Cập nhật lần cuối vào 08/08/2023
Thiết lập các mục tiêu dự kiến và kết quả mong đợi là một phần quan trọng của quá trình thiết lập kế hoạch chăm sóc cho bệnh nhân và là một trong những nền tảng của ghi hồ sơ PHCN.
Người điều trị, phối hợp với bệnh nhân, đặt ra các mục tiêu được thiết kế để đo lường tiến độ hướng tới các kết quả cụ thể được mong đợi.
Thông qua ghi chép về các mục tiêu này, người điều trị thể hiện kiến thức của mình về các vấn đề cụ thể của bệnh nhân, đưa ra tiên lượng và cung cấp nền tảng để phát triển một kế hoạch can thiệp cụ thể cho nhu cầu của từng bệnh nhân.
Trang PHCN Online đã có một bài viết về mục tiêu SMART. Bài viết sau (lược dịch) trình bày rõ hơn về viết mục tiêu theo tiếp cận khung ICF.
XEM THÊM: THIẾT LẬP MỤC TIÊU SMART VÀ THANG ĐO ĐẠT MỤC TIÊU GAS
Mục lục
TIẾP CẬN TRUYỀN THỐNG: MỤC TIÊU NGẮN HẠN VÀ DÀI HẠN
Cách ghi chép các mục tiêu theo tiếp cận truyền thống là phân biệt giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Ở đây, sự khác biệt chủ yếu dựa trên tiến trình thời gian của phục hồi chức năng.
Ví dụ: một mục tiêu dài hạn điển hình có thể là:
- Bệnh nhân sẽ đi bộ độc lập với khoảng cách lên đến 300m ngoài trời mà không cần dụng cụ trợ giúp trong vòng 1 tháng.
Một mục tiêu ngắn hạn liên quan đến mục tiêu dài hạn này có thể là:
- Bệnh nhân sẽ đi bộ 50m trên các bề mặt bằng phẳng trong nhà với một gậy 4 chân và cần giám sát của một người trợ giúp trong vòng 1 tuần.
Do đó, khái niệm về mục tiêu ngắn hạn là một bước trung gian để đạt được mục tiêu dài hạn. Cách tiếp cận này có thể hữu ích, đặc biệt là trong các cơ sở phục hồi chức năng nơi việc điều trị có thể tiếp tục trong một thời gian dài (xem Ví dụ trường hợp 1). Tuy nhiên, với những thay đổi trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là trong chính sách thanh toán, bệnh nhân ít có khả năng được điều trị trong thời gian dài hơn. Một ngoại lệ đáng chú ý là trị liệu tại trường học dành cho trẻ em, nơi trẻ thường được can thiệp trong suốt một thời gian khá dài. Trong tình huống này, các mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn thường được viết ra.
VIẾT MỤC TIÊU THEO KHUNG ICF
Mặc dù trong một số trường hợp, việc thiết lập các mục tiêu ngắn hạn tức thời giúp cung cấp khung hướng dẫn cho một quá trình phục hồi chức năng phức tạp, nhưng ở đây chúng ta nên áp dụng khung phân loại ICF để thiết lập các kết quả mong đợi ở ba cấp độ khác nhau: mục tiêu tham gia, mục tiêu hoạt động và mục tiêu về khiếm khuyết.
Cần điều chỉnh các mục tiêu để tăng cường khả năng của người bệnh nhằm hoạt động một cách độc lập nhất có thể được. Kết quả cuối cùng phải là nâng cao chất lượng cuộc sống và các hoạt động hàng ngày và sự tham gia liên quan.

XEM THÊM: TÀI LIỆU: BÀI GIẢNG ĐẠI CƯƠNG KHUNG PHÂN LOẠI QUỐC TẾ VỀ KHUYẾT TẬT (ICF)
Mục tiêu tham gia
Các mục tiêu tham gia thể hiện các kết quả mong đợi về các vai trò cụ thể mà bệnh nhân mong muốn có thể tham gia. Những mục tiêu này cung cấp “bức tranh toàn cảnh”— mục đích tổng thể của can thiệp PHCN là gì? Mục tiêu tham gia của một bệnh nhân có thể là trở lại làm việc, một người khác là có thể chăm sóc con cái, một người nữa là có thể đi chùa.
