PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TỔN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

Cập nhật lần cuối vào 17/08/2023

  • Tên tiếng Anh: Anterior Cruciate Ligament Sprain/Tear
  • Từ đồng nghĩa: Rách dây chằng chéo trước
  • Mã ICD-10. M23.61: Đứt dây chằng chéo trước tự phát

Mục lục

BỆNH LÝ

Định nghĩa

Dây chằng chéo trước (ACL, Anterior Cruciate Ligament) là một cấu trúc bên trong khớp cần thiết cho chức năng bình thường của đầu gối. Dây chằng này thường bị tổn thương trong các hoạt động liên quan đến các chuyển động phức tạp, chẳng hạn như cắt và xoay. 

Rách ACL có thể một phần hoặc hoàn toàn. Dây chằng cũng có thể bị tổn thương kết hợp với các cấu trúc khác, thường gặp nhất là rách dây chằng bên trong và sụn chêm trong.

Nhắc lại giải phẫu

ACL là một cấu trúc collagen có chiều dài khoảng 38 mm và rộng 10 mm. Dây chằng xuất phát xuất từ mặt sau trong của lồi cầu ngoài xương đùi, và sau đó đi chéo xuống dưới, vào trong, và ra trước. Dây chằng bám tận lên xương chày  trên một nền rộng ở các mặt trước và ngoài của gai chày gian lồi cầu trong. 

HÌnh 1: Các dây chằng khớp gối

Dây chằng gồm hai bó lớn, được đặt tên theo vị trí bám của chúng trên xương chày. Bó trước trong (AMB, anteromedial bundle), bám ở phía trước trong, căng khi gấp và dài hơn, kiểm soát sự dịch chuyển ra trước của xương chày trên xương đùi. Bó sau ngoài (PLB, posterolateral bundle), bám ngay sau bó trước trong, căng khi duỗi và xoay trong, kiểm soát dịch chuyển ra trước khi gối duỗi và vận động xoay.

Bó trước trong có độ căng tăng dần từ góc gập gối 30 độ, nghĩa là ở góc gập gối 30 độ, mâm chày dễ bị dịch chuyển ra trước nhất (xem nghiệm pháp Lachman).

Hình 2: Ảnh hưởng của tư thế khớp gối với các bó của dây chằng chéo trước
XEM THÊM: GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG KHỚP GỐI. XƯƠNG VÀ KHỚP

Dịch tễ, nguyên nhân

Ở Mỹ, hàng năm có khoảng 250.000 trường hợp rách dây chằng chéo trước, với hơn 120.000 người được phẫu thuật. 

Khoảng 70% chấn thương ACL cấp tính có liên quan đến thể thao và ảnh hưởng đến nữ nhiều hơn nam, đặc biệt là trong các môn thể thao như bóng rổ và bóng đá. Chấn thương thường do giảm tốc đột ngột trong các chuyển động tốc độ cao có hoạt động co mạnh của cơ tứ đầu đùi. Các cơ chế chấn thương khác là lực ép vẹo ngoài (valgus), duỗi quá mức và xoay ngoài, như khi tiếp đất từ ​​một cú nhảy.

Các chấn thương không liên quan đến thể thao có thể bao gồm ngã trượt chân, tai nạn giao thông, hoặc ngã cao và tiếp đất với gối duỗi và vẹo ngoài.

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến chấn thương ACL có thể được phân loại là giải phẫu, nội tiết tố, môi trường, sinh cơ học và thần kinh cơ. Một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm cảm thụ bản thể, sức mạnh cơ cốt lõi, sức mạnh cơ hamstring giảm (so với sức mạnh cơ tứ đầu), môi trường (như giày khi chơi thể thao, bề mặt sân chơi, điều kiện thời tiết, kỹ thuật huấn luyện).

Các yếu tố không thể thay đổi được bao gồm giới tính, kích thước khía liên lồi cầu đùi (nhỏ), độ dốc của mâm chày cao, duỗi gối quá mức, lỏng lẻo xoay sinh lý, kích thước ACL nhỏ và tiền tố gia đình.

