TÀI LIỆU: NHỮNG LỢI ÍCH NGOÀI CHI TRÊN CỦA P-CIMT

Cập nhật lần cuối vào 12/01/2022

PHI LỘ: Nhận thấy sự quan tâm của một số bạn đọc về CIMT, đặc biệt CIMT nhi khoa (P-CIMT), MinhdatRehab xin trích đăng một số Chương mà mình đã dịch từ cuốn Sổ tay Trị liệu Vận động Đồng cưỡng bức Nhi khoa (Handbook of Pediatric Constraint- Induced Movement Therapy) để bạn đọc tham khảo. Do văn phong khoa học của cuốn sách nên bản dịch còn có nhiều sai sót, mong bạn đọc thông cảm.

Chương 14. Những Lợi ích Ngoài Chi trên của P-CIMT: Các thay đổi trong Dáng đi và Các Kỹ năng Thần kinh vận động khác

Tasos Karakostas, MPT, PhD, và Erik C. King, MD, MS

NHỮNG NỘI DUNG CHÍNH CỦA CHƯƠNG

• Cấu trúc lý thuyết cho các lợi ích bổ sung của CIMT nhi khoa

• Dáng đi của trẻ bị liệt nửa người và CIMT nhi khoa

• Dáng đi của trẻ bị tổn thương đám rối cánh tay và CIMT nhi khoa.

Các cơ sở lý luận và thực tiễn của Trị liệu Vận động Đồng cưỡng bức Nhi khoa (P-CIMT) để giải quyết các thiếu sót vận động ở chi trên đã được trình bày ở các chương trước của cuốn sách này. Số lượng y văn và kiến ​​thức đã tăng lên đủ để cho phép thực hiện các nghiên cứu ngẫu nhiên có đối chứng so sánh giữa P-CIMT và các tiếp cận khác, bao gồm các tiếp cận hoạt động trị liệu tích cực (Echols, Deluca, Ramey & Taub, 2002, Eliasson, Krumlinde – Sundholm, Shaw, & Wang, 2005, Taub, Ramey, Deluca, Echols, 2004, Wallen và cộng sự, 201l).

Tuy nhiên, hầu như tất cả các nghiên cứu P-ClMT đã tập trung vào các khiếm khuyết của chi trên thứ phát sau không sử dụng đã học được (learned nonuse) (Crocker, MacKay-Lyons và McDonnell, 1997, Deluca, Echols, Ramey, & Taub, 2003, Echols và cộng sự, 2002) . Hơn nữa, tiếp cận P-CIMT dường như tập trung vào nhóm bệnh nhân là trẻ bị bại não liệt nửa người (CP, Eliasson và cộng sự, 2005, Gordon, Charles & Wolf, 2005 Taub và cộng sự, 2004). Do đó, cần có một nghiên cứu để tìm hiểu xem P-CIMT có đem lại các lợi ích chức năng khác hay không và những lợi ích này có thể đạt được đối với các nhóm bệnh nhi bị thiếu sót vận động chi trên khác hay không.

Mục lục

CẤU TRÚC VỀ LÝ THUYẾT CHO NHỮNG ÍCH LỢI BỔ SUNG CỦA P-CIMT

Ngoài công trình của Taub và những người khác (Deluca, Case Smith, Stevenson, & Ramey, 2012, Deluca, Echols, Law, & Ramey, 2006, Echols và cộng sự, 2002, Taub và cộng sự, 2004), được trình bày ở những phần khác trong cuốn sách này, các nghiên cứu dựa trên khoa học cơ bản khác, cả trước đây và hiện tại, cung cấp một hạ tầng lý thuyết cho các lợi ích bổ sung có thể có khi sử dụng P-CIMT. Các kết quả của Illert và các đồng nghiệp và của Alstermark và các đồng nghiệp đáng được nói đến (Alstermark, Isa, & Tantisira, 1990, Alstermark, Lindstrom, Lundberg, & Sybirska, 1981; Alstermark & ​​Lundberg, 1982, Alstermark, Lundberg, Pinter, & Sasaki, l987a, Alstermark, Lundberg, Sasaki, 1984a, 1984b, 1984c, Alstermark, Pinter, & Sasaki, 1983, 1985; Fritz, Illert, & Reeh, 1982, Fritz, Illert, & Saggau, 1981; Godderz, Illert & Yamaguchi, 1990, Grant, Illert, và Tanaka, 1980, Illert, Jankowska, Lundberg, & Odutola, 1981, lllert, Lundberg, Padel, và Tanaka, 1978; Illert, Lundberg, và Tanaka, 1976a, l 976b, 1977, Tllert & Wiedemann, 1984, Maier, Illert, Kirkwood, Nielsen, & Lemon, 1998). Cả hai nhóm đã công bố một loạt các tài liệu tập trung vào việc lập bản đồ các đường truyền thần kinh chính và thay thế có liên quan đến kiểm soát chức năng của chi trên, với trọng tâm là các tế bào thần kinh tuỷ sống C3-C5.

