KỸ THUẬT PNF 8. TIẾN TRIỂN NẰM SẤP

Cập nhật lần cuối vào 16/03/2023

XEM THÊM: KỸ THUẬT PNF 7: TIẾN TRIỂN NẰM NGỬA

Tiến triển nằm sấp là một tiến triển thường gặp ở trẻ nhỏ.

Mục lục

NẰM SẤP VÀ NẰM SẤP CHỐNG KHUỶU

Nằm sấp và nằm sấp chống khuỷu là những tư thế bắt đầu của tiến triển nằm sấp. Có thể sử dụng nâng đỡ bên ngoài như một cái nêm, gối, hoặc cuộn khăn để tạo sự thoải mái cho các khớp hoặc mô mềm.

Tiến triển bắt đầu bằng bệnh nhân tập di chuyển từ nằm sấp sang nằm sấp chống khuỷu (giai đoạn vận động). Tư thế nằm sấp chống khuỷu ít gây khó khăn vì trọng tâm thấp, chân đế rộng, và ít khớp phải chịu trọng lực.

Tư thế này đem lại cơ hội tốt cho bước đầu chịu trọng lượng lên chi trên. Các hoạt động như chuyển trọng lượng sang hai bên, vươn tay tới là tiến triển chức năng tự nhiên và thúc đẩy sự đồng co (co-contraction) của các cơ thân trên và đai vai, sử dụng tay không đối xứng, và là nền tảng cho di động trên giường trong tư thế nằm sấp hoặc bò.

Sử dụng kỹ thuật Khởi động Nhịp nhàng với trợ giúp bằng tay phù hợp nhằm hướng dẫn bệnh nhân chuyển từ nằm sấp sang nằm sấp chống khuỷu (xem phần Kỹ thuật PNF).

Khi bệnh nhân đã học được giữ tư thế, áp dụng các kỹ thuật Co đẳng trường Luân phiên và Ổn định Nhịp nhàng ở đai vai hoặc đầu để tạo nên sự ổn định (giai đoạn làm vững).

Có thể tạo thuận cho vận động có kiểm soát bắt đầu bằng chuyển trọng lượng sang bên hoặc chéo và sau đó thông qua áp dụng các mẫu chi trên một bên với các kỹ thuật Đảo nghịch Chậm và Đảo nghịch Chậm Giữ.

Nâng một tay làm giảm chân đế và tạo thử thách khó hơn cho bệnh nhân. Bò kiểu lính (commado style) là hoạt động ở mức kỹ năng ở tư thế nằm sấp tựa khuỷu. Có thể trợ giúp bệnh nhân bằng đặt tay ở trước cánh tay để hướng dẫn vận động hoặc trên xương bả vai để thúc đẩy sự ổn định. Hoạt động này cũng là một cơ hội để đưa vào sớm vận động xoay thân dưới và xương chậu tương hỗ trong tiến triển nằm sấp.

TƯ THẾ BỐN ĐIỂM (QUADRUPED)

Tư thế bốn điểm là tư thế đầu tiên trong chuỗi phát triển mà trọng tâm (COG) khá cao so với mặt nền. Trọng tâm cao kết hợp với bề mặt cơ thể tiếp xúc ít hơn và nhiều khớp chịu trọng lực hơn làm tư thế này khó hơn nhiều so với các tư thế đã đề cập ở trước và tạo cơ hội để gia tăng sức mạnh, tầm vận động, thăng bằng, điều hợp, và sức bền toàn bộ cơ thể. (Nếu bệnh nhân khó chịu vì đau khớp, có thể dùng đệm lót ở lòng bàn tay hoặc khuỷu và thay đổi mức độ gấp háng hoặc vai bằng cách chuyển trọng lượng ra trước hoặc lui sau).

Để chuyển từ tư thế nằm sấp chống khuỷu sang tư thế bốn điểm, bệnh nhân có thể bắt đầu bằng cách di chuyển thân trên hoặc thân dưới, hoặc một chi dưới. Có thể tăng cường sự chuyển tư thế này (giai đoạn vận động) bằng kỹ thuật Khởi động Nhịp nhàng với tiếp xúc bằng tay ở vai hoặc xương chậu.


Hình: Chuyển từ tư thế nằm sấp sang tư thế bốn điểm

Một khi bệnh nhân đã ở tư thế bốn điểm, có thể tăng độ vững bằng Co đẳng trường Luân phiên hoặc Ổn định Nhịp nhàng.

Hình: Sử dụng Co đẳng trường Luân phiên và Ổn định Nhịp nhàng
để tăng sự ổn định ở tư thế bốn điểm

Có rất nhiều hoạt động để tăng tính vận động có kiểm soát ở tư thế này, ví dụ như chuyển trọng lượng ra trước, lui sau và chéo, các mẫu chéo một chi, mẫu nâng tay/chân đối bên với các kỹ thuật như Đảo nghịch Chậm, Đảo nghịch Chậm Giữ và Đảo nghịch chủ vận.

