NỘI TẠNG LỢN ĐÃ GHÉP ĐƯỢC SANG NGƯỜI: ĐỘT PHÁ CỦA CẤY GHÉP DỊ CHỦNG

Những con số: Thống kê tại Mỹ năm 2020:

  • Khoảng 750.000 người mắc bệnh thận giai đoạn cuối.
  • 63.000 bệnh nhân cần ghép thận mỗi năm. 
  • Chỉ có 5.234 ca hiến tặng thận từ người còn sống; 17.583 ca ghép thận từ người hiến tặng đã qua đời
  • Gần 5.000 người chết vì không chờ được một quả thận hiến tặng, tương đương với khoảng 13 người chết mỗi ngày.

Mục lục

THỦA BAN ĐẦU CỦA GHÉP KHÁC LOÀI

Cấy ghép các mô và cơ quan nội tạng của loài khác sang cho con người là một lĩnh vực khoa học có tên là “xenotransplant”, hay cấy ghép dị chủng. Ý tưởng này đã xuất hiện trong y văn ít nhất 300 năm. Một thử nghiệm đầu tiên đã được tiến hành vào năm 1667, trong đó, một bác sĩ người Pháp tên là Jean-Baptiste Denys đã truyền máu cừu sang cho một cậu bé 15 tuổi.

Bằng một cách kỳ diệu (có lẽ lượng máu truyền không quá lớn), cậu bé này đã sống sót sau thủ thuật mà ngày nay chúng biết là hết sức nguy hiểm đó. Nó khiến Denys tiếp tục tin vào xenotransplant và thực hiện truyền máu cừu sang cho hai bệnh nhân nữa. Nhưng khác với lần trước, lượng máu truyền nhiều hơn đã khiến cả hai bệnh nhân này tử vong và thủ thuật truyền máu động vật sau đó đã bị cấm.

Khi truyền máu động vật sang cho con người trở nên bất khả thi, các bác sĩ ở thế kỷ 19 bắt đầu thử nghiệm một hình thức xenotransplant mà họ cho là dễ tương thích hơn với con người: ghép da. Lần lượt da thỏ, chó thậm chí cả chim bồ câu đã được ghép sang cho những bệnh nhân bỏng hoặc có vết loét không lành.

Nhưng cũng giống như việc truyền máu, ghép da tiếp tục đánh dấu sự thất bại của ý tưởng xenotransplant.

VÀ NHỮNG THẤT BẠI CỦA GHÉP TẠNG KHÁC LOÀI

Đầu thế kỷ 20, nền y khoa của con người chứng kiến bước đột phá khi Alexis Carrel, một bác sĩ người Pháp, phát triển thành công kỹ thuật khâu nối mạch máu. Đây là điều kiện tiên quyết cho phép các ca cấy ghép nội tạng có thể được tiến hành và nó cũng mang lại cho Carrel một giải Nobel Y học năm 1912.

Nhưng phải mãi tới năm 1954, lần đầu tiên bác sĩ người Mỹ Joseph E. Murray mới tiến hành thành công một ca cấy ghép nội tạng từ người sang người. Bệnh nhân là một người đàn ông bị viêm thận mạn tính, đã nhận được một quả thận từ người anh em song sinh của mình và nó đã giúp ông ấy sống thêm 8 năm.

Sau đó, bởi nguồn nội tạng hiến tặng rất khan hiếm, các nhà khoa học lại bắt đầu quay trở lại với ý tưởng cũ về xenotransplant: Họ tự hỏi liệu chúng ta có thể ghép nội tạng động vật sang cho con người được hay không?

Keith Reemtsma, một giáo sư y khoa tại Đại học Tulane, là người đầu tiên thử nghiệm ý tưởng này. Vào những năm 1963-64, ông đã tuyển dụng 13 bệnh nhân suy thận và ghép cho họ những quả thận từ tinh tinh. Nhưng kết quả chỉ có 1 bệnh nhân sống sót được tới 9 tháng, còn lại đa số các ca cấy ghép khác đã thất bại chỉ sau 2 tuần.

Cùng khoảng thời gian đó, Thomas E. Starzl, một bác sĩ người Mỹ khác đã thử ghép gan tinh tinh sang cho các bệnh nhân trẻ tuổi mà ông nghĩ là họ có thể dung hòa tốt hơn các cơ quan nội tạng dị biệt. Nhưng kết quả mà ông nhận được cũng tàn khốc không kém. Không có bất cứ bệnh nhân nào có thể sống sót, bất chấp ở thời điểm đó thuốc chống thải ghép cyclosporine đã được phát minh ra.

Năm 1983, một ca cấy ghép dị chủng nổi tiếng khác đã được tiến hành trên một bé gái sơ sinh mắc hội chứng tim trái giảm sản. Bé gái được đặt tên là Baby Fae đã nhận được một trái tim từ khỉ đầu chó. Ca cấy ghép ban đầu được đánh giá là thành công nhưng Baby Fae cuối cùng đã chết 21 ngày sau đó.

THÀNH CÔNG BAN ĐẦU ĐẾN TỪ LỢN BIẾN ĐỔI GEN

Đến cuối những năm 1980, David Cooper, một bác sĩ người Anh bắt đầu thoát ra khỏi ý tưởng cho rằng các loài linh trưởng là động vật hiến tặng tốt nhất cho con người. Theo ông, một trái tim khỉ là quá nhỏ để thể bơm máu cho toàn bộ cơ thể người trưởng thành.

