TÂM LÝ HỌC ỨNG DỤNG: HIỂU NHỮNG NGƯỜI KHÁC

Cập nhật lần cuối vào 02/06/2021

Ta đánh giá tùy theo những gì ta thấy.

Ta thấy những gì mà ta nhìn

Ta nhìn những gì mà ta muốn.

Vậy thì, ta đánh giá tùy theo những gì mà ta muốn.

La Porter

Con người là một sinh vật có tính xã hội. Trong quá trình sống, chúng ta luôn luôn tìm hiểu về những người khác, đánh giá họ về tính cách lẫn hành vi, tìm hiểu về những hoạt động của thế giới xung quanh. Đó là quá trình nhận thức xã hội, cho phép chúng ta phân loại và giải thích những thông tin liên quan đến người khác. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng: khi ta đánh giá một người nào đó, có một số tính cách – gọi là tính cách trung tâm – có ảnh hưởng rất lớn đến ấn tượng cuối cùng của ta về người đó. Chẳng hạn, nghiên cứu cho thấy ý nghĩa của từ “cần cù” sẽ rất khác nhau, tùy theo nó dùng để mô tả một người “nồng nhiệt” hay “lạnh lùng” (Kelley, 1950). Không những thế, trình tự thông tin được đưa ra cũng ảnh hưởng đến việc hình thành ấn tượng. Ví dụ, chúng ta thường xem nặng các thông tin ban đầu về một người nào đó hơn là những thông tin mà chúng ta nhận được về sau. Hiệu quả của cái nhìn ban đầu này (prima facie) vẫn đúng ngay cả khi các thông tin tiếp sau thông mâu thuẫn hoàn toàn với các thông tin ban đầu. Như vậy ấn tượng ban đầu thực là đáng kể.

Mục lục

Hiểu được nguyên nhân của hành vi. 

“Trăm nghe không bằng mắt thấy”. Quả thật, hiểu được một con người chỉ thông qua những đánh giá của người khác thì hoàn toàn không đủ. Thay vào đó, chúng ta thường dựa vào một nguồn thông tin mơ hồ hơn nhưng phong phú hơn – đó là quan sát hành vi của người đó. Khi quan sát, ta hình thành những quy kết nguyên nhân, nghĩa là quy hành vi quan sát được là do một nguyên nhân nào đó. Ví dụ, bạn thấy người bạn X. cùng lớp làm hỏng bài thi, và muốn tìm lý do của điều này nghĩa là bạn đã tiến hành làm một quy kết nguyên nhân về hành vi thi hỏng.

Đa số mọi người ban đầu sẽ quy nguyên nhân hành vi là do hoàn cảnh hay là do tính cách của cá nhân (Heider, 1958). Những nguyên nhân do hoàn cảnh là những nguyên nhân gây ra bởi những yếu tố môi trường, nằm ngoài ý định của người đó. Chẳng hạn, ở ví dụ trên bạn có thể quy việc làm bài kém của X. là do đề thi quá khó hay là do bạn ấy không học bài được vì bị ốm. Bạn cũng có thể quy việc làm bài kém đó là do tính cách – do đặc tính nhân cách của người đó. Chẳng hạn bạn nghĩ là X. thi hỏng vì bạn ấy không được thông minh hay quá lười biếng.

Làm thế nào để chúng ta phân biệt được một hành vi là do hoàn cảnh hay do tính cách? Để làm được điều này, chúng ta thường đóng một vai trò một “nhà tâm lý học thơ ngây”, sử dụng một số nguyên tắc để xác định nguyên nhân của hành vi (Heider, 1958).

Thông tin đầu tiên là thông tin của đại đa số. Ta quan sát mức độ nhiều người cũng cư xử giống nhau trong một hoàn cảnh. Ví dụ, nếu bạn thấy rằng đa số mọi người trong lớp đều làm hỏng bài thi, điều này có lẽ gợi ý một nguyên nhân hoàn cảnh: bài thi quá khó hay đề thi quá khó hiểu.

