ĐẠI CƯƠNG KỸ THUẬT DI ĐỘNG KHỚP. PHẦN 1.

Cập nhật lần cuối vào 17/10/2021

Di động khớp (joint mobilization) là các kỹ thuật điều trị bằng tay (manual therapy) được sử dụng để giảm đau và điều trị rối loạn chức năng khớp làm hạn chế tầm vận động (range of motion, ROM) bằng cách tác động cụ thể vào cơ học của khớp (joint mechanics) bị thay đổi do bệnh lý hoặc chấn thương.

Sự thay đổi cơ học khớp đó có thể do đau hoặc căng cơ, tràn dịch khớp, co rút hoặc dính trong bao khớp hoặc các dây chằng nâng đỡ, hoặc do sự canh chỉnh xấu hoặc bán trật của các mặt khớp. Các kỹ thuật kéo dãn di động khớp khác với các dạng kéo dãn thụ động hoặc tự kéo dãn khác ở chỗ chúng tác động đặc hiệu lên mô bao khớp bị hạn chế thông qua lập lại cơ học khớp bình thường trong khi giảm thiểu lực ép bất thường lên sụn khớp.

Mục lục

KHÁI NIỆM VÀ ĐỊNH NGHĨA

Các hình dạng khớp

Loại vận động xảy ra giữa hai đầu xương trong một khớp bị ảnh hưởng bởi bề mặt của khớp. Hình dạng khớp có thể là dạng lồi/lõm (ovoid, trứng) hay dạng yên ngựa (sellar).

  • Trong khớp ovoid, một mặt là lồi, mặt kia là lõm
  • Trong khớp sellar, một mặt lồi trong một hướng và lõm trong hướng khác, và mặt đối diện lõm và lồi, giống như người cỡi ngựa ngồi trên yên ngựa (H1).
Hình 1: A: dạng lồi/lõm (trứng) và B dạng yên ngựa

Các loại vận động:

Các vận động sinh lý (physiologic movement)

Là các vận động bệnh nhân có thể thực hiện tự ý (như gấp, dạng, xoay…), còn được gọi là chuyển động học xương (osteokinematics), chuyển động góc của xương.

Vận động này có thể được đo bằng thước đo góc và gọi là tầm vận động (ROM).

Xem thêm: ĐẶC ĐIỂM SINH CƠ HỌC CỦA XƯƠNG VÀ KHỚP. P2

Các vận động phụ trợ (Accessory movement)

Là các vận động của các mặt khớp trong khớp và mô xung quanh cần thiết cho tầm vận động bình thường nhưng không thể thực hiện chủ động bởi người bệnh. Các vận động bao gồm lăn (rolling) trượt (sliding), xoay (spinning), tách và ép của mặt khớp. Các vận động phụ trợ này còn được gọi là chuyển động học khớp (arthrokinematics), joint play. Để các vận động này xảy ra thì bao khớp phải có một mức độ lỏng lẻo nhất định.

1. Lăn (rolling):

Đặc điểm (H2)

  • Các mặt khớp không trùng khớp (incongruent)
  • Điểm mới ở mặt khớp này tiếp xúc với điểm mới của mặt khớp kia
  • Lăn dẫn đến vận động góc của xương. Lăn luôn luôn cùng hướng với vận động xương cho dù mặt khớp là lồi hay lõm (H3).
  • Lăn, nếu chỉ mình nó, gây đè ép mặt khớp phía vận động xoay của xương và tách khớp ở mặt kia. Kéo dãn thụ động sử dụng gập góc của xương có thể tạo lực ép xấu lên mặt khớp gây tổn thương

  • Ở khớp chức năng bình thường, lăn đơn thuần không xảy ra mà kết hợp với trượt và xoa
Hình 2: Lăn: điểm mới của mặt khớp này tiếp xúc với
điểm mới của mặt khớp kia
Hình 3: Lăn cùng hướng với vận động góc của xương

2.Trượt (Sliding):

Đặc điểm

  • Với trượt thuần tuý, các mặt khớp phải trùng khớp, hoặc là phẳng hoặc là cong
  • Cùng một điểm của mặt khớp này tiếp xúc với một điểm mới của mặt khớp kia (H4).
Hình 4: Trượt

Trượt khớp thuần tuý không xảy ra ở khớp bình thường vì mặt khớp không hoàn toàn trùng khớp

Quy luật lồi-lõm: Hướng trượt xảy ra phụ thuộc vào mặt khớp đang di chuyển là lồi hay lõm.