LƯỢNG GIÁ, CHẨN ĐOÁN

Triệu chứng

Bệnh nhân thường xuất hiện với đau, sưng ngay lập tức và hạn chế tầm vận động. Bệnh nhân có thể khai nghe thấy một tiếng “bốp” sau chấn thương. Trong trường hợp chấn thương cấp tính, bệnh nhân sẽ bị đau dữ dội và đi lại khó khăn. Trong trường hợp chấn thương mạn tính, bệnh nhân có thể có bệnh sử các đợt mất vững khớp gối tái phát kèm theo phù và hạn chế vận động. Bệnh nhân có thể có cảm giác bị kẹt khớp hoặc khuỵu gối khi đi. 

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng tương đối nhạy và đặc hiệu để chẩn đoán rách ACL và tương đồng với các các chấn thương khớp gối khi nội soi khớp.

Nhìn: 

  • Đánh giá teo cơ vùng đùi, sưng khớp gối

Sờ:

  • Đánh giá nhiệt độ, di động xương bánh chè, tràn dịch, các điểm đau, 

Đo tầm vận động

  • Tầm vận động chủ động, thụ động

Nghiệm pháp:

  • Các nghiệm pháp đánh giá độ di động xương bánh chè (như nghiệm pháp sợ), đánh giá sự tràn dịch khớp gối
  • Độ vững khớp:
    • Dây chằng bên trong và bên ngoài (các test ép vẹo trong và vẹo ngoài ở góc gối duỗi thẳng và gập 30 độ)
    • Dây chằng chéo trước: Lachman, Dịch chuyển xoay ngoài (lateral pivot shift) (mất vững trước ngoài), ngăn kéo trước (nếu có thể gập gối được 90 độ). Nghiệm pháp Lachman nhạy nhất trong trường hợp chấn thương cấp tính, trong khi nghiệm pháp dịch chuyển xoay ngoài đặc hiệu hơn và có tương quan nhiều hơn với việc tham gia thể thao và độ vững chức năng sau này. Lưu ý nếu dây chằng chéo sau bị rách kèm theo trật mâm chày ra sau có thể cho kết quả dương tính giả khi thực hiện động tác ngăn kéo phía trước. 
  • Các nghiệm pháp sụn chêm: sờ khe khớp, các nghiệm pháp như McMurray, Thessaly…
XEM THÊM: KHÁM KHỚP GỐI. PHẦN 1: CÁC BƯỚC CƠ BẢN
KHÁM KHỚP GỐI. PHẦN 2: ĐO LƯỜNG VÀ CÁC NGHIỆM PHÁP ĐẶC BIỆT

Khám thần kinh: 

  • Bình thường, trừ yếu cơ nhẹ (đặc biệt là cơ tứ đầu đùi) do ức chế vì đau hoặc không sử dụng.

Hạn chế chức năng

  • Các hạn chế bao gồm giảm vận động khớp gối, yếu cơ và đau cản trở các hoạt động liên quan đến xoay và nhảy. Các đợt mất vững tái diễn có thể hạn chế tham gia các môn thể thao gắng sức như bóng rổ, bóng đá, quần vợt và bóng chuyền. Các đợt đầu gối khuỵu gối này có thể làm tăng thêm tình trạng lỏng lẻo dây chằng, gây hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như đi xuống cầu thang và thay đổi hướng trong khi đi.

