TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: HÔN NHÂN VÀ ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 22/06/2023

Trong mọi trường hợp, hãy kết hôn đi. Nếu được người vợ tốt, bạn sẽ hạnh phúc. Nếu gặp người vợ xấu, bạn sẽ trở thành triết gia. Đó là điều hay nhất cho con người.

Socrates

Mục lục

NHỮNG LÝ DO ĐƯA ĐẾN HÔN NHÂN

Theo quan niệm truyền thống Á Đông, việc “dựng vợ, gả chồng” là do cha mẹ quyết định. “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy!” Với sự phát triển của xã hội, quan niệm này dần dần đã trở nên lỗi thời và ngày nay, việc quyết định kết hôn hay không phần lớn là tùy thuộc vào hai bạn trẻ.

Tại sao hai người lại quyết định kết hôn? Có lẽ nếu được hỏi, đa số mọi người đều trả lời là do “tình yêu”. Quả thật, ở các nước phương Tây, tình yêu là nguyên nhân chính mà người ta kể ra khi quyết định cưới xin, và bạn sẽ thấy rất ít người chấp nhận họ sẽ định cưới một người mà họ hoàn toàn không yêu (theo Simpson, Cambell, Berscheid, 1986).

Hơn nữa, đa số đều cho rằng ngay cả sau khi cưới, tình yêu vẫn là một yếu tố cơ bản của quan hệ vợ chồng. Họ thường cho rằng tình yêu là một điều kiện để duy trì hôn nhân, và khi không còn yêu nữa thì cũng là nguyên nhân đủ để chấm dứt hôn nhân.

Tuy vậy, tình yêu không phải là lý do duy nhất đưa đến kết hôn. Đa số đều cho tình bạn và sự cần thiết có một quan hệ ổn định, thân thiết cũng có một vai trò quan trọng tương tự. Theo quan điểm này, hai vợ chồng dường như đóng một số vai trò khác nhau (theo Nass, 1978).

  • Trong vai trò trị liệu, người này giúp đỡ người kia khi có vấn đề như đưa ra những lời khuyên nhủ hoặc an ủi, nâng đỡ.
  • Trong vai trò giải trí, hai người chia xẻ những hoạt động giải trí với nhau, như cùng nhau chơi thể thao, cùng đi xem phim, hay là tham gia những hoạt động khác.
  • Ngoài ra, vợ chồng còn thực hiện vai trò tình dục. Đối với nhiều người, hôn nhân là cách duy nhất được chấp nhận về mặt đạo đức cho các hoạt động tình dục. Cho dù hiện nay quan niệm của xã hội về tình dục ít khắt khe hơn trước kia, hôn nhân vẫn được xem là cách đáng tin cậy và lâu bền nhất để thỏa mãn tình dục. Hôn nhân cũng cho phép một người có con và nuôi dạy con cái.

Cuối cùng một số người xem hôn nhân như là một “nước cờ”, để đem lại tiền bạc hay để nâng cao địa vị xã hội.

CHỌN LỰA MỘT NGƯỜI BẠN ĐỜI

Chúng ta đã xét đến một số lý do dẫn đến ước muốn kết hôn, nhưng làm thế nào để một người đi từ một động cơ kết hôn chung, đến chọn lựa một đối tượng cụ thể làm người bạn đời của họ, là một vấn đề khác. Theo nhà tâm lý học Janda và Klenke-Hamel (1980), người ta thường lựa chọn người bạn trăm năm của mình qua một quá trình sàng lọc, cũng như khi ta sàng bột để loại đi những hạt sạn to hơn mà ta không mong muốn.