Trượt theo hướng đối diện với vận động góc của xương nếu bề mặt khớp di chuyển là lồi. Ví dụ: xương cánh tay di chuyển trên xương bả vai (ổ chảo): dạng vai với trượt lăn xuống dưới

Trượt cùng hướng với vận động góc của xương nếu bề mặt di chuyển là lõm. Ví dụ: xương chày di chuyển trên xương đùi: gập khớp gối với trượt lăn ra sau. (hình 5).

Kết hợp lăn-trượt trong một khớp

Các mặt khớp càng ăn khớp thì trượt xảy ra ở mặt khớp này lên mặt kia càng nhiều hơn khi vận động.

Các mặt khớp càng không ăn khớp thì lăn xảy ra nhiều hơn.

Khi cơ co chủ động để di chuyển một xương một số cơ có thể tạo nên hay kiểm soát vận động trượt của các mặt khớp. Ví dụ vận động trượt lên trên của chỏm xương đùi trong khi dạng vai do các cơ chụp xoay, và trượt ra sau của xương chày trong động tác gấp gối do co các cơ hamstring. Nếu chức năng này bị mất đi, kết quả là cơ học khớp bất thường có thể gây nên vi chấn thương và rối loạn chức năng khớp.

Các kỹ thuật di động khớp mô tả ở bài này sử dụng thành phần trượt để phục hồi joint play và đảo nghịch giảm vận động khớp. Lăn (kéo dãn góc thụ động) không được sử dụng để kéo giãn bao khớp bị căng bởi vì nó gây ép khớp.

3.             Xoay (spin):

Đặc điểm của xương này xoay trên một xương khác là:

  • Có một sự xoay của một phân đoạn quanh một trục cơ học tĩnh.
  • Cùng một điểm trên mặt xoay tạo một cung tròn khi xương xoay.
  • Xoay ít khi xảy ra đơn độc mà thường kết hợp với lăn và trượt

Ba ví dụ của xoay trên cơ thể là khớp vai với gấp/duỗi, khớp háng với gấp/duỗi, và khớp cánh tay-quay với sấp/ngữa.

So sánh Kéo dãn vận động góc thụ động với Kéo dãn trượt khớp

Kỹ thuật kéo dãn góc thụ động khi sử dụng đòn bẩy xương để kéo dãn bao khớp bị căng có thể làm đau tăng và chấn thương khớp bởi vì:

  • Sử dụng một đòn bẩy làm phóng đại đáng kể lực tại khớp
  • Lực gây nén ép quá mức lên khớp  hướng xương đang lăn
  • Lăn không kèm trượt không tái lập cơ học khớp bình thường

Kỹ thuật kéo dãn trượt khớp (di động khớp), sử dụng trượt ngang của xương để kéo dãn bao khớp bị căng, an toàn và chuyên biệt hơn vì:

  • Lực tác động gần với mặt khớp và cường độ được điều khiển tương ứng với bệnh lý.
  • Hướng của lực tái lập thành phần trượt của cơ học khớp và không ép lên sụn.
  • Biên độ vận động nhỏ nhưng đặc hiệu lên phần bao khớp hoặc dây chằng bị hạn chế hoặc bị dính.

4.             Ép (Compression)

Ép khớp là giảm khe khớp giữa hai đầu xương. Ép thường xảy ra ở các khớp chi và cột sống khi chịu trọng lượng. Ép khớp nhẹ cũng xảy ra khi cơ cơ, làm vững khớp.