Thông tin kiên định, nghĩa là mức độ mà một người sẽ cư xử như vậy trong một hoàn cảnh tương tự cung cấp cho chúng ta một loại dữ liệu khác. Chẳng hạn, nếu bạn biết rằng X. hầu như luôn luôn làm hỏng các bài thi, thì điều này cung cấp một đầu mối tính cách chứng tỏ rằng chính bạn ấy, chứ không phải là hoàn cảnh, là nguyên nhân của hành vi thi hỏng.

Cuối cùng, chúng ta cũng sử dụng thông tin đặc trưng, xem hành vi tương tự có xảy ra trong suốt nhiều hoàn cảnh khác nhau hay không. Nếu X. không chỉ luôn làm kém bài thi mà còn hay bị đuổi việc vì lười biếng thì điều này gợi ý rằng thất bại dường như là một nét đặc trưng của X, không phụ thuộc vào hoàn cảnh.

Vì trong nhiều trường hợp, chúng ta đều có cả ba loại thông tin này, nên quá trình suy luận thường phức tạp hơn khi chỉ có một loại thông tin. Chúng ta kết hợp các nhận biết của chúng ta từ mỗi loại thông tin khác nhau và đi đến một đánh giá chung về nguyên nhân của hành vi. Mặc dù việc hình thành những quy kết nguyên nhân kể trên tương đối phức tạp, rõ ràng là những quá trình mà chúng ta sử dụng để tạo nên chúng thật hợp lý và có quy luật (Nisbett, Ross, 1980). Dù chúng ta có thể chỉ là những “nhà tâm lý học thơ ngây”, những nguyên tắc mà chúng ta sử dụng thật phức tạp đến mức đáng ngạc nhiên.

Những sai lệch trong nhận thức thế giới. 

Một nhận xét thường thấy với quá trình quy kết nguyên nhân là: chúng ta thường có xu hướng quy hành vi của những người khác là do nguyên nhân tính cách, trong khi đó có xu hướng quy hành vi của mình là do nguyên nhân hoàn cảnh. Quả thật, xu hướng này khá mạnh và đã được đặt tên là sai lệch quy kết nguyên nhân cơ bản (Watson 1982).

Sai lệch quy kết nguyên nhân cơ bản cho thấy một điều là mặc dù chúng ta xử lý các thông tin về đặc tính và hành vi của những người khác dựa vào một số quy tắc tương đối phức tạp, các đánh giá của chúng ta không phải bao giờ cũng đúng. Trên thực tế, sai lệch quy kết nguyên nhân cơ bản chỉ là một trong số nhiều loại sai lệch thường ảnh hưởng đến tính chính xác của các phán đoán và quy kết nguyên nhân của chúng ta về người khác. Ngoài sai lệch này, còn có hiệu ứng hào quang, hiệu ứng Pollyanna, giả định về tính tương tự, và những sai lệch tự phục vụ cho mình. Hiểu được những sai lệch này có thể giúp bạn đánh giá về người khác và hành vi của họ chính xác và nhạy bén hơn.

Sai lệch quy kết nguyên nhân cơ bản (Fundamental Attribution Error)

Có thể nói đây là sai lệch mạnh nhất và xuyên tạc nhất. Người ta thường quy các vấn đề của họ là do hoàn cảnh, và xem xét các vấn đề của những người khác là do tính cách. 

Hiệu ứng hào quang (Halo Effect)

Nhung là một cô gái thông minh, tử tế và đáng yêu. Cô ấy cũng làm việc chăm chỉ hay không? Nếu tình cờ được hỏi, có lẽ bạn sẽ trả lời rằng cô ta cũng làm việc chăm chỉ. Điều này phản ánh hiệu ứng hào quang, một hiện tượng trong đó sự hiểu biết ban đầu về một người nào đó có những nét đặc tính tích cực được dùng để xây dựng những đặc tính tích cực không đồng nhất khác (và điều ngược lại cũng đúng).

