CÁC THUỐC LÀM GIÃN CƠ

Cập nhật lần cuối vào 11/01/2024

Các thuốc giãn cơ vân được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến cơ tăng tính kích thích (hyperexcitable) – cụ thể là co cứng và co thắt cơ. Mặc dù hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau, nhưng co cứng và co cứng cơ là hai bất thường riêng biệt nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc giãn cơ là tương tự nhau trong hai trường hợp bởi vì mục đích cuối cùng là bình thường hóa tính kích thích của cơ mà không làm giảm quá mức chức năng cơ.

Các loại thuốc được trình bày trong bài viết này làm giảm tính kích thích và co cơ thông qua tác động ở mức tủy sống, ở synap thần kinh cơ hoặc trong chính tế bào cơ. Một số tài liệu cũng phân loại thuốc chẹn synap thần kinh cơ như dẫn xuất curare và succinylcholine là thuốc giãn cơ vân. Tuy nhiên, đúng hơn thì những loại thuốc này được phân loại là thuốc làm liệt cơ (paralytics) vì chúng loại bỏ sự co cơ bằng cách ngăn chặn sự dẫn truyền tại liên kết thần kinh. Loại thuốc làm liệt cơ vân này được sử dụng chủ yếu trong gây mê toàn thân. Thuốc giãn cơ vân thường không ngăn cản sự co cơ; chúng chỉ cố gắng bình thường hóa tính kích thích của cơ để giảm đau và cải thiện chức năng vận động.

Mục lục

CO CỨNG VÀ CO THẮT CƠ

Việc sử dụng thuật ngữ co cứng thường lẫn lộn (và không đúng) với co thắt. Trong bài viết, các thuật ngữ này sẽ được sử dụng để mô tả hai loại tăng tính kích thích khác nhau, là kết quả của các bệnh lý cơ bản khác nhau.

Co cứng (Spasticity) xảy ra ở nhiều bệnh nhân sau tổn thương hệ thần kinh trung ương (CNS), bao gồm tuỷ sống (ví dụ: xơ cứng rải rác, tổn thương tủy sống) và não (ví dụ: đột quỵ, bại não, mắc phải chấn thương sọ não). Tình trạng co cứng được đặc trưng chủ yếu bởi phản xạ kéo căng cơ (muscle stretch reflex) tăng quá mức (Hình 13-1). Hoạt động phản xạ bất thường này phụ thuộc vào tốc độ (velocity-dependent).

Co thắt (Spasms) cơ vân mô tả gia tăng độ căng thường thấy ở cơ xương sau một số chấn thương và bệnh lý hệ cơ xương khớp, như chấn thương cơ hoặc chèn ép rễ thần kinh. Sự căng cơ này là không tự chủ, vì vậy bệnh nhân không thể thư giãn cơ. Co thắt khác với co cứng vì chúng do chấn thương các cấu trúc cơ xương hoặc rễ thần kinh ngoại vi chứ không phải là tổn thương thần kinh trung ương. Co thắt cơ thường là căng cứng liên tục của các cơ cục bộ khác với sự gia tăng phản xạ kéo căng phụ thuộc vào tốc độ trong co cứng. Nguyên nhân gây ra co thắt cơ vẫn chưa được hiểu rõ. Một số tác giả cho rằng co thắt cơ xảy ra do một vòng luẩn quẩn được tạo ra khi chấn thương ban đầu gây đau và co thắt cơ, làm tăng đầu vào cảm giác hướng tâm đến tủy sống, do đó tiếp tục kích thích tế bào thần kinh vận động alpha gây co thắt nhiều hơn. Những tác giả khác cho rằng co thắt cơ xảy ra do một cơ chế bảo vệ phức tạp, theo đó các co cơ nhằm nâng đỡ cấu trúc xương khớp bị chấn thương. Dù lý do gì, co cơ liên tục (tonic) thường gây đau do sự tích tụ các chất chuyển hoá gây đau (như lactate).

Stretch reflex

Hình 1. Sơ đồ minh họa các thành phần cơ bản của phản xạ kéo căng (stretch reflex). Thông thường, các trung tâm thần kinh trung ương cao hơn kiểm soát độ nhạy của phản xạ này bằng cách ức chế các kết nối synap trong tủy sống. Co cứng được cho là xảy ra khi ảnh hưởng của các trung tâm cao hơn này bị mất do chấn thương não hoặc tổn thương các đường dẫn truyền đi xuống trong tủy sống.

CÁC THUỐC CHỐNG CO THẮT 

Diazepam

Diazepam tác động lên hệ thần kinh trung ương và là một loại thuốc giải lo âu. 