Tất nhiên, các con đường thần kinh thay thế là một biểu hiện của tính mềm dẻo thần kinh, nhằm tiếp tục và khôi phục chức năng sau một khiếm khuyết và sau đó là tái tổ chức vỏ não (Alstermark, Isa, Lundberg, Pettersson, & Tantisira, 1989, 1991; Alstermark, Lundberg, Pettersson, Tantisira, và Walkowska, 1987, Alstermark, Pinter, & Sasaki, 1992, Isa, Ohki, Alstermark, Pettersson, & Sasaki, 2007, Pettersson, Alstermark, Blagovechtchenski, Isa, & Sasaski, 2007; Pettersson, Lundberg, Alstermark, Isa, & Tantisira, 1997, Sasaki và cộng sự, 2004). Tính mềm dẻo của thần kinh bao gồm thay đổi hoặc thích ứng trong cấu trúc, chức năng và tổ chức của các hệ thống thần kinh (các neuron, hoặc các tế bào thần kinh, và các đường dẫn truyền thần kinh) để đáp ứng những kinh nghiệm mới có thể xảy ra sau khi bị tổn thương hoặc trong PHCN và hồi phục. Sự tổ chức lại vỏ não bao gồm những thay đổi trong tổ chức và chức năng của não.

Tuy nhiên, điều thú vị nữa là các đường dẫn truyền thần kinh thay thế này và các trung tâm xuất phát của chúng trong não (mà đã được xác định là tham gia vào việc khôi phục lại chức năng của chi trên sau khi tổn thương) cũng có liên quan đến các chức năng tư thế và chi dưới. Ví dụ, các nơ-ron thần kinh vùng C3-C5 nhận được tín hiệu đầu vào từ các đường vỏ-gai, nhân đỏ- gai, mái gian não- gai, lưới – gai và tiền đình để điều khiển chức năng của chi trên. Tuy nhiên, những nơ-ron này, phóng chiếu đến các khoanh thắt lưng và, cùng với các hệ thống vỏ gai – hệ tháp và tiền đình, liên quan đến việc làm vững thân trong các hoạt động của chi trên (Alstermark, Lundberg, Pinter, & Sasaki, 1987b).

Tầm quan trọng của các hệ thống vỏ gai – hệ tháp não, lưới- gai, và hệ thống tiền đình và các trung tâm não tương ứng với chức năng chi dưới đã được xác định (Gage, Schwartz, Koop, & Novacheck, 2009). Hệ thống vỏ gai- hệ tháp bao gồm cả các bó vỏ-gai và vỏ-hành; chúng chứa chủ yếu là các sợi trục xuất phát từ vỏ não vận động và truyền thông tin từ não đến tủy sống. Hệ thống lưới-gai (reticulospinal system, hoặc bó lưới-gai trước) là một đường truyền vận động ngoại tháp dưới ý thức đi xuống từ hệ hoạt lưới thành hai đường để cung cấp thông tin từ não đến thân và cơ gốc chi. Hệ thống tiền đình cung cấp cảm giác về định hướng không gian và góp phần thông tin liên quan đến vận động của cơ thể và cân bằng. Hệ thống tiền đình bao gồm hai thành phần chính: hệ thống ống bán khuyên, nhận biết các chuyển động quay, và các cơ quan otolith (đá tai), cho biết các gia tốc tuyến tính. Bao trong, thành phần không thể tách rời của kiểm soát vỏ não của hệ vận động (Gage và cộng sự, 2009), qua đó các sợi vỏ gai đi qua, đã được phát hiện có liên quan đến chức năng của chi trên và kiểm soát vận động bàn tay (Wenzel Burger và cộng sự, 2005). Do đó, các cơ chế điều khiển thần kinh chi trên, chi dưới và tư thế dường như có sự trùng lặp đáng kể.

