Cập nhật lần cuối vào 07/05/2023
Mục lục
ĐẠI CƯƠNG
Định nghĩa
Nhiệt trị liệu là phương pháp sử dụng tác dụng của nhiệt độ nhằm mục đích điều trị. Nhiệt trị liệu gồm nhiệt nóng và nhiệt lạnh.
Các kiểu truyền nhiệt
Nhiệt dẫn truyền
Nhiệt truyền do sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai vật, qua tiếp xúc trực tiếp. Nhiệt truyền từ vật liệu có nhiệt độ cao sang vật có nhiệt độ thấp hơn cho đến khi nhiệt độ hai bên cân bằng.
Nhiệt đối lưu
Truyền nhiệt do kết quả của tiếp xúc trực tiếp giữa một môi trường di chuyển và một vật khác có nhiệt độ khác nhau (khác với trường hợp nhiệt dẫn truyền là tiếp xúc giữa một tác nhân nhiệt tĩnh và bệnh nhân là thường xuyên). Trong cùng một thời gian, nhiệt đối lưu truyền nhiệt nhiều hơn nhiệt dẫn truyền. tỐc độ truyền nhiệt liên quan đến tốc độ tuần hoàn của môi trường. Ví dụ ngâm bình nước xoáy nóng.
Chuyển nhiệt
Từ một dạng năng lượng không phải nhiệt (như cơ, điện, hay hóa) thành nhiệt, như siêu âm, sóng ngắn… Siêu âm tạo nên sự rung động của các phân tử trong mô, do đó tạo nên sự ma xát giữa các phân tử, dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ mô. Làm nóng bằng chuyển nhiệt phụ thuộc vào cường độ của nguồn năng lượng (thường đo bằng Jun) hơn là nhiệt và không đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp giữa tác nhân nhiệt và cơ thể miễn là vật liệu trung gian là một chất truyền dẫn tốt cho năng lượng.
Nhiệt bốc hơi
Một vật phải hấp thu năng lượng để bốc hơi và chuyển từ dạng lỏng sang dạng khí. Ví dụ khi phun hơi lạnh vào da cơ thể, nó thay đổi từ dạng lỏng sang dạng hơi ở nhiệt độ bốc hơi của chất đó. Trong quá trình này, chất này đã hấp thụ nhiệt ở da và do đó làm lạnh da.
Nhiệt bức xạ
Chuyển trực tiếp từ năng lượng từ vật có nhiệt độ cao sang vật có nhiệt độ thấp hơn mà không cần môi trường trung gian hay tiếp xúc trực tiếp. Tốc độ gia tăng nhiệt độ do bức xạ phụ thuộc vào cường độ của bức xạ, kích thước tương đối của nguồn bức xạ và vùng được điều trị, khoảng cách từ nguồn đến vùng điều trị, và góc của bức xạ đến vùng điều trị.
XEM VIDEO:
NHIỆT NÓNG TRỊ LIỆU (HEAT THERAPY)
Tác dụng sinh lý
- Tác dụng sinh học đối với mô của cơ thể phụ thuộc vào cường độ nóng được áp dụng (khoảng 40-450C), thời gian áp dụng (thường từ 15-30 phút), phạm vị cơ thể được sưởi nóng, tốc độ được sưởi nóng.
- Nhiệt nóng có tác dụng:
- Giãn mạch tại chỗ hoặc toàn thân (thông qua tác dụng tại chỗ và phản xạ), tăng lưu thông máu.
- Giảm đau, giảm phù nề, giảm viêm.
- Tăng tính kéo giãn của các mô liên kết.
- Giảm hiện tượng cứng khớp.
- Tăng chuyển hóa.
Chỉ định điều trị
Nhiệt nóng được sử dụng trong nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ vận động: giảm đau, co rút khớp, co cứng, co rút khớp, giảm tầm vận động, viêm bán cấp và mạn tính.
Chống chỉ định
- Chảy máu mới hoặc nguy cơ chảy máu,
- Vùng da mất cảm giác,
- Viêm tắc tĩnh mạch
- Mất nhận thức (hôn mê, suy giảm trí tuệ),
- U ác tính
- Bức xạ vùng mắt
Thận trọng
- Chấn thương hoặc viêm cấp
- Có thai
- Suy giảm tuần hoàn
- Điều hòa nhiệt kém
- Phù
- Suy tim
- Có kim loại trong người
- Trên vùng vết thương hở
- Các dây thần kinh mất myelin
Tác tác dụng phụ của nhiệt nóng
- Bỏng da
- Tăng chảy máu
- Ngất
- Tổn thương da và mắt do bức xạ
Các hình thức áp dụng
Nhiệt nóng nông
Là nhiệt có khả năng xuyên sâu qua da đến 2cm.