Theo mô hình lọc này, các lưới lọc đầu tiên có lỗ lọc khá to, loại đi những “đối tượng” không thỏa mãn các yêu cầu cơ bản như ở gần hay có sẵn. Với những ứng viên đã qua được lưới lọc đầu tiên, lưới lọc tiếp theo phản ánh những cân nhắc về các điểm giống nhau và sự bổ khuyết các nhu cầu. Sau đó là các lưới lọc xác định mức hấp dẫn của ứng viên. Những lưới lọc nhỏ nhất chọn lựa người bạn đời dựa trên cơ sở hòa hợp những mong đợi, và quan niệm về vai trò của mỗi người trong quan hệ đôi bên. Với quá trình lọc như vậy chỉ có một số ít người có thể vượt qua.

Dù nhiều khi chúng ta có thể không nhận thức được các quá trình lọc của mình khi lựa chọn một người bạn đời, và có lẽ trình tự của các “lưới lọc” thay đổi ở người này so với người khác, nhưng nói chung, chúng ta thường có khái niệm khá rõ về những đặc tính của người vợ hoặc chồng tương lai của mình.

Phụ nữ thường thích một người đàn ông vững vàng luôn luôn có thể tin cậy được, có óc hài hước, xông xáo, kiếm được nhiều tiền, có học vấn cao, có duyên. Trong khi đó, nam giới thường thích những phụ nữ có thể tin cậy được, giỏi nội trợ, chung thủy, đẹp và có duyên.

DIỄN TIẾN CỦA CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG

Đàn ông xây nhà

Đàn bà xây tổ ấm.

– Tục ngữ

Quyết định kết hôn và xác định bạn đời chỉ là tiền đề cho cuộc sống vợ chồng. Dù nhiều người cho rằng cuộc sống sau khi kết hôn là một giai đoạn tương đối ổn định. Trên thực tế, cuộc sống gia đình của hai vợ chồng bao gồm rất nhiều khía cạnh khác nhau, và trong quá trình của bất kỳ một cuộc hôn nhân nào người ta cũng trải qua nhiều giai đoạn.

Bước Đi Đầu Tiên: Chọn Lựa Vai Trò

Khi lễ cưới và tuần trăng mật trôi qua, thực tế cuộc sống gia đình đối với nhiều cặp tân hôn là một cú sốc thực sự. Không còn vẻ hào nhoáng của lễ cưới và nét lãng mạn của tuần trăng mật, và hai vợ chồng phải đối mặt với các nhiệm vụ hết sức quan trọng: đó là thích nghi với các thử thách của cuộc sống vợ chồng.

Một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà phần lớn các cặp vợ chồng gặp phải là quyết định ai sẽ làm gì. Trước đây, xã hội thường có những hướng dẫn rõ ràng về sự phân công lao động này. Người chồng thường đóng vai trò sửa chữa xe cộ, đồ dùng, thiết bị trong nhà… và quan trọng nhất, theo quan niệm truyền thống, là kiếm tiền nuôi sống gia đình. Ngược lại, người vợ phải chăm lo công việc nội trợ ( như nấu nướng, quét dọn nhà cửa, mua sắm …) và chăm sóc nuôi dạy con cái.

Xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi, và quan niệm về phân công lao động không còn hạn chế như trước kia nữa. Không còn hiếm gặp những gia đình mà người vợ lại là người kiếm tiền nuôi sống gia đình, trong khi người chồng lại đảm trách công việc trong nhà và chăm sóc con cái.

Ngay cả khi hai người đều thống nhất với sự phân công lao động trong gia đình này, việc giữ cho bất hòa không xảy ra cũng có một giới hạn nhất định. Có một vài khía cạnh rất dễ nảy sinh sự bất hòa, chẳng hạn như tiền bạc, tình dục, bà con bên vợ hoặc bên chồng, giải trí, bạn bè, tôn giáo, nghiện ngập, con cái. Những khó khăn về tình dục, và các quyết định về nuôi dạy con cái, nghề nghiệp thường là những thử thách rất khó giải quyết.