Sự ghép nối cơ học (mechanical coupling) giữa chi trên và chi dưới để tạo thành một dáng đi đối xứng, điều hợp, trơn tru cũng đã được xác định. Ghép nối cơ học đề cập đến việc kiểm soát kép các lực vật lý trong cơ thể của cả vận động của chi trên và chi dưới. Trong dáng đi tự nhiên, với tốc độ tự chọn và với tốc độ tăng lên, hai chân tạo ra xung lượng góc ngược với tay đối bên, dẫn đến một dáng đi tiết kiệm năng lượng hơn (Capozzo, 1993, Donker, Mulder, Nienhuis, & Duysens, 2002).

Các nghiên cứu ban đầu với người lớn bị tai biến mạch não và được điều trị bằng CIMT để giải quyết tình trạng khiếm khuyết của chi trên đã thông báo những lợi ích đồng thời đối với tư thế, thăng bằng và chức năng chi dưới nói chung. Các kết quả tích cực bao gồm tăng khả năng chịu tải lên chi liệt, dẫn đến khả năng chịu trọng lực lên hai chân đối xứng hơn, cải thiện thăng bằng, và một ít cải thiện về di chuyển và đi lại (Fritz, Pittman, Robinson, Orton, & Rivers, 2007 , Taub, Uswatte, & Pidikiti, 1999, Vearrier, Langan, Shumway-Cook, & Woollacott, 2005).

Do đó, dựa vào cơ sở hạ tầng lý thuyết và thực nghiệm, nhóm của chúng tôi là những người đầu tiên nghiên cứu và báo cáo về những ảnh hưởng có thể có của P-CIMT đối với chức năng chi dưới của các trẻ bị khiếm khuyết chi trên (Coker, Karakostas, Dodds, & Hsiang, 2010, Karakostas, Coker, & Hsiang, 2009). Nghiên cứu của chúng tôi được định hướng bởi giả thuyết là P-CIMT, hoặc là trực tiếp, thông qua tái tổ chức vỏ não và huy động các đường dẫn thần kinh liên quan đến chi dưới, hoặc là gián tiếp, bằng cách tạo thuận cho sự ghép nối cơ học của chi trên và chi dưới do cải thiện khả năng thực hiện của chi trên sau khi tham gia vào P-CIMT, có một ảnh hưởng lên dáng đi của trẻ tham gia vào chương trình P-CIMT.

Lưu ý rằng kể từ lần báo cáo và trình bày đầu tiên của chúng tôi, có hai báo cáo khác đã xác định mối quan hệ giữa P – CIMT và dáng đi (Gillick & Koppes, 2010, Zipp & Winning, 2012). Do đó, mặc dù các kết quả nghiên cứu của chúng tôi đặc trưng cho các đặc điểm của chương trình và cách tiếp cận của chúng tôi trong việc thực hiện nó, sự xuất hiện của hai báo cáo bổ sung về mối quan hệ giữa P-CIMT và dáng đi hỗ trợ kết luận của chúng tôi rằng tham gia vào một chương trình P-CIMT có thể có ảnh hưởng tích cực lên dáng đi của người tham gia.

DÁNG ĐI CỦA TRẺ LIỆT NỬA NGƯỜI VÀ P-CIMT

Nhóm của chúng tôi ban đầu xem xét những thay đổi trong các đặc điểm của dáng đi của các trẻ bị liệt nửa người với P-CTMT và với can thiệp chỉnh hình được sử dụng (Coker và cộng sự, 2010, Karakostas, Coker, Bonk, & Dias, 2009, Karakostas và cộng sự, 2009). Trong nghiên cứu đầu tiên của chúng tôi, trẻ bại não liệt nửa người lứa tuổi tiền học đường tham gia vào một trại tập huấn ban ngày trong 5 ngày liên tiếp (Đại học Y Nam Carolina, Charleston). Mỗi ngày điều trị 6 giờ P-CIMT. Cách tiếp cận trại giống như mô tả trong chương l0 của tập sách này và ở nơi khác (Eliasson, Bonnier, và Krum Linde -Sundholm, 2003). Chi trên không bị ảnh hưởng bị cưỡng bức hạn chế bởi một cái bao tay hình thú che phủ một nẹp nghỉ bàn tay.

