GIẢI PHẪU CHỨC NĂNG. PHÂN TÍCH HOẠT ĐỘNG CƠ CHI TRÊN

Cập nhật lần cuối vào 05/11/2021

Mục lục

GIỚI THIỆU

Các cơ chi trên đóng vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động hàng ngày, công việc và thể thao.

Ví dụ:

  • Khi đẩy tay ngồi dậy từ ghế hoặc xe lăn, cơ chủ yếu là cơ tam đầu cánh tay, sau đó là cơ ngực lớn, cơ lưng rộng.
  • Trong bơi tự do: cánh tay tạo lực đẩy trong nước với xoay trong, khép sử dụng cơ lưng rộng, tròn lớn, ngực lớn. Tay đưa lên trên mặt nước đưa tới với hoạt động cơ trên gai và dưới gai (dạng và xoay ngoài cánh tay), cơ delta giữa (dạng), cơ răng trước (xoay bả vai).
  • Trong động tác ném, các cơ delta, trên gai, dưới gai, tròn bé, dưới vai, cơ thang, cơ trám, cơ lưng rộng, cơ ngực lớn, cơ tròn lớn, đều góp phần vào hoạt động vùng vai.
  • Ở cẳng tay, cơ tam đầu đóng vai trò quan trọng trong khi đẩy người ngồi dậy, các hoạt động của xe lăn, và ném bóng.

Để hiểu rõ sự đóng góp của các cơ vào hoạt động chi trên, cần chia hoạt động thành các giai đoạn nhỏ hơn, thường từ 3-5 giai đoạn tuỳ theo hoạt động.

Tất cả các kỹ năng thể thao đều có ít nhất là

  • Giai đoạn chuẩn bị
  • Giai đoạn vận động
  • Giai đoạn theo sau
  • Có thể bắt đầu với một giai đoạn đứng (stance, vào vị trí) và kết thúc bằng giai đoạn phục hồi

Ở mỗi giai đoạn, cần xem xét:

  • Vận động là gì (ở mỗi khớp)
  • Đánh giá cơ nào đang hoạt động, mức độ hoạt động cơ là thấp, trung bình, hay cao
  • Cơ đang hoạt động đồng tâm hay là ly tâm hoặc đẳng trường

CÁC GIAI ĐOẠN CỦA MỘT HOẠT ĐỘNG KỸ NĂNG

Giai đoạn đứng (vào vị trí)

  • Cho phép vận động viên có tư thế thăng bằng và thoải mái để bắt đầu kỹ thuật
  • Nhấn mạnh vào các góc khớp đúng tư thế
  • Là giai đoạn tương đối tĩnh

 Giai đoạn chuẩn bị

  • Được sử dụng để kéo dài các cơ thích hợp để tạo nhiều lực và động lượng hơn khi co đồng tâm tiếp theo (chu kỳ kéo dãn-làm ngắn)
  • Là giai đoạn quan trọng nhất để đạt được kết quả mong muốn
  • Giai đoạn động 

Giai đoạn vận động

  • Giai đoạn tăng tốc, tiếp xúc
  • Là phần hoạt động của kỹ thuật
  • Tổng lực được tạo trực tiếp vào quả bóng, vật thể, đối phương
  • Thường đặc trưng bởi co cơ đồng tâm gần tối đa các cơ liên quan 

Giai đoạn theo sau

  • Thường bắt đầu ngay sau điểm tối đa của giai đoạn vận động
  • Tạo gia tốc âm của chi thể liên quan (Giai đoạn giảm tốc)
  • Nếu sự tăng tốc ở giai đoạn vận động càng lớn thì giai đoạn theo sau càng dài và càng quan trọng 
  • Vận tốc đoạn chi thể giảm dần suốt một tầm vận động rộng
  • Thường là do hoạt động ly tâm cao độ ở các cơ đối vận với các cơ sử dụng trong giai đoạn vận động
  • Nếu giai đoạn theo sau quá sớm, Giai đoạn vận động ngắn không phù hợp và kết quả không tốt 