Trước khi kết hôn, các xung đột thường được hai người giải quyết một cách dễ dàng. Họ sẵn sàng nhượng bộ, đồng ý để tránh làm tan vỡ mối quan hệ tình cảm lãng mạn của họ. Tuy  nhiên sau khi cưới, những bất đồng có thể xảy ra trước một thực tế trần trụi hơn, và hai vợ chồng có thể ít nhường nhịn nhau và dễ tranh cãi với nhau hơn.

Kiểu trao đổi thông tin giữa hai vợ chồng, cũng có thể ảnh hưởng rất nhiều đến sự thành công hay thất bại trong việc giải quyết các xung đột giữa đôi bên. Chẳng hạn, kiểu trao đổi thông tin ở một số cặp vợ chồng chủ yếu là suy diễn, phỏng đoán, hai người biết có vấn đề nhưng không xử lý chi tiết. Ví dụ, “Em xin lỗi anh vì đã quá nóng giận, em thật sự không biết điều gì đã xảy ra với em nữa.” là một câu nói chấp nhận có vấn đề, nhưng không làm gì để giải quyết vấn đề đó. Ngược lại, trong kiểu trao đổi thông tin mở, hai người nói thật lòng thổ lộ những cảm nhận của chính họ, và đưa ra lý do vì sao họ đã hành động như vậy. Ví dụ, “Em xin lỗi anh vì đã quá nóng giận khi anh yêu cầu em rửa chén bát, và em đã nghĩ rằng ý anh muốn nói là thời gian của anh quý hơn thời gian của em”.

Những Năm Tháng Nuôi Con

Một trong những điều quan trọng mà hai vợ chồng phải quyết định là có hay không có con. Nếu có thì nên có bao nhiêu đứa con? Cách khoảng bao lâu? Vào khi nào? Điều ngạc nhiên là những quyết định này cũng chịu sự ảnh hưởng của những quy ước xã hội. Trước kia, người ta thường quan niệm “con đàn, cháu đống”, “Trời sinh voi, trời sinh cỏ”… . Tuy nhiên xã hội ngày nay đã thay đổi và các gia đình ngày nay có xu hướng ít con hơn và sinh con đầu lòng muộn hơn. Có lẽ là do nhu cầu nâng cao nghề nghiệp, vấn đề kinh tế (nuôi con, học hành…), hoặc mất tự do (thời gian rảnh rỗi để giải trí, du lịch… ) nếu hai vợ chồng quyết định có nhiều con. Ngoài ra nhà nước cũng đưa ra một số quy định và biện pháp để kế hoạch hóa gia đình, nhằm giảm gánh nặng về dân số.

Mặc dù vậy, hầu hết các cặp vợ chồng vào một thời điểm nào đó sẽ có con, và sự xuất hiện của người con trong gia đình có thể làm nảy sinh nhiều thử thách mới. Ngoài sự thay đổi lớn trong các hoạt động xảy ra khi các vai trò “làm cha”, “làm mẹ” được bổ sung vào các vai trò khác của đôi vợ chồng, có những câu hỏi đặt ra liên quan đến phương pháp nuôi dạy trẻ: Ai sẽ là người chăm sóc chính? Có nên cho trẻ đi nhà trẻ hay không? Nên chọn trường nào? Cần khuyến khích em con cái các hoạt động gì (thể thao, âm nhạc, vẽ, học thêm…)? Xử trí những vấn đề ở trường ra sao? Vấn đề bạn bè của con cái … các ảnh hưởng của xã hội như hút thuốc lá…. Những lĩnh vực này thật sự là những thử thách đối với các bậc cha mẹ, những người luôn luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái họ.

Khi Con Cái Ra Đi: Tổ Trống 

Với những cặp vợ chồng có con cái, khi người con rời nhà, để đi làm việc xa, kết hôn, hay đi học xa nhà là một cột mốc rất quan trọng. Cho dù lý do gì đi nữa, sự ra đi của một người con trong gia đình có thể làm nảy sinh các thử thách và các vấn đề thích nghi mới. Trong một thời gian khoảng hai mươi năm, vai trò chính của các cặp vợ chồng là làm cha, làm mẹ; nhưng bây giờ trở lại là làm vợ, làm chồng. Thời kỳ này còn được gọi là thời kỳ “tổ trống”.

