5 DANH NHÂN Y HỌC LÂM SÀNG

Hãy nghe bài viết
Getting your Trinity Audio player ready...

Cập nhật lần cuối vào 15/10/2023

Trong bài viết về 5 danh nhân y học lần này, PHCN Online xin giới thiệu một số thầy thuốc lâm sàng lỗi lạc và có những ảnh hưởng lớn đến nền y học thực hành hiện đại. Bài viết không xếp thứ tự mức ảnh hưởng của họ, và có thể những thầy thuốc khác có đóng góp nhiều hơn những không được trình bày ở đây. 

Mục lục

Sir William Osler (1849-1919)

Thường được xem là “thầy thuốc của các thầy thuốc” và là “cha đẻ của thực hành lâm sàng hiện đại”, Ngài William Osler đã có ảnh hưởng rất lớn với y học hiện đại, nhất là thông qua thúc đẩy kinh nghiệm lâm sàng (hoặc học “tại giường bệnh”) cho sinh viên y khoa. Cuốn sách Những Nguyên lý và Thực hành Y học (The Principles and Practice of Medicine) của ông, xuất bản lần đầu vào năm 1892, đã trở thành sách giáo khoa gối đầu cho nhiều thế hệ thầy thuốc trên toàn thế giới.

Là con út trong gia đình có chín người con và đến từ một thị trấn nhỏ ở vùng nông thôn Ontario, Canada , Osler tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Đại học McGill. Ông đã giữ các vị trí học thuật hàng đầu tại McGill, Đại học Pennsylvania, Johns Hopkins, và cuối cùng là Đại học Oxford. Với việc nhấn mạnh vào học từ giường bệnh và chăm sóc người bệnh với sự đồng cảm, William Osler đã đem lại sự thay đổi về thái độ, kỹ năng cho các thầy thuốc lâm sàng hơn bất kỳ người nào khác trong y học hiện đại.

Xem thêm bài viết: WILLIAM OSLER- CHA ĐẺ CỦA Y HỌC HIỆN ĐẠI

Jean-Martin Charcot (1825-1893)

Jean-Martin Charcot được xem là một trong những cha đẻ của thần kinh học hiện đại, với hệ thống phân loại bệnh tật và nghiên cứu của ông về bệnh xơ cứng rải rác (MS), xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), hệ thống mạch máu của não, động kinh, “chứng hysteria”, khớp Charcot và nhiều thành tựu y học khác.

Những đóng góp phi thường của Charcot cho y học bắt nguồn từ khả năng liên kết các quan sát lâm sàng với bệnh lý học – một điều khác biệt so với thực hành thông thường đương thời. Thông qua ghi chép tỉ mỉ các trường hợp bệnh nhân và dữ liệu khám nghiệm tử thi phong phú, Charcot đã tạo ra một hệ thống phân loại cho nhiều bệnh lý.

Là người Pháp (gốc Paris), Charcot là một sinh viên tốt nghiệp hạng ưu và được bổ nhiệm làm giáo sư giải phẫu bệnh học tại Đại học Pari và sau này là giám đốc và bác sĩ trưởng của Bệnh viện Salpêtrière. Charcot là thầy dạy cho một thế hệ bác sĩ lâm sàng nổi tiếng, bao gồm Sigmund Freud, Charles Babinski, Gilles de la Tourette và Alfred Binet.

René Laënnec (1781–1826)

Bác sĩ René Théophile Hyacinthe Laënnec được xem là một trong những bậc thầy về thăm khám lâm sàng và có nhiều đóng góp cho thực hành lâm sàng.

Được xem là người đã phát minh ra ống nghe và nghĩ ra cách nghe tim phổi, bác sĩ Laënnec đã đưa ra nhiều thuật ngữ lâm sàng vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Cuốn De l’auscultation mediate, một tác phẩm kinh điển của y học hiện đại, xuất bản năm 1819, là văn bản đầu tiên mô tả chi tiết những âm thanh có thể nghe được bình thường ở phổi và các âm bất thường của các bệnh ở lồng ngực, chẳng hạn như tiếng ran, âm thở phế quản, tiếng ngáy …  Ông đã phân loại một số tình trạng bệnh phổi (bao gồm cả viêm phổi và khí thũng) và là người đầu tiên mô tả bệnh xơ gan và giãn phế quản.