  • Về cơ bản, diazepam và các benzodiazepin khác hoạt động bằng cách tăng tác dụng ức chế trung ương của axit gamma-aminobutyric (GABA). Diazepam gắn với các thụ thể nằm ở các synap GABAergic và làm tăng sự ức chế tạo bởi GABA tại liên kết thần kinh đó. Diazepam dường như hoạt động như một chất giãn cơ thông qua cơ chế này, làm tăng tác dụng ức chế của GABAA đối với hoạt động của neuron vận động alpha trong tủy sống.
  • Thuốc cũng có một số tác dụng an thần trên tuỷ sống, và một số đặc tính giãn cơ của nó có thể do tác dụng an thần chung này.

Sử dụng

Diazepam đã được sử dụng rộng rãi trong điều trị co thắt liên quan đến chấn thương cơ xương như căng đau cơ thắt lưng cấp tính. Thuốc cũng đã được sử dụng để kiểm soát co thắt cơ liên quan đến độc tố uốn ván (ức chế co thắt của thanh quản và các cơ khác).

Tác dụng phụ 

Tác dụng phụ chính với diazepam là liều để gây giãn cơ vân cũng gây an thần và làm giảm khả năng tâm thần vận động nói chung. Thuốc cũng có thể gây phụ thuộc về thể chất, và ngừng thuốc đột ngột sau khi sử dụng kéo dài có thể gây co giật, lo lắng, kích động, nhịp tim nhanh và thậm chí tử vong. Do đó, thuốc có thể có ích khi sử dụng ngắn hạn với các co thắt cơ cấp tính, nhưng không nên sử dụng lâu dài.

Các thuốc chống co thắt tác động trung ương 

Một số loại hợp chất tác động trung ương nhằm làm thư giãn cơ và giảm co thắt cơ đã được sử dụng trên lâm sàng. Một số thuốc thông dụng như cyclobenzaprine (Flexeril), carisoprodol (Soma) và các loại thuốc khác được liệt kê trong Bảng 1. Cơ chế hoạt động của những loại thuốc này vẫn chưa được xác định rõ ràng.

Tác dụng của thuốc giãn cơ cụ thể đối với hóa chất thần kinh thần kinh trung ương có thể khác nhau, tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này có thể có chung một cơ chế là chúng làm tăng an thần ở thần kinh trung ương (giảm tính kích thích thần kinh trung ương nói chung), dẫn đến an thần toàn thân, do đó dẫn đến thư giãn cơ vân. Do đó, có vẻ như một số tác dụng giãn cơ của chúng là do tác dụng an thần thay vì tác dụng chọn lọc trên các con đường phản xạ tế bào thần kinh cụ thể.

Sử dụng

Những loại thuốc này thường được sử dụng để bổ trợ cho nghỉ ngơi và vật lý trị liệu để giảm co thắt cơ liên quan đến chấn thương và đau cơ xương cấp tính trong thời gian ngắn. Chúng thường được sử dụng kết hợp với thuốc giảm đau NSAID hoặc acetaminophen, aspirin. 

 

ThuốcLiều dùng (uống) thông thường cho người lớn (mg)Thời gian bắt đầu tác dụng (phút)Đỉnh (giờ)Thời gian hoạt động (giờ)
Carisoprodol (Soma, Vanadom) 250-350 ngày 3-4 lần, không quá 2-3 tuần30không rõ4-6
Chlorzoxazone (Paraflex, Parafon Forte, các loại khác) 250-750 ngày 3-4 lầntrong vòng 601-23-4
Cyclobenzaprine (Amrix, Flexeril) 10 ngày 3 lầntrong vòng 603-812-24
Diazepam (Valium, các loại khác)2-10 ngày 3-4 lần30-601-2đến 24
Metaxalone (Skelaxin800 ngày 3-4 lần6024-6
Methocarbamol (Carbacot, Robaxin)1500 ngày 4 lầntrong vòng 302không rõ
Orphenadrine citrate (Antiflex, Norflex, những loại khác) 100 ngày 2 lầntrong vòng 606-812
Bảng 1. CÁC THUỐC THƯỜNG SỬ DỤNG ĐỂ ĐIỀU TRỊ CO THẮT CƠ

Nguồn: Ciccone, CD: Davis’s Drug Guide for Renaissance Professionals. Philadelphia: FA Davis; 2013. 

Tác dụng phụ

Do đặc tính an thần của chúng, tác dụng phụ chính của những loại thuốc này là buồn ngủ và chóng mặt. Có thể xảy ra nhiều tác dụng phụ khác, bao gồm buồn nôn, váng đầu, chóng mặt, mất điều hòa và nhức đầu, tùy thuộc vào bệnh nhân và loại thuốc được sử dụng. 

Sử dụng lâu dài hoặc quá nhiều các loại thuốc này cũng có thể gây ra tình trạng dung nạp và phụ thuộc về thể chất (đặc biệt là carisoprodol).