Một số người cảm thấy vui mừng vì họ thấy tự do, rảnh rỗi hơn. Ngược lại, với những cặp vợ chồng khác thì thời kỳ này lại ít có niềm vui. Một số người cảm thấy rằng vai trò chính trong cuộc đời của họ đã không còn nữa. Bên cạnh đó, vì tuổi trung niên thường kèm theo những dấu hiệu của tuổi tác, họ có thể bắt đầu cảm thấy không hài lòng với cuộc sống của họ.

Tuy vậy, ít có khả năng có những thay đổi lớn trong hôn nhân chỉ bởi vì con cái đã trưởng thành. Những hôn nhân đã từng tốt đẹp khi con cái ở nhà thường vẫn tốt đẹp, trong khi những hôn nhân có vấn đề thì dễ tiếp tục tạo nên sự bất mãn với cuộc sống gia đình.

LỜI KHUYẾT TÂM LÝ: PHÒNG NGỪA NHỮNG BẤT ĐỒNG GIỮA VỢ CHỒNG

Muốn được hạnh phúc trọn vẹn thì hai vợ chồng phải biết cùng nhau vượt qua những thử thách hay những bất đồng xích mích trong cuộc sống của mình. Như đã thấy, có một số khía cạnh rất dễ gây nên xung đột giữa hai vợ chồng. Bạn có thể áp dụng những biện pháp sau để phần nào giảm đi tính phá hoại của những bất đồng đó (theo Knapp, 1984).

Hãy tập trung xung đột vào một chủ đề cụ thể ở một thời điểm và đưa ra lý do, lời giải thích cho hành vi của bạn.

Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Anh giận em không phải là do em, mà do anh bực tức vì đã bị đụng xe trên đường về nhà.”

Tránh phê bình trực tiếp.

Thay vì nói “Anh là người đàn ông ích kỷ nhất mà tôi từng gặp”, hãy nói :“Bữa nay anh cư xử làm sao ấy”. Dùng những cách này, bạn đang nói đến một hành vi của người kia (mà có thể thay đổi được), chứ không phê phán đặc tính nhân cách của cô/anh ấy.

Hãy giao tiếp để tạo nên những thay đổi trong hành vi của người bạn đời theo như bạn mong muốn.

Đừng gọi các hành vi mà bạn không mong muốn ở vợ/chồng theo cách dễ gây ra phản ứng chống đối. Một người vợ nói: “Em cảm thấy như bị bóc lột khi phải nhặt những áo quần bẩn của anh trên sàn nhà”, có thể tạo nên phản ứng tích cực hơn là nói “Anh là một gã đàn ông thô lỗ lười biếng, tôi chán cái việc phải nhặt áo quần bẩn của anh trên sàn nhà rồi.

Hãy “bất bạo động” và “làm nguội” mình khi có xung đột.

Điều này cho phép hai người ít bị không khí bất hoà thủ nghịch bao phủ, tránh khả năng làm bùng nổ thành một cuộc chiến lớn.

Tránh đọc ý nghĩ, tự cho là hiểu ý nghĩ hay cảm xúc của người khác.

Hãy nghĩ bạn sẽ phản ứng ra sao khi một người nào đó nói rằng: ”Đừng có đùa với tôi, tôi đi guốc trong bụng anh.“, hay “Đừng có dấu, em biết là anh đang gặp chuyện không hay”. Hãy cẩn thận khi đánh giá về nguyên nhân hành vi của người khác, vì những điều mà bạn gán cho người đó sẽ tác động rất lớn đến bản chất của mối liên hệ của bạn.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này