Mục tiêu hoạt động (hoặc chức năng)
Mục tiêu hoạt động thể hiện các kết quả mong đợi về các kỹ năng cần thiết để tham gia vào các vai trò cần thiết hoặc mong muốn. Các mục tiêu hoạt động là thành phần chính của bất kỳ phần mục tiêu nào và không bao giờ được bỏ qua các mục tiêu này.
Ví dụ, một mục tiêu hoạt động có thể là
- đi bộ từ giường vào phòng tắm,
- mặc áo sơ mi hoặc
- uống nước bằng cốc.
Mục tiêu khiếm khuyết (tuỳ chọn)
Các mục tiêu khiếm khuyết thể hiện các kết quả mong đợi về các khiếm khuyết cụ thể trong cấu trúc hoặc chức năng của cơ thể góp phần gây ra các hạn chế về chức năng. Mặc dù trọng tâm là các mục tiêu về hoạt động hoặc chức năng, nhưng trong một số trường hợp, một hoặc nhiều mục tiêu trị liệu liên quan đến việc giảm hoặc loại bỏ các khiếm khuyết. Do đó, trong những trường hợp như vậy, việc thiết lập các mục tiêu về khiếm khuyết là hợp lý để có thể theo dõi kết quả.
Ví dụ: mục tiêu khiếm khuyết có thể là
- đạt được sức mạnh 4/5 ở cơ tứ đầu,
- tăng tầm vận động (ROM) gập gối lên 110 ° hoặc
- cải thiện sự đối xứng của độ dài bước chân trong dáng đi.
Các mục tiêu khiếm khuyết cũng có thể được xem là các mục tiêu ngắn hạn được sử dụng làm điểm mốc trên con đường đạt đến các mục tiêu hoạt động. Những mục tiêu này đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân có thể bị giới hạn hoạt động nghiêm trọng, chẳng hạn như ngay sau khi bị đột quỵ hoặc chấn thương tủy sống. Những thay đổi về khiếm khuyết, chẳng hạn như sức mạnh cơ, có thể là bằng chứng tức thời duy nhất về sự cải thiện tình trạng của bệnh nhân, và do đó chúng có thể là những chỉ số tiến triển nhạy cảm hơn. Khi đó, mục tiêu của trị liệu là cải thiện tình trạng khiếm khuyết để cuối cùng dẫn đến cải thiện các hoạt động chức năng. Tóm lại, trọng tâm của trị liệu hầu như luôn luôn là đạt được các hoạt động có ý nghĩa và việc đạt được các mục tiêu khiếm khuyết nên là phụ trợ để đạt được các mục tiêu hoạt động.
Với người bác sĩ PHCN, bên cạnh các mục tiêu trên, còn có mục tiêu điều trị và dự phòng cho tình trạng sức khỏe/bệnh lý.
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA MỤC TIÊU CHỨC NĂNG
Để tạo thuận cách viết mục tiêu, cần phải nắm một số nguyên tắc cơ bản của mục tiêu.
Mục Tiêu Là Kết Quả, Không Phải Quá Trình
Đặc điểm quan trọng nhất của các mục tiêu là chúng là kết quả chứ không phải quá trình. Đây cũng là đặc điểm thường bị các nhân viên y tế lãng quên nhất, đặc biệt là với những người mới bắt đầu. Mục tiêu là điều mà bệnh nhân, không phải là người điều trị, sẽ thực hiện. Mục tiêu xác định trạng thái kết thúc, không phải quá trình dẫn đến trạng thái đó. Sau đây là một ví dụ về một mục tiêu được viết kém:
- BN sẽ được hướng dẫn các cẩn trọng thích hợp sau phẫu thuật thay khớp háng.