Hình ảnh học

  • Chụp X quang thường quy để loại trừ gãy xương trong khớp (bong điểm bám xương chày, gãy Segond), các thể tự do trong khớp và các thay đổi khớp. Có thể bao gồm các phim thẳng, nghiêng ở tư thế đứng với gối duỗi, phim thẳng ở tư thế đứng với gối gập, chụp xương bánh chè từ trên xuống (Merchant view).
  • Cộng hưởng từ có thể được chỉ định trong trường hợp cấp tính để đánh giá các tổn thương phối hợp, chẳng hạn như bầm dập xương, rách sụn chêm và các tổn thương dây chằng khác cũng như hỗ trợ lập kế hoạch điều trị các tổn thương kết hợp.
  • Siêu âm: có thể đánh giá tràn dịch, tổn thương các dây chằng bên và gân cơ nhưng khó xác định tổn thương các dây chằng bên trong khớp một cách chính xác.

XEM VIDEO:

Chẩn đoán phân biệt

  • Các tổn thương phối hợp (như kết hợp với tổn thương dây chằng bên trong, sụn chêm …)
  • Rách dây chằng chéo sau
  • Rách phức hợp dây chằng sau bên
  • Tổn thương dây chằng bên trong 
  • Rách sụn chêm
  • Gãy nội khớp
  • Trật khớp xương bánh chè 

XỬ TRÍ

Ban đầu

  • Ngay sau khi bị chấn thương, xử trí rách ACL bao gồm RICE (nghỉ ngơi tương đối, chườm đá, băng ép, nâng cao chi) và dùng thuốc giảm đau hoặc chống viêm. 
  • Để giảm đau khi vận động, có thể hỗ trợ cố định và chức năng bằng nẹp gối và nạng.
  • Nếu gối sưng và đau nhiều kèm hạn chế vận động, cản trở tham gia điều trị, có thể chọc hút dịch.
  • Trường hợp dịch có máu có thể chứng tỏ tổn thương ACL kèm theo các cấu trúc quan trọng khác, như gãy xương sụn, rách sụn chêm và chấn thương các cấu trúc bao khác và do đó có thể cần phẫu thuật sớm. 

Hướng Xử lý tiếp theo:

  • Điều trị chấn thương ACL phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm tuổi, mức độ hoạt động của bệnh nhân, có các chấn thương kèm theo hay không và tầm quan trọng của việc quay trở lại các hoạt động thể thao có những vận động chạy tăng/giảm tốc và cắt ngang.
  • Nói chung, trong trường hợp không có tổn thương phối hợp, xử lý cấp tính có thể là bảo tồn với phục hồi chức năng (có bảo vệ) sớm. Phẫu thuật là phương pháp điều trị dứt điểm duy nhất đối với các chấn thương dây chằng chéo trước hoàn toàn, nhưng thường không cần thiết đối với những người lớn tuổi (>40 tuổi) không bị  mất vững gối với các hoạt động giải trí hoặc công việc. Đặc biệt là khi những người này không tham gia các hoạt động nguy cơ cao như thể thao và công việc nặng nhọc.
  • Với những bệnh nhân trẻ tuổi và những người có mức độ hoạt động cao, nên cân nhắc phẫu thuật. Giới thiệu phẫu thuật là không cần thiết trong giai đoạn ngay sau chấn thương nhưng nên được tạo điều kiện ngay khi chắc chắn người bệnh mong muốn phẫu thuật như một biện pháp điều trị xác định. 
  • Khi có các chấn thương phối hợp, đặc biệt nếu những chấn thương này gây ra các triệu chứng cơ học hoặc trong trường hợp của vận động viên, nên xem xét điều trị phẫu thuật ngay sau giai đoạn viêm ban đầu và đã chuẩn bị tốt trước phẫu thuật. 
  • Tham khảo thuật toán xử lý tổn thương dây chằng chéo trước (ACL) của Trung tâm Sức khỏe Thể thao Đại học Puerto Rico.
Hình . Thuật toán xử lý tổn thương dây chằng chéo trước (ACL) của Trung tâm Sức khỏe Thể thao Đại học Puerto Rico. Copers, Bệnh nhân có thể đạt được độ vững gối và chức năng đầy đủ của đầu gối mà không cần xử lý phẫu thuật; Noncopers, Bệnh nhân bị mất vững khớp gối đáng kể về lâm sàng. (From Micheo WM, Hernandez L, Seda C. Evaluation, management, and prevention of anterior cruciate ligament injury: current concepts. PMR. 2010;2:935–944.)