Các trẻ tham gia vào nghiên cứu này có mức Hệ thống Phân loại Chức năng Vận động Thô GMFCS từ I đến III dựa trên vận động tự khởi tạo trong khi ngồi (kiểm soát thân mình) và đi (Palmisano, Rosenbaum, Bartlett, & Livingston, 2007; Palmisano và cộng sự, 1997). Bàn tay yếu hơn có thể duỗi ngón tay chủ động tối thiểu là 10 độ và ít nhất là có thể trợ giúp thô sơ trong các hoạt động tự chăm sóc và vui chơi. Bên liệt được phân bố đều nhau trong nhóm trẻ tham gia. Về mặt nhận thức, mỗi trẻ tham gia có thể tuân theo các mệnh lệnh ít nhất là hai bước.

Mặc dù một KTV HĐTL và VLTL có giấy phép hành nghề giám sát và quản lý chung về trại tập luyện, mỗi trẻ tham gia được điều trị P-CIMT bởi một sinh viên VLTL và một sinh viên HĐTL đã được đào tạo về các kỹ thuật P-CIMT. Những người cố vấn trại tập luyện này có trách nhiệm giải quyết các khiếm khuyết chi trên cụ thể đã được xác định cho mỗi trẻ tham gia trong đánh giá trước can thiệp. Tất cả trẻ tham gia đã từng được điều trị VLTL và HĐTL truyền thống trước khi tham dự trại P-CIMT. Hình 14.l cho thấy một hoạt động trại điển hình.

Hình 14.1. Trẻ ở trại tập thăng bằng và vươn tới trong khi hoàn thành một khóa vượt cản.
Tay trái đeo bao tay hạn chế vận động.

Chuyển động học của dáng đi đạt mẫu giống như người trưởng thành vào lúc khoảng 6 hoặc 7 tuổi; chúng dường như không nhất quán trước 4 tuổi (Sutherland, 1997, Sutherland, Olsen, Biden, & Wyatt, 1988). Tuy nhiên, với các phương pháp chuẩn hóa thích hợp, các đặc tính về thời gian- khoảng cách của dáng đi ổn định ngay từ khi 2 tuổi (Hoff, l996). Do đó, nghiên cứu của chúng tôi tập trung vào các ảnh hưởng của chương trình P-CIMT lên các đặc điểm thời gian – khoảng cách trong dáng đi của trẻ bại não liệt nửa người.

Các thông số thời gian- không gian xác định dáng đi bao gồm vận tốc đi, tốc độ bước đi, chiều dài và thời gian nhịp bước, thời gian và chiều dài bước chân phải và trái, thời gian tựa/chống một chân phải- trái, thời gian tựa hai chân, thời gian đu đưa chân phải-trái, tổng thời gian tựa, và chân đế. Trên cơ sở các thông số thời gian- khoảng cách đã chọn, cũng có thể đánh giá sự đối xứng của dáng đi. Các thông số xác định sự đối xứng của dáng đi là sự chênh lệch thời gian giữa các bước bên phải và bên trái và sự chênh lệch chiều dài bước giữa các bước bên phải và bên trái. Định nghĩa các thuật ngữ này có thể xem ở Phụ lục 14.A.