Đây không phải là một mục tiêu, mà là một kế hoạch để đạt được mục tiêu. Mục đích là để bệnh nhân biết các cẩn trọng, có thể được kết hợp thành một mục tiêu, chẳng hạn như sau:
- BN sẽ có thể nêu các cẩn trọng thích hợp cho thay khớp háng.
Một mục tiêu tốt hơn, cụ thể hơn sẽ như sau:
- BN sẽ có thể minh hoạ các cẩn trọng thích hợp cho thay khớp háng trong quá trình dịch chuyển trên giường, ngồi và di chuyển.
Mục Tiêu Phải Cụ Thể, Không Trừu tượng
Một trong những khía cạnh thách thức nhất của việc viết mục tiêu là diễn đạt chúng một cách cụ thể (chữ S trong SMART). Mục tiêu sau đây làm nổi bật thách thức này:
- BN sẽ thể hiện tăng khả năng kiểm soát trong các vận động vươn tới …
Câu phát biểu này là quá chung chung và trừu tượng. “Kiểm soát trong vận động vươn tới” có nghĩa là gì? Lý tưởng nhất là các mục tiêu nên được nêu dưới dạng một hành động hoặc nhiệm vụ chức năng mà cá nhân sẽ thực hiện và phải bao gồm một kết quả được nêu cụ thể, chẳng hạn như:
- BN sẽ với lấy một cái cốc…
Các mục tiêu thường được viết bằng những thuật ngữ chung chung đến mức gần như vô dụng. Ví dụ, các mục tiêu sau đây, được viết nhanh trên lâm sàng, không phải là mục tiêu viết tốt:
- Độc lập.
- Độc lập sinh hoạt hàng ngày
- Sức mạnh chức năng ở chi trên
Nên tránh những mục tiêu như vậy mà thay vào đó là đo lường hiệu suất trên các nhiệm vụ hoặc hoạt động cụ thể, chuyên biệt.
Các Mục Tiêu Tốt Là Đo Lường Được Và Đánh Giá Được
Một mục tiêu cần được nêu rõ ràng về đo lường hoặc đánh giá (chữ M trong SMART). Mục tiêu sau đây không thể đo lường được cũng như không thể kiểm tra được:
- Thăng bằng ngồi tốt
Một (trong nhiều) vấn đề với mục tiêu này là không rõ cách kiểm tra thăng bằng khi ngồi. Đặc biệt, không nên sử dụng các thuật ngữ như tốt, trung bình và kém vì những thuật ngữ này thường ám chỉ điều gì đó khác nhau đối với mỗi người. Một cách tốt hơn để viết mục tiêu như sau:
- BN sẽ có thể ngồi không cần hỗ trợ trên mép giường được 1 phút…
Ở đây, mục tiêu được nêu theo cách gắn đánh giá trong chính mục tiêu đó. Một trong những lý do khiến các mục tiêu rất quan trọng là chúng cung cấp một cách xác định xem liệu điều trị có đạt được tiến bộ hay không. Do đó việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên là rất cần thiết.
Mục Tiêu Là Dự Đoán (Có thể Đạt được)
Đặt mục tiêu yêu cầu nhà trị liệu đưa ra dự đoán. Mục tiêu nói rằng bệnh nhân sẽ có thể đạt được điều gì đó trong tương lai mà họ không thể đạt được ngay bây giờ. Dự đoán phải khả thi và đồng thời phải đầy thách thức (chữ A trong SMART). Nhà trị liệu cũng phải đặt thời gian cụ thể để đạt được mục tiêu này(chữ T trong SMART). Như đã lưu ý trước đó, khía cạnh này đặc biệt khó khăn đối với những nhà lâm sàng ít hoặc không có kinh nghiệm trước đó.
