyển kết thúc và các tế bào sẽ ngừng phân chia qua một cơ chế được gọi là ức chế tiếp xúc (contact inhibition). Tại thời điểm ức chế tiếp xúc hoặc tái biểu mô hoàn toàn, vết thương đã đóng miệng. Tuy nhiên, quá trình lành vết thương vẫn có thể tiếp tục trong một vài năm.
Các yếu tố tiên lượng đóng vết thương nhanh:
Khi vết thương sâu hơn lành lại, vết thương sẽ được lấp đầu với mô nhưng quá trình sửa chữa không thay thế cơ, mỡ hoặc lớp bì đã bị mất bằng những loại mô ban đầu. Vết thương sẽ được lấp đầy bằng mô sẹo được tạo thành chủ yếu từ collagen. Do vậy, vết thương dù đã lành cũng không hồi phục trạng thái chức năng như trước.
Còn được gọi là thì đầu trì hoãn, kiểu đóng miệng vết thương này xảy ra khi vết thương được để lành thì hai và sau đó được đóng lại theo như thì đầu như là phương pháp điều trị cuối cùng. Sự chậm trễ trong quá trình đóng vết thương thì đầu thường là do nhiễm trùng.
Nhiễm trùng vết thương là một vấn đề nghiêm trọng đối với bất kỳ bệnh nhân nào. Nhiễm trùng làm chậm quá trình đóng và lành vết thương. Tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng và có thể đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nặng,
Khi tiến trình dẫn đến việc đóng và lành vết thương bình thường không xảy ra, thì sẽ dẫn đến một vết thương mạn tính. Các đặc điểm và nguyên nhân của các vết thương mạn tính khác nhau do bản chất đa dạng của bệnh nhân có vết thương, tiền sử bệnh và nguyên nhân của vết thương. Ngay cả khi vết thương mạn tính chuyển qua các giai đoạn lành vết thương thông thường, nó vẫn diễn ra theo cách bất thường. Các hoạt động và phản ứng quan trọng cần thiết để lành vết thương bị gián đoạn, giảm sút hoặc không xuất hiện ở vết thương mạn tính.
Các yếu tố hoặc tác nhân có thể góp phần vào việc lành vết thương bất thường rất đa dạng. Cần xác định đầy đủ các yếu tố này để thực hiện can thiệp phù hợp, kịp thời.
Các yếu tố nội tại hoặc bên trong cơ thể là những tình trạng bên trong cơ thể có thể góp phần vào lành vết thương bất thường. Những yếu tố này chủ yếu liên quan đến vết thương và vùng quanh vết thương, bao gồm da lão hóa (người cao tuổi) và lưu lượng máu không đủ hoặc cung cấp oxy giảm do bệnh lý. Những bệnh lý nền thường gặp ảnh hưởng đến lành vết thương là bệnh đái đường, ung thư, suy tuần hoàn, nhiễm HIV và các bệnh mô liên kết.
Các yếu tố bên ngoài hoặc môi trường là những ảnh hưởng đến từ bên ngoài cơ thể. Ví dụ về các yếu tố bên ngoài bao gồm tác động của xạ trị hoặc hóa trị liệu; không kiểm soát tiểu; các loại thuốc, hút thuốc lá, thuốc kích thích và bia rượu (làm chậm hoặc ngăn cản các phản ứng tế bào cần thiết để làm lành vết thương); mất nước và suy dinh dưỡng (làm giảm quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô vết thương); nhiễm trùng, vấy bẩn vết thương (lành chậm lành do mầm bệnh, mô hoại tử); và stress (giảm khả năng làm lành).
Về mặt lý thuyết, những yếu tố này có thể phòng ngừa được. Một số yếu tố có thể kể ra là điều trị vết thương kém, thường xuyên làm gián đoạn lành vết thương do làm sạch không thích hợp, sử dụng băng và kỹ thuật băng không phù hợp, sử dụng các chất bôi ngoài da gây độc tế bào dẫn đến hoạt động tế bào kém hiệu quả và thiếu độ ẩm dẫn đến chậm hoặc không có sự di chuyển của tế bào sừng…
Việc thay băng thường xuyên không chỉ làm xáo trộn bề mặt mỏng manh của vết thương mà còn làm chậm quá trình lành vết thương do làm giảm nhiệt độ vết thương. Có thể mất hơn 30 phút để vết thương trở lại nhiệt độ bình thường sau khi thay băng.
Nhiễm trùng có thể là một yếu tố do nhân viên y tế gây ra (lây nhiễm chéo, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác không đúng cách, sử dụng không đầy đủ kỹ thuật sạch và vô trùng, không rửa tay đúng cách …).
Một yếu tố khác cũng thường gặp là gây chấn thương da do lực xé trong khi dịch chuyển và đặt tư thế người bệnh, thiếu máu cục bộ do không giảm lực đè ép đúng mức (không thay đổi tư thế thường xuyên, hoặc không có dụng cụ giảm áp lực phù hợp…)
Một vết thương mạn tính tạo ra một vấn đề sức khỏe phức tạp và nghiêm trọng cho một cá nhân. Vết thương mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm các khiếm khuyết chức năng và cấu trúc cơ thể, hạn chế hoạt động và tham gia, cần trợ giúp hoặc chăm sóc tại nhà, giảm chất lượng cuộc sống, trầm cảm, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và giảm cân, cạn kiệt protein, xơ hóa mô, mất chi và tử vong.
LƯỢC DỊCH TỪ: Physical rehabilitation. Susan B. O’Sullivan, Thomas J. Schmitz, George Fulk. Seventh edition. Philadelphia: F.A. Davis Company, [2019]
Thành tựu này đặc biệt có ý nghĩa đối với những bệnh nhân bị liệt…
Bài viết này trình bày tổng quan về giải phẫu các động mạch não và…
Bài viết này cung cấp cái nhìn tổng quan về EBM, các nguyên tắc cơ…
Bài viết trình bày kỹ thuật sóng xung kích ngoài cơ thể trong điều trị…
Dưới đây là bản điểm tin y học tháng 3/2025, tập trung vào các lĩnh…
Bài viết hướng dẫn tự xoa bóp để giảm phù bạch mạch sau phẫu thuật…