LÀNH VẾT THƯƠNG BÌNH THƯỜNG VÀ BẤT THƯỜNG

Cập nhật lần cuối vào 18/08/2023

Để bổ sung cho bài LOÉT ÉP: LƯỢNG GIÁ, PHÒNG NGỪA VÀ XỬ TRÍ

Mục lục

Lành vết thương bình thường

Khi bị thương, cơ thể chúng ta sẽ diễn ra một chuỗi các sự kiện để đảm bảo rằng vết thương sẽ lành. 

Các giai đoạn lành vết thương

Lành vết thương một quá trình diễn ra liên tục với các giai đoạn đan xen lẫn nhau và không hoàn toàn tách biệt. Số ngày của mỗi giai đoạn sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố như tuổi tác, kích thước vết thương, bệnh kèm, chấn thương tiếp tục, dinh dưỡng, lưu lượng máu, thuốc, stress và nhiễm trùng. Quá trình sửa chữa giống nhau đối với tất cả các vết thương nhưng trình tự sẽ nhanh hơn nhiều ở những vết thương nông hơn và ít mất mô hơn. 

Giai đoạn I: Viêm (Inflammation)

  • Là phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch đối với chấn thương. Có thể chia nhỏ làm hai giai đoạn là cầm máu và viêm.
    • Bắt đầu bởi co mạch trong thời gian ngắn, hình thành cục máu đông (các yếu tố đông máu, các tiểu cầu).
    • Hoại tử xảy ra sau khi các tế bào bị tổn thương hoặc bị phá hủy.
    • Sự lan truyền của mầm bệnh bị chậm lại: các mảnh vụn và vi khuẩn bị tấn công bởi các tế bào. Nếu vết thương cấp tính, có thể bị phù nề, đỏ da quanh vết thương và xuất tiết. Chất lỏng có thể tụ lại tại vị trí chấn thương (mủ).
    • Tiếp theo là tăng lưu lượng máu đem oxy đến để giữ cho các thực bào sống và hoạt động.
  • Khung thời gian: từ ngày 0 đến khoảng ngày thứ 10.
  • Tốc độ quá trình viêm bị ảnh hưởng bởi kích thước vết thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng sẵn có và môi trường bên ngoài.

Giai đoạn II: Tăng sinh (Proliferation)

  • Mô mới lấp đầy vết thương thay thế chất nền fibrin tạm thời bằng chất nền mới gồm các sợi collagen, proteoglycan, và fibronectin để phục hồi cấu trúc và chức năng mô.
    • Tính toàn vẹn của da được phục hồi bằng cách tái biểu mô hóa và / hoặc co vết thương lại 
    • Sự tân sinh mạch máu: sự hình thành mạch máu mới từ các tế bào nội mô và các chồi mao mạch mỏng manh mọc vào giường vết thương; mô mới hơi đỏ, hơi gồ ghề được gọi là mô hạt.
    • Tế bào biểu mô biệt hóa thành collagen loại I. Quá trình tổng hợp collagen xảy ra tuy nhiên mô sẹo mới còn yếu và cần phải được bảo vệ; chấn thương trong giai đoạn này có thể khiến vết thương trở lại quá trình viêm.
  • Khung thời gian: ngày thứ 3 của vết thương đến khoảng ngày thứ 20.
  • Tốc độ tăng sinh bị ảnh hưởng bởi kích thước vết thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng sẵn có và môi trường bên ngoài.