Các Mục Tiêu Được Xác Định Trong Sự Hợp Tác Với Bệnh Nhân Và Gia Đình Hoặc Người Chăm Sóc Của Bệnh Nhân
Quá trình thiết lập mục tiêu là nỗ lực hợp tác giữa nhà trị liệu và bệnh nhân, và thường là cả gia đình bệnh nhân và các chuyên gia khác. Thuật ngữ lấy bệnh nhân làm trung tâm đặc biệt hữu ích vì nó nhấn mạnh rằng trị liệu muốn thành công cần phải tập trung vào các mục tiêu mà bệnh nhân muốn đạt được. “Để các mục tiêu thực sự lấy bệnh nhân làm trung tâm, chúng phải phù hợp với kết quả mong muốn của bệnh nhân, chứ không phải những gì nhà trị liệu nghĩ là ‘tốt nhất’ cho bệnh nhân” (Randall & McEwen, 2000).
Sự hợp tác với bệnh nhân và gia đình hoặc người chăm sóc của họ là đặc điểm quan trọng rõ ràng nhất của lập mục tiêu nhưng lại là nguyên tắc bị vi phạm thường xuyên nhất. Thông thường, nhà trị liệu phát triển một loạt các mục tiêu tại thời điểm viết bản đánh giá ban đầu, nhưng vì bệnh nhân không có mặt vào thời điểm đó nên nhà trị liệu cho rằng đây là những mục tiêu quan trọng nhất đối với bệnh nhân. Thậm chí là bệnh nhân có thể không được cho biết mục tiêu là gì, hoặc họ chỉ được liên hệ ở các thuật ngữ chung nhất. Nếu mục tiêu là bệnh nhân có thể đi bộ 150 m trong 2 phút, thì mục tiêu này nên được xác định với sự cộng tác của bệnh nhân. Khi bệnh nhân nhận thức được các khía cạnh cụ thể của mục tiêu, họ thường cố tâm hơn để đạt được mục tiêu đó và thậm chí có thể tự mình thực hiện mục tiêu đó.
MỘT CÔNG THỨC ĐỂ VIẾT MỤC TIÊU
Các mục tiêu có một cấu trúc cụ thể và bước đầu tiên trong việc học cách viết mục tiêu là học cách áp dụng cấu trúc này. Áp dụng các nguyên tắc nêu ở trên, một mục tiêu có năm thành phần cần thiết:
- Ai sẽ hoàn thành mục tiêu (Người thực hiện, Actor, A)
- Hành động mà cá nhân sẽ có thể thực hiện (Hành vi, Behavior, B)
- Hoàn cảnh thực hiện hành vi (Điều kiện, Condition, C)
- Một đặc tả định lượng về khả năng thực hiện (Mức độ, Degree, D)
- Khoảng thời gian mà mục tiêu sẽ đạt được (Thời gian dự kiến, Expected Time, E).
Năm thành phần kể trên có thể được áp dụng để thiết lập các mục tiêu hoạt động, với công thức đơn giản như sau:
Mục tiêu = A + B + C + D + E
(Ai, có thể Làm gì, với Điều kiện nào, ở Mức độ nào, trong Thời gian bao lâu)
Sử dụng công thức này, mục tiêu sau đây có thể được xây dựng:
- Ông K (Người thực hiện) sẽ đi bộ (Hành vi) trên các bề mặt bằng phẳng với khung tập đi (Điều kiện) và trợ giúp tối thiểu (Mức độ) được một khoảng 30m trong 2 phút (Mức độ) trong vòng 1 tuần (Thời gian dự kiến).
Mục tiêu này có thể dễ dàng được sửa đổi bằng cách thay thế các thành phần khác nhau như sau:
- Ông K sẽ đi bộ trên bề mặt bằng phẳng với khung tập đi và trợ giúp tối thiểu trong khoảng cách 150 m trong 5 phút (Mức độ khác) trong vòng 2 tuần (Thời gian dự kiến khác).
Hoặc:
- Ông K sẽ đi bộ ngoài trời trên các bề mặt không bằng phẳng bằng gậy (Điều kiện khác) và trợ giúp tối thiểu với khoảng cách 30m trong 2 phút trong vòng 1 tuần.