Dựa trên kích thước, lợn mới là loài có tiềm năng lớn nhất trở thành nguồn cung nội tạng cho người. Mặc dù Cooper sau đó cũng đã thất bại trong việc thử cấy ghép nội tạng lợn sang cho con người. Nhưng vào những năm 1990, ông đã có một khám phá mới đem lại hi vọng mở ra nút thắt. Nó có thể sẽ giải bài toán hóc búa: Tại sao cấy ghép dị chủng thất bại?

Một vấn đề chính trong tất cả những ca cấy ghép dị chủng là sự từ chối hay còn gọi là thải ghép. Hệ thống miễn dịch của chúng ta coi cơ quan được cấy vào người mình như một vật thể lạ và tấn công nó như thể đó là một kẻ thù, một mầm bệnh.

Ngay cả các ca cấy ghép từ người sang người cũng gặp phải vấn đề này. Để giải quyết, các nhà khoa học đã phát minh ra một loại thuốc được gọi là thuốc chống thải ghép như cyclosporine. Nó có tác dụng ức chế hay làm suy yếu hệ miễn dịch, ngăn các cuộc tấn công nhắm vào cơ quan nội tạng được cấy ghép. Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ phải uống thuốc chống thải ghép đến suốt đời.

Cooper phát hiện việc hệ miễn dịch của con người đào thải nội tạng lợn là do sự có mặt của alpha-1,3-galactose, một phân tử đường trên bề mặt tế bào của chúng cũng như tất cả các động vật có vú khác trừ linh trưởng và con người.

Ý tưởng là hãy tìm cách tạo ra những con lợn biến đổi gen không có alpha-1,3-galactose, và nội tạng của chúng sẽ có thể được ghép sang cho con người. Novartis, hãng dược phẩm khổng lồ của Thụy Sĩ đã chi hơn 1 tỷ USD cho các cơ sở phát triển lợn thu hoạch nội tạng của mình theo hướng này. Các công ty công nghệ sinh học của Anh như Genzyme và PPL Therapeutics cũng tham gia vào cuộc đua.

Nhưng vì nhiều lý do, họ đã đóng cửa chương trình nghiên cứu của mình vào đầu những năm 2000. Chỉ có Revivicor, một công ty con của United Therapeutics tiếp tục theo đuổi chương trình này và đạt tới thành công vào năm 2020. GalSafe – những con lợn biến đổi gen để không mang alpha-1,3-galactose của họ lần đầu tiên đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấp phép.

Cũng phải nói rằng FDA không cấp phép cho GalSafe như một loại giống lợn để thu hoạch nội tạng, mà chỉ phê duyệt nó như một loại thực phẩm dành cho những người bị dị ứng với alpha-1,3-galactose. Nhưng Revivicor đã không giấu tham vọng của họ về việc biến lợn GalSafe thành một nguồn cung nội tạng cho con người.

Vào tháng 25/9/2021, họ đã gửi một con lợn này tới Đại học New York để thực hiện một ca ghép thận thử nghiệm mang tính bước ngoặt. Trong cuộc phẫu thuật, bác sĩ Montgomery đã ghép một quả thận lợn GalSafe sang cho một nữ bệnh nhân, mặc dù người này đã được khẳng định là chết não.

Trong quá trình sống thực vật với máy thở, bệnh nhân tiếp tục thể hiện các dấu hiệu suy thận. Người thân của bà đã quyết định để cho bà ra đi thanh thản, và đồng ý với đề xuất của bác sĩ Montgomery rằng, sự ra đi của bà có thể có ý nghĩa cho cả nhân loại nếu họ đồng ý cho ông thực hiện thử nghiệm.

Montgomery sau đó đã ghép một quả thận lợn GalSafe vào mạch máu bên đùi của bệnh nhân. Mặc dù quả thận được treo ngoài cơ thể, nhưng nó đã thực hiện toàn bộ các chức năng của mình mà không hề bị cơ thể bệnh nhân đào thải.

Trong 54 tiếng đồng hồ, quả thận lợn GalSafe đã tạo ra nước tiểu và đưa mức creatinine của bệnh nhân về mức bình thường – một chỉ số cho thấy quả thận lợn đã khắc phục được tình trạng suy thận cho bệnh nhân. 

Dường như không có bất kỳ sự không tương thích nào giữa thận lợn và thận người khiến nó không hoạt động. Quả thận không bị đào thải ngay lập tức“, bác sĩ Montgomery nói sau ca phẫu thuật.

HY VỌNG TRONG TƯƠNG LAI GẦN

Mặc dù thử nghiệm này chỉ là thành công ban đầu, nhưng Montgomery dự đoán các ca cấy ghép thận lợn sang cho người sống sẽ được tiến hành chỉ trong vòng 1-2 năm tới sau thí nghiệm rất khả quan này.“Nếu các cơ quan nội tạng của con người được hình dung như nhiên liệu hóa thạch trong lĩnh vực nội tạng, thì thận lợn chính là năng lượng gió và mặt trời: chúng bền vững và không giới hạn“, ông nói.

Tham khảo Vox

Lược trích từ bài viết “Nội tạng lợn đã ghép được sang người: có phải ranh giới đạo đức mỏng manh nhất đang dần bị xé rách?”

THANH LONG; THEO PHÁP LUẬT & BẠN ĐỌC

 

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này