Giai đoạn phục hồi

  • Sau giai đoạn theo sau để phục hồi tư thế và thăng bằng để chuẩn bị hoạt động (kỹ thuật) sau
  • Các cơ co ly tâm ở giai đoạn theo sau sẽ co đồng tâm trong giai đoạn phục hồi để trở về tư thế chức năng ban đầu

VÍ DỤ: PHÂN TÍCH KỸ NĂNG NÉM BÓNG

image57

Phân tích các giai đoạn:

  • Giai đoạn đứng bắt đầu khi vận động viên vào giữ tư thế
  • Giai đoạn chuẩn bị bắt đầu bằng duỗi tay đưa ra sau và xoay thân sang phải cùng với gấp háng trái. Đai vai phải đưa ra sau kết hợp với dạng, xoay ngoài tối đa khớp ổ chảo cánh tay để hoàn thành giai đoạn này.
  • Ngay sau đó, giai đoạn vận động bắt đầu với vận động ra trước của tay kèm xoay thân sang trái cho đến khi thả bóng
  • Giai đoạn theo sau bắt đầu khi thả bóng khi tay tiếp tục di chuyển cùng hướng với giai đoạn vận động cho đến khi vận tốc giảm đến mức tay có thể thay đổi hướng vận động an toàn.
  • Lúc này bắt đầu giai đoạn phục hồi, vận động viên trở lại tư thế ban đầu

Phân tích hoạt động cơ (tại vai):

  • Trong giai đoạn chuẩn bị, tại vùng vai: cơ delta và cơ trên gai hoạt động để dạng vai. Cơ dưới gai và tròn bé cũng hoạt động, hỗ trợ động tác dạng và khởi đầu xoay ngoài. Cơ dưới vai cũng hoạt động nhẹ để trợ giúp trong khi dạng vai. Trong giai đoạn cuối của chuẩn bị, cơ lưng rộng và ngực lớn gia tăng hoạt động ly tâm để làm chậm vận động ra sau của cánh tay. Trong giai đoạn chuẩn bị, các dây chằng và bao khớp và các cơ phía trước vai bị kéo căng và có nguy cơ bị chấn thương nhiều nhất (như viêm gân cơ dưới vai và căng rách các cơ ngực lớn, tròn lớn và cơ lưng rộng).
  • Giai đoạn vận động (tăng tốc) là giai đoạn bùng nổ hoạt động: bắt đầu duỗi khuỷu, xoay trong cánh tay trong khi duy trì dạng vai 90°, bả vai đưa ra trước (dạng), và một phần gập ngang khi cánh tay di chuyển ra trước. Cơ hoạt động nhiều nhất trong giai đoạn tăng tốc là những cơ hoạt động trong giai đoạn muộn trước đó, gồm cơ dưới vai, lưng rộng, tròn lớn, và ngực lớn, tạo nên các vận động gấp ngang và xoay trong; cơ răng trước (kéo xương bả vai ra trước hoặc dạng); và cơ tam đầu (bắt đầu và điều khiển duỗi cẳng tay). Vị trí bị kích thích và tổn thương trong giai đoạn này là ở các điểm bám của cơ và vùng dưới mỏm vùng vai (bị ép trong khi khép và xoay trong).
  • Giai đoạn cuối của ném bóng là giai đoạn theo sau (follow-through) hoặc giảm tốc (deceleration). Giai đoạn này bắt đầu khi bóng được thả ra. Trong giai đoạn này, phần sau bao khớp vai và các cơ liên quan và cơ nhị đầu cánh tay có nguy cơ bị chấn thương bởi vì chúng bị kéo căng nhanh.
Ví dụ khác: Động tác đánh gôn (phức tạp hơn vì phối hợp hai tay)

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này