Do đó, các loại thuốc chống co thắt tác dụng trung ương này chỉ được sử dụng để giảm co thắt cơ trong thời gian ngắn với các tình trạng cấp tính (đau lưng, đau cổ …) nhưng không được khuyến khích sử dụng kéo dài. 

CÁC THUỐC CHỐNG CO CỨNG

Các thuốc thường được sử dụng trong điều trị co cứng bao gồm baclofen, dantrolene natri, diazepam, gabapentin và tizanidine. Độc tố botulinum cũng có thể được sử dụng tại chỗ để điều trị co cứng cơ cụ thể.

Baclofen

Tên hóa học của baclofen là beta- (p-chlorophenyl) -GABA. Như tên gọi này cho thấy, baclofen là một dẫn xuất của chất dẫn truyền thần kinh ức chế trung ương GABA. Tuy nhiên, dường như có một số khác biệt giữa baclofen và GABA. Baclofen dường như gắn chọn lọc lên các thụ thể GABA đặc hiệu, là thụ thể GABAB (khác với thụ thể GABAA) . Baclofen hoạt động như một chất chủ vận GABA, ức chế sự dẫn truyền trong tủy sống các liên kết thần kinh cụ thể.

Khi được sử dụng như một loại thuốc giãn cơ, baclofen dường như có tác dụng ức chế hoạt động của neuron vận động alpha trong tủy sống. Sự ức chế này rõ ràng xảy ra bằng cách ức chế các tế bào thần kinh kích thích tạo synap với tế bào thần kinh vận động alpha (ức chế trước/tiền synap) và bằng cách ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân tế bào thần kinh vận động alpha (ức chế sau synap). Kết quả là giảm hoạt động của neuron vận động anpha, dẫn đến thư giãn của cơ vân.

Sử dụng

Baclofen được dùng bằng đường uống để điều trị co cứng liên quan đến tổn thương tủy sống do chấn thương hoặc mất myelin do xơ cứng rải rác (MS).

Baclofen thường là thuốc được lựa chọn để giảm co cứng cơ liên quan đến MS vì thuốc tạo ra các tác dụng có lợi với rất ít tác dụng phụ. Điều trị bằng Baclofen cũng ít gây ra tình trạng yếu cơ toàn thân hơn so với thuốc giãn cơ tác dụng trực tiếp, chẳng hạn như dantrolene.

Baclofen cũng ít có tác dụng phụ hơn khi được sử dụng để giảm co cứng ở tổn thương tủy sống do chấn thương.

Mặc dù baclofen được dùng bằng đường uống ở hầu hết bệnh nhân, nó cũng có thể được dùng bằng cách bơm truyền trong màng cứng (intrathecal baclofen pump) ở những bệnh nhân bị co cứng nặng, không đáp ứng với điều trị thông thường. Do ít sử dụng ở Việt Nam nên hình thức này không được thảo luận trong bài này.

ThuốcLiều uốngNhận xét
Baclofen (Lioresal, Kemstro)Người lớn: 5 mg ban đầu; tăng 5 mg cách nhau 3 ngày theo yêu cầu; liều khuyến cáo tối đa là 80 mg / ngày.
Trẻ em: Không có liều lượng cụ thể cho trẻ em; liều người lớn phải được giảm theo kích thước và tuổi của trẻ em.
Hiệu quả trong điều trị co cứng do tổn thương tủy sống (so với tổn thương não).
Dantrolene natri (Dantrium)Người lớn: 25 mg / ngày ban đầu; tăng 25 mg / ngày sau mỗi 4-7 ngày cho đến khi quan sát thấy đáp ứng mong muốn; liều khuyến cáo tối đa là 400 mg / ngày chia làm 4 lần.
Trẻ em (trên 5 tuổi): ban đầu, 0,5 mg / kg thể trọng ngày 2 lần; tăng tổng liều lượng hàng ngày 0,5 mg / kg mỗi 4-7 ngày khi cần thiết, và cho tổng lượng hàng ngày chia làm 4 lần; liều khuyến cáo tối đa là 400 mg / ngày.
Tác động trực tiếp lên tế bào cơ; có thể gây ra yếu chung ở tất cả các cơ xương.
Diazepam (Valium, những loại khác)Người lớn: 2–10 mg ngày 3 đến 4 lần. 
Trẻ em (trên 6 tháng tuổi): 1–2,5 mg tid hoặc qid 
Gây an thần ở liều giảm co cứng
Gabapentin (Neurontin)Người lớn: ban đầu, 300 mg ngày 3 lần. Có thể tăng dần lên đến 3.600 mg / ngày dựa trên đáp ứng mong muốn.
Trẻ em * (3–12 tuổi): Ban đầu, 10–15 mg / kg thể trọng, chia làm 3 lần; tăng trong 3 ngày cho đến khi đạt hiệu quả mong muốn hoặc tối đa là 50 mg / kg / ngày.
Là một loại thuốc chống co giật; cũng có thể hữu ích trong điều trị co cứng liên quan đến tổn thương tủy sống và bệnh xơ cứng rải rác.
Tizanidine (Zanaflex) Người lớn: 4 mg mỗi 6-8 giờ ban đầu (không quá 3 liều mỗi 24 giờ); tăng 2-4 mg / liều lên đến 8 mg / liều hoặc 24 mg / ngày.
Trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của thuốc này trong điều trị co cứng ở trẻ em chưa được thiết lập.
Có thể làm giảm sự co cứng trong các rối loạn tủy sống đồng thời ít tác dụng phụ hơn và ít gây yếu cơ toàn thân hơn so với các thuốc khác (ví dụ, baclofen uống, diazepam).
Bảng 2. CÁC THUỐC CHỐNG CO CỨNG