James Parkinson (1755-1824)

Vào năm 1817, bác sĩ người Anh James Parkinson đã xuất bản một cuốn sách nhỏ dài 66 trang có nhan đề Một bài luận về chứng Liệt Run (An Essay on the Shaking Palsy), trong đó có lần đầu tiên mô tả lâm sàng rõ ràng về chứng liệt run hoặc paralysis agitans, mà bây giờ được gọi là bệnh Parkinson. Tuy nhiên, giá trị của bài luận này không được công nhận đầy đủ trong suốt cuộc đời của Parkinson, kéo dài từ Cách mạng Mỹ, Cách mạng Pháp và Các cuộc chiến tranh thời Napoléon. Ngày nay, bệnh Parkinson là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến nhất, ảnh hưởng đến khoảng 1% những người trên 60 tuổi.

James Parkinson là một trong những nhân vật kỳ lạ nhất của thời đại và nơi ông cư trú. Ông đồng thời là một nhà hoạt động chính trị, một nhà văn viết về y học có danh, một nhà nghiên cứu y học uyên bác, một thầy thuốc giáo xứ và nhà thương điên tận tuỵ, một nhà hóa học nghiệp dư, và một nhà cổ sinh vật học nổi tiếng. Chính ngành địa chất đó đã mang lại danh tiếng cho Parkinson trong suốt cuộc đời của ông. Parkinson là thành viên sáng lập của Hiệp hội Địa chất London, và để ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực cổ sinh vật học, tên của ông đã được đặt cho nhiều hóa thạch (ví dụ: Nautilus parkinsoni).

Nikolay Ivanovich Pirogov (1810-1881)

Bác sĩ người Nga Nikolay Ivanovich Pirogov được xem là cha đẻ của phẫu thuật chiến trường, với những kinh nghiệm phong phú trên chiến trường (nhất là trong Chiến tranh Crimea) và các phương pháp tiếp cận đột phá để chăm sóc những thương binh. Bác sĩ Pirogov được ghi nhận là người đã phát minh ra một phương pháp mới cho phân loại thương binh, sử dụng ether làm thuốc gây mê, nâng cao kỹ thuật bó bột cho xương gãy và thiết lập một số quy trình phẫu thuật, bao gồm cả cắt cụt bàn chân của Pirogov.

Được tôn vinh là một trong những bác sĩ Nga có ảnh hưởng nhất, một số cấu trúc giải phẫu đã mang tên ông, bao gồm góc Pirogov và tam giác Pirogov ở vùng cổ.

Harvey Cushing (1869-1939)

Harvey Cushing lớn lên trong một gia đình thầy thuốc có truyền thống ở Cleveland, học y tại các đại học Yale, Harvard và Johns Hopkins (nơi ông học với cha đẻ của ngành phẫu thuật Hoa kỳ, BS William Halstead). Ban đầu là một bác sĩ phẫu thuật tổng quát, sau này ông đi sâu vào nghiên cứu và thực hành phẫu thuật thần kinh.

Cushing đã phát minh ra các phương pháp tiếp cận, kỹ thuật của phẫu thuật thần kinh hiện đại, trở thành một trong những người Mỹ đầu tiên đi đầu phẫu thuật. Ngoài ra, do quan tâm đặc biệt đến tuyến yên, ông là một trong những người sáng lập ra ngành nội tiết. Ông cũng còn là một nhà văn, đã giành được giải thưởng Pulitzer cho Cuộc đời của Ngài William Osler, cuốn sách hai tập về người bạn và đồng nghiệp suốt đời của ông.

Nguồn tham khảo chính: Medscape.com

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này