Hình: Kỹ thuật Đảo nghịch Chậm để tập lắc lư ở tư thế bốn điểm
Hình: Sử dụng các mẫu chi để tạo thuận giai đoạn vận động có kiểm soát
ở tư thế bốn điểm (mẫu D2 gấp chi trên)

QUỲ (KNEELING)

Quỳ là một tiến triển hợp lý từ tư thế bốn điểm và tư thế tốt để tập thân trên và chi dưới trong khi chi trên được tự do hoặc sử dụng để nâng đỡ. Ở tư thế quỳ, hai háng duỗi và gối gập, có thể làm giảm bớt ảnh hưởng của mẫu đồng vận duỗi ở chi dưới và giảm trương lực cơ duỗi. Tư thế này cũng có thể giúp tăng tầm vận động và cơ lực háng, cũng như cải thiện thăng bằng tĩnh và động. Quỳ có thể xem là một tư thế trung gian giữa các hoạt động trên nệm và đứng.

Việc chuyển đổi từ bốn điểm sang quỳ có thể được coi là một sự tiếp nối của quá trình di chuyển từ nằm sấp chống khuỷu sang bốn điểm. Bởi vì hai quá trình chuyển tư thế đều có chung các thành phần chính, nên các kỹ thuật tạo thuận như nhau. Điều chỉnh tiếp xúc bằng tay suốt vận động để tạo thuận hiệu quả nhất cho chuyển dịch cơ thể ra phía sau (hình). Việc chuyển sang dựng người thẳng được được hướng dẫn bằng kỹ thuật kéo hoặc nén ép ở phần thân trên hoặc nén ép ở xương chậu.

Hình: Chuyển từ bốn điểm sang quỳ

Một khi bệnh nhân đã ở tư thế quỳ hai chân, sử dụng kỹ thuật Co đẳng trường Luân phiên hoặc Ổn định Nhịp nhàng để làm vững với tiếp xúc bằng tay đặt ở xương chậu hoặc thân mình.

Hình: Co đẳng trường Luân phiên và Ổn định nhịp nhàng để tăng ổn định ở tư thế quỳ

Có rất nhiều cách để gia tăng tính vận động có kiểm soát ở tư thế quỳ, đặc biệt là bởi vì hai tay được tự do trong tư thế này. Một vài ví dụ như là chuyển trọng lượng theo mọi hướng với thân mình thẳng, các mẫu chặt và nâng; và chuyển đổi tư thế sang nGồi trên gót hay ngồi bên (Hình). Có thể tập kiểm soát thân mình ở tư thế quỳ bằng cách gập thân hoặc duỗi thân, và cuối cùng là xoay thân. Những hoạt động này gia tăng kiểm soát hông và thân mình cần thiết để chuyển từ ngồi sang đứng.

Cũng giống như tư thế bốn điểm, các kỹ thuật Đảo nghịch Chậm, Đảo nghịch Chậm Giữ và Đảo nghịch Chủ vận thường được sử dụng để tạo kháng trở thích hợp với các mẫu và vận động chọn lựa của chi trên hoặc thân mình. Có thể sử dụng các hoạt động chức năng như ném/bắt bóng và viết bảng để cải thiện sức mạnh và sức bền của các cơ vùng thân mình, háng và chi trên trong khi cũng tăng phối hợp tay- mắt và chi trên.

Hình: Một số hoạt động để tăng vận động có kiểm soát ở tư thế quỳ. A, B: Mẫu nâng; C, D: kháng trở từ ngồi mông chạm gót sang quỳ

Hình: Tập đi ở tư thế quỳ (tiến, lùi, sang bên)

BÁN QUỲ (HALF-KNEELING)

Bán quỳ là tư thế cuối cùng trong tiến triển nằm sấp và cần thiết cho chuyển từ sàn sang đứng thẳng. Trong trường hợp khiếm khuyết một bên hoặc không đối xứng, đặt chân nào ở phía trước cũng đem lại những lợi ích điều trị kết hợp. Đặt hai chân không đối xứng thúc đẩy phân ly của các cơ vùng háng và gối có thể có ích cho các hoạt động chức năng ở mức cao hơn như đi và leo cầu thang. Có thể áp dụng các hoạt động và kỹ thuật tương tự như những kỹ thuật ở tư thế quỳ để tăng cường giai đoạn ổn định và vận động có kiểm soát của điều khiển vận động.

Hình: Chuyển từ quỳ sang bán quỳ
Hình: Thăng bằng và chuyển trọng lượng ở tư thế bán quỳ

Hình: Chuyển từ quỳ sang đứng

Ghi chú: Tài liệu này được MinhdatRehab biên soạn và dịch thuật từ các tài liệu tiếng Anh để hướng dẫn kỹ thuật cho khoá Cử nhân Vật lý trị liệu từ 2014. Các cá nhân và website đăng lại xin đính kèm nguồn tác giả hoặc website. Cám ơn

MinhdatRehab

Tài liệu tham khảo chính:

  • Neurologic Interventions for Physical Therapy, 2nd edition. Suzanne “Tink” Martin, Mary Kessler. Saunder Elsevier. 2012. (Chương 9, Proprioceptive Neuromuscular Facilitation)
  • PNF in Practice, 3rd edition, An Illustrated Guide. Susan S. Adler, Dominiek Beckers, Math Buck. Springer Medizin Verlag. 2008.
  • Musculoskeletal Intervention, Techniques for Therapeutic Exercises. William E. Prentice. McGraw-Hill Education. 2014.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này