GIỚI THIỆU VỀ CÔNG NGHỆ TRỢ GIÚP

Cập nhật lần cuối vào 30/06/2022

Mục lục

Quyền của Người khuyết tật với Công nghệ Trợ giúp

Công ước về Quyền của Người khuyết tật (NKT) (The Convention on the Rights of Persons with Disabilities), 2006 (Việt Nam thông qua năm 2007) yêu cầu các quốc gia thúc đẩy sự sẵn có của dụng cụ trợ giúp di chuyển và các dụng cụ phù hợp và cung cấp thông tin về chúng.

“Điều 4- Nghĩa vụ chung

g. Tiến hành hoặc khuyến khích nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới, thúc đẩy việc phổ biến và sử dụng các công nghệ này, trong đó có công nghệ thông tin liên lạc, phương tiện và thiết bị hỗ trợ di chuyển, các công nghệ trợ giúp phù hợp với người khuyết tật, ưu tiên các công nghệ có giá thành vừa phải;

h. Cung cấp thông tin dễ tiếp cận cho người khuyết tật về phương tiện, thiết bị hỗ trợ di chuyển và các công nghệ trợ giúp, trong đó có các công nghệ mới, cũng như mọi hình thức dịch vụ hoặc cơ sở vật chất trợ giúp khác;

Điều 20- Di chuyển cá nhân

Các quốc gia thành viên tiến hành các biện pháp hiệu quả để bảo đảm cho người khuyết tật di chuyển cá nhân thuận tiện một cách độc lập tối đa có thể được, bao gồm bằng những cách sau:

a. Tạo điều kiện cho người khuyết tật di chuyển cá nhân theo cách thức và vào thời gian họ chọn, với giá thành vừa phải;

b. Tạo điều kiện cho người khuyết tật tiếp cận phương tiện, dụng cụ và Công nghệ trợ giúp di chuyển và các hình thức trợ giúp hoặc người trợ giúp tại chỗ, trong đó có bằng cách cung cấp những tiện ích như vậy với giá thành vừa phải;

c. Cung cấp đào tạo thích hợp về kỹ năng di chuyển cá nhân cho người khuyết tật và đội ngũ nhân viên chuyên môn làm việc với người khuyết tật;

d. Khuyến khích các cơ sở sản xuất phương tiện, dụng cụ và Công nghệ trợ giúp di chuyển có tính đến mọi khía cạnh về sự di chuyển của người khuyết tật.”

Điều 26- Tập luyện và phục hồi

3. Quốc gia thành viên tăng cường số lượng, hiểu biết và sử dụng công nghệ và thiết bị trợ giúp dành riêng cho người khuyết tật liên quan đến tập luyện và phục hồi.”

Định nghĩa công nghệ trợ giúp và Phân loại dụng cụ trợ giúp

Định nghĩa Công nghệ trợ giúp

Công nghệ trợ giúp (Assistive Technology: AT) là một thuật ngữ chung nói đến các hệ thống và dịch vụ liên quan đến phân phối các sản phẩm và dịch vụ trợ giúp.

Có nhiều định nghĩa về AT. Phân loại Quốc tế về Hoạt động chức năng, Khuyết tật và Sức khoẻ (ICF) định nghĩa các sản phẩm và công nghệ trợ giúp là bất cứ sản phẩm, công cụ, dụng cụ hoặc kỹ thuật nào được sửa đổi hoặc thiết kế riêng nhằm cải thiện chức năng của một NKT.

Từ ICF, Tổ chức Chuẩn hoá Quốc tế (ISO) định nghĩa các sản phẩm trợ giúp một cách rộng hơn là bất cứ sản phẩm, được sản xuất đặc biệt hoặc phổ thông, được sử dụng bởi hoặc dành cho người khuyết tật: để tham gia; để bảo vệ, nâng đỡ, tập luyện, đo lường hoặc thay thế các cấu trúc/chức năng cơ thể và các hoạt động; hoặc để phòng ngừa các khiếm khuyết, giới hạn hoạt động và hạn chế tham gia. Chúng bao gồm các dụng cụ, công cụ và phần mềm.

Khi phù hợp với người sử dụng và môi trường người sử dụng, công nghệ trợ giúp là một công cụ rất hiệu quả để tăng sự độc lập và cải thiện sự tham gia.

Nó giúp người khuyết tật di chuyển, giao tiếp hiệu quả hơn, nghe và nhìn tốt hơn và tham gia đầy đủ hơn vào các hoạt động học tập, làm việc và vui chơi giải trí.

Hơn nữa, công nghệ trợ giúp hỗ trợ NKT tiếp cận và hưởng các quyền của mình; làm những việc có giá trị với họ; cải thiện lòng tự trọng; làm giảm khoảng cách giữa người có và không có khuyết tật; và giảm chi phí cho các dịch vụ y tế và chăm sóc cá nhân; giáo dục đào tạo; việc làm.

Phân loại Dụng cụ trợ giúp

Các sản phẩm trợ giúp còn được gọi là các dụng cụ trợ giúp.