Hiệu ứng Pollyanna (tô hồng)

Trên một phương diện nào đó, chúng ta cũng có một niềm lạc quan mù quáng không khác gì những người Pollyanna, những người không thấy trên thế giới này có điều ác. Vì chúng ta thường bị thúc đẩy xem thế giới là một nơi đầy thú vị, vui tươi, nên tri giác của chúng ta về những người khác thường được tô hồng (Sears,1982). Có lẽ hiệu ứng này phổ biến ở các nước đã phát triển hơn là ở các nước đang phát triển.

Sai lệch do giả định về tính tương tự (Assumed Similarity Bias)

Đa số chúng ta thường cảm thấy rằng bạn bè và những người quen khá giống chúng ta, ngay cả khi ta mới gặp họ buổi đầu tiên. Trên thực tế, chúng ta thường có xu hướng giả định rằng những người khác có các thái độ, quan niệm, những điều ưa thích và những điều không ưa thích giống với chúng ta nhiều hơn là thực tế.

Sai lệch phục vụ cho mình (Self-Serving Bias) 

Nếu bạn làm hỏng bài thi, bạn sẽ trách ai? Có lẽ bạn sẽ đổ lỗi cho thầy giáo dạy dở, đề thi quá khó, không đủ thời gian để học bài và nhiều lý do khác ngoại trừ rằng bạn không đủ thông minh để hiểu bài. Ngược lại, nếu bài thi của bạn đạt điểm cao, có lẽ bạn sẽ quy thành công đó là nhờ chính tài năng của mình chứ không phải là do bài thi quá đơn giản.

Nguyên nhân của điều này là do sai lệch phục vụ bản thân, xu hướng nhìn nhận và đánh giá bản thân theo hướng thuận lợi nhất. Lý do là mong muốn của chúng ta “cố giữ thể diện” cho mình.

Lời khuyên tâm lý: Làm thế nào để đánh giá người khác và chính bạn chính xác hơn?

Có một số điểm gợi ý có thể giúp bạn đưa ra những lời đánh giá và quy kết nguyên nhân chính xác hơn về những hành vi đôi lúc phức tạp của những người khác. 

Khi đánh giá một người nào đó, hãy nhớ tính phức tạp của các đặc tính của con người. 

Chẳng hạn, một người có thể vừa tàn nhẫn vừa thấu cảm, dù rằng chúng ta không mong đợi những tính cách như thế cùng xảy ra. Do đó, những nguyên tắc mà chúng ta sử dụng với tư cách là những “nhà tâm lý học thơ ngây“ đôi khi có thể không chính xác. 

Khi quy hành vi của người khác là do một nguyên nhân nào đó, điều quan trọng là nhận ra hành vi ít nhất một phần nào đó là một đáp ứng với môi trường. 

Bởi vì sai lệch quy kết nguyên nhân cơ bản, chúng ta có xu hướng xem hành vi của người khác là do tính cách của họ. Chúng ta nên thử nhìn tình huống bằng con mắt của họ, biết rằng có lẽ họ tự cho là đang đáp ứng với những đòi hỏi của môi trường. Nhờ vậy, chúng ta có thể đánh giá những nguyên nhân dẫn đến hành vi tập trung và chính xác hơn.

Hãy nhớ về các sai lệch trong tri giác của con người khi đưa ra các đánh giá về người khác và hành vi của họ. 

Dù chúng ta là những nhà quan sát và xử lý thông tin không hoàn thiện. Nhận biết và hiểu được các giới hạn của chính mình có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn thế giới xung quanh.

Trích đoạn từ Vượt qua thử thách- Ứng dụng tâm lý học trong cuộc sống, MinhdatRehab biên soạn và dịch thuật.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này