Phục hồi chức năng

  • PHCN rách ACL nên bắt đầu ngay sau khi chấn thương. Mục đích là giảm đau, phục hồi tầm vận động, sức mạnh cơ và đưa bệnh nhân trở lại hoạt động mà không có triệu chứng. Chương trình phục hồi chức năng bao gồm các giai đoạn cấp tính, hồi phục và chức năng. Đối với người chơi thể thao, có thể bổ sung một giai đoạn trở lại chơi thể thao sau các giai đoạn trên.
  • Bệnh nhân với gối có khiếm khuyết ACL có thể bị chấn thương cấp tính hoặc tái phát. Trong trường hợp chấn thương cấp tính, điều quan trọng là bảo vệ các cấu trúc khác ở khớp gối và tiến trình phục hồi chức năng sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương của các cấu trúc khớp gối này. Sử dụng sớm các bài tập vận động chuỗi đóng (CKC) sẽ cho phép tăng tiến làm mạnh cơ. Các bài tập này tập mạnh cơ tứ đầu kèm theo co nhẹ cơ hamstring, làm giảm lực căng ở dây chằng chéo và giảm thiểu lực phản ứng ở khớp bánh chè đùi (Bảng 1).
  • Các bệnh nhân có khớp gối không vững tái phát nên tham gia vào một chương trình tập phục hồi chức năng. Điều chỉnh tình trạng yếu cơ và suy giảm cảm thụ bản thể, cũng như huấn luyện lại chức năng kết hợp với điều chỉnh hoạt động có thể làm giảm các đợt mất vững gối và nên được xem xét trước khi phẫu thuật ở người có mức độ hoạt động thấp. 

Giai đoạn cấp tính (Acute Phase)

  • Giai đoạn này tập trung vào việc điều trị tổn thương mô, các dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng. Mục tiêu trong giai đoạn này là tạo điều kiện làm lành mô trong khi giảm đau và viêm. 
  • Cần hồi phục tầm vận động khớp gối trong tầm không đau, phòng ngừa teo yếu cơ và duy trì thể lực nói chung. 
  • Giai đoạn này có thể kéo dài từ 1 đến 4 tuần.

Giai đoạn hồi phục (Recovery Phase)

  • Giai đoạn này tập trung vào việc đạt được vận động thụ động và chủ động khớp gối bình thường, cải thiện chức năng cơ, đạt được sự cân bằng bình thường của cơ hamstrings và cơ tứ đầu, đồng thời cải thiện cảm thụ bản thể ở khớp.  
  • Chương trình PHCN tích hợp tập luyện gây mất vững (Perturbation training) đã chứng minh cải thiện độ vững khớp động và chức năng khớp gối ở các bệnh nhân khiếm khuyết dây chằng chéo trước. 
  • Giai đoạn này có thể kéo dài từ 4 đến 12 tuần sau chấn thương.

Giai đoạn chức năng (Functional Phase)

  • Giai đoạn này tập trung vào tăng sức mạnh và sức bền của chi dưới đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát thần kinh cơ. Phục hồi chức năng ở giai đoạn này tác động trên toàn bộ chuỗi động học, xử lý các khiếm khuyết chức năng cụ thể. Chương trình này nên được thực hiện liên tục với mục tiêu cuối cùng là phòng ngừa chấn thương tái phát và tạo điều kiện để trở lại hoạt động an toàn. 
  • Giai đoạn chức năng có thể kéo dài từ 12 đến 24 tuần sau chấn thương.
  • Nếu bệnh nhân hoàn thành chương trình phục hồi chức năng và sẵn sàng thay đổi mức độ hoạt động, bao gồm cả hạn chế hoạt động thể thao có các vận động xoay và cắt ngang, tiên lượng chức năng cho các hoạt động sống hàng ngày thường là tốt. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng nẹp chức năng khi tham gia thể thao, nhằm bảo vệ, làm giảm các triệu chứng mất vững khớp, giảm tác động lên ACL.