Để thu thập tất cả các thông số dáng đi về thời gian – khoảng cách, chúng tôi đã sử dụng hệ thống GAITRite, một đường đi bộ băng điện tử dài 18 ft (5,5 m) (CIR Systems, Clifton, J). GAJTRite chứa các cảm biến nhúng có thể lấy mẫu ở tốc độ lên đến 333 Hz. Chúng tôi lấy mẫu dữ liệu của chúng tôi ở 80 Hz, cho phép độ phân giải thời gian là 0,0125 giây cho mỗi dữ liệu lấy mẫu. Độ tin cậy của GAITRite trong việc lượng giá chính xác các đặc tính thời gian- không gian của dáng đi suốt toàn bộ phổ lứa tuổi được thấy là rất tốt (Bilney, Morris, & Webster, 2003; Cutlip, MancinelJi, Huber, & Di Pasquale, 2000 , McDonough, Batavia, Chen, Kwon, & Ziai, 2001, Menz, Latt, Tiedemann, Mun San Kwan, & Lord, 2004, van Uden & Besser, 2004; Webster, Wittwer, & Feller, 2005). Hình 14.2 cho thấy trẻ em đang đi trên lối đi GAITRite.

Hình 14.2. Trẻ đi trên lối đi GAITRite

Mặc dù tóm tắt phương pháp thu thập số liệu của chúng tôi đã được xuất bản ở nơi khác (Coker và cộng sự, 2010), chúng tôi phải nhấn mạnh rằng tất cả trẻ đều được hướng dẫn đi dọc chiều dài của thảm ở tốc độ bình thường, tự nhiên, tự chọn của trẻ. Để trẻ đi theo cách này là quan trọng để đảm bảo rằng chỉ có các đường dẫn thần kinh điều khiển tự động tham gia trong khi khi chúng tôi ghi lại mẫu dáng đi (Egerton, Danoudis, Huxham, Iansek, 2011). Tất cả trẻ được đánh giá với bàn chân để trần, và các trẻ em đang sử dụng nẹp AFO cũng được đánh giá khi mang AFO để chúng tôi có thể đánh giá sự thay đổi dáng đi do can thiệp P-CIMT mà không nhất thiết liên quan đến AFO. Với những trẻ được đánh giá cả lúc mang AFO và không mang, trình tự của thử nghiệm được lựa chọn ngẫu nhiên. Tất cả trẻ được đánh giá trong vòng một tuần trước khi bắt đầu trại tập luyện P-CIMT (trước can thiệp) và trong vòng 3 ngày sau kết thúc trại (sau can thiệp). (Tất cả các trẻ cũng được kiểm tra 6 tháng sau khi hoàn thành trại, những dữ liệu này sẽ là chủ đề của một báo cáo trong tương lai.)

Một phần kết quả của đánh giá đi chân trần trước và sau trại tập luyện đã được công bố trước đây (Coker và cộng sự, 2010). Kết quả phân tích hiện tại của chúng tôi cho thấy cùng một xu hướng có ý nghĩa thống kê sau khi tham gia vào chương trình P-CIMT: tăng vận tốc đi, tốc độ bước chân, độ dài bước (của cả hai chi dưới) và thời gian tựa một chân (cả chi chân yếu và chân kia). Chúng tôi cũng nhận thấy có sự giảm đáng kể về chân đế và thời gian tựa hai chân, cũng như giảm chênh lệch trong thời gian bước – tất cả đều quan trọng đối với khả năng đi. Giảm chân đế kết hợp với tăng thời gian tựa một chân và giảm thời gian tựa hai chân có giá trị với thăng bằng. Giảm chênh lệch thời gian bước giữa chân yếu và chân kia giúp trẻ đạt được một dáng đi đối xứng hơn.

Sự khác biệt quan trọng nhất giữa đánh giá trước và sau can thiệp P-CIMT với các trẻ có mang AFO được thể hiện trong Bảng 14.1. Những dữ liệu này giúp hiểu rõ hơn về cách thức mà P-CIMT và can thiệp chỉnh hình có thể đã góp phần cùng nhau và riêng lẻ vào sự cải thiện các mẫu dáng đi sau can thiệp P-CIMT (Karakostas và cộng sự, 2009). Trong khi cột “Tương tác Chân trần x AFO” trong Bảng 14.1 cho thấy không có sự tương tác đáng kể giữa các điều kiện chân trần và AFO, hai cột còn lại chứng tỏ đóng góp riêng biệt của trại tập luyện P-CIMT (chân đất) hoặc việc sử dụng AFO. Phân tích dữ liệu của chúng tôi cho thấy rằng P-CIMT đã có hiệu quả trực tiếp lên giảm sự chênh lệch thời gian bước (từ 0,08 đến 0,04 giây), do đó làm cho dáng đi đối xứng hơn. Hơn nữa, thời gian tựa một chân, được biểu hiện dưới dạng phần trăm thời gian chu kỳ dáng đi của chân yếu, tăng từ 34,53% lên 37,32% do trại tập luyện P-CIMT. Về chân đế, sự tương tác giữa sử dụng AFO và P-CIMT là điều rõ ràng. Tuy nhiên, hiệu quả của trại tập luyện P-CIMT là lớn hơn trong sự thay đổi của chân đế, giảm từ 11,05 cm trước can thiệp xuống còn 9,3 cm sau can thiệp. Do đó, gia tăng khả năng thăng bằng dường như có liên quan nhiều đến P-CIMT hơn so với sử dụng AFO. Dữ liệu gợi ý rằng khi kết hợp P-CIMT và đeo nẹp, dáng đi trở nên hiệu quả hơn. Vận tốc tăng lên do gia tăng độ dài bước cho cả hai chân, điều này liên quan đến giảm thời gian tựa hai chân và tăng thời gian đu đưa để thực hiện bước tiếp theo.