Bảng 1. Các thành phần thiết yếu của mục tiêu chức năng được viết tốt (ABCDE) (Modified from Kettenbach G: Writing SOAP notes, ed 3, Philadelphia, 2003, FA Davis.)
Actor (Người thực hiện) | – ai sẽ thực hiện hoạt động – thường là bệnh nhân, đôi khi là thành viên gia đình hoặc người chăm sóc khác – ví dụ: “Bệnh nhân sẽ . . .” hoặc “Vợ của bệnh nhân sẽ . . .” |
Behavior (Hành vi) | – mô tả hoạt động (bằng thuật ngữ dễ hiểu) – ví dụ: “…sẽ đi bộ…” hoặc “…sẽ dịch chuyển…” hoặc “ …sẽ mặc áo…” |
Condition (Điều kiện) | – hoàn cảnh theo đó hành vi được thực hiện – phải bao gồm tất cả các yếu tố thiết yếu của hoạt động thực hiện (như là dụng cụ trợ giúp, bối cảnh môi trường) – ví dụ: “…trong hành lang bệnh viện với gậy 4 chân…” |
Degree (Mức độ) | – đặc điểm kỹ thuật định lượng của hoạt động thực hiện – ví dụ về định lượng: tỷ lệ thành công hay thất bại, mức độ trợ giúp, thời gian cần thiết, khoảng cách, số lần lặp lại, nhịp tim khi kết thúc hoạt động, v.v. “…8/10 lần thành công…” hoặc “…trong 4 phút…” hoặc“…100m…” hoặc “…với nhịp tim tăng lên không quá 110 nhịp/phút…” – các khía cạnh định tính của hiệu suất “với nâng hở bàn chân hiệu quả ở thì đu”, “trong khi vẫn duy trì tư thế cơ thể thích hợp “ |
Expected Time (Thời gian dự kiến) | – mất bao lâu để đạt được mục tiêu – được nêu theo ngày, tuần, tháng hoặc số buổi tập – ví dụ: “…trong vòng 2 tuần…” hoặc “…trong vòng 3 buổi trị liệu…” |
VIẾT CÁC MỤC TIÊU LẤY BỆNH NHÂN LÀM TRUNG TÂM.
Mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm là mục tiêu được thể hiện dưới dạng các hoạt động cụ thể có ý nghĩa đối với bệnh nhân (Chữ R trong SMART). Bước đầu tiên là bắt đầu với một mục tiêu khá chung chung nhưng vẫn có thể chấp nhận được:
- BN sẽ đi bộ trên các bề mặt bằng phẳng với khung tập đi và trợ giúp tối thiểu trong khoảng cách 30m trong 2 phút trong vòng 1 tuần.
Mục tiêu có thể được viết lại để lấy bệnh nhân làm trung tâm hơn như sau:
- BN sẽ đi bộ từ phòng ngủ đến nhà bếp với khung tập đi và sự trợ giúp tối thiểu của vợ trong 2 phút trong vòng 1 tuần.
Một thay đổi đơn giản làm cho mục tiêu có ý nghĩa hơn nhiều đối với cá nhân. Một ví dụ khác bắt đầu với một mục tiêu khá chung chung:
- BN sẽ tự ăn một mình trong vòng 1 tuần.
Ở ví dụ này, mục tiêu có thể được viết lại theo cách lấy bệnh nhân làm trung tâm hơn như sau:
- BN sẽ ăn một chén cơm đầy bằng thìa sử dụng tay phải trong 10 phút trong vòng 1 tuần.
Tất nhiên, giả định ở đây là bệnh nhân trên muốn có thể ăn cơm vào buổi trưa. Mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm, ngoài việc phù hợp hơn với bệnh nhân, về bản chất còn dễ kiểm tra và đo lường hơn.
Randall và McEwen (2000) cho rằng lý do chính để viết các mục tiêu chức năng lấy bệnh nhân làm trung tâm là “mọi người có khả năng thu được lợi ích lớn nhất khi trị liệu và các mục tiêu liên quan tập trung vào các hoạt động liên quan đến họ và điều đó tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của họ.” Chìa khóa của việc này là dành thời gian để thảo luận về các mục tiêu với bệnh nhân để các mục tiêu được xây dựng theo cách có ý nghĩa đối với họ. Sau đó, mục tiêu được nêu một cách cụ thể nhất có thể.