Trở lại Chơi Thể thao (Return to Play)

  • Quyết định quay lại chơi thể thao cần dựa trên các tiêu chuẩn khách quan. Một số yếu tố ảnh hưởng đến kết quả mong đợi sau chấn thương ACL, đặc biệt nếu bệnh nhân được phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, bao gồm thời gian và loại phẫu thuật, các triệu chứng của bệnh nhân, khám lâm sàng, các chương trình phục hồi chức năng, các đánh giá chức năng, và sự sẵn sàng về tâm lý.
  • Trước đây, quay lại chơi thể thao bắt đầu sau phẫu thuật khoảng 6 đến 9 tháng; tuy nhiên, nguy cơ tái chấn thương tăng lên đáng kể trong năm đầu tiên. Hiện tại, nghiên cứu cho thấy hầu hết các vận động viên đáp ứng các tiêu chuẩn khách quan sau 9 tháng và sau đó có thể trở lại chơi thể thao một cách an toàn. Thống kê gần đây cho thấy 81% vận động viên trở lại chơi thể thao trong khi 65% trở lại mức trước chấn thương và 55% trở lại với các môn thể thao có cạnh tranh. Tuy nhiên, chỉ 38% vẫn ở mức cũ sau 2 năm kể từ khi phẫu thuật.

Bảng 1. PHCN cho tổn thương dây chằng chéo trước không phẫu thuật

Giai đoạn CấpGiai đoạn Hồi phụcGiai đoạn Chức năng
Can thiệp trị liệuCác phương thức: chườm lạnh, kích thích điện
Gấp và duỗi gối chủ động có trợ giúp
Các bài tập gồng cơ tĩnh cho cơ tứ đầu và cơ hamstring
Tập sức khoẻ chung: đạp xe đạp và tập dưới nước
Đi lại bằng nạng
Phương thức: nhiệt nông, siêu âm dòng xung, kích thích điện
Các bài tập tầm vận động và mềm dẻo
Tăng cường sức mạnh chi dưới động
Các bài tập chuỗi động đóng, các bài tập khớp chi dưới nhiều mặt phẳng
Tập sức bền chung
Dần dần trở lại tập luyện thể thao cụ thể với nẹp chức năng
Tập mềm dẻo linh hoạt, làm mạnh cơ tổng thể
Tập sức bền và sức mạnh cho hai chân: các chuyển động chéo và nhiều mặt phẳng, tập nhún nhảy (plyometrics)
Kiểm soát thần kinh cơ, tập cảm thụ bản thể
Quay trở lại tham gia thể thao cụ thể với nẹp chức năng
Tiêu chuẩn tăng tiếnGiảm đau
Phục hồi vận động không đau 
Kiểm soát tốt cơ đầu gối
Chịu đựng được các bài tập tăng cường sức mạnh
Vận động đủ tầm không đau
Sức mạnh cơ tứ đầu và cơ hamstring cân bằng
Điều chỉnh các khiếm khuyết mềm dẻo
Tiến triển không có triệu chứng trong một chương trình dành riêng cho thể thao
Không có triệu chứng lâm sàng
Chạy và nhảy bình thường
Tích hợp chuỗi động bình thường
Đã hoàn thành chương trình dành riêng cho thể thao

Các thủ thuật 

  • Chọc hút khớp gối có thể được thực hiện trong 24 đến 48 giờ đầu tiên sau chấn thương để xác định tình trạng chảy máu khớp và hỗ trợ chẩn đoán. Nếu bệnh nhân không cải thiện do sưng và hạn chế vận động nhiều, có thể chọc hút dịch ở các giai đoạn sau để giảm triệu chứng. Sau khi hút, nên chườm lạnh đầu gối trong 15 phút và sau đó hai hoặc ba lần mỗi ngày trong vài ngày.
  • Các kỹ thuật hỗ trợ tái tạo như huyết tương giàu tiểu cầu và mô tủy xương cô đặc  có thể là một lựa chọn để phòng ngừa hoặc điều trị thoái hóa sụn hoặc điều trị các chấn thương mô mềm kèm theo.