 * Liều chống co giật

Tác dụng phụ

Khi bắt đầu điều trị bằng baclofen, tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn ngủ thoáng qua, thường mất đi sau vài ngày. Thuốc ít có tác dụng phụ khác ở bệnh nhân tổn thương tuỷ sống.

Khi sử dụng ở bệnh nhân đột quỵ hoặc cho những người cao tuổi, đôi khi có thể gây lẫn lộn và ảo giác. 

Các tác dụng phụ khác, xảy ra tuỳ người, bao gồm mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, yếu cơ và đau đầu. Việc ngừng sử dụng baclofen đột ngột cũng có thể gây ra các triệu chứng cai như tăng thân nhiệt, ảo giác và co giật.

Dantrolene Sodium

Thuốc giãn cơ duy nhất hiện tại có tác dụng trực tiếp lên tế bào cơ vân là dantrolene sodium (Dantrium). Thuốc này hoạt động bằng cách gắn với thụ thể ryanodine loại 1, nằm trên các kênh canxi trong lưới tương cơ (tương bào cơ vân – sarcoplasmic reticulum) của cơ vân. Khi gắn với các thụ thể này, dantrolene ức chế sự mở kênh và giải phóng canxi từ lưới tương cơ chất trong tế bào cơ khi bị kích thích (Hình 13-3). Bình thường khi bị kích thích bởi điện thế hoạt động, canxi được giải phóng từ nơi dự trữ ở các tương cơ này làm khởi phát sự liên kết (bắt cầu) của các tơ cơ và gây co cơ (cơ chế trượt). Thông qua ức chế giải phóng canxi, dantrolene làm giảm sự co cơ và do đó giúp tăng cường thư giãn.

Dandrolene

Hình 2. Cơ chế hoạt động có thể có của natri dantrolene (Dantrium). Dantrolene chặn các kênh trong mạng lưới tương bào cơ vân, do đó cản trở giải phóng canxi lên các sợi co thắt (actin, myosin). Sự co cơ bị giảm vì có ít canxi hơn cho quá trình bắt cầu giữa các sợi actin và myosin.

Sử dụng

Dantrolene thường có hiệu quả trong điều trị co cứng nặng, bất kể bệnh lý nguyên nhân. 

Thuốc có thể làm giảm tình trạng co cứng ở những bệnh nhân bị tổn thương tuỷ sống, MS giai đoạn nặng, bại não hoặc đột quỵ. 

Dantrolene không được kê đơn để điều trị co thắt cơ do chấn thương cơ xương.

Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp nhất của dantrolene là yếu cơ toàn thân; bởi vì dantrolene làm giảm giải phóng canxi ở các cơ xương khắp cơ thể, không chỉ ở các mô bị tăng tính kích thích. Vì vậy, việc sử dụng dantrolene đôi khi phản tác dụng (dù giảm co cứng nhưng bù lại bị yếu vận động toàn thân). 

Thuốc này cũng có thể gây nhiễm độc gan, và các trường hợp viêm gan nặng đã được báo cáo.

Các tác dụng phụ khác, ít nghiêm trọng hơn đôi khi xảy ra trong vài ngày đầu điều trị bao gồm buồn ngủ, chóng mặt, buồn nôn và tiêu chảy, nhưng thường chỉ thoáng qua.

Diazepam

Như đã nêu ở trên, diazepam có hiệu quả giảm co cứng cũng như co thắt cơ vì nó làm tăng tác dụng ức chế GABA ở thần kinh trung ương.

Sử dụng

Diazepam được sử dụng cho bệnh nhân co cứng do tổn thương tuỷ sống và đôi khi có hiệu quả ở bệnh nhân bại não.

Tác dụng phụ

Việc sử dụng diazepam như một thuốc chống co cứng bị hạn chế bởi tác dụng an thần của thuốc nó. Sử dụng thuốc kéo dài cũng có thể gây ra tình trạng dung nạp và lệ thuộc thể chất. Tuy nhiên, diazepam có thể là một lựa chọn cho một số bệnh nhân bị co cứng nhẹ hoặc là thuốc hỗ trợ cho các loại thuốc chống co cứng khác.