Giai đoạn III: Trưởng thành / Tái tổ chức (Maturation/Remodeling)

  • Quá trình trưởng thành hoặc tái tổ chức mô mới bắt đầu trong khi mô hạt đang hình thành trong giai đoạn trước (tăng sinh), trong đó mô hạt sẽ chuyển dần thành mô sẹo và sức mạnh chống lực kéo căng gia tăng.
    • Tế bào biểu mô tiếp tục biệt hóa. Collagen type III dần dần thay thế collagen type I.
    • Da mới có sức mạnh chống lực kéo căng chỉ bằng 15% so với bình thường. Mô sẹo được tái tổ chức lại nhưng sức mạnh chống với lực kéo căng tối đa chỉ đạt 80% mức bình thường.
    • Mô hạt bên dưới được thay thế bằng mô ít mạch máu hơn.
    • Trong các vết thương sâu, các phần phụ của da (nang lông, tuyến bã nhờn và  mồ hôi, dây thần kinh) hiếm khi được sửa chữa mà được thay thế bởi các mô xơ.
    • Dần dần, mô sẹo trưởng thành, chuyển từ màu đỏ sang màu hồng rồi sang màu trắng và từ nổi cao và cứng sang phẳng và mềm.
  • Khung thời gian: khoảng ngày thứ 9 của chấn thương lên đến 2 năm.
  • Tốc độ trưởng thành / tái tổ chức bị ảnh hưởng bởi kích thước của vết thương, nguồn cung cấp máu, chất dinh dưỡng có sẵn và môi trường bên ngoài.
Hình: 3 giai đoạn của lành vết thương
Hình: 3 giai đoạn của lành vết thương
XEM VIDEO PHCN ONLINE:

Vai trò của oxy trong lành vết thương

Vai trò của oxy để duy trì sự sống là rõ ràng, không chỉ ở cấp độ hệ thống, mà còn ở cấp độ tế bào của sinh lý con người. Ôxy đến giường vết thương thông qua lưu lượng máu đến khu vực này (sự tưới máu). Chỉ riêng việc cải thiện nồng độ oxy trong mô vết thương có thể kích hoạt quá trình lành vết thương. Lượng oxy thích đầy đủ cũng sẽ gia tăng tính hiệu quả của các yếu tố tăng trưởng và một loạt các tế bào khác cần oxy để duy trì chức năng của chúng. Các quá trình co lại của vết thương, lắng đọng collagen, hình thành mạch máu và tổ chức hạt là những ví dụ về các bước lành vết thương được tạo thuận bởi sự tưới máu. 

Giảm khả năng cung cấp oxy hoặc tưới máu vết thương dẫn đến tăng khả năng nhiễm trùng. Việc tưới máu vết thương có thể bị hạn chế vì nhiều lý do nhưng hai vấn đề phổ biến nhất là phù nề và hoại tử. Vì băng ép có thể làm giảm phù nề và lấy bỏ mô hoại tử có thể làm giảm mô hoại tử, những can thiệp này là những thành phần quan trọng của hầu hết các chăm sóc vết thương. Trừ khi bị chống chỉ định do bệnh lý động mạch, băng ép và lấy mô hoại tử sẽ hỗ trợ quá trình oxy hóa vết thương. 

Co mạch ngoại vi cũng có thể hạn chế tưới máu vết thương. Các biện pháp can thiệp giúp tăng tưới máu vết thương bao gồm giữ ấm vùng vết thương, tránh hút thuốc, bồi phụ dịch, và kiểm soát đau và lo lắng. 

Vai trò của độ ẩm trong việc lành vết thương

Trước đây, mục tiêu của chăm sóc vết thương là tạo ra và duy trì một vết thương khô, được băng lại với băng gạc khô, làm khô bằng chiếu đèn hoặc để khô qua tiếp xúc với không khí. Điều trị vết thương hiện đại dựa trên khái niệm tạo ra và duy trì một môi trường vết thương ẩm để tạo điều kiện lành vết thương. Các nghiên cứu khẳng định rằng vết thương khô tạo ra một môi trường có hại cho lành vết thương. Vết thương khô tạo vảy và màng vết thương, ngăn cản sự di chuyển của tế bào biểu mô, cung cấp thức ăn tạo cho các mầm bệnh và ảnh hưởng đến lưu lượng máu đến vết thương. Vết thương khô cũng làm giảm nhiệt độ bề mặt vết thương, làm cho quá trình lành vết thương bị chậm lại. Việc dính gạc hoặc các loại băng khô khác vào giường vết thương sẽ gây chấn thương giường vết thương và gây đau khi lấy bỏ. Khi vết thương khô đi qua bay hơi nước hoặc bằng cách tháo băng khô, các chất lỏng nội sinh có chứa các yếu tố cần thiết cho việc lành vết thương bị giảm hoặc mất đi đáng kể.