Phẫu thuật

  • Phẫu thuật được chỉ định ở những bệnh nhân có các đợt mất vững tái diễn trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và ở những vận động viên có triệu chứng và không muốn thay đổi hoạt động của họ.
  • Quy trình phẫu thuật thường được lựa chọn là ghép tự thân có sự hỗ trợ của nội soi khớp bằng kỹ thuật nội soi toàn phần hoặc kỹ thuật hai đường rạch. Mảnh ghép tự thân thường là gân bánh chè (ghép xương- gân – xương) hoặc gân cơ hamstring.
    • Nhóm gân cơ hamstring có xu hướng hồi phục ban đầu nhanh hơn và ít sưng đau hơn. Tuy nhiên, mặc dù độ bền của mảnh ghép tốt nhưng sự cố định của mảnh ghép cũng như sự kết hợp mảnh ghép vào xương dường như yếu hơn so với mảnh ghép xương- gân bánh chè – xương.
    • Ngược lại, nhóm gân bánh chè có khả năng cố định và kết hợp tốt hơn bởi vì với phương pháp này, quá trình lành thương từ xương này sang xương khác diễn ra và kết quả hoạt động về mặt  sinh cơ học như một đơn vị duy nhất; là do đó là phương pháp ghép ưa thích cho các vận động viên có nhu cầu cao. Nhược điểm của mảnh ghép gân bánh chè là ban đầu có thể gây sưng, đau và hạn chế vận động nhiều hơn. 
    • Các mảnh ghép tự thân khác được sử dụng là gân cơ tứ đầu và gân bánh chè đối bên. 

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật

  • Ở bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước, nên bắt đầu phục hồi chức năng trước khi phẫu thuật. Cần thực hiện các can thiệp nhằm giảm đau và sưng, đạt được tầm vận động đầy đủ, kiểm soát co cơ và cuối cùng đạt được sức mạnh cơ bình thường trước khi phẫu thuật. 
  • Sau phẫu thuật, nên bắt đầu phục hồi chức năng vào ngày hậu phẫu đầu tiên. Sử dụng sớm liệu pháp chườm lạnh, băng ép và nâng cao chi đã được chứng minh là làm giảm đau và sưng sau phẫu thuật. Điều quan trọng là đạt được tầm độ duỗi gối thẳng hoàn toàn và bắt đầu gập gối chủ động sớm trong vài ngày đầu sau phẫu thuật. Ngay sau phẫu thuật, bệnh nhân cần sử dụng nạng để hỗ trợ đi lại.
  • Chương trình phục hồi chức năng tiến triển nhanh đã làm giảm các biến chứng thường liên quan đến phẫu thuật dây chằng chéo khớp gối, bao gồm cứng khớp, teo cơ, yếu cơ và đau bánh chè đùi. 
  • Trong giai đoạn phục hồi chức năng sớm, cần cẩn trọng để tránh làm căng quá mức dây chằng được tái tạo với các bài tập cơ tứ đầu có kháng trở ở cuối tầm duỗi (0 đến 30 độ). Các bài tập chuỗi động đóng có thể được bắt đầu sớm nhất là 2 tuần, bao gồm các bài tập minisquat, bước lên bục và ép chân (leg presses), những bài tập này làm mạnh cơ tứ đầu với ít lực xé lên mảnh ghép. Các bài tập chuỗi động mở có thể được xem xét trong tầm vận động giới hạn 90 đến 45 độ sau 4 tuần cho cả hai loại mảnh ghép, nhưng chỉ nên bổ sung kháng trở với mảnh ghép gân bánh chè chứ không nên áp dụng với gân hamstring. Tăng dần tầm vận động hàng tuần mỗi 10 và 15 độ. 
  • Với mảnh ghép là gân bánh chè, có thể cho phép duỗi gối có kháng hoàn toàn 6 – 8 tuần sau phẫu thuật, trong lúc muộn hơn, 10 – 12 tuần với những bệnh nhân được tái tạo bằng gân hamstring.
  • Các bài tập dưới nước cho phép tăng dần khả năng chịu trọng lượng lợi dụng lực đẩy nổi của nước và có thể được bắt đầu ngay sau khi cắt chỉ.
  • Tốc độ hồi phục tầm vận động, cơ lực, cảm thụ bản thể và các hoạt động, kỹ năng thường khác nhau tùy theo bệnh nhân, và cần phải đạt được những mục tiêu này trước khi trở lại hoạt động thể thao. 
  • Với các chương trình phục hồi chức năng tăng tốc, bệnh nhân thường trở lại hoạt động 6 đến 8 tháng sau phẫu thuật. Các chương trình như vậy không dẫn đến sự gia tăng tình trạng lỏng lẻo khớp gối ra trước so với chương trình không tăng tốc. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy các vận động viên có thể bị khiếm khuyết thần kinh cơ kéo dài tới 9 đến 12 tháng sau phẫu thuật. 
  • Nghiên cứu cũng cho thấy sử dụng nẹp chức năng sau phẫu thuật không cải thiện kết quả so với không sử dụng nẹp.
XEM THÊM: PROTOCOL: TẬP LUYỆN PHCN SAU TỔN THƯƠNG DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC KHỚP GỐI