Gabapentin

Được phát triển ban đầu như một loại thuốc chống động kinh, gabapentin (Neurontin) cũng đã cho thấy tác dụng hứa hẹn trong điều trị co cứng. Loại thuốc này ban đầu được cho là gây ức chế tủy sống thông qua tác động lên các thụ thể GABA, nhưng gabapentin có thể hoạt động bằng cách ức chế dòng canxi đi vào ở các đầu dây thần kinh trước synap, nơi giải phóng glutamate và các chất dẫn truyền thần kinh kích thích khác. Luồng canxi đi vào các đầu tận cùng synap thường tạo điều kiện giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh tại các synap. Thông qua ức chế dòng canxi, gabapentin làm giảm giải phóng chất dẫn truyền thần kinh kích thích trước/tiền synap, do đó làm giảm mức độ kích thích ở hệ thần kinh trung ương. Sự giảm kích thích toàn thể này được cho là làm giảm hoạt tính của tế bào thần kinh vận động alpha và tiếp theo tạo sự thư giãn cơ vân. Tuy nhiên, cơ chế chính xác mà loại thuốc này tạo nên tác dụng chống co cứng vẫn còn đang được nghiên cứu.

Sử dụng

Gabapentin có hiệu quả trong giảm sự co cứng liên quan đến tổn thương tủy sống và bệnh đa xơ cứng. Gabapentin cũng hữu ích trong điều trị các loại đau thần kinh khác nhau. Do đó, thuốc này có thể mang lại lợi ích kép ở những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh gây co cứng và đau thần kinh mạn tính. 

Tác dụng phụ 

Tác dụng phụ chính của thuốc này là an thần, mệt mỏi, chóng mặt và thất điều.

Tizanidine

Tizanidine (Zanaflex) được phân loại như một chất chủ vận alpha-2 adrenergic, có nghĩa là nó liên kết có chọn lọc với các thụ thể alpha-2 trong hệ thần kinh trung ương và kích thích chúng. Các thụ thể alpha-2 được tìm thấy ở nhiều vị trí khác nhau trong não và tủy sống, bao gồm màng trước synap và sau synap của các tế bào thần kinh trung gian (interneurons) ở tủy sống kiểm soát khả năng hưng phấn của tế bào thần kinh vận động alpha. 

Kích thích các thụ thể alpha-2 này ức chế việc kích hoạt các neuron trung gian chuyển tiếp thông tin đến neuron vận động alpha (các neuron trung gian này thuộc các cung phản xạ đa synap trong tủy sống). 

Do đó, Tizanidine dường như có tác dụng chống co cứng qua việc kích thích các thụ thể alpha-2 trên các đầu tận cùng trước và sau synap của các neuron trung gian ở tuỷ sống. Sự kích thích này làm giảm sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh kích thích từ các đầu tận cùng trước synap (ức chế tiền synap) và giảm tính hưng phấn của tế bào thần kinh sau synap (ức chế hậu synap). Sự ức chế các neuron trung gian ở tủy sống dẫn đến giảm kích thích lên tế bào thần kinh vận động alpha, sau đó giảm sự co cứng ở những cơ xương do nơron đó cung cấp.

Sử dụng

Tizanidine được sử dụng chủ yếu để kiểm soát tình trạng co cứng do tổn thương tuỷ sống (ví dụ: xơ cứng rải rác, chấn thương tủy sống), và thuốc này cũng có thể có hiệu quả trong điều trị co cứng ở những người bị tổn thương não (ví dụ: đột quỵ, chấn thương não mắc phải) .

Tuy nhiên, do có một số quan ngại rằng tizanidine có thể làm chậm quá trình phục hồi tế bào thần kinh sau chấn thương não, vì vậy một số thầy thuốc không muốn sử dụng thuốc này trong giai đoạn cấp tính của đột quỵ hoặc chấn thương sọ não.

Bởi vì nó có thể ức chế đường dẫn đau trong tủy sống, tizanidine cũng đã được sử dụng để đau đầu mạn tính điều trị và các loại đau mạn tính khác (ví dụ, đau xơ cơ, hội chứng đau vùng phức tạp…). 

Khi sử dụng như một thuốc chống co cứng, tizanidine dường như có hiệu quả tương đương baclofen hoặc diazepam đường uống, nhưng tizanidine nói chung có tác dụng phụ nhẹ hơn và ít gây ra tình trạng yếu cơ toàn thân hơn so với các thuốc khác.