Các chuyên gia chăm sóc điều trị vết thương đều đồng ý rằng làm ẩm đầy đủ cho vết thương là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất để lành vết thương tối ưu. Vết thương thường được băng lại bằng băng kín hoặc nửa kín, còn được gọi là băng giữ ẩm vì giữ lại chất dịch trên giường vết thương. Có nhiều loại băng và kiểu băng nhằm tạo điều kiện cho môi trường ẩm này. Giữ vết thương ẩm bằng băng kín sẽ giữ một lượng chất dịch nội sinh thích hợp trên vết thương, bảo tồn các tế bào cần thiết cho quá trình lành và giữ cho chúng tiếp xúc với giường vết thương. Độ ẩm làm mềm vảy vết thương và eschar; trong những điều kiện thích hợp, các enzym của cơ thể sẽ phân giải eschar. Băng kín vết thương giúp duy trì nhiệt độ bề mặt vết thương thích hợp, bảo vệ bề mặt vết thương khỏi chấn thương cũng như các vi khuẩn và các chất gây ô nhiễm khác.

Các nguyên tắc cơ bản của việc lành vết thương ẩm bao gồm che vết thương bằng một lớp màng chắn (băng kín) để giữ ẩm vết thương; hạn chế sự mất dịch từ bề mặt vết thương khi đang băng; cho phép trao đổi khí; duy trì tính toàn vẹn của mô quanh vết thương; kiểm soát dịch tiết quá mức; và thay băng khi dịch tiết bắt đầu rỉ ra từ các mép của băng.

Với các vết thương nhiễm trùng: Nếu sử dụng kháng sinh toàn thân và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu thay đổi triệu chứng của bệnh nhân, có thể sử dụng băng kín hoặc băng giữ ẩm đối với một số loại vết thương bị nhiễm trùng. Nếu kết quả thuận lợi có thể tiếp tục kỹ thuật băng này.

Một số dịch vết thương mạn tính có thể chứa các chất có thể làm chậm quá trình lành nên phải duy trì sự cân bằng giữa độ ẩm và lấy bỏ dịch tiết. 

Vai trò của dinh dưỡng trong việc lành vết thương

Tình trạng dinh dưỡng có thể có tác động đáng kể đến việc lành vết thương. Bổ sung đủ lượng protein cần thiết để tổng hợp collagen, cũng như sự hình thành các mạch máu và mô mới. Các chất dinh dưỡng cần có để vết thương liền lại và lành lại bao gồm sắt, vitamin B12 và axit folic (cần thiết để các tế bào hồng cầu có thể cung cấp oxy đến các mô), vitamin C và kẽm (cần thiết cho việc sửa chữa mô), vitamin A (cần thiết để kích thích liên kết chéo collagen), và arginine (tăng cường làm lành và chức năng miễn dịch) .

Một số đối tượng đặc biệt cần chú ý về dinh dưỡng là trẻ em, người cao tuổi với da mỏng mạnh và hệ miễn dịch chưa đầy đủ hoặc bị suy giảm và những bệnh nhân có bệnh nền mạn tính.