VIDEO PHCN ONLINE: CÁC BÀI TẬP ĐỀ NGHỊ CHO TUẦN THỨ 2 - 4

Các biến chứng

  • Chấn thương dây chằng chéo trước nếu không được điều trị có thể gây nên những thay đổi ở khớp gối có thể dẫn đến những thay đổi đáng kể trong lối sống của bệnh nhân. Những bệnh nhân tiếp tục tham gia các môn thể thao gắng sức sẽ bị các đợt đau tái phát và “khuỵu gối” thứ phát do lỏng lẻo phía trước và mất vững xoay. Các đợt tái phát này có thể dẫn đến tổn thương các cấu trúc liên quan, chẳng hạn như sụn chêm, sụn khớp và các dây chằng khác. 
  • Một số đáng kể bệnh nhân bị hẹp khe khớp với dấu hiệu của thoái hoá khớp. Các yếu tố nguy cơ liên quan đến thoái hoá khớp sau chấn thương ban đầu và điều trị phẫu thuật bao gồm chấn thương sụn khớp, rách sụn chêm, mất tầm vận động (đặc biệt là duỗi gối), chỉ số khối cơ thể cao và teo yếu cơ tứ đầu đùi do bị ức chế vì đau khớp. Tỷ lệ thoái hóa khớp gối trên X quang sau phẫu thuật tái tạo dao động từ 29% đến 51%, không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê so với điều trị bảo tồn (24% đến 48%). Tỷ lệ thoái hoá khớp bánh chè đùi sau tổn thương dây chằng chéo trước đơn độc thấp hơn so với khi có tổn thương phối hợp với sụn chêm, hàm ý tầm quan trọng của tổn thương sụn chêm trong biến chứng thoái hoá khớp thứ phát.
XEM THÊM: CASE STUDY PHYSIOTHERAPY 4.5: TÁI TẠO DÂY CHẰNG CHÉO TRƯỚC

Tài liệu tham khảo chính:

ESSENTIALS OF PHYSICAL MEDICINE AND REHABILITATION: MUSCULOSKELETAL DISORDERS, PAIN, AND REHABILITATION, FOURTH EDITION. Elsevier, Inc. 2019
CLINICAL ORTHOPAEDIC REHABILITATION: A TEAM APPROACH, FOURTH EDITION, 2018, Elsevier, Inc

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này