Tác dụng phụ 

Các tác dụng phụ thường gặp nhất liên quan đến tizanidine bao gồm an thần, chóng mặt và khô miệng. Do ít làm yếu cơ toàn thân, tizanidine có thể là một lựa chọn tốt hơn so với baclofen hoặc diazepam ở những bệnh nhân cần giảm co cứng trong khi duy trì đủ sức mạnh cơ để dịch chuyển, đi lại …

SỬ DỤNG BOTULINUM ĐỂ LÀM GIÃN CƠ

Tiêm độc tố botulinum là một phương thức mới để kiểm soát tình trạng kích thích quá mức của cơ cục bộ. Độc tố botulinum là một dạng tinh khiết của độc tố gây ngộ độc thịt (botulism). Sử dụng toàn thân của chất độc này có thể cực kỳ nguy hiểm hoặc gây tử vong vì nó ức chế sự giải phóng acetylcholin từ các đầu tận cùng trước synap ở điểm nối thần kinh cơ xương. Mất giải phóng acetylcholine trước synap dẫn đến liệt sợi cơ tương ứng. Do đó, độc tố botulinum toàn thân có thể gây tê liệt lan rộng, bao gồm mất chức năng cơ hô hấp. Tuy nhiên, việc tiêm vào các cơ khu trú có thể cô lập độc tố bên trong các cơ này, tạo ra các tác dụng cục bộ có lợi đối với một số dạng kích thích quá mức của cơ.

Cơ chế hoạt động

Độc tố botulinum bị thu hút bởi các glycoprotein nằm trên bề mặt của đầu tận cùng trước synap ở điểm nối thần kinh cơ của xương. Sau khi gắn vào màng, độc tố sẽ đi vào đầu tận cùng trước synap và ức chế các protein dung hợp (fusion protein) cần thiết để giải phóng acetylcholine (cụ thể là receptor SNARE). Cơ bị ảnh hưởng sẽ bị liệt ở một mức mức độ nào đó và thư giãn vì chất độc ngăn cản sự giải phóng acetylcholine.

Thông qua tác động trực tiếp lên tính kích thích của cơ, độc tố botulinum cũng có thể có các tác dụng sinh lý thần kinh khác ở mức tủy sống – tức là làm giảm co cứng có thể dẫn đến những thay đổi sinh lý thần kinh phức tạp ở tủy sống, cuối cùng dẫn đến việc kiểm soát chức năng vận động bình thường hơn ở cả cơ được tiêm và cơ đối vận của nó. Nói cách khác, sự giảm luồng truyền hướng tâm quá mức từ cơ bị co cứng có thể giúp thiết lập lại cơ mức độ kích thích hợp lý hơn ở mức tủy sống, do đó cải thiện luồng truyền ly tâm đến các cơ được tiêm và cơ đối vận.

Ngoài ra, các nghiên cứu từ mô hình động vật cho thấy rằng khi độc tố botulinum được tiêm vào cơ xương, chất này cuối cùng có thể đi đến hệ thần kinh trung ương qua vận chuyển trong tế bào thần kinh vận động, thông qua một quá trình được gọi là vận chuyển ngược trụ trục (retrograde axonal transport). Botulinum cũng có thể được vận chuyển từ các neuron vận động đến các neuron khác ở tuỷ sống và đến các cấu trúc hệ thần kinh trung ương cao hơn bằng các đường hướng tâm bên trong tủy sống. Những phát hiện này cho thấy độc tố botulinum có thể không chỉ ảnh hưởng đến sự dẫn truyền tại điểm nối thần kinh cơ mà còn có thể thay đổi sự dẫn truyền thần kinh trong hệ thần kinh trung ương.

Botulinum toxin

Hình 3. Cơ chế hoạt động của độc tố botulinum tại điểm nối thần kinh cơ. Tại một synap bình thường (hình bên trái), các protein dung hợp kết nối các túi chứa acetylcholine (ACh) với màng trước synap, và ACh được giải phóng qua quá trình xuất bào. Độc tố botulinum (đại diện bởi chữ “BTX” ở bên phải) liên kết với đầu tận cùng trước synap và đi vào đầu tận cùng, tại đó nó phá hủy các protein dung hợp để ACh không thể được giải phóng.

Sử dụng Botulinum Toxin trên lâm sàng 

Hiện có hai loại độc tố botulinum sử dụng trong lâm sàng: độc tố botulinum loại A và B. Các loại này hơi khác nhau về hóa học, thời gian tác dụng, v.v. Loại điều trị phổ biến nhất được sử dụng là loại độc tố botulinum A (Botox, Dysport). Độc tố botulinum loại B (Myobloc) có thể hữu ích ở những bệnh nhân phát sinh miễn dịch với độc tố dạng A. 