Có thể phân loại dụng cụ trợ giúp theo các nhóm cơ bản sau:

Dụng cụ trợ giúp vận động

  • Dụng cụ trợ giúp tư thế và giữ tư thế
  • Dụng cụ trợ giúp dịch chuyển
  • Dụng cụ trợ giúp di chuyển
  • Dụng cụ trợ giúp sinh hoạt
  • Dụng cụ chỉnh hình, chân tay giả
xe lan

Dụng cụ trợ giúp nghe – nhìn

Dụng cụ trợ giúp và tăng cường giao tiếp (AAC)

Dụng cụ trợ giúp nhận thức

Các bảng chỉ dẫn, sổ nhắc việc…

Ai Cần Công nghệ Trợ giúp?

Danh sách Các Sản phẩm Trợ giúp Ưu tiên của WHO

Dịch vụ công nghệ trợ giúp và các Nguyên tắc liên quan đến cung cấp dụng cụ

Dịch vụ AT là gì

Dịch vụ AT cung cấp một khuôn khổ để lượng giá các nhu cầu riêng biệt của người dùng, hỗ trợ chọn lựa một dụng cụ AT phù hợp, huấn luyện người sử dụng và người chăm sóc, và cung cấp hỗ trợ lâu dài và tư vấn giới thiệu đến các dịch vụ khác khi thích hợp.

Các bước trong Phân phối dịch vụ AT (Quy trình Phân phối Dịch vụ AT)

  1. Giới thiệu và hẹn
  2. Lượng giá
  3. Chỉ định
  4. Tài trợ và đặt mua
  5. Chuẩn bị sản phẩm
  6. Thử
  7. Huấn luyện người sử dụng, gia đình và người chăm sóc
  8. Theo dõi, duy trì và sửa chữa

Các nguyên tắc liên quan đến cung cấp dụng cụ:

Công nghệ trợ giúp cho NKT cần phải phù hợp với họ. Điều này có nghĩa là các sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của NKT và điều kiện môi trường; kích thước vừa vặn và hỗ trợ tư thế; an toàn và bền vững, có sẵn, và có thể nhận được và bảo trì và các dịch vụ bền vững với chi phí có thể chi trả được.

Các chiến lược cung cấp công nghệ trợ giúp cần xem xét các nguyên tắc 5A & Q như sau.

  • Acceptability (Tính Chấp nhận được)

Người khuyết tật cần tham gia tích cực vào tất cả các giai đoạn cung cấp dụng cụ di chuyển, có quyền lựa chọn và kiểm soát các quyết định ảnh hưởng đến họ. Các yếu tố như hiệu quả, độ tin cậy, tính đơn giản, an toàn và thẩm mỹ nên được tính đến để đảm bảo các dụng cụ và dịch vụ liên quan được người dùng chấp nhận.

  • Accessibility (Khả năng Tiếp cận)

Dụng cụ di chuyển và các dịch vụ liên quan cần có thể tiếp cận được với mọi người có nhu cầu. Khả năng tiếp cận bao gồm không phân biệt đối xử, khả năng tiếp cận vật lý và khả năng tiếp cận thông tin. Việc cung cấp các dụng cụ di chuyển phải công bằng để tránh sự khác biệt giữa giới tính, nhóm tuổi, nhóm khuyết tật, nhóm kinh tế xã hội và các khu vực địa lý.

  • Adaptability (Khả năng Thích ứng)

Các dụng cụ di chuyển và các dịch vụ liên quan cần được điều chỉnh và sửa đổi để đảm bảo chúng phù hợp với yêu cầu của từng cá nhân. Cần xem xét tất cả các khía cạnh khuyết tật (khung ICF) của cá nhân, như các khiếm khuyết, giới hạn hoạt động, hạn chế tham gia, các tình trạng sức khỏe liên quan, các yếu tố môi trường (ví dụ môi trường xã hội và thể chất) và các yếu tố cá nhân (ví dụ như giới tính, tuổi tác, chủng tộc, thể dục, lối sống và thói quen) ( WHO, 2001). Ngoài ra, khi NKT thay đổi (như lớn lên, thay đổi mức khuyết tật ….) thì các dụng cụ cũng có thể cần thay đổi thích ứng theo.

  • Affordability (Khả năng Chi trả)

Các dụng cụ di chuyển và các dịch vụ liên quan phải làm sao cho người khuyết tật và gia đình của họ có thể chi trả được, nhất là ở những nơi ít nguồn lực. Khả năng chi trả liên quan đến mức độ mà mọi người có thể trả tiền cho dụng cụ và / hoặc dịch vụ liên quan đến dụng cụ.

  • Availability (Tính Sẵn có)

Tất cả các nguồn lực liên quan (cơ sở, chương trình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực, vật liệu và sản phẩm) cần thiết để cung cấp dụng cụ di chuyển có sẵn với số lượng đủ cho nhu cầu của người dân và được cung cấp gần nhất có thể được với cộng đồng nơi NKT sống.

  • Quality (Chất lượng)

Tất cả các nguồn lực liên quan (cơ sở, chương trình và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nguồn nhân lực, vật liệu và sản phẩm) đều cần có chất lượng phù hợp. Chất lượng sản phẩm có thể được đo lường thông qua các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn kỹ thuật của địa phương, quốc gia và quốc tế về sức mạnh, độ bền, hiệu suất, an toàn, sự thoải mái, v.v. Chất lượng dịch vụ tổng thể có thể được đo lường theo các kết quả, sự hài lòng và chất lượng cuộc sống của người sử dụng.

Minhdatrehab tổng hợp

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này