VIẾT CÁC MỤC TIÊU THAM GIA VÀ KHIẾM KHUYẾT
Phần lớn nội dung thảo luận ở trên tập trung vào cách để viết mục tiêu hoạt động. Phần sau bàn thêm một số yếu tố cần được xem xét khi người điều trị viết mục tiêu tham gia và mục tiêu khiếm khuyết.
Mục tiêu tham gia
Nói chung, các mục tiêu tham gia có thể và nên được viết theo cách giống như các mục tiêu hoạt động. Sự khác biệt là hoạt động là chủ đề của mục tiêu được nêu dưới dạng chung chung hơn (tham gia vào công việc, gia đình, giải trí, v.v.) so với mục tiêu hoạt động, trong đó trọng tâm là thực hiện các nhiệm vụ cụ thể hoặc kỹ năng. Sau đây là ví dụ về các mục tiêu tham gia.
- Ví dụ 1: Bác Nam (A) sẽ trở lại làm việc (B) là tài xế xe buýt (C) có thể hoàn thành tất cả các nhiệm vụ thông thường (D) trong vòng 1 tháng (E).
- Ví dụ 2: Cô Ly (A) sẽ chăm sóc (B) hai đứa con của cô ở nhà (C) mà không cần trợ giúp ban ngày (D) trong vòng 2 tháng (E).
- Ví dụ 3: Ông Ba (A) sẽ tham dự (B) các buổi lễ nhà thờ (C) hàng ngày (D) trong vòng 6 tuần (E).
- Ví dụ 4: Chị Bé (A) sẽ trở lại (B) chạy bộ để rèn luyện sức khỏe và giải trí (C) 4 lần/tuần (D) trong vòng 2 tháng (E).
Trong các mục tiêu tham gia, Điều kiện thường làm rõ bản chất của hoạt động/các hoạt động. Những mục tiêu này sẽ không có ý nghĩa gì nếu chúng không được theo sau bởi các mục tiêu hoạt động trình bày chi tiết các kỹ năng cụ thể cần thiết để hoàn thành các vai trò này.
Có thể không phải lúc nào các mục tiêu hoạt động cũng trực tiếp dẫn đến mục tiêu tham gia. Mục tiêu tham gia có thể là mục tiêu không thể đạt được trong vài tháng, có thể vượt quá thời gian điều trị dự kiến của bệnh nhân trong môi trường hiện tại. Điều này được minh họa trong Ví dụ trường hợp 3. Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể sẽ trải qua hai giai đoạn PHCN riêng biệt — một giai đoạn ngay sau tai nạn (trong đó các mục tiêu được liệt kê), có thể chỉ kéo dài vài tuần và một giai đoạn khác khi xương đã lành. Tuy nhiên, mục tiêu tham gia vẫn được nêu là kết quả lâu dài cho bệnh nhân — để trở lại trường học với đầy đủ khả năng của mình.
Mục tiêu khiếm khuyết
Mục tiêu khiếm khuyết được xem là tùy chọn đối với hầu hết các báo cáo đánh giá. Chúng chỉ nên được đưa vào nếu các mục tiêu mức độ khiếm khuyết cụ thể sẽ được thực hiện trong quá trình trị liệu. Trong một số bối cảnh lâm sàng, chúng được gọi là mục tiêu trị liệu. Như đã đề cập trước đó, các mục tiêu ngắn hạn có thể được tập trung vào các khiếm khuyết và các mục tiêu dài hạn cho các hoạt động chức năng.
Điều rất quan trọng là các mục tiêu khiếm khuyết được liên kết theo một cách nào đó với các mục tiêu hoạt động. Liên kết cần được nêu rõ trong phần Lượng giá của đánh giá ban đầu. Một ví dụ về mục tiêu khiếm khuyết sẽ như sau:
- Tầm vận động thụ động gập gối trái (C) sẽ tăng (B) lên 110 ° (D) trong vòng 3 tuần (E).