Đóng vết thương (Wound Closure)

Thì đầu (Primary Intention, ý định ban đầu) 

Lành vết thương thì đầu xảy ra khi nhân viên y tế đóng vết thương bằng cách kéo các mép vết thương lại sát với nhau, thông qua việc sử dụng chỉ khâu, kim ghim, keo dán, ghép da hoặc vạt da. Các vết thương được đóng lại bởi chủ ý ban đầu vẫn trải qua các giai đoạn lành vết thương nhưng thường trong một khoảng thời gian ngắn hơn. Một vết thương đã được đóng lại do chủ ý ban đầu, sau đó lại hở ra do bị rách hoặc nhiễm trùng được gọi là tách vết thương (dehiscence) (Hình). Sau khi vết thương bị tách ra, vết thương đó hầu như luôn luôn được để hở đóng lại thì hai.

Hình Vết thương bị tách hở ra (dehiscence) sau khi cắt ruột thừa.
Hình Vết thương bị tách hở ra (dehiscence) sau khi cắt ruột thừa.

Lành thì hai (Secondary Intention, ý định thứ cấp)

Việc đóng vết thương thì hai xảy ra khi vết thương để hở tự lành. Các cơ chế làm lành thì hai là co vết thương, tái biểu mô hóa, hoặc kết hợp cả hai. Các vết thương sâu hơn sẽ lành bằng cách thay thế mô bị tổn thương bằng mô sẹo khi collagen lấp đầy giường vết thương.

Co vết thương (Contraction) xảy ra khi các yếu tố tăng trưởng kích hoạt nguyên bào sợi kéo các mép vết thương hướng vào trong. Quá trình này không hình thành mô mới. (Mô mới có thể được hình thành đồng thời trong vết thương nhưng không thông qua sự co vết thương này.) Các yếu tố tăng trưởng và nguyên bào sợi có thể bị ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực bởi các yếu tố sinh lý như lượng oxy và chất dinh dưỡng có sẵn, và bởi các yếu tố cơ học như lực đè ép bên ngoài và hình dạng của vết thương. Mặc dù sự co vết thương là điều bình thường xảy ra ở một số loại lành vết thương, nhưng nếu quá nhanh, nó có thể gây ra sẹo biến dạng (ảnh hưởng đến thẩm mỹ) và suy giảm chức năng của mô. 

Biểu mô hoá (Epithelialization) là một phản ứng khác được cơ thể sử dụng để đóng vết thương. Các chất trung gian hóa học gửi tín hiệu để tái biểu mô hóa bắt đầu trong giai đoạn I (giai đoạn viêm). Quá trình sửa chữa thực sự bắt đầu trong giai đoạn II khi mô mới được hình thành để che phủ vết thương. Các yếu tố tăng trưởng kích thích các tế bào biểu mô biệt hoá, là tế bào sừng (keratinocyte), di chuyển từ các mép của vết thương về phía trung tâm. Ở những vết thương một phần da với các phần phụ của da chưa bị phá hủy, các tế bào cũng sẽ di chuyển từ nang lông, tuyến bã nhờn và tuyến mồ hôi. Ở những vết thương nhỏ hơn, nông hơn, quá trình này có thể được kích hoạt rất sớm (ngay từ 12 giờ sau khi bị thương). Ở những vết thương lớn hơn, có thể mất 10 ngày hoặc lâu hơn trước khi các tế bào bắt đầu di chuyển. Trong một vết thương mạn tính, có nhiều lý do khiến quá trình này không được kích hoạt hoặc bị gián đoạn. 

Khi các tế bào biểu mô gặp nhau ở trung tâm vết thương, vết thương được bao phủ bởi lớp da mới, quá trình di chuyển kết thúc và các tế bào sẽ ngừng phân chia qua một cơ chế được gọi là ức chế tiếp xúc (contact inhibition). Tại thời điểm ức chế tiếp xúc hoặc tái biểu mô hoàn toàn, vết thương đã đóng miệng. Tuy nhiên, quá trình lành vết thương vẫn có thể tiếp tục trong một vài năm. 