Độc tố botulinum đã được sử dụng để kiểm soát chứng loạn trương lực cơ (dystonia) khu trú, bao gồm các tình trạng như vẹo cổ do co thắt (spasmodic torticollis), co thắt mi mắt (blepharospasm), loạn trương lực cơ thanh quản, lác và một số dạng loạn trương lực khu trú khác. Khi được sử dụng điều trị, một lượng nhỏ độc tố này được tiêm vào trực tiếp vào các cơ loạn trương lực, và các cơ này bắt đầu thư giãn trong vòng vài ngày đến 1 tuần. Kỹ thuật này tương đối an toàn và hiệu quả ở nhiều bệnh nhân, nhưng tác dụng có thể chỉ là tạm thời. Các triệu chứng thường trở lại trong vòng 3 tháng sau mỗi lần tiêm, do đó cần phải điều trị tiếp. Kỹ thuật này phù hợp để điều trị bệnh nhân loạn trương lực và co thắt cục bộ nặng nề, trầm trọng.

Độc tố botulinum cũng được sử dụng để giảm sự co cứng ở các cơ hoặc nhóm cơ cụ thể ở một số rối loạn khác nhau, bao gồm bại não, chấn thương sọ não, đột quỵ và chấn thương tủy sống. Cũng như điều trị loạn trương lực cơ khu trú, botulinum được tiêm trực tiếp vào các điểm vận động ở các cơ chọn lọc. 

  • Giảm co cứng do tiêm botulinum có thể thể tạo điều kiện cho chức năng vận động. Ví dụ, sử dụng độc tố botulinum một cách hợp lý có thể dẫn đến cải thiện dáng đi và các hoạt động chức năng khác ở một số bệnh nhân bị bại não, đột quỵ hoặc chấn thương sọ não chọn lọc. 
  • Ngay cả khi chức năng vận động không cải thiện đáng kể, giảm co cứng ở những cơ bị co cứng nặng có thể có những lợi ích cơ xương khác. Ví dụ, tiêm độc tố botulinum có thể làm giảm sự co cứng để tập kéo dãn các cơ hoặc để bó bột hiệu quả hơn, do đó giúp ngăn ngừa co rút khớp và giảm nhu cầu phẫu thuật như kéo dài gân gót chân.
  • Tiêm botulinum cũng cho phép bệnh nhân đeo và sử dụng các thiết bị chỉnh hình hiệu quả hơn. Tiêm vào cơ tam đầu cẳng chân có thể cải thiện việc mang AFO và chức năng dáng đi. 
  • Tiêm vào các cơ co cứng nặng ở chi trên cũng có thể làm giảm khó chịu và cải thiện chăm sóc, khả năng thực hiện sinh hoạt hàng ngày. 

Các sử dụng khác:

  • Tiêm độc tố botulinum trực tiếp vào cơ detrusor bàng quang hoặc cơ thắt ngoài niệu đạo có thể sử dụng với bàng quang (thần kinh) tăng phản ứng sau chấn thương tủy sống. Tương tự như vậy, tiêm độc tố botulinum vào cơ detrusor bàng quang có thể giúp giảm tỷ lệ mắc chứng tiểu không tự chủ do áp lực ở những người mắc hội chứng bàng quang hoạt động quá mức vô căn không đáp ứng với thuốc uống và các can thiệp khác. 
  • Độc tố botulinum cũng được sử dụng để điều trị bệnh nhân đau mạn tính, bao gồm đau đầu mạn tính, đau nửa đầu, đau lưng, đau thần kinh … 
  • Sử dụng độc tố botulinum tại chỗ cũng phổ biến trong lĩnh vực thẩm mỹ. Tiêm độc tố botulinum vào các cơ mặt cụ thể có thể làm liệt các cơ này, do đó làm giảm các nếp nhăn quanh mắt, miệng, …
  • Việc sử dụng loại can thiệp này có thể có ích trong nhiều tình huống lâm sàng khác nhau và cần được nghiên cứu thêm.
Quan điểm truyền thống: Botox trong bàn chân ngựa do co cứng: giảm trương lực cơ
Quan điểm hiện tại – Botox trong bàn chân ngựa do co cứng: gây teo cơ

Theo: Botulinum Toxin in the Management of Children with Cerebral Palsy. Pediatric Drugs (2019) 21:261–281

Hạn chế và Tác dụng phụ

Độc tố botulinum không chữa được co cứng, và có một số hạn chế trong việc sử dụng nó. Đặc biệt, chỉ có thể sử dụng một lượng hạn chế độc tố botulinum trong mỗi lần tiêm. 

Tổng lượng độc tố botulinum loại A được tiêm trong mỗi đợt điều trị thường là từ 200 đến 300 đơn vị ở người lớn, và giảm tương ứng với trẻ em, tùy thuộc vào kích thước và độ tuổi của trẻ.

Liều thông thường của botulinum dạng B là 2.500 đến 5.000 đơn vị. Những liều này thường đủ thấp để giữ khu trú trong cơ được tiêm và không lan ra quá xa vị trí tiêm. Hơn nữa, liều lượng cao hơn của các chế phẩm độc tố botulinum truyền thống có thể gây ra phản ứng miễn dịch, tạo ra các kháng thể chống lại độc tố. Đợt điều trị tiếp theo sẽ không hiệu quả vì hệ thống miễn dịch của bệnh nhân sẽ nhận ra và bất hoạt độc tố. (Một loại độc tố botulinum mới hơn loại A được gọi là inc botulinum toxin A (Xeomin) ít gây phản ứng miễn dịch hơn).