Bao gồm: túi chườm nóng, nước nóng, xông hơi, bó sáp, tia hồng ngoại, tử ngoại, laser. Áp dụng ở vùng được che phủ bởi lớp tổ chức liên kết mỏng (như bàn tay, bàn chân) và có thể tác dụng sâu nhờ cơ chế phản xạ. Nhiệt tác dụng tối đa ở da và tổ chức dưới da.
- Túi nóng ẩm: đó là những túi vải chứa silicats ngậm nước được nhúng vào nước có nhiệt độ 70- 800C. Túi được bọc trong 6-8 lớp khăn và đắp vào vùng điều trị từ 20-30 phút. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có túi điện có điều khiển hoặc túi gel nóng.
- Parafin: là hỗn hợp 1 phần dầu khoáng, 7 phần parafin được đun nóng đến 52-540C. Dầu khoáng hạ thấp điểm nóng chảy của parafin và hỗn hợp đó với nhiệt độ 47-540C. Parafin có thể dử dụng bằng cách nhúng nhanh phần điều trị (ngón, bàn, cẳng tay, khuỷu tay…) vào parafin rồi rút ra, chờ cho parafin khô rồi nhúng lần tiếp theo. Nhúng 7-8 lần, sau đó bọc lại bằng nilon rồi bọc thêm khăn để giữ sức nóng; hoặc đổ parafin ra khay chờ cho đến khi tạo thành lớp váng trên bề mặt là có thể đắp, bó vào vùng cần điều tri (lưng, vai… ) cho bệnh nhân được.
- Tia hồng ngoại. Năng lượng hồng ngoại có thể qua da và chuyển thành nhiệt cho điều trị nông. Hồng ngoại được điều trị bằng cách chiếu vào phần bề mặt cơ thể. Khoảng cách từ đèn đến bề mặt từ 45-60cm. Thời gian chiếu từ 20-30 phút.
Nhiệt nóng sâu
- Là nhiệt có khả năng xuyên sâu từ 3cm đến 6cm mà không làm tăng nhiệt độ da và tổ chức dưới da.
- Nhiệt sâu thường được sử dụng dưới các dạng siêu âm, sóng ngắn và vi sóng.
NHIỆT LẠNH TRỊ LIỆU (COLD THERAPY)
Là biện pháp điều trị ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ bình thường của cơ thể được điều trị.
Tác dụng sinh lý
- Gây co mạch tại chỗ, có thể lan rộng nhờ cơ chế phản xạ. Nếu chườm lạnh quá 15 phút ở nhiệt độ dưới 10 độ có thể chuyển sang giãn mạch.
- Giảm chuyển hóa tại chổ
- Tăng tính kích thích thần kinh
- Giảm dẫn truyền cảm giác, vận động thần kinh (khi làm lạnh đến khoảng 10 0C).
- Giảm tính đàn hồi của tổ chức
- Giảm phù nề (do co mạch),
- Giảm trương lực cơ, giảm co cứng, co thắt cơ.
Chỉ định điều trị
- Giảm đau, đặc biệt đau cấp.
- Giảm viêm (viêm cấp), giảm phù nề (sau chấn thương mới, bỏng).
- Giảm co cứng.
- Giảm sốt
- Tạo thuận co cơ thông qua tăng tính kích thích của neuron vận động
Chống chỉ định
- Vùng da mất cảm giác, có thể gây tổn thương mô ở nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ gây tê.
- Mẫn cảm với lạnh, như hiện tượng Raynaud, nổi ban do lạnh, đái globulin khi gặp lạnh
- Trên các dây thần kinh ngoại biên đang tái tạo
- Trên những vùng tổn thương tuần hoàn hoặc bệnh mạch máu ngoại biên
Thận trọng
- Tăng huyết áp, có thể gây tăng huyết áp tâm thu và tâm trương, ngưng sử dụng khi huyết áp tăng lên.
- Trên vết thương hở
- Thận trọng với người già, trẻ nhỏ.
- Trên những nhánh dây thần kinh lớn, có thể gây block thần kinh
Các hình thức áp dụng
- Đá lạnh (ice packs): được bọc trong khăn vải ẩm hoặc khô, chườm trong 10-15 phút với những vùng nông và 15 -20 phút với những mô sâu hơn.
- Túi chườm lạnh (Cold gel packs): giữ trong tủ lạnh 50C. Không giảm nhiệt độ nhiều như đá lạnh.
- Xoa xát bằng đá lạnh: để điều trị vùng nhỏ mô viêm hoặc căng cơ cấp. Hướng xoa song song với sợi cơ, thời gian 3-10 phút đến khi tê.
- Khăn lạnh
- Nhúng nước lạnh: thường để điều trị các phần xa của chi. Bể nước đủ lớn để giữ phần chi được đổ đầy với nước và đá, nhiệt độ thay đổi từ 13-180C: nhúng các phần chi thể cần điều trị từ 10 -20 phút.
- Phun hơi lạnh: ethylchloride hoặc fluorimethane làm giảm nhiệt độ qua bốc hơi. Hiệu quả giảm căng cứng cơ gây đau.
XEM VIDEO: