KHÁI NIỆM VỀ HỌC VẬN ĐỘNG (MOTOR LEARNING)

Cập nhật lần cuối vào 07/06/2023

Mục lục

ĐỊNH NGHĨA HỌC VẬN ĐỘNG

“Học Vận động là một tập hợp các quá trình liên hệ với thực hành dẫn đến sự thay đổi tương đối lâu dài trong năng lực thực hiện các hoạt động có kỹ năng”

“Quá trình đạt được một kỹ năng mà người học, thông qua thực hành và mô phỏng, tinh chỉnh và làm cho vận động mong muốn trở thành tự động”

Học (kỹ năng) vận động là một quá trình phức tạp xảy ra bên trong não do đáp ứng với thực hành hoặc trải nghiệm một kỹ năng nhất định dẫn đến những thay đổi trong hệ thần kinh trung ương. Nó cho phép tạo ra một kỹ năng vận động mới. Nó thường liên quan đến việc cải thiện độ mượt mà trơn tru và độ chính xác của các chuyển động và cần thiết để phát triển vận động có kiểm soát và hiệu chỉnh các chuyển động đơn giản như phản xạ.

Phân loại kỹ năng vận động

  • Theo sự tham gia của nhóm cơ (vận động Thô – vận động Tinh)
  • Theo sự ảnh hưởng của môi trường (Mở – Đóng)
  • Theo tính liên tục (Riêng rẽ – Theo chuỗi trình tự – Liên tục)
  • Theo nhịp độ (Theo nhịp bên ngoài – Tự theo nhịp bản thân)
  • Theo độ khó (Đơn giản – Phức tạp)
  • Theo sự sắp xếp, tổ chức (Thấp – Cao)

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA HỌC VẬN ĐỘNG

Theo Fitts và Posner, quá trình học vận động bao gồm ba giai đoạn là giai đoạn nhận thức, giai đoạn kết hợp và giai đoạn tự chủ.

Giai đoạn nhận thức

Khi một người học mới làm quen với một nhiệm vụ cụ thể, quá trình suy nghĩ bắt đầu với những câu hỏi “Tôi cần phải làm gì?” Cần phải có hoạt động nhận thức đáng kể để người học có thể xác định các chiến lược thích hợp nhằm phản ánh đầy đủ mục tiêu mong muốn. Các chiến lược tốt được giữ lại và các chiến lược kém hiệu quả bị loại bỏ. Hiệu suất được cải thiện đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn.

Giai đoạn liên kết

Người học đã xác định cách hiệu quả nhất để thực hiện nhiệm vụ và bắt đầu thực hiện những điều chỉnh tinh tế trong việc thực hiện. Các cải tiến dần dần và các chuyển động trở nên nhất quán hơn. Giai đoạn này có thể kéo dài một thời gian. Các kỹ năng trong giai đoạn này trở nên trôi chảy, hiệu quả và thẩm mỹ.

Giai đoạn tự động

Giai đoạn này có thể mất vài tháng đến vài năm để đạt được. Giai đoạn này được mệnh danh là “tự động” bởi vì người thực hiện bây giờ có thể “tự động” hoàn thành nhiệm vụ mà không cần phải quan tâm đến việc thực hiện nó. Ví dụ như vừa đi vừa nói chuyện hoặc ngắm cảnh trong khi đang tính toán đơn giản.

Hình: Các giai đoạn của học vận động theo Fitts và Posner và mức độ chú ý

Như vậy, học vận động/kỹ năng có thể xảy ra theo từng giai đoạn khác nhau và các hoạt động của bệnh nhân cũng sẽ khác nhau trong các giai đoạn khác nhau đó. Do vậy, các hoạt động của người điều trị cũng phải phù hợp với từng giai đoạn.

Một cách phân chia khác là mô hình hai giai đoạn của Gentile (1972), trong đó giai đoạn đầu nhằm hiểu các mục tiêu nhiệm vụ, phát triển các chiến lược vận động thích hợp để hoàn thành mục tiêu, nhận biết các đặc điểm điều hoà của môi trường. Giai đoạn sau theo mô hình này là tinh chỉnh vận động, thực hiện vận động nhất quán và hiệu quả, các kỹ năng đóng trở thành cố định / nhất quán và các kỹ năng mở trở thành đa dạng hóa / thích ứng

Hình: Mô hình Gentile với các kỹ năng đóng và kỹ năng mở

CÁC NGUYÊN LÝ CỦA HỌC VẬN ĐỘNG

Học Vận động đòi hỏi sự tham gia tích cực. Để cho sự mềm dẻo thần kinh xảy ra, cần phải thực hành cường độ cao, lập lại và đặc thù với nhiệm vụ. Có năm nguyên lý chính của Học Vận động, đó là: (1) Thực hành, (2) Chuyên biệt (đặc thù với nhiệm vụ), (3) Phản hồi, (4) Hướng dẫn, (5) Tưởng tượng hình ảnh

Thực hành

Khối lượng thực hành

  • Nói chung, ta sẽ học  được nhiều hơn nếu thực hành nhiều hơn về một nhiệm vụ hoặc hoạt động. .
  • Khi bắt đầu học một kỹ năng, sự cải thiện thường nhiều hơn trong giai đoạn đầu khi còn nhiều điều cần phải học để hoàn thành kỹ năng, trong khi ở các giai đoạn sau sự cải thiện ít rõ khi không còn nhiều điều phải học (Schmidt và Lee, 2011).

Loại hình thực hành – Toàn bộ hay là Từng phần

  • Tính cụ thể/chuyên biệt của nhiệm vụ nói rằng thực hành tốt nhất là chính nhiệm vụ đó
  • Việc quyết định thực hành một nhiệm vụ hoặc hoạt động như một vận động toàn thể hay là theo các phần riêng biệt cần phải dựa trên sự hiểu biết đầy đủ về các yêu cầu của vận động.
  • Với các tác vụ vận động liên tục trong đó một vận động phụ thuộc vào một vận động khác xảy ra (đồng thời hoặc ngay trước vận động đó) như là đi bộ thì  tốt nhất thực hành như một nhiệm vụ toàn thể (Schmidt và Lee, 2011; Muratori và cộng sự, 2013).
  • Một chuỗi các chuyển động được tạo thành từ các phần riêng rẽ (chẳng hạn như các điệu nhảy) có thể được thực hành theo từng phần (Schmidt và Lee, 2011; Muratori và cộng sự, 2013). Thực hành từng phần với các nhiệm vụ không dễ dàng tách thành các phần riêng rẽ có thể cản trở việc Học Vận động (Muratori và cộng sự, 2013).

Phân bố thực hành – Tập trung hay là Phân tán

  • Phân bố thực hành, hoặc tần suất thực hành, nghĩa là xem xét thực hành là theo kiểu tập trung (trong đó các buổi thực hành diễn ra rất gần nhau) hay là theo kiểu phân tán (trong đó các buổi thực hành được đặt cách nhau với thời gian nghỉ dài hơn giữa các lần thực hành).
  • Có thể sử dụng thực hành phân tán ở giai đoạn đầu (ví dụ: 20 phút X 3 ngày) để tránh mệt mỏi và tập trung vào giai đoạn sau (ví dụ: 60 phút trong một ngày

Tính thay đổi của Thực hành – không đổi hay là Thay đổi

  • Mức độ thay đổi trong một trình tự thực hành đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến việc học (Schmidt và Lee, 2011).
  • Thực hành không đổi (constant) nghĩa là thực hành một nhiệm vụ theo cùng một cách như nhau mỗi lần thực hành.
  • Thực hành thay đổi (variable) là thực hành một nhiệm vụ theo nhiều cách khác nhau hoặc trong các điều kiện khác nhau.
  • Thực hành không đổi có thể phù hợp hơn với thực hành các kỹ năng kín (các kỹ năng mà điều kiện môi trường luôn giống nhau).
  • Các kỹ năng mở (các kỹ năng có sự biến đổi vốn có đòi hỏi một cá nhân phải đáp ứng với những thay đổi trong môi trường) có thể phù hợp hơn với thực hành thay đổi (Schmidt và Lee, 2011; Muratori và cộng sự, 2013).

Sắp xếp thời gian Thực hành – theo khối/cố định hay là ngẫu nhiên

  • Thực hành thay đổi có thể được xếp lịch theo kiểu thực hành theo khối (blocked) hoặc thực hành ngẫu nhiên (random). Trong thực hành khối, một nhiệm vụ được lặp đi lặp lại trong cùng một điều kiện trước khi chuyển sang thực hành ở điều kiện tiếp theo. Trong thực hành ngẫu nhiên, một nhiệm vụ được thực hành với các điều kiện được thay đổi theo trật tự ngẫu nhiên.
  • Luyện tập cố định giúp thực hiện hiệu quả trong các giai đoạn đầu, nhưng luyện tập ngẫu nhiên (random) mang lại hiệu quả học lâu dài

Chuyên biệt (đặc thù với nhiệm vụ)

  • Việc học (vận động) tốt nhất khi thực hành là đặc thù/chuyên biệt cho nhiệm vụ hoặc hoạt động và tập trung vào kết quả mong muốn. Nhiệm vụ thực hành cần phải khó khăn thử thách và có ý nghĩa với cá nhân.

Phản hồi

Phản hồi là thông tin có được sau khi hoàn thành một hành động hoặc nhiệm vụ, liên quan đến việc thực hiện hành động hoặc nhiệm vụ đó.