Khi một xương lăn lên xương kia, ép khớp cũng xảy ra ở phía xương đang gập góc.

Các lực ép khớp ngắt quãng bình thường giúp di chuyển dịch khớp và duy trì sức khoẻ sụn. Các lực ép cao bất thường có thể dẫn đến các thay đổi và thoái hoá sụn khớp.

5.             Kéo/Tách (Traction/Distraction)

Kéo (Traction) và tách (distraction) không đồng nghĩa. Kéo là kéo dọc. Tách là phân tách hai mặt khớp ra. Tách không luôn luôn xảy ra khi lực kép tác động lên trục dài của xương. Ví dụ nếu kéo áp dụng vào thân xương cánh tay, kết quả là trượt mặt khớp (H6 A). Tách khớp ổ chảo- cánh tay đòi hỏi kéo xương cánh tay một góc vuông với ổ chảo (H6 B).

Tư thế khớp lỏng và tư thế khớp khóa:

Các mặt khớp hiếm khi hoàn toàn ăn khớp (congruence) nhau: diện tích tiếp xúc hoặc ăn khớp ở bất cứ điểm nào trong tầm vận động tương đối nhỏ so với diện tích bề mặt, nhờ vậy làm cho các mặt khớp được bôi trơn tốt hơn và thời gian hồi phục nhiều hơn.

  • Tư thế khớp lỏng (loose pack position): Còn được gọi là tư thế khớp mở (open pack position), tư thế nghỉ, (resting position). Mô xung quanh lỏng lẻo (ít ăn khớp nhất), khoảng trong bao khớp lớn nhất, thường là tư thế để nghỉ ngơi hoặc sau khi bị chấn thương để chứa dịch. Tư thế này không hiệu quả để chịu tải (ít vững), nhưng an toàn khi vận động. Về điều trị, đây là tư thế có joint play nhiều nhất.
  • Tư thế khớp khóa (closed pack position): tư thế ăn khớp nhất, mô xung quanh (bao khớp và dây chằng có sức căng tối đa, khoảng giữa bao khớp là nhỏ nhất. Tư thế này hiệu quả để chịu tải (vững) và nguy hiểm (dễ bị chấn thương khớp) hơn. Đây là tư thế lượng giá, ví dụ test sợ của khớp ổ chảo-cánh tay.
KhớpTư thế khớp khóa
Ổ chảo- cánh tayKhép ngang, dạng và xoay ngoài.
KhuỷuDuỗi tối đa
Cổ tay (như một khối)Gấp mu tối đa và nghiêng trụ.
Bàn ngón tay (MCP)Gấp tối đa.
Gian ngónDuỗi tối đa
HángDuỗi, dạng và xoay trong tối đa
GốiDuỗi tối đa và xoay ngoài.
Cổ chânGấp mu tối đa.
Dưới sênVặn ngoài tối đa (eversion).
Bảng: Tư thế khớp khóa ở một số khớp chính

Di động khớp/kéo nắn khớp (Mobilization/manipulation):

Di động khớp và kéo nắn là hai từ có cùng nghĩa, là những kỹ thuật điều trị bằng tay thụ động tác dụng lên các khớp và các mô mềm liên quan ở các tốc độ và biên độ khác nhau sử dụng các vận động sinh lý hoặc phụ trợ nhằm mục đích điều trị.

Di động khớp kèm vận động (MWM)

Là áp dụng đồng thời di động khớp vận động phụ trợ kéo dài bởi một KTV và một vận động sinh lý chủ động đến cuối tầm bởi bệnh nhân. Kỹ thuật này luôn luôn được áp dụng theo hướng không đau, mô tả đầu tiên bởi Brian Mulligan.

 XEM TIẾP: ĐẠI CƯƠNG KỸ THUẬT DI ĐỘNG KHỚP. PHẦN 2.

Edit by Minhdatrehab, 2015

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này