Bởi vì chỉ một lượng nhỏ độc tố botulinum có thể được tiêm an toàn tại một thời điểm, số lượng cơ có thể được điều trị thường giới hạn ở một hoặc hai nhóm cơ.

Ngoài ra, tác dụng làm giãn cơ của độc tố thường là tạm thời và thường giảm đi trong vòng 2 đến 3 tháng sau khi tiêm. Tác dụng giảm đi vì một đầu tận cùng tiền synap mới “mọc lên” từ sợi trục có chứa đầu cuối tiền synap ban đầu bị ảnh hưởng. Đầu cuối mới này phát triển xuống phía dưới, gắn lại với cơ và tạo nên một bản vận động mới với nguồn acetylcholine Thực tế này đặt ra câu hỏi là có thể lặp lại bao nhiêu lần chu kỳ tiêm một cách an toàn và hiệu quả. Tại thời điểm hiện tại, không có giới hạn rõ ràng nào về số lần có thể tiêm vào cơ, tất nhiên, với điều kiện thời gian đủ trôi qua giữa mỗi loạt tiêm.

Sử dụng độc tố botulinum có tỷ lệ tác dụng phụ nghiêm trọng rất thấp khi được sử dụng đúng với liều điều trị. Tuy nhiên, các tác dụng phụ nặng và thậm chí tử vong có thể xảy ra nếu chất độc không được sử dụng đúng cách hoặc nếu nó vô tình xâm nhập vào mạch máu và được đưa vào tuần hoàn hệ thống. Do đó, bác sĩ điều trị cần cảnh giác các dấu hiệu cho thấy độc tố botulinum không được giữ lại tại chỗ tiêm và có thể gây ra các tác dụng toàn thân. Những tác động như vậy bao gồm yếu cơ toàn thân, khó nói hoặc nuốt và suy hô hấp.

Mặc dù hiếm gặp, độc tố botulinum cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng toàn thân, biểu hiện bằng các triệu chứng hô hấp (ví dụ, phù thanh quản, thở khò khè, ho, khó thở) hoặc phản ứng da (ví dụ: phát ban, ngứa, mày đay).

DƯỢC LỰC HỌC

Hầu hết các thuốc giãn cơ được hấp thu khá dễ dàng qua đường tiêu hóa, và đường uống là dạng sử dụng thuốc phổ biến nhất. Trong những trường hợp co thắt nặng, một số loại thuốc như methocarbamol và orphenadrine có thể được tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch để cho tác dụng nhanh hơn. Tương tự, có thể tiêm diazepam và dantrolene để điều trị co cứng nếu cần bắt đầu tác dụng nhanh hơn.

Chuyển hóa của các thuốc giãn cơ thường được qua các enzym ti thể ở gan, và các chất chuyển hóa hoặc thuốc còn nguyên vẹn được thải trừ qua thận.

Trích dịch có sửa đổi từ :
Pharmacology in Rehabilitation, Fifth Edition. Charles D. Ciccone. F. A. Davis Company. 2016.

👋 Chào bạn!

Hãy nhập địa chỉ email của bạn để đăng ký theo dõi blog này và nhận thông báo về các bài mới qua email mỗi tuần.

MinhdatRehab

2 bình luận về “CÁC THUỐC LÀM GIÃN CƠ”

  1. thưa thầy, em thấy thuốc eperisone cũng hay được sử dụng mà không thấy thầy liệt kệ trong danh sách này, không biết lý do tại sao, nhờ thầy giải đáp, em cám ơn!

    Trả lời
    • Chào em,
      Thư mục thuốc ở trang hiện mới chỉ 1 bài, do ad nhác cập nhật, có lẽ sẽ lưu ý hơn trong thời gian tới.
      Về các thuốc giãn cơ, được chia thành các thuốc giảm co thắt (thuốc em đề cập), thuốc liệt cơ, và thuốc giảm co cứng (hay dùng).
      Các thuốc giảm co thắt thì tác dụng và chỉ định ngắn hạn, hầu như rất ít minh chứng có giá trị về hiệu quả. Do đó, chỉ khuyến cáo sử dụng ngắn hạn, trong các trường hợp đau, căng cơ. FDA chỉ chấp thuận vài ba thuốc thôi, không có eperisone, và hạn chế chỉ định. VN mình thì dùng đại trà, đôi khi kéo dài, do quảng cáo của các hãng thuốc, không có nghiên cứu sử dụng có giá trị…

      Trả lời

Gởi bình luận

Xin lỗi. Bạn không thể sao chép nội dung ở trang này