Theo phương thức phản hồi, có thể phân loại thành phản hồi bên trong/vốn có và phản hồi tăng cường.

  • Phản hồi bên trong/vốn có (Inherent/intrinsic) có được thông qua sự giải thích các kinh nghiệm thị giác, thính giác và cảm thụ bản thể trong hoặc sau một hành động. Một cầu thủ bóng đá sẽ nhận thấy anh ta đá không vào lưới.
  • Phản hồi bên ngoài/tăng cường/bổ sung (Augmented/extrinsic)  là “thông tin được cung cấp về hoạt động để bổ sung cho, hoặc tăng cường cho phản hồi bên trong” và xuất phát từ một nguồn gốc bên ngoài. Ví dụ, khi một người lái xe vượt quá tốc độ cho phép và bị cảnh sát chặn lại. Mặc dù chiếc xe không gây tai nạn gì nhưng cảnh sát vẫn đưa ra những phản hồi bổ sung cho người lái xe để anh ấy lái xe an toàn hơn.

Theo loại thông tin phản hồi, đó có thể là các Kiến thức về kết quả (KR, Knowledge of Resutlts) hoặc Kiến thức về cách thực hiện (KP, Knowledge of Performance).

  • Kiến thức về Cách thực hiện (KP) là thông tin về các kiểu vận động. Ví dụ các thông tin từ cảm thụ bản thể, biofeedback, quay video, hướng dẫn bằng lời nói (ví dụ: “Khuỷu tay của anh bị gập quá mức.”)
  • Kiến thức về Kết quả (KR) là thông tin về kết quả hoặc kết quả của vận động so với mục tiêu đã định. Đó có thể là hướng dẫn bằng lời nói, thông tin từ cảm thụ bản thể (ví dụ: cảm thấy mất thăng bằng khi ngã)

Theo thời gian của Phản hồi, phản hồi có thể:

  • Đồng thời: phản hồi được đưa ra trong khi vận động
  • Kết thúc: phản hồi được đưa ra sau khi vận động
  • Ngay lập tức: được đưa ra ngay lập tức sau hành động có liên quan
  • Trì hoãn: trì hoãn về thời gian sau hành động có liên quan

Một số lưu ý về phản hồi:

  • Sự chính xác: cần phản hồi chính xác để củng cố tích cực hoạt động đúng
  • Tần suất và Lịch trình giảm dần: Bệnh nhân khiếm khuyết nhiều hơn có thể cần FB thường xuyên hơn. Tránh đưa nhiều phản hồi cho mỗi lần thực hành. Giảm lượng phản hồi qua các giai đoạn học tập để bệnh nhân không trở nên phụ thuộc vào phản hồi.
  • Phản hồi có thể giúp tăng học kỹ năng tuy nhiên phản hồi quá mức có thể cản trở sự học. Phản hồi quá thường xuyên có thể cản trở khả năng thực hiện hoạt động nếu người học trở nên phụ thuộc vào phản hồi và mất động lực bên trong do đó cần giảm phản hồi khi trị liệu có tiến bộ.
  • Nhu cầu phản hồi (loại, tần suất) phụ thuộc vào giai đoạn của người học và các đặc điểm cá nhân của người học

Hướng dẫn (Guidance)

Hướng dẫn đề cập đến một số phương pháp hỗ trợ học :

  • Hướng dẫn bằng thể chất/bằng tay để di chuyển người học theo suốt một vận động
  • Hướng dẫn bằng thể chất để phòng ngừa các vận động không mong muốn
  • Hướng dẫn bằng lời nói – nói với người học khi vận động

Hướng dẫn có thể tạm thời cải thiện khả năng thực hiện hoạt động tuy nhiên nó thường ngăn cản người học phạm lỗi và do đó có thể hạn chế việc học thông qua việc tự sửa lỗi. Cần giảm / ngưng hướng dẫn càng sớm càng tốt.

Tưởng tượng (imagery)/Thực hành trong tâm trí (mental practice)

Tưởng tượng (hoặc thực hành trong tâm trí) là một kỹ thuật trong đó việc thực hiện một nhiệm vụ được luyện tập trong tâm trí. Kỹ thuật này kích hoạt các liên kết thần kinh mà không dùng cử động thật sự. Tưởng tượng hình ảnh đã được chứng minh là hoạt hoá các đường truyền thần kinh qua kỹ thuật chụp MRI chức năng (fMRI) (Wright, 2016).

MỘT SỐ CHIẾN LƯỢC HỌC VẬN ĐỘNG (Strategies)

  • Học thông qua hình ảnh/video của vận động
  • Học thông qua quan sát
  • Học không mắc lỗi
  • Học thông qua thử và sai
  • Học thông qua thực hiện hai tác vụ cùng lúc
  • Học thông qua so sánh sự tương đồng
  • Học thông qua khám phá

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này