Bảng 14.1. Tóm tắt các đặc điểm dáng đi thời gian – không gian với đi bằng chân trần và đi với AFO trước và sau trại tập luyện P-CIMT

Ghi chú: Các dữ liệu in đậm minh hoạ hiệu quả riêng biệt của P-CIMT (cột bàn chân trần) hoặc sử dụng AFO. LE: chi dưới, AFO: dụng cụ chỉnh hình cổ bàn chân

Như đã đề cập trước đó, Gillick và Koppes (2010) và Zipp và Winning (2012) cũng công bố những phát hiện về cải thiện khả năng đi sau khi tham gia trại tập luyện P-CIMT. Gillick và Koppes đã tiến hành một nghiên cứu định tính về tác động của chương trình P-CIMT 19 ngày (3 giờ / ngày) lên vận động thô và sự thay đổi chức năng chi dưới của 6 trẻ đi lại độc lập (từ 5 đến 11 tuổi) bị liệt nửa người thể co cứng, GMFCS Mức độ I. Họ báo cáo cải thiện về khả năng đi của trẻ tham gia sau can thiệp P-CIMT. Trên thực tế, bằng cách sử dụng hạng mục đứng (mục D) và đi-chạy-nhảy (mục E) của công cụ GMFCS, Gillick và Koppes đã phát hiện những cải thiện ở cả hai phần, phản ánh cải thiện chức năng chi dưới nói chung sau can thiệp P-CI MT. Những cải thiện lớn nhất là trong phần đi- chạy- nhảy.

Zipp and Winning (2012) đã đánh giá tác động của một chương trình P-CIMT 15 ngày (6 giờ / ngày) lên dáng đi và chức năng chi dưới của 16 trẻ bị liệt nửa người (từ 4 đến 12 tuổi). Hiệu suất đi bộ được định lượng sử dụng GAITRite. Tuy nhiên, nghiên cứu về dáng đi này bị hạn chế vì các tác giả chỉ tập trung vào đo lường vận tốc, tốc độ bước đi, và số bước với GAITRite. Tuổi của một số trẻ thấp có thể nảy sinh sự thay đổi về chuyển động học khó kiểm soát được trong quần thể mẫu, đặc biệt khi các thông số được đo đã không được chuẩn hóa để giải thích cho sự thay đổi vè nhân trắc học. Các trẻ được được bó bột tay không yếu từ giữa cánh tay đến các ngón tay để hạn chế cưỡng bức. Tuy nhiên, cách can thiệp này có tạo thuận hiệu quả lên cơ chế ghép nối giữa các chi trên và chi dưới hay không còn là một điểm chưa rõ, do cưỡng bức hạn chế vận động áp đặt trên khớp khuỷu (Webb, Tuttle, & Baksh, 1994). Cuối cùng, các trẻ đã nhận được tổng cộng 90 giờ P-CIMT. Những trẻ tham gia chương trình P-CIMT tại trại đã chứng tỏ cải thiện về tốc độ đi và nhịp bước chân.

DÁNG ĐI Ở TRẺ BỊ ĐÁM RỐI CÁNH TAY VÀ P-CIMT

Chúng tôi cũng đã xem xét liệu P-CIMT điều trị cho trẻ bị tổn thương đám rối cánh tay (nghĩa là yếu tay do tổn thương các dây thần kinh của đám rối cánh tay) mà không bị khiếm khuyết rõ rệt ở chân có tác động đáng kể nào lên chức năng đi của chi dưới hay không. Một nhóm trẻ ở độ tuổi tiền học đường bị đám rối cánh tay do tai nạn đã tham gia một trại tập luyện P-CIMT 10 ngày trong bối cảnh ngoại trú ở bệnh viện (Bệnh viện Nhi Đồng, Chicago) và được so sánh với một nhóm chứng các trẻ bị đám rối cánh tay có cùng độ tuổi được tập HĐTL theo kiểu truyền thống ở bệnh viện.

Tham gia vào trại bao gồm 3 giờ P-CIMT mỗi ngày và một chương trình tập luyện tại nhà cho hai ngày cuối tuần. Các hoạt động và cấu trúc của trại tập luyện này rất giống với các nghiên cứu trước đây của chúng tôi, bao gồm cả đào tạo tại chỗ. Trại này được giám sát bởi các KTV HĐTL, những người đã đánh giá các khiếm khuyết chi trên và di chuyển chung của mỗi trẻ trong trại. Mỗi trẻ làm việc với một tình nguyện viên đã được huấn luyện về trại và các nguyên tắc cơ bản của P-CIMT. Tất cả những trẻ tham gia đã từng được điều trị HĐTL truyền thống trước khi tham gia trại P-CIMT.

Thu thập và báo cáo các thông số đi về thời gian – khoảng cách tương tự như nghiên cứu trước đây của chúng tôi. Những trẻ tham gia trại P-CIMT được đánh giá chân trần vào tuần trước trại (trước can thiệp), trong vòng 3 ngày sau trại (sau can thiệp), và 6 tháng sau kết thúc trại tập luyện. Nhóm trẻ chứng cũng được đánh giá tương tự và sau đó được nhận 30 giờ điều trị truyền thống. Bởi vì trẻ bị tổn thương đám rối cánh tay được phân chia ngẫu nhiên vào chương trình truyền thống (nhóm chứng) được gặp 2 đến 3 lần mỗi tháng, chúng tôi chỉ đánh giá sau can thiệp một lần.

Chúng tôi thực hiện phân tích phân biệt dữ liệu tập trung vào các đo lường kết quả không phải hai bên của GAITRite. Các thông số này bao gồm vận tốc, tốc độ bước, chân đế, và sự chênh lệch về thời gian bước chân và độ dài bước giữa các bước chân bên phải và bên trái. Bảng 14.2 cho thấy rằng nhóm trại P-CIMT đã chứng minh vận tốc và tốc độ nhịp bước lớn hơn và chênh lệch chiều dài bước chân nhỏ hơn đáng kể trong lần đánh giá đầu tiên sau P-CIMT so với nhóm chứng (nhóm này không có cải thiện đáng kể). Ngoài ra, sự đối xứng khi đi (chênh lệch chiều dài bước chân) cải thiện một cách đáng kể do kết quả của P-CIMT, và khi so sánh với nhóm đối chứng, nhóm P-CIMT cho thấy sự cải thiện nhiều hơn.

Có lẽ điều thú vị hơn là khi ta quan sát khả năng thực hiện chi trên do kết quả của P-CIMT so với tiếp cận PHCN nhi khoa truyền thống, cả hai nhóm thực nghiệm và nhóm chứng đều dường như cải thiện (Karakostas, Bednarek, Malas, 2011). Tuy nhiên, khi quan sát dáng đi của nhóm đối chứng, ta không phát hiện sự cải thiện tương tự. Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng chênh lệch về độ dài bước chân tăng lên đối với trẻ tham gia điều trị HĐTL theo truyền thống, trong khi sự chênh lệch này giảm ở trẻ tham gia trại P-CIMT. Do đó, cải thiện chức năng của chi trên trong phục hồi chức năng nhi khoa truyền thống dường như là cụ thể theo phân đoạn, trong khi đó cải thiện sau P-CIMT có tính tổng thể hơn, tức là mở rộng sang các chức năng, như chức năng của chi dưới, và các hoạt động chức năng khác, như đi.