Các yếu tố tiên lượng đóng vết thương nhanh:

  • Hình dạng vết thương: vết thương thẳng (phẫu thuật) co lại nhanh nhất; vết thương hình tròn (vết thương do đè ép) co lại chậm.
  • Độ sâu của vết thương: vết thương càng nông thì đóng càng nhanh đóng kín.
    • Vết thương bề mặt (mất lớp thượng bì): đóng lại bằng cách tái biểu mô hóa.
    • Vết thương độ dày một phần (mất lớp thượng bì và bì): đóng lại chủ yếu bằng cách tái biểu mô với sự co lại tối thiểu.
    • Vết thương toàn bộ độ dày (mất tất cả các lớp của thượng bì, bì và các cấu trúc sâu hơn): đóng lại bằng cách co vết thương và hình thành sẹo; tuy nhiên, các tế bào biểu mô sẽ di chuyển từ các mép vết thương để hỗ trợ quá trình đóng vết thương nếu môi trường ổn định.
  • Vị trí vết thương: vùng ít đè ép, tưới máu nhiều nhất (như vùng mặt) sẽ đóng lại nhanh hơn vùng chịu nhiều áp lực, ít tưới máu nhất (xương cùng, gót chân).
  • Nguyên nhân của vết thương: vết thương ít bị chấn thương (vết mổ) sẽ liền lại nhanh hơn so với vết thương bị chấn thương nhiều (chấn thương do đè ép, bỏng).

Khi vết thương sâu hơn lành lại, vết thương sẽ được lấp đầu với mô nhưng quá trình sửa chữa không thay thế cơ, mỡ hoặc lớp bì đã bị mất bằng những loại mô ban đầu. Vết thương sẽ được lấp đầy bằng mô sẹo được tạo thành chủ yếu từ collagen. Do vậy, vết thương dù đã lành cũng không hồi phục trạng thái chức năng như trước.

Lành vết thương thì ba (Tertiary Intention,Ý định thứ ba)

Còn được gọi là thì đầu trì hoãn, kiểu đóng miệng vết thương này xảy ra khi vết thương được để lành thì hai và sau đó được đóng lại theo như thì đầu như là phương pháp điều trị cuối cùng. Sự chậm trễ trong quá trình đóng vết thương thì đầu thường là do nhiễm trùng.

Hình: Các dạng đóng vết thương
Hình: Các dạng đóng vết thương

Nhiễm trùng trong lành vết thương

Nhiễm trùng vết thương là một vấn đề nghiêm trọng đối với bất kỳ bệnh nhân nào. Nhiễm trùng làm chậm quá trình đóng và lành vết thương. Tình trạng nhiễm trùng có thể lan rộng và có thể đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân lớn tuổi hoặc bệnh nặng,

Các ảnh hưởng của nhiễm trùng

  • Hoạt động tế bào kém hiệu quả, giảm chuyển hóa collagen, giảm hoặc không có các chất trung gian hóa học, các tế bào vắng mặt hoặc thiếu hướng dẫn từ các chất trung gian hóa học và sự hiện diện của các tế bào khác; quá trình biểu mô hóa chậm lại hoặc thậm chí không xảy ra.
  • Giảm oxy trong giường vết thương; không đủ oxy để hỗ trợ tái tạo mô và hỗ trợ phòng ngừa nhiễm trùng
  • Tốc độ hoại tử tế bào tăng
  • Nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm tủy xương, hoại thư

Các Dấu hiệu nhiễm trùng

  • Thay đổi dịch tiết của vết thương (số lượng, màu sắc, mùi)
  • Sưng nề vết thương
  • Nóng, đỏ quanh vết thương
  • Tăng cảm giác đau hoặc đau khi ấn
  • Thay đổi chất lượng của mô hạt hoặc không tạo được mô hạt chất lượng tốt (có thể nhợt nhạt , mềm, dễ vỡ)
  • Vết thương không thấy co lại trong vòng 2 đến 4 tuần (đo diện tích)
  • Nuôi cấy mô / kết quả sinh thiết bấm lỗ: lớn hơn 105 vi sinh vật / g mô
  • Sốt, buồn nôn, mệt mỏi, ăn không ngon miệng

