CƠ CHẾ CO CỨNG

Cập nhật lần cuối vào 31/05/2022

Bài viết đăng lại phần trả lời câu hỏi cơ chế của co cứng của sinh viên (15-16) để bạn đọc tham khảo.

Co cứng (spasticity) thường được xem là một triệu chứng của hội chứng tổn thương thần kinh vận động cao (UMN), là dấu hiệu dương tính, bên cạnh dấu hiệu âm tính (như yếu liệt). Co cứng thường được đo bằng thang điểm Asworth chỉnh sửa (MAS) hoặc Tardieu.

Lance, 1980 định nghĩa co cứng như sau: “co cứng là một rối loạn của hệ thống cảm giác- vận động đặc trưng bởi sự gia tăng phụ thuộc tốc độ trong các phản xạ kéo căng trương lực (trương lực cơ) cùng với gia tăng phản xạ gân cơ, do sự tăng tính kích thích của phản xạ kéo căng, như là một thành phần của hội chứng thần kinh vận động cao”.

Thang điểm Asworth sửa đổi

0 Không có sự gia tăng trương lực cơ
1 Tăng nhẹ trương lực cơ, biểu hiện bằng giữ lại và thả ra hoặc kháng trở nhẹ ở cuối TVĐ khi chi thể được di chuyển.
1+ tăng nhẹ trương lực cơ, biểu hiện bằng giữ lại, theo sau bằng sức cản nhẹ suốt phần còn lại của TVĐ (ít hơn ½)
2 tăng trương lực cơ rõ suốt tầm vận động, nhưng có thể di chuyển phần chi thể dễ dàng
3 tăng sáng kể trương lực cơ, vận động thụ động khó khăn
4 Phần chi thể bị cứng ở tư thế gấp hoặc duỗi

Thật ra tổn thương bó tháp đơn thuần, từ vỏ vận động, bao trong hoặc bó vỏ-gai đơn thuần ở tủy, không tạo nên co cứng, thậm chí còn giảm trương lực cơ. Các nghiên cứu thần kinh học sau này cho thấy co cứng liên quan đến các đường truyền xuống khác gọi là cạnh tháp  (parapyramydal tracts) xuất phát từ thân não (không phải là ngoại tháp), các đường này gồm hai hệ thống ức chế và kích thích.

Hệ thống ức chế:  Các sợi cạnh tháp xuất phát từ vỏ tiền vận động là các sợi vỏ-lưới (CRT) và tạo thuận một vùng ức chế quan trọng ở hành tủy, nằm ngay ở phía lưng (sau) của bó tháp, gọi là hệ lưới bụng giữa (ventromedial reticular formation). Đường truyền xuống của hệ thống này là bó lưới gai lưng (dorsal reticulo-spinal tract , DRT) nằm ở thừng lưng bên.

Hệ thống kích thích: Ở cao hơn của thân não là một vùng rộng và lan tỏa dường như tạo thuận các phản xạ kéo căng tủy sống. Kích thích vỏ não và bao trong không thay đổi tác dụng tạo thuận của vùng này. Do đó, vùng tạo thuận này dường như ít chịu ảnh hưởng của vỏ não hơn so với hệ thống ức chế. Đường truyền xuống là qua bó lưới- gai trong (medial reticulospinal tract, MRT) của tủy sống bụng giữa. Nhân tiền đình bên là một vùng tạo thuận trương lực cơ duỗi khác, nằm ở hành tủy gần chổ nối với cầu não. Nó đi xuống qua bó tiền đình -gai ngoài (Vestibulo-spinal tract, VST), nằm ở tủy sống bụng giữa gần bó lưới- gai trong. Hệ thống này dường như ít có vai trò đến co cứng. Mặc dù cả hai vùng được xem là kích thích và tạo thuận các phản xạ tủy, nó lại ức chế neuron vận động các cơ gấp.

Screen Shot 2016-12-06 at 3.05.38 PM.png

Trong trường hợp đột quỵ, tổn thương có thể ảnh hưởng đến vùng vỏ tiền vận động hoặc các sợi vỏ-lưới, co cứng là do mất xung động tạo thuận của vỏ não đến hệ thống ức chế (DRT). (Tuy vậy vẫn chưa loại trừ sự đóng góp một phần của gia tăng tính kích thích của hệ thống kích thích VST ở trên). Co cứng ở não thường nhẹ hơn tủy sống và ít rung giật (vì bản thân hệ ức chế còn hoạt động một phần). Co cứng có xu hướng duỗi ở chi dưới, gập ở chi trên theo mẫu đồng vận. Trường hợp tổn thương tủy sống, do bó tháp gần DRT nên khi tổn thương thường tổn thương cả DRT, gây co cứng, thường co cứng nặng hơn, kèm rung giật.

Minhdatrehab

 

 

Mục lục

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

1 bình luận về “CƠ CHẾ CO CỨNG”

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này