Bảng 14.2. Tóm tắt các đặc điểm dáng đi về thời gian- không gian về vận tốc, tốc độ bước chân, và chiều dài bước chân trước và sau trại tập luyện P-CIMT

Hơn nữa, nếu chức năng chi dưới được cải thiện trong dáng đi chỉ liên quan đến cải thiện cơ chế ghép nối do cải thiện chức năng của chi trên, thì tiếp cận HĐTL truyền thống (giúp cải thiện thành công các khiếm khuyết ở chi trên) cũng sẽ dẫn đến cải thiện dáng đi. Tuy nhiên, kết quả của chúng tôi gợi ý rằng trường hợp này không phải như vậy. Do đó, có thể nguyên nhân chính của cải thiện hoạt động đi lại của trẻ bị tổn thương đám rối có thể liên quan đến các thay đổi tính mềm dẻo vỏ não được tạo ra do tiếp cận P-CIMT.

Hiện nay, các nghiên cứu của chúng tôi đã gợi ý rằng P-CIMT có một ảnh hưởng tích cực đến các đặc điểm thời gian – không gian của dáng đi. Chân đế của chi dưới có thể cải thiện trực tiếp do tham gia vào P-ClMT. Những trẻ tham gia chương trình trại P-CIMT đã sử dụng một chân đế nhỏ hơn sau tập luyện, gợi ý rằng giảm yêu cầu giữ vững tư thế. Tính đối xứng cũng được cải thiện, thể hiện ở giảm sự chênh lệch chiều dài bước chân sau trại tập luyện. Một dáng đi cân đối hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu năng lượng và tư thế trong khi đi. Do đó, có thể sử dụng P-CIMT để khắc phục một phần khiếm khuyết chi dưới (LE) hoặc khắc phục thiếu hụt dáng đi liên quan đến chức năng chi trên. Do đó, chúng tôi cho rằng các số đo về đặc điểm thời gian – không gian của dáng đi sau P-CIMT có thể cung cấp một phương tiện bổ sung để xác định sự thành công của các chương trình P-CIMT và bắt đầu chuyển trọng tâm can thiệp vào cả khiếm khuyết của chi trên và chi dưới.

Cuối cùng, chúng tôi đã quan sát thấy tính đối xứng dáng đi dường như cải thiện một cách nhất quán với P-CIMT. Một dáng đi cân xứng hơn cũng là một dáng đi nhịp nhàng hơn. Một nghiên cứu độc lập cho thấy những cải thiện trong chuyển động nhịp điệu có thể liên quan đến những cải thiện về nhận thức (Goldshtrom, Knorr, và Goldshtrom, 2010). Ngoài ra, các phụ huynh của 3 trẻ tham gia vào chương trình P-CIMT của chúng tôi nhận xét rằng kỹ năng ngôn ngữ của trẻ được cải thiện. Như vậy, dường như P-CIMT có thể liên quan đến những thay đổi khác có thể có ý nghĩa xã hội hoặc hàm ý khác.

KẾT LUẬN

Cho đến nay, hầu hết các nghiên cứu về P-CIMT đều tập trung vào việc khắc phục các thiếu sót của chi trên do không sử dụng được học, nhưng các nghiên cứu mới đây hiện đang xem xét sự lan truyền hoặc những tác dụng thứ phát của trị liệu cưỡng bức lên các hệ thống khác của cơ thể, bao gồm chức năng vận động thô, thăng bằng và dáng đi. Các kết quả sơ bộ của các nghiên cứu này và các thông tin được trình bày trong chương này làm nổi bật tầm quan trọng của P-CIMT đối với khả năng chức năng tổng thể và mức độ tham gia trong các hoạt động hàng ngày. Các nhà thực hành thu hút trẻ tham gia P-CIMT nên theo dõi sát các hiệu quả thứ phát của can thiệp này.

Trích dịch từ:

Ramey,S.L.,Coker-Bolt. P., & Deluca, S.C. (Eds.) (2013). Handbook of pediatric constraint- induced movement therapy (CIMT): A guide for occupational therapy and healthcare clinicians, researchers, and educators. Bethesda, MD: AOTA Press. (Peer-reviewed)

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này