Trong trường hợp này, cần giải thích lý do tại sao tăng ROM của đầu gối trái là quan trọng (ví dụ: hoạt động nào đang bị hạn chế bởi sự giảm ROM này?).
Mục tiêu được nêu ở trên đáp ứng các thành phần thiết yếu của một mục tiêu được viết tốt. Tình trạng là ROM của gập gối trái, và Mức độ được đo bằng ROM khớp. Các mục tiêu khiếm khuyết thường không được viết với Người thực hiện, vì giả định đó chính là bệnh nhân, mặc dù Hành vi (B), Tình trạng (C), Mức độ (D) và Thời gian Dự kiến (E) nên được đưa vào. Một số ví dụ khác bao gồm:
- Ví dụ 1: Sức mạnh gập vai P (C) sẽ tăng (B) lên 4/5 (D) trong vòng 3 tuần (E).
- Ví dụ 2: Tư thế đứng một chân P (C) sẽ cải thiện (B) lên 10 giây (D) trong vòng 2 tuần (E).
- Ví dụ 3: Đau ở vai P (C) sẽ giảm (B) xuống 2/10 (D) trong vòng 1 tuần (E).
- Ví dụ 4: Chu vi vết thương vùng trước đùi P (C) sẽ giảm (B) xuống 2 cm (D) trong vòng 4 tuần (E).
Một sai lầm phổ biến khi ghi lại các mục tiêu khiếm khuyết là không chỉ định Mức độ (D). Một số ví dụ bao gồm:
- ↑ sức mạnh cơ nhị đầu P
- ↓ đau cổ chân P
Những mục tiêu này không được viết tốt bởi vì chúng không bao gồm các số đo cụ thể. Trong ví dụ đầu tiên, nếu sức mạnh của bệnh nhân tăng lên dù chỉ một lượng tối thiểu, mục tiêu có thể đạt được. Điều này có thể gây khó khăn cho việc biện minh cho sự cần thiết phải tiếp tục can thiệp để đạt được sức mạnh cơ nhị đầu lớn hơn. Tuy nhiên, nếu nêu cụ thể lượng sức mạnh (ví dụ: bậc cơ lực) để làm mục tiêu, thì sẽ cho phép tất cả các bên liên quan—bệnh nhân, nhà trị liệu, bác sĩ, bảo hiểm—nhận biết được các kết quả mong đợi cụ thể.
MỘT SỐ VÍ DỤ TÌNH HUỐNG
Ví dụ 1
Bối cảnh: Chăm sóc tại nhà
Tên: X Ngày sinh: 7/5/54 Ngày đánh giá: 10/5/09
TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI
Nam 55 tuổi, tiền sử đái tháo đường, cắt cụt hai chân (trái: 4 năm trước; phải, 4 tuần trước)
Mục tiêu tham gia
- BN sẽ sống trong căn hộ và sẽ trở lại làm nhiệm vụ làm quản lý chùa trong vòng 3 tháng.
Mục tiêu hoạt động dài hạn
- BN sẽ đi bộ qua tất cả các phòng trong căn hộ với khung tập đi và chân giả tạm thời trong vòng 8 tuần.
- BN sẽ đi bộ 3 dãy nhà để đến chùa với cặp nạng và chân giả và giám sát của người trợ giúp trong trong 20 phút trong vòng 12 tuần.
Mục tiêu hoạt động ngắn hạn
- BN sẽ băng mỏm cụt chân P đúng kỹ thuật trong vòng 2 ngày.
- BN sẽ thực hiện đúng các bài tập làm mạnh cơ chi dưới trước khi mang chân giả trong vòng 2 ngày.
- BN sẽ đứng ở mép giường với chân giả tạm thời với sự trợ giúp của người điều trị và khung đi trong tối đa 5 phút trong vòng 2 ngày.