Lành vết thương bất thường và vết thương mạn tính

Khi tiến trình dẫn đến việc đóng và lành vết thương bình thường không xảy ra, thì sẽ dẫn đến một vết thương mạn tính. Các đặc điểm và nguyên nhân của các vết thương mạn tính khác nhau do bản chất đa dạng của bệnh nhân có vết thương, tiền sử bệnh và nguyên nhân của vết thương. Ngay cả khi vết thương mạn tính chuyển qua các giai đoạn lành vết thương thông thường, nó vẫn diễn ra theo cách bất thường. Các hoạt động và phản ứng quan trọng cần thiết để lành vết thương bị gián đoạn, giảm sút hoặc không xuất hiện ở vết thương mạn tính.

Một số đặc điểm của lành vết thương bất thường

  • Giai đoạn Viêm (Giai đoạn I): 
    • Nếu không cung cấp đủ máu và oxy để hỗ trợ cho tế bào sống và hoạt động, các tế bào có thể không bắt đầu trình tự sửa chữa. Các mảnh vụn và vi khuẩn có thể tích tụ và mầm bệnh lây lan nhanh hơn. 
    • Các dấu hiệu lâm sàng: tăng lượng dịch tiết ra, thay đổi màu sắc hoặc mùi, sưng nề kéo dài, tổ chức chết / hoại tử do thiếu máu cục bộ, mô quanh vết thương mềm nhũn, các đường hầm và lỗ dò và nhiễm trùng có thể phát triển nếu hệ thống miễn dịch của bệnh nhân không thể chống lại tác động của tải lượng vi khuẩn.
  • Giai đoạn Tăng sinh (Giai đoạn II):
    • Nếu quá trình tổng hợp collagen bị trì hoãn trong giai đoạn này, tính toàn vẹn của da sẽ kém đi.
    • Nếu quá trình hình thành mạch máu bị trì hoãn, sẽ không có đủ nguyên bào sợi để bắt đầu co vết thương lại.
    • Nhu cầu về oxy và chất dinh dưỡng sẽ rất cao và nếu không đầy đủ, các tế bào có sẵn sẽ không thể sinh sản nhanh chóng, dẫn đến quá trình biểu mô hóa bị trì hoãn.
    • Dấu hiệu cận lâm sàng: Tế bào sừng không di chuyển do đáy vết thương không ẩm, bẩn, không lên tổ chức hạt. Các tế bào biểu mô có thể cố gắng di chuyển từ mép vết thương nhưng nếu giường vết thương không sẵn sàng, chúng sẽ tích tụ ở mép vết thương và có thể di chuyển lên trên mép, tạo thành một mép cuộn. Mô hạt hoặc là không có, hoặc nhợt nhạt, chậm phát triển; mô mới yếu và dễ bị đứt rách hoặc chảy máu. Có đường hầm, tổ chức chết, mềm nhũn quanh vết thương. Các tổ chức hoại tử nếu không được lấy bỏ sẽ làm chậm quá trình hình thành mạch máu. Những thay đổi về màu sắc, số lượng, mùi, hoặc tình trạng sưng kéo dài có thể báo hiệu sự quay trở lại của giai đoạn viêm.
  • Giai đoạn Trưởng thành / Tái tổ chức (Giai đoạn III): 
    • Nếu quá trình tổng hợp và phân giải collagen bị mất cân bằng, các mô suy yếu sẽ bị phá vỡ quá dễ dàng hoặc sẹo phì đại sẽ hình thành quá nhanh.
    • Dấu hiệu lâm sàng: da mới hình thành bị vỡ ra dù với tác động nhẹ, hoặc hình thành sẹo phì đại, sẹo lồi.

Các yếu tố góp phần tạo lành vết thương bất thường

Các yếu tố hoặc tác nhân có thể góp phần vào việc lành vết thương bất thường rất đa dạng. Cần xác định đầy đủ các yếu tố này để thực hiện can thiệp phù hợp, kịp thời.

Các Yếu tố Nội tại (Intrinsic Factors)

Các yếu tố nội tại hoặc bên trong cơ thể là những tình trạng bên trong cơ thể có thể góp phần vào lành vết thương bất thường. Những yếu tố này chủ yếu liên quan đến vết thương và vùng quanh vết thương, bao gồm da lão hóa (người cao tuổi) và lưu lượng máu không đủ hoặc cung cấp oxy giảm do bệnh lý. Những bệnh lý nền thường gặp ảnh hưởng đến lành vết thương là bệnh đái đường, ung thư, suy tuần hoàn, nhiễm HIV và các bệnh mô liên kết.

Hình  Vết thương mạn tính do bệnh thần kinh đái tháo đường.

Các yếu tố bên ngoài (Extrinsic) 

Các yếu tố bên ngoài hoặc môi trường là những ảnh hưởng đến từ bên ngoài cơ thể. Ví dụ về các yếu tố bên ngoài bao gồm tác động của xạ trị hoặc hóa trị liệu; không kiểm soát tiểu; các loại thuốc, hút thuốc lá, thuốc kích thích và bia rượu (làm chậm hoặc ngăn cản các phản ứng tế bào cần thiết để làm lành vết thương); mất nước và suy dinh dưỡng (làm giảm quá trình cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến các mô vết thương); nhiễm trùng, vấy bẩn vết thương (lành chậm lành do mầm bệnh, mô hoại tử); và stress (giảm khả năng làm lành).

Yếu tố do nhân viên y tế gây nên (iatrogenic)

Về mặt lý thuyết, những yếu tố này có thể phòng ngừa được. Một số yếu tố có thể kể ra là điều trị vết thương kém, thường xuyên làm gián đoạn lành vết thương do làm sạch không thích hợp, sử dụng băng và kỹ thuật băng không phù hợp, sử dụng các chất bôi ngoài da gây độc tế bào dẫn đến hoạt động tế bào kém hiệu quả và thiếu độ ẩm dẫn đến chậm hoặc không có sự di chuyển của tế bào sừng… 

Việc thay băng thường xuyên không chỉ làm xáo trộn bề mặt mỏng manh của vết thương mà còn làm chậm quá trình lành vết thương do làm giảm nhiệt độ vết thương. Có thể mất hơn 30 phút để vết thương trở lại nhiệt độ bình thường sau khi thay băng. 

Nhiễm trùng có thể là một yếu tố do nhân viên y tế gây ra (lây nhiễm chéo, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ khác không đúng cách, sử dụng không đầy đủ kỹ thuật sạch và vô trùng, không rửa tay đúng cách …).

Một yếu tố khác cũng thường gặp là gây chấn thương da do lực xé trong khi dịch chuyển và đặt tư thế người bệnh, thiếu máu cục bộ do không giảm lực đè ép đúng mức (không thay đổi tư thế thường xuyên, hoặc không có dụng cụ giảm áp lực phù hợp…)

Các biến chứng của vết thương mạn tính

Một vết thương mạn tính tạo ra một vấn đề sức khỏe phức tạp và nghiêm trọng cho một cá nhân. Vết thương mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm các khiếm khuyết chức năng và cấu trúc cơ thể, hạn chế hoạt động và tham gia, cần trợ giúp hoặc chăm sóc tại nhà, giảm chất lượng cuộc sống, trầm cảm, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng và giảm cân, cạn kiệt protein, xơ hóa mô, mất chi và tử vong.

LƯỢC DỊCH TỪ: Physical rehabilitation. Susan B. O’Sullivan, Thomas J. Schmitz, George Fulk. Seventh edition. Philadelphia: F.A. Davis Company, [2019]

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này