- BN sẽ dịch chuyển độc lập giường ↔ xe lăn và xe lăn ↔ bệ vệ sinh trong vòng 1 tuần.
Mục tiêu khiếm khuyết
- Chu vi mỏm cụt P sẽ giảm 2 cm trong vòng 4 tuần để mang chân giả vĩnh viễn.
Ví dụ 2
Bối cảnh: Chăm sóc Cấp tính ở Bệnh viện
Tên: X Ngày sinh: 14/10/33 Ngày đánh giá: 5/11/09
TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI
Nam 76 tuổi sau phẫu thuật thay khớp háng P toàn phần 1 ngày trước do thoái hóa khớp; Chịu trọng lượng một phần (PWB) chân P.
Mục tiêu hoạt động
- BN sẽ minh hoạ các cẩn trọng với thay khớp háng thích hợp trong khi dịch chuyển và mặc quần áo 3/3 lần thử trong vòng 1 ngày.
- BN sẽ dịch chuyển từ giường ↔ ghế có tay vịn 3/4 lần thử việc trong vòng 2 ngày.
- BN sẽ đi bộ độc lập với khung tập đi lên đến 30m trong 3 phút trong nhà trên bề mặt bằng phẳng trong vòng 3 ngày.
- BN sẽ đi lên xuống một tầng cầu thang với thanh vịn có trợ giúp chạm tay trong vòng 3 ngày.
Ví dụ 3
Bối cảnh: Ngoại trú
Tên: X Ngày sinh: 9/1/93 Ngày đánh giá: 12/2/09
TÌNH TRẠNG HIỆN TẠI
Nữ 16 tuổi nữ, sau phẫu thuật gãy đầu dưới xương chày P và đầu trên xương cánh tay P cách đây 1 tuần sau tai nạn giao thông. Không chịu trọng lượng (NWB) lên chân P.
Mục tiêu tham gia
- BN sẽ tham dự lớp học ở trường trung học bình thường và tham gia vào tất cả các hoạt động, bao gồm cả thể thao ngoại khóa, trong vòng 4 tháng.
Mục tiêu hoạt động
- BN sẽ minh hoạ thực hiện đúng chương trình tại nhà với các bài tập chủ động trong vòng 3 ngày.
- BN sẽ dịch chuyển xe lăn ↔ xe ô tô bằng cách dịch chuyển đứng xoay với trợ giúp tối thiểu của bố hoặc mẹ trong vòng 2 tuần.
- BN sẽ sử dụng xe lăn một cách độc lập trong hành lang trường học, ở sân chơi bằng phẳng, đồng thời tránh chướng ngại vật một cách hiệu quả và theo kịp các bạn trong vòng 2 tuần.
Mục tiêu khiếm khuyết
- Bệnh nhân sẽ chịu đựng được khi đặt chân P ở tư thế thỏng chân trong 30 phút trong vòng 1 tuần.
KẾT LUẬN
- Cần phân biệt các mục tiêu là mục tiêu tham gia, mục tiêu hoạt động hay mục tiêu khiếm khuyết.
- Các mục tiêu được viết tốt có một số đặc điểm cơ bản. Chúng tập trung vào kết quả chứ không phải quá trình. Chúng cụ thể, không trừu tượng. Chúng có thể đo lường và kiểm tra được. Chúng mang tính dự đoán và dựa trên sự hợp tác giữa nhà trị liệu và bệnh nhân.
- Mục tiêu có năm thành phần thiết yếu: Người thực hiện, Hành vi, Điều kiện, Mức độ và Thời gian dự kiến.
- Mặc dù các thành phần này có thể được sử dụng để xây dựng mục tiêu một cách cơ bản, nhưng có thể vượt qua công thức để tạo ra các mục tiêu lấy bệnh nhân làm trung tâm; nghĩa là, được nêu dưới dạng các hoạt động và môi trường có ý nghĩa đối với bệnh nhân.
THAM KHẢO: Documentation for rehabilitation : a guide to clinical decision making / Lori Quinn, James
